Những phong cách làm cha mẹ: Một hướng dẫn xuyên văn hóa dựa trên bằng chứng
“Parenting styles: An evidence-based, cross-cultural guide”
Tác giả: GWEN DEWAR, Ph.D.
Nguồn: ParentingScience – 2/2018
Lược dịch: TRẦN THỊ THU VÂN– Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non
Khái niệm phong cách làm cha mẹ lần đầu tiên được giới thiệu bởi Daine Baumrind để giải thích sự khác nhau trong những cách cha mẹ nỗ lực kiểm soát và xã hội hóa con mình.
Cha mẹ nên thể hiện tình cảm thật nhiều hay duy trì sự xa cách? Họ mong đợi sự vâng lời mù quáng hay khuyến khích trẻ đặt câu hỏi? Họ nên bắt trẻ tôn trọng những giới hạn hay để trẻ làm khi chúng thoải mái?
Bạn sẽ tìm thấy những thông tin ở đây về 4 kiểu làm cha mẹ cơ bản:
Kiểu cha mẹ quyết đoán (Authoritative parenting), khuyến khích trẻ chịu trách nhiệm, suy nghĩ về chính mình và xem xét những lý do của luật lệ.
Kiểu cha mẹ độc đoán (Authoritarian parenting), mong đợi những trật tự của họ được nghe lời mà không có những câu hỏi và họ dựa trên sự trừng phạt – hoặc đe dọa trừng phạt – để kiểm soát các con.
Kiểu cha mẹ dễ dãi (Permissive parenting), sẵn sàng đáp ứng và thể hiện ấm áp (với những điều tốt đẹp) nhưng miễn cưỡng thực thi những quy tắc (với những điều xấu).
Kiểu cha mẹ không/thiếu quan tâm (Uninvolved parenting), đưa ra một ít sự hỗ trợ tinh thần và không thực thi các tiêu chuẩn về cách hành xử.
Kiểu cha mẹ quyết đoán liên quan đến kết quả tốt nhất cho con cái. Kiểu cha mẹ không/thiếu quan tâm liên quan đến những kết quả tệ nhất. Những nhà nghiên cứu muốn nói gì khi họ nói về những phong cách làm cha mẹ và những phong cách khác nhau này ảnh hưởng đến trẻ nhỏ như thế nào.
HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NHỮNG “PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ”?
Cha mẹ ảnh hưởng lên con cái họ thông qua những hoạt động thực tiễn cụ thể, ví dụ như khuyến khích trẻ chơi ngoài trời hoặc giúp trẻ làm bài tập về nhà.
Nhưng làm cha mẹ không chỉ là một tập hợp những hoạt động cụ thể. Còn phải xét đến cách tiếp cận tổng thể mà cha mẹ thực hiện để hướng dẫn, kiểm soát và xã hội hóa cho con cái của họ nữa. Thái độ của cha mẹ đối với trẻ và bầu khí của quan hệ cảm xúc được tạo ra từ đó liệu sẽ có thể giúp làm nên điều gì?
Chính những mô hình chung – những bầu khí cảm xúc ấy – là thứ mà các nhà nghiên cứu ngụ ý là những “phong cách làm cha mẹ” (Darling và Steinberg, 1993). Và nghiên cứu cũng cho thấy rằng những phong cách làm cha mẹ có ảnh hưởng quan trọng lên cách phát triển của con cái.
BẰNG CÁCH NÀO PHÂN BIỆT SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ?
Đầu thập niên 1960s, nhà tâm lý học Diane Baumrind đã lưu ý rằng ý tưởng về sự kiểm soát của cha mẹ – về những người lớn hành xử như những nhân vật có quyền hành – đã để lại rất nhiều tai tiếng.
Có lẽ bởi vì người ta đánh đồng ý nghĩa giữa “kiểm soát” với việc “nghe lời một cách mù quáng”, trừng phạt nặng tay cùng những hành vi thao túng, độc đoán (Baumrind 1966).
Để tránh nguy cơ độc đoán, nhiếu bậc cha mẹ lại cố gắng đi theo hướng tiếp cận ngược lại. Họ đưa ra rất ít yêu cầu đối với con và né tránh mọi sự kiểm soát của cha mẹ.
Theo Baumrind, có một số lựa chọn giữa hai thái cực này:
Liệu đã không thể có được một sự thỏa hiệp? Một cách tiếp cận chừng mực mà vẫn có thể phát huy tính tự kỷ luật, trách nhiệm và sự độc lập?
Vì vậy Baumrind đưa ra ba phong cách làm cha mẹ khác biệt nhau:
Kiểu cha mẹ độc đoán (Authoritarian parenting): Nhấn mạnh sự vâng lời một cách mù quáng, kỷ luật nghiêm khắc và kiểm soát trẻ thông qua hình phạt – có thể bao gồm cả việc rút bỏ tình thương của cha mẹ.
Kiểu cha mẹ dễ dãi (Permissive parenting): Được đặc trưng bởi sự ấm áp cảm xúc và miễn cưỡng khi thực thi những luật lệ.
Kiểu cha mẹ quyết đoán (Authoritative parenting): Một cách tiếp cận cân bằng hơn trong đó cha mẹ mong đợi trẻ phải thoả một số tiêu chuẩn hành vi nhất định nhưng đồng thời khuyến khích trẻ suy nghĩ về chính mình và phát triển cảm nhận tự chủ.
Những nhà nghiên cứu về sau đã thêm vào phong cách thứ tư, kiểu cha mẹ không hoặc thiếu quan tâm (uninvolved parenting) (Maccoby và Martin 1983).
Cha mẹ thiếu quan tâm cũng giống cha mẹ dễ dãi về sự thất bại của họ trong việc thi hành những tiêu chuẩn. Nhưng không giống như cha mẹ dễ dãi, những cha mẹ thiếu quan tâm không có khả năng thể hiện sự nâng đỡ và ấm áp đối với các con. Ngoài thức ăn và nơi ở, họ có thể chẳng có gì khác để cho con cái của họ.
SUY NGHĨ THEO NHỮNG CÁCH KHÁC
Ngoài việc thêm một danh mục mới vào danh sách ban đầu của Baumrind, những nhà nghiên cứu đã trình bày lại các định nghĩa của bà theo hai chiều kích – “đáp ứng” (responsiveness) và “đòi hỏi” (demandingness).
Chiều kích đáp ứng là “mức độ của việc cha mẹ có chủ ý vun đắp cho tính cá nhân, khả năng tự điều chỉnh và tự quyết đoán của con bằng cách điều hợp, hỗ trợ và chấp thuận với những nhu cầu, đòi hỏi đặc biệt của đứa con.” (Baumrind, 1991)
Chiều kích đòi hỏi ngụ ý về “những yêu cầu mà cha mẹ đặt ra đối với con sao cho họ có thể trở nên hợp nhất trong một gia đình chung, bằng sự trưởng thành của cha mẹ thể hiện qua việc đặt ra những yêu cầu với con, giám sát con, những nỗ lực thực thi kỷ luật và sẵn sàng đương đầu mỗi khi con không vâng lời” (Baumrind, 1991)
Cả hai điều trên đều là những phẩm chất đáng mong muốn, do đó những bậc cha mẹ quyết đoán – vừa có tính đáp ứng vừa có sự đòi hỏi – được xem là phong cách tốt nhất.
Những phong cách khác đã bỏ qua một hoặc hai phẩm chất trên. Kiểu cha mẹ độc đoán đòi hỏi nhưng không đáp ứng. Kiểu cha mẹ dễ dãi đáp ứng nhưng không đòi hỏi. Và kiểu cha mẹ không hoặc thiếu quan tâm thì không có cả đòi hỏi lẫn đáp ứng.
LIỆU MỖI TRƯỜNG HỢP LÀM CHA MẸ ĐỀU PHẢI THUỘC VÀO MỘT TRONG NHỮNG PHONG CÁCH NÀY? LIỆU CHA MẸ KHÔNG THỂ KẾT HỢP NHIỀU PHONG CÁCH VỚI NHAU? HOẶC HOÀN TOÀN KHÔNG PHÙ HỢP CÁCH NÀO THEO PHÂN CHIA NÀY?
Tôi nghĩ câu trả lời rõ ràng là có thể. Cách phân chia này rất hữu dụng, nhưng giống như bất kỳ nỗ lực phân chia hành vi của con người nào thì cũng đều có giới hạn của nó.
Đầu tiên, có những dị biệt về văn hóa thường thấy. Baumrind đã phát triển nên cách hiểu biết về các bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ.
Hơn nữa, những chủ đề bà đề cập hầu hết đều xét trên người da trắng và tầng lớp trung lưu. Trong khi những nhà nghiên cứu từng thành công trong việc ứng dụng cách phân chia này cho những nhóm người thuộc các văn hóa khác, chúng ta vẫn không thể cho rằng chúng phù hợp với tất cả mọi nơi.
Thứ hai, ngay cả khi cách phân chia này phù hợp về văn hóa, cũng vẫn sẽ có sự xoá mờ những ranh giới trong khi phân loại.
Như đã lưu ý ở trên, phong cách làm cha mẹ quyết đoán, trước hết được xem như một kiểu trung bình ở giữa phong cách dễ dãi và độc đoán. Và khi chúng ta nói về ai đó là có tính “đáp ứng” hay là “đòi hỏi”, thì đó chỉ là những cách nói có tính tương đối.
Vì thế bốn phong cách làm cha mẹ về cơ bản được thể hiện trong một liên thể (continuum). Một số bậc cha mẹ có thể bước qua bước lại giữa sự quyết đoán và sự độc đoán. Một số khác lại thấy mình đứng ở ranh giới giữa sự quyết đoán và sự dễ dãi.
Chúng ta vẽ đường ranh giới này ở đâu? Điều này có thể thay đổi từ nghiên cứu này sang nghiên cứu khác.
Khi những nhà nghiên cứu phân loại cha mẹ, họ thường đo lường và ghi điểm mức độ đáp ứng và đòi hỏi.
Kế đó, họ sẽ quyết định mức điểm cao thấp như thế nào để thoả số tiêu chí cho từng loại phong cách làm cha mẹ. Thông thường, những nhà nghiên cứu lựa chọn những điểm giao cắt (cutoffs) bằng cách “thể hiện những điểm số trên một đường cong biểu diễn” – xem xét sự phân phối của những điểm số trong toàn bộ nhóm người tham gia nghiên cứu.
Ví dụ, những nhà nghiên cứu thường định nghĩa cha mẹ “dễ dãi” nếu điểm số “đáp ứng” của họ rơi vào 1/3 phía trên của biểu đồ phân phối và điểm số “đòi hỏi” của họ rơi vào 1/3 phía dưới trong biểu đồ phân phối.
Nếu sự phân phối từ nghiên cứu này sang nghiên cứu tiếp theo – do nhóm nghiên cứu khác nhau – những điểm số giống nhau cũng có thể dẫn đến một cách phân loại khác.
Vấn đề được đặt ra kế tiếp là liệu hành vi được đo lường như thế nào. Bằng cách nào mà nhà nghiên cứu có thể quyết định rằng một bậc cha mẹ có sự đáp ứng ít hay nhiều? Và có sự đòi hỏi ít hay nhiều?
Nhà nghiên cứu thường phán xét dựa trên các bảng hỏi và phụ huynh được yêu cầu đánh giá mức độ đồng ý (hoặc không đồng ý) với những câu hỏi. Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều không rõ ràng được xây dựng trong tiến trình này. Mỗi phụ huynh có thể được phân loại khác nhau phụ thuộc vào cách người ấy so sánh mình với những cha mẹ khác trong nghiên cứu và cách phụ huynh ấy hiểu những ngôn từ trong bảng hỏi như thế nào.
PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ CỦA CON CÁI KHÔNG?
Khi nói đến kết quả ở trẻ nhỏ, thật khó để xác định nguyên nhân. Bằng cách nào chúng ta có thể biết phong cách làm cha mẹ tạo ra những khác biệt, và không liên quan đến những yếu tố khác?
Các nhà nghiên cứu tìm kiếm sự tương quan giữa phong cách làm cha mẹ với kết quả của các con, và sau đó cố gắng kiểm soát những yếu tố khác (như tình trạng kinh tế xã hội) sử dụng để phân tích số liệu.
Những nhà nghiên cứu cũng có thể theo dõi sự phát triển của trẻ theo thời gian và tìm kiếm những bằng chứng về sự thay đổi. Ví dụ, nếu trẻ có khuynh hướng trở nên chống đối xã hội hơn theo năm tháng – thậm chí sau khi kiểm soát những vấn đề hành vi ban đầu của trẻ - đó là những bằng chứng mạnh mẽ hơn mà một phong cách làm cha mẹ ít nhất có phần nào đó chịu trách nhiệm.
Những gì chúng ta có thể biết được từ những nghiên cứu loại này?
* Trẻ em trong những gia đình quyết đoán thường cư xử tốt và thành công ở trường. Trẻ có khuynh hướng lành mạnh về cảm xúc, tháo vát và thành thạo về mặt xã hội.
* Trẻ em trong những gia đình độc đoán dường như theo thời gian gia tăng sự chống đối và những hành vi bướng bỉnh. Trẻ cũng chịu đựng chứng lo âu, trầm cảm hoặc lòng tự tôn kém.
* So với trẻ trong những gia đình độc đoán, trẻ có cha mẹ dễ dãi dường như ít trải nghiệm các vấn đề hành vi. Chúng cũng có thể có một số ít vấn đề về cảm xúc. Nhưng những trẻ này có khuynh hướng khó khăn hơn những trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ quyết đoán, và chúng có thể đạt được ít thành tích ở trường.
* Trẻ trong những gia đình không/thiếu quan tâm tồi tệ nhất ở mọi khía cạnh. Hầu hết thanh thiếu niên phạm tội có những cha mẹ không quan tâm (Steinberg 2001).
NHỮNG KHÁC BIỆT VĂN HÓA
Mặc dù ý tưởng của Baumrind được ứng dụng ở nhiều nơi khác nhau như Brazil, Trung Quốc, Scandinavia, Châu Âu ven Địa Trung Hải và Thổ Nhĩ Kỳ (Martinez và cs, 2007; Zhange, 2017; Turkel và Teser, 2009; Olivari và cs, 2015), bốn phong cách cơ bản không luôn luôn phản ánh những phương pháp nuôi dạy con ở các địa phương đó.
Ví dụ, trong một nghiên cứu về phong cách nuôi dạy con của người Mỹ gốc Hàn, những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hơn 75% trong mẫu không phù hợp với bất kỳ loại tiêu chuẩn nào. (Kim và Rohner, 2002).
Ruth Chao chứng minh rằng phong cách làm cha mẹ độc đoán – được định nghĩa bởi những nhà tâm lý học phương Tây – không có bản đối chiếu chính xác trong cách chăm sóc con cái truyền thống ở Trung Quốc (Chao, 1994).
Có lẽ sự khác biệt văn hóa có thể giải thích tại sao những nghiên cứu khác nhau cho ra những kết quả khác nhau.
Ví dụ, ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu thường xác nhận trẻ nhỏ có cha mẹ dễ dãi có khuynh hướng có kết quả yếu hơn những trẻ có cha mẹ quyết đoán. Nhưng mô hình này không đúng ở tất cả mọi nơi.
Một nghiên cứu về người vị thành niên ở Tây Ban Nha cho thấy rằng trẻ đến từ những gia đình dễ dãi có những hành xử tốt và điều chỉnh tốt giống như trẻ ở những gia đình quyết đoán. Một nghiên cứu quốc tế báo cáo rằng kết quả của phong cách làm cha mẹ dễ dãi cũng tốt như kết quả của phong cách quyết đoán – và đôi khi còn tốt hơn. (Calafat và cộng sự 2014).
Hơn nữa, dường như sự ảnh hưởng lên phong cách làm cha mẹ phụ thuộc vào việc liệu có nên xem một phong cách nào đó là “bình thường” hoặc “chủ đạo” (mainstream) hay không. Chẳng hạn, được nuôi dạy bởi những cha mẹ có phong cách kiểm soát (controlling parent) có liên quan chặt chẽ đến kết quả kém trong những cộng đồng nơi mà cách nuôi dạy con cái như vậy được xem là không điển hình (atypical) (Lansford và cộng sự 2018).
Nhưng có sự nhất quán đáng chú ý khi so sánh phong cách làm cha mẹ quyết đoán với cha mẹ độc đoán. Ở khắp các nền văn hóa, phong cách làm cha mẹ quyết đoán có liên quan một cách hằng định với kết quả tốt hơn ở trẻ em.
Gần đây, phân tích tổng hợp quốc tế của 428 nghiên cứu được công bố, những nhà nghiên cứu cho rằng phong cách làm cha mẹ quyết đoán liên quan đến ít nhất một kết quả tích cực ở mọi khu vực trên thế giới. Ngược lại, phong cách làm cha mẹ độc đoán có liên quan đến ít nhất một kết quả tiêu cực ở trẻ. (Pinquat và Kauser 2018).
TẠI SAO PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ QUYẾT ĐOÁN THƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN SỰ THÀNH CÔNG CỦA TRẺ?
Sau khi cân nhắc mọi thứ, lý do có lẽ là vì phong cách làm cha mẹ quyết đoán liên quan đến một nhóm các phương pháp thực hành cá nhân, có nhiều khả năng tạo ra những người độc lập, có chí cầu tiến, có trách nhiệm với xã hội và biết thích ứng tốt.
Và có lẽ nó phụ thuộc vào – ít nhất là một phần – văn hóa của trường lớp. Khi trường học cũng theo đuổi những nguyên tắc quyết đoán, trẻ nhỏ từ những gia đình quyết đoán có thể có khoảng thời gian dễ dàng hơn để hiểu và đạt được những mong đợi của thầy cô giáo. (Pellerin 2004).
Dường như nhóm bạn đồng trang lứa của trẻ cũng có ảnh hưởng này. Khi Laurence Steinberg và đồng nghiệp đã từng chứng minh điều này, áp lực của bạn đồng trang lứa có thể làm suy yếu những ảnh hưởng có lợi của phong cách làm cha mẹ quyết đoán (Steinberg và cộng sự 1992)
KHI CHA MẸ BẤT ĐỒNG VÀ TRẺ PHẢI NHẬN NHỮNG PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ KHÁC NHAU?
Một số người tự hỏi về điều này? Ví dụ, nếu một cha mẹ duy trì sự dễ dãi, người còn lại có nên thích ứng theo? Hoặc có phải trẻ nhỏ tốt hơn khi có ít nhất một cha mẹ quyết đoán?
Anne Fletcher và cộng sự đề nghị câu hỏi này trong một nghiên cứu trên học sinh trung học Hoa Kỳ. Họ nhận thấy rằng, nhìn chung, tuổi dậy thì tốt hơn khi có ít nhất một cha mẹ quyết đoán – ngay cả khi cha mẹ còn lại dễ dãi hoặc độc đoán (Fletcher và cộng sự 1999). Vì vậy trong trường hợp này, có cha mẹ quyết đoán quan trọng hơn việc có cha mẹ thể hiện sự thống nhất.
PHẢI CHĂNG PHONG CÁCH LÀM CHA MẸ CÓ THỂ GIẢI THÍCH MỌI THỨ? NHỮNG ẢNH HƯỞNG KHÁC LÀ GÌ - NHƯ BẠN ĐỒNG TRANG LỨA? TÍNH KHÍ HOẶC NHÂN CÁCH CỦA TRẺ THÌ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?
Phong cách của cha mẹ là điều quan trọng. Nhưng nó chỉ là một trong số nhiều yếu tố có ảnh hưởng lên phát triển trẻ em. Ví dụ, một nghiên cứu theo dõi hành vi của vị thành niên ở Thụy Điển nhận thấy kiểu cha mẹ quyết đoán có liên quan đến việc sử dụng rượu ít thường xuyên hơn. Nhưng trẻ nhỏ cũng thường chịu ảnh hưởng bởi bạn đồng trang lứa, những hành vi phạm pháp trước đây của trẻ và việc sử dụng rượu (Berge và cộng sự 2016).
Những yếu tố rõ ràng khác là di truyền, điều kiện trước khi sinh và khí chất, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ em. Nhưng tại sao những yếu tố này lại có sức hút mạnh mẽ như vậy? Một phần bởi vì chúng định hình cách chúng ta đáp ứng với trẻ.
Chẳng hạn, xem xét một trẻ sơ sinh với tính cách khó khăn và dễ bị kích động. Vì cách làm cha mẹ mà trẻ nhận được không có gì khác khi trẻ còn bé, trẻ đặc biệt sẽ dễ trở nên bốc đồng và dễ nổi nóng. Nhưng khi trẻ lớn hơn, cha mẹ trẻ sẽ cảm thấy khó khăn. Chẳng thú vị gì khi đối diện với những hành vi của trẻ. Trẻ khiến họ có tâm trạng tồi tệ và họ sớm nhận ra rằng hầu hết những tương tác của họ đều tiêu cực. Họ có thể dễ trừng phạt và độc đoán hơn với trẻ. Hoặc khi thất bại, họ cảm thấy bất lực và từ bỏ việc cố gắng thực thi những tiêu chuẩn.
Dù bằng cách nào, tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng bởi cách cha mẹ hành xử. Họ có thể có ý định thực hành kiểu làm cha mẹ quyết đoán, nhưng tính cách của con thúc đẩy họ chệch hướng. Không chỉ cha mẹ ảnh hưởng lên trẻ. Trẻ cũng ảnh hưởng lên cha mẹ.
Chúng ta có thể xem những bằng chứng đối với hai con đường ảnh hưởng trong một nghiên cứu đã theo dõi khoảng 500 nữ vị thành niên trong thời gian 1 năm (Huh và cộng sự 2006).
Khi bắt đầu nghiên cứu, những nhà nghiên cứu đo lường những vấn đề hành vi bộc phát (externalizing behavior problems) của các bạn nữ ấy (ví dụ: đánh nhau và tham gia các hành vi bất tuân). Họ cũng hỏi những bạn nữ này về cách cha mẹ họ đã nỗ lực giám sát họ và bắt thực thi những luật lệ.
Kết quả ra sao?
Vào lúc đầu, mức độ kiểm soát thấp của cha mẹ không gây ảnh hưởng có ý nghĩa lên sự phát triển sau này của các bạn nữ về những vấn đề hành vi bộc phát.
Nhưng mức độ hạnh kiểm kém lúc ban đầu là một chỉ số tiên báo (predictor) có ý nghĩa trong việc giảm sự kiểm soát của cha mẹ theo thời gian (Huh và cộng sự 2006).
Nói cách khác, cha mẹ dường như từ bỏ - ngừng cố gắng kiếm soát con – nếu con họ bắt đầu chống đối hoặc khó khăn nhiều hơn.
Các tác giả lưu ý, điều này không có nghĩa là cha mẹ có những đứa con khó khăn thì phải nên từ bỏ. Nhưng nó cho thấy rằng một số trẻ nhỏ về bản chất có nhiều khó khăn hơn để xử lý và những vấn đề hành vi của trẻ có thể đẩy cha mẹ đến những thói quen xấu.
Để giúp cho những gia đình như thế, những nhà tham vấn cần nhắm đến hành vi của cả cha mẹ lẫn của trẻ (Huh và cộng sự 2006). Và cha mẹ cần đến những lời khuyên phù hợp với tính khí của con mình.
Đăng nhận xét