The Choosing Self: Developing the Meta-Role Functions
Tác giả: ADAM BLATNER, M.D.
Nguồn: Bài đăng trên AdamBlatner Website – 2/5/2006
Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.
Tôi (tác giả) tiếp cận với ý tưởng này theo một cách hơi khác với nội dung trong tuyển tập sắp tới về “Những Học thuyết Nâng cao về Tâm kịch” sẽ ra mắt trong năm sau bởi nhà xuất bản Routledge. Những nội dung này cũng liên quan đến ý tưởng của những bài viết khác cũng trên trang web này, đặc biệt là về Tương quan Động lực giữa các Vai trò (Role Dynamics).
Con người có rất nhiều vai trò, và một loại vai trò đặc biệt khác với hầu hết những vai trò khác, và cũng là một phần của bản ngã, hoạt động giống như một “điều phối viên” của tất cả những vai trò khác, còn gọi là “bản ngã lựa chọn” (choosing self), “viên quản lý bên trong” (inner manager), nhà lãnh đạo tự thân (self-leader) hoặc nói theo thuật ngữ kịch nghệ thì như là một người “đạo diễn hoặc nhà soạn kịch bên trong” (inner director / playwright) (chẳng hạn khi ta xem cuộc sống như là việc tham gia vào hoạt động kịch ứng tác trên sân khấu). Bằng cách gọi tên vai trò này, ta sẽ làm cho chức năng ẩn ngầm của nó trở nên nổi trội, và bắt đầu bộc lộ cách nó hoạt động tốt như thế nào, tách biệt với các vai trò. Đây là cách lùi lại một chút, giúp mọi người tự phản ánh bản thân nhiều hơn.
Vấn đề của meta-role (Vai trò giữ quyền điều phối các vai trò – ND) là nó có khuynh hướng vận hành giống như một nhà quản lý có tính quan liêu, chỉ đang duy trì cùng một thủ tục được học từ nhiều năm trước. Theo ngôn từ trong học thuyết của Alfred Adler về tâm lý học cá nhân, đây là “phong cách sống” tổng quát (general "style of life"), một tập hợp các cơ chế ứng phó được định đặt từ trong những năm đầu và giữa của thời thơ ấu, để đương đầu với cuộc sống như cách mà bản thân nhận thức về nó. Tuy vậy, vấn đề là ở chỗ những chương trình, nguyên tắc, thói quen trong suy nghĩ và những cảm nhận này phần lớn đã lỗi thời. Hầu hết mọi người đều lớn lên từ gia đình gốc, và ngay cả từ những nền “tiểu văn hóa” (sub-culture) mà họ đã sống và lớn lên. Họ học những kỹ năng mới và không còn dễ bị tổn thương như lúc còn nhỏ. Họ không còn cần đến những mô hình đã ăn sâu về sự tự lừa dối và phòng vệ cho bản thân nữa (those chronic patterns of self-deception and defensiveness).
Trong tương quan động lực giữa các vai trò (role dynamics), mà tôi đã phát triển một cách có hệ thống việc ứng dụng lý thuyết vai trò (role theory), hãy lưu ý về sự hữu ích của việc gọi tên và phát triển một cách có ý thức những kỹ năng thành phần khác nhau của meta role. Đây là một tác vụ chưa bao giờ được hoàn tất. Nó hướng đến gia tăng mức độ sáng tạo, tự nhiên, cân bằng, thông tuệ, trách nhiệm và năng lực.
Hầu hết mọi người thường yếu kém trong vận hành chức năng tự quản lý của meta-role, và thường sẽ có một số lĩnh vực bị mất chức năng hoặc kém thành thục. Trong quá trình trị liệu hoặc phát triển cá nhân, không nên chỉ phân tích những gì được xem là vấn đề và nỗ lực giải quyết chúng, mà theo nghĩa rộng hơn, cá nhân ấy còn phải sử dụng cơ hội này để học những kỹ năng có liên quan như phân tích, giải quyết vấn đề… để ứng phó tốt hơn với những tình huống xuất hiện bất ngờ trong tương lai. Vì vậy, khi sự xung đột vai trò (role conflict) được giải quyết thì những chức năng của meta-role cũng được củng cố.
NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA META-ROLE
Dưới đây là một số thể loại về khả năng điều khiển bản thân (self-governance). Hiển nhiên là tôi có thể thêm vào danh sách này với những phản hồi bổ sung của các bạn. Trong những thể loại này, có thể định danh rất nhiều những kỹ năng thành phần có tính bổ sung lẫn nhau (subsidiary component skills). Tôi cũng cho là có thể nghĩ ra thêm nhiều điều hơn nữa. Quan trọng hơn đó là cách xếp loại này chỉ như một sản phẩm được hoàn tất với những ý tưởng chung được tập hợp lại – ý nghĩa về các chức năng của meta-role vẫn đang trong sự phát triển không ngừng, trữ lượng các kỹ năng của nó vẫn có thể được mở rộng và tinh chỉnh thêm.
Cái Ấy đến đâu, cái Tôi đến đó. (Where Id was, so shall ego be) – Sigmund Freud.
Hãy phát biểu thêm về điều này:
Chức năng của cái tôi vô thức đến đâu, cái tôi ý thức đến đó.
Cái tôi non nớt đến đâu, cái tôi trưởng thành đến đó.
Năng lực vừa nhận đủ đến đâu, sự thành thạo và khôn ngoan đến đó.
Meta-self được phát triển, người “giám đốc điều hành bên trong” (inner CEO), đáp ứng những chức năng vai trò sau:
1, Kết nối với phần “bản ngã cao hơn” (higher self) thông qua việc sáng tạo huyền thoại, triết lý, hình dung (imagery), đức tin (faith), tinh thần, do đó sẽ đạt đến niềm an ủi và một cảm nhận về mục đích và phương hướng. Điều này thể hiện một sự chuyển đổi có ý thức của chức năng cái siêu tôi hướng đến cái tôi lý tưởng – một chủ đề sẽ được nhấn mạnh sau.
2, “Sự thông thái” có tính hợp nhất (Integrating “Wisdom”) – một sự định hướng hơi thiên về não trái hơn cho những ý tưởng nêu trước đó, một sự phát triển một sơ đồ ý nghĩa và mở ra những điều hiển nhiên như là sự chấp nhận, sự từ bỏ, ý chí quyết tâm, sự tách bạch, tinh thần kỷ luật và những thứ tương tự.
3, Kiểm tra các mối quan hệ liên cá nhân, để điều chỉnh mối quan hệ tối ưu trong mạng lưới xã hội của một người, bao gồm những yếu tố như (a) Tạo nên những ranh giới và bảo đảm sự tiếp cận được; (b) Điều chỉnh tính quyết đoán và những cơn giận; (c) Phát triển kỹ năng xin lỗi hiệu quả và biết cách tha thứ.
4, Quyết định một cách rõ ràng, nhưng đúng với tiến trình. Bao gồm tất cả những sự góp phần của chính mình và người khác hơn là kềm nén hoặc né tránh chúng; thừa nhận thất bại của những ảo tưởng và khao khát có tính non kém, chứ không để chúng vận hành cuộc đời mình. Việc này bao gồm sự thúc đẩy những “đối thoại bên trong” (inner dialogue) hoặc nói ra những nội dung một cách hiệu quả với sự thấu cảm.
5, Giữ sự tỉnh táo trước những cám dỗ của những phần thấp hơn trong ý thức; bao gồm học cách nhận ra sự thao túng của phần tinh thần non kém và những suy nghĩ chưa trưởng thành, những niềm tin đã lỗi thời, và sự khái quát hóa quá mức những phán xét về giá trị.
6, Sự cân bằng – Chú tâm vào các khoảng thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai, những suy nghĩ, cảm nhận, hình dung và thực hành – những kỹ năng của Magus(Các pháp sư hoặc các thầy tế lễ thời cổ ở Ba Tư, Hy Lạp, La Mã – ND); và những sự việc có tính nhị nguyên khác.
7, Duy trì sinh khí, thông qua tự bộc lộ, thông qua môi trường nghệ thuật, kịch nghệ, thơ ca, âm nhạc… tận hưởng sự sáng tạo mang tính vui thú, hài hước.
8, Một sự tham gia mang tính chính trị, bao gồm xem xét những cách thức (thúc đây những hành động mạnh mẽ) hướng đến những mục đích mới, hướng đến những vấn đề xã hội, những tình thế lưỡng nan về đạo đức, và tham gia vào việc thảo luận. Mục tiêu là tạo xúc tác cho những cuộc thảo luận mang tính cảnh báo thay vì thờ ơ và né tránh.
9, Thực hiện bước khởi đầu.
10, Cho đi, mở rộng, tham gia vào cuộc sống một cách nhiệt tình, duy trì sự cân bằng…
Đây là một số ý tưởng về những kỹ năng mà một “đạo diễn bên trong” (inner director) hoặc meta-role cần phải học hỏi.
LỜI KẾT
Một cách khác để suy nghĩ về bản danh sách này đó là nó chỉ đưa ra định hướng chung về nhu cầu trở nên lành mạnh thật sự về mặt tinh thần. Sự lành mạnh nên được chú ý, không chỉ là không có bệnh, mà, trong trường hợp này, còn là thực hiện việc mở rộng những hoạt động có ảnh hưởng tích cực lên sự tăng trưởng, thích nghi, nghị lực vượt khó, và sự can cường của con người. Con người sử dụng vai trò lành mạnh của họ để bù đắp cho những vai trò thiếu lành mạnh của họ và đồng thời cũng thông báo về những vai trò đó.
Nói cách khác, bạn càng ý thức về thực tế rằng bạn đang đảm nhận những vai trò, bạn càng trở nên có khả năng đảm nhận những vai trò đó một cách có mục đích, và cũng có nghĩa là bạn có thể sáng tạo hơn với những vai trò của bạn trong cuộc sống. Bạn có thể đảm nhận theo cách bạn đảm nhận những vai trò này (You can play with the way you play the roles), đang thực nghiệm sự thực thi này. Điều này cho phép bạn khám phá những hành vi nào hiệu quả hơn và những hành vi, thái độ, cùng những giả định nào ít hiệu quả để có thể bị loại trừ.
Tóm lại, khả năng suy nghiệm về bản thân và những việc làm thiên về điều này, được gọi là một sự “sẵn lòng khai mở tâm trí” (Tạm dịch từ “psychological mindedness”). Trong thuật ngữ kịch nghệ, khi một người còn nghĩ rằng mình đang đóng vai và chưa hoàn toàn đồng hoá mình với sự diễn xuất vai ấy, tình huống đó được gọi là “chưa nhập vai” (role distance). Khi các vai trò được hình thành, về cơ bản, sẽ có hai cách mô tả khác nhau cho cùng một tương quan động lực. Meta-role – vai trò điều phối các vai trò - được kích hoạt và làm nhiệm vụ đánh giá chức năng của các vai trò đang được đảm nhận.
Adam Blatner sinh năm 1937 tại Los Angeles. Tốt nghiệp Y khoa, ĐH Bang California tại San Francisco. Sau đó, tốt nghiệp chương trình nội trú chuyên khoa tâm thần ĐH Stanford, đi sâu nghiên cứu tâm kịch (psychodrama) và tích hợp nó với các cách tiếp cận tâm lý trị liệu khác. Ông có nhiều năm làm việc trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Ông viết nhiều sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy và biên tập cho nhiều tạp chí chuyên ngành. Chúng ta sẽ tiếp tục nói về ông khi trở lại với đề tài tâm kịch.
Đăng nhận xét