NHÌN LẠI TRƯỜNG PHÁI MILAN - Phần 2

Milan Revisited: A Comparison of the Two Milan Schools
Tác giả: SERGIO PIRROTTA - Ed.M., L.C.S.W.
Nguồn: JST – Journal of Systemic Therapy; Volume 3, Issue 4, Dec 1984, Guilford Publication Inc.
Published Online: May 2016, GP - Guilford Press Periodicals

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Luigi Boscolo (trái) và Gianfranco Cecchin (phải)


Xem lại Phần 1

Phần 2

TRÌNH CA A – GIA ĐÌNH BERIO

Trường hợp A – Gia đình Berio. Nhóm trị liệu: The Centro Milanese per lo Studio della Famiglia (tức nhóm Centro của Cecchin và Boscolo)

Trường hợp này được khảo sát bởi nhóm Centro, kết thúc sau 4 phiên trị liệu trong thời gian kéo dài 4 tháng. Đây là gia đình của một phụ nữ 20 tuổi tên Gina bị mắc chứng chán ăn. Những thành viên khác là mẹ, bà Berio, một quá phụ 53 tuổi, quanh năm làm lụng như một người giúp việc cho đến ngày bà sinh đứa con gái út Anna. Anna lúc đó đã 13 tuổi, sinh ra đã bị điếc bẩm sinh. Ông Berio đã tự sát bằng súng trước đó 7 năm. Ngoài ra còn có cậu con trai Vincenzo 24 tuổi vừa tốt nghiệp trường luật và Ettore 28 tuổi, một bác sĩ, đã có gia đình. Chính người con trai cả Ettore đã chuyển gửi gia đình đến trị liệu. Tất cả thành viên đều đến dự phiên trị liệu đầu tiên, ngoại trừ vợ và con gái của Ettore. Ettore chỉ hiện diện khi nhà trị liệu cương quyết mời anh ta đến.

Phiên đầu tiên

Người anh cả Ettore được mời nói trước tiên và đóng vai trò như một bác sĩ đã chuyển gửi gia đình đến trị liệu, anh ta mô tả triệu chứng của Gina, sự khởi phát bệnh cách đó một năm, lịch sử điều trị bao gồm cả những lần phải nhập viện. Gina lúc ấy có cân nặng giảm thấp dưới mức bình thường của cô ấy, rất yếu ớt và hết sức khó chịu. Người mẹ dường như rất gần gũi với cô con gái út Anna, để cho hai anh trai nói hầu hết câu chuyện. Tất cả đều nói về “người bệnh nhân chỉ định” (identified patient) và mô tả sự khó khăn mà họ đương đầu khi lôi kéo cô ấy đến trị liệu, một việc hoàn toàn ngược lại với ý muốn của cô. Sau 15 phút đầu tiên, khoảng thời gian mà qua đó nhà trị liệu cho phép xuất hiện mô hình tương tác của gia đình, ông ấy bắt đầu thay đổi vị thế của mình một cách rõ rệt khi cố gắng gợi mở cuộc đối thoại với người bệnh nhân chỉ định, ngăn không để những người khác nói thay cho cô, và gọi hai người anh bằng những tên riêng chứ không dùng những danh xưng như họ vốn thường sử dụng để trình bày về họ.

Trong quá trình trị liệu, những thông tin sau đây đã được thâu thập. Trong hai năm qua, đã có nhiều sự kiện xảy ra trong gia đình này. Ettore kết hôn và gia đình này đã có thêm một người phụ nữ bước vào gia đình này. Người anh thứ hai, Vincenzo, cũng đính hôn và giới thiệu với gia đình người phụ nữ của mình. Sau cùng, có hai sự kiện đã xảy ra trong năm vừa qua: Con gái của Ettore ra đời và cô em gái Anna trở về gia đình sau thời gian dài ở viện từ ngày cha mất.

Nhóm trị liệu cũng được biết rằng giữa Ettore và Gina chưa bao giờ hoà thuận với nhau và mối quan hệ giữa họ trở nên tệ đi trong hai năm qua. Khi họ xung khắc nhau, người mẹ thiên vị người anh cả, chiều theo ý anh ta như thể đó là chồng thay vì là con trai của bà. Nhóm trị liệu đã phát triển một giả thuyết rằng bên trong bối cảnh lịch sử phát triển của gia đình này, Gina luôn luôn bị “phủ bóng” bởi những anh em của cô và bởi những sự kiện. Cô ấy có lẽ đã bị phớt lờ và bị tước mất vị trí của riêng cô trong mắt mẹ cô. Việc xuất hiện những người phụ nữ “sáng giá” hơn mới bước vào gia đình, bao gồm cả sự ra đời của con gái của Ettore và sự trở về nhà của Anna, đã lấy nốt phần chú tâm sau cùng mà mẹ cô dành cho cô và khiến cô bị “biến mất” trong mắt của gia đình này. Thông qua các triệu chứng của cô, một quá trình “biến mất về thể lý”, tức là sự giảm cân, đã có tác dụng mạnh mẽ thu hút sự chú ý của những thành viên còn lại về “sự biến mất” này của cô.

Mang theo giả thuyết này khi làm việc, những nhà trị liệu quay sang tìm kiếm những thông tin để xác quyết cho giả thuyết ấy và họ đã nhận được phần thưởng từ một số thông tin mới. Trước tiên là, Vincenzo và Gina đã từng rất gần gũi với nhau cho đến ngày mà anh ta đính hôn. Ngày mà anh ta đính hôn (cũng ngay thời điểm con gái của Ettore chào đời), Gina bắt đầu bỏ ăn. Thông tin thêm nữa cho thấy rằng Gina cũng khá gần gũi với cha và cô cũng đã được đưa đến trị liệu sau cái chết của ông ấy. Cuộc trị liệu kéo dài 5 năm và kết thúc vào khoảng thời gian Ettore kết hôn. Trong phần cuối của phiên trị liệu đầu tiên ấy, Gina cho biết rằng cô đã cảm thấy mình chẳng là gì và cũng chẳng có gì cả. Khi được nhà trị liệu hỏi rằng cô đã từng có ý định tự sát bao giờ chưa, cả gia đình đã phản ứng với sự căng thẳng cực độ. Cô đã từ chối trả lời.

Cuộc can thiệp đã nhắm đến một số chủ đề. Trước tiên là giúp đưa nhà trị liệu ra bên ngoài cuộc xung đột giữa gia đình và Gina về chuyện đưa cô đến trị liệu và tái lập lại vị trí của Ettore đối với Gina phần nào có tính bình đẳng hơn. Mục đích thứ hai là nhằm tạo nên sự tham gia của Gina, người đã bị đặt “ra rìa” quá trình trị liệu và bị xem là người “không ổn”. Mục đích thứ ba là nhằm thay đổi ý nghĩa của triệu chứng theo cách nhìn của gia đình bằng cách giới thiệu những thông tin mới mà tác dụng của nó sẽ giúp ảnh hưởng lên các mối quan hệ (Nguyên văn dùng từ “alliances” – tức các “liên minh”). Mục đích thứ tư có tính bao trùm, đó là khiến gia đình trở lại trong qua trình trị liệu tiếp tục.

Nhà trị liệu đã đưa ra một tóm tắt cho thông điệp này như sau: Trước tiên, nhà trị liệu ghi nhận sự khác biệt ý kiến của gia đình và của Gina trong việc tìm đến trị liệu, nhưng nhà trị liệu giữ vị thế trung lập. Kế tiếp, nhà trị liệu cũng nhìn thấy có khá nhiều những chuyện quan trọng xảy ra cho gia đình nhưng chưa có kết luận gì, và cần thiết có thêm một lần gặp khác. Nhưng trong buổi này, nhóm trị liệu đã có được một kết quả quan sát rất có ý nghĩa rằng trong năm qua, Gina rõ ràng đã là một người rất nhậy cảm, rằng gia đình này cần nhận được sự trợ giúp, bởi vì có nhiều sự chuyển tiếp đang diễn ra quá nhanh, những mối quan hệ trong gia đình và sự lưu tâm của những thành viên cũng đang bị thay đổi quá nhanh. Vì thế, theo cách nhìn của nhóm trị liệu, Gina đang cố gắng để giúp gia đình. Nhưng, lại một lần nữa, cần có thêm những thông tin và cần có thêm một cuộc hẹn khác để làm việc. Giữa phiên đầu tiên và phiên kế tiếp, có một huấn thị được ban ra để chống lại sự thay đổi (Nguyên văn: “an injunction against change is delivered”) bởi vì bất kỳ sự thay đổi nào trong thời điểm này đều có thể gây xáo trộn cho việc trị liệu và nhóm trị liệu cần thấy lại gia đình vào lần gặp kế tiếp đúng như những gì đang hiện ra như trong lần gặp này, để cho công việc được tiếp tục mà không cần phải trở lại từ đầu. Tuy nhiên, trong lần gặp kế tiếp, một việc quan trọng đã xảy ra đó là gia đình khi đến đã có thêm vợ của Ettore.

Phiên thứ hai (sau đó một tháng)

Trong phiên làm việc này, phần lớn thời gian được dành để có được những quan sát về các mối quan hệ trong gia đình từ góc nhìn của người con dâu. Điều khá rõ ràng là cô con dâu và người mẹ khá là gần gũi với nhau. Hai người anh trai cũng rất gần gũi nhau và mọi người đều thu hút sự chú tâm đến cô em gái út Anna. Gina ngồi tách rời ra và dường như là một kẻ ngoài cuộc hơn bao giờ hết. Thỉnh thoảng, những thành viên trong gia đình tấn công cô và trách móc cô về nhiều vấn đề xảy ra trong gia đình, còn cô thì phản ứng lại với sự bàng quan và xa cách, điều này càng làm gia đình tức điên lên và rồi họ lại hợp sức dùng lời lẽ để có thêm những công kích mới với cô.

Nhà trị liệu, về mặt thực hành, không dành thời gian nhiều ngoài việc đặt câu hỏi ngắn ngay từ đầu phiên về những vấn đề của người bệnh nhân chỉ định. Nhà trị liệu hoàn toàn tập trung vào các mối quan hệ của những thành viên trong gia đình và cách mà từng thành viên phản ứng xoay quanh những chủ đề của gia đình.

Khi bàn đến khoảng thời gian giữa các phiên trị liệu, trọng tâm được đặt vào việc làm thế nào để tránh sự gán tội (scapegoating) cho Gina và tránh việc cho cô ấy một nhãn dán vĩnh viễn, vì trong suốt phiên làm việc đã cho thấy gia đình có thể sẽ làm việc này thông qua việc họ thường hay làm trầm trọng hoá thái độ bàng quan của Gina. Nhóm trị liệu đã quyết định đưa ra một thông điệp tóm tắt như sau: Nhóm đã quan sát thấy rằng có nhiều điểm tương đồng giữa Gina và mẹ, và rằng ẩn bên dưới bề mặt của mối quan hệ của họ, có một sự gắn kết rất chặt giữa Gina và mẹ. Vì thế, nhóm trị liệu đã tự hỏi rằng vì sao trên bề mặt, cả hai lại đang lừa dối nhau và giả vờ xa cách nhau như thế. Nhóm nghĩ rằng việc này có lẽ đã được làm từ trong quá khứ nhằm tránh cho những người con trai không bị cảm giác bị gạt ra bên ngoài, đặc biệt là sau khi cha mất. Nhưng cho đến nay, nhóm trị liệu tin rằng người mẹ và Gina đã làm cho việc này trở nên đi quá xa. Vì thế, nhóm trị liệu đã đưa ra một khuyến nghị rằng, kể từ phiên trị liệu này cho đến phiên kế tiếp, người mẹ và Gina hãy dành ra mỗi tuần một ngày để dành cho nhau, và chỉ dành riêng ngày đó cho hai người mà thôi. Hai người phải quyết định cùng nhau làm gì đó mà không có ai khác xen vào, và điều mà cả hai đã cùng quyết định làm cũng phải được giữ bí mật với tất cả những người khác. Vào ngày đó, Anna sẽ đi sang bên nhà của Ettore và được chăm sóc bởi người chị dâu. Còn lại tất cả những ngày khác trong tuần thì cứ vẫn giữ nguyên theo như lệ thường. Một cuộc hẹn cho phiên kế tiếp được lên lịch vào tháng sau. Người chị dâu được ghi ơn vì sự hiện diện nhưng được yêu cầu là hãy ở nhà vào phiên kế tiếp (phiên thứ ba).

Phiên thứ ba (sau một tháng)

Gia đình đã có sự khác biệt rất đáng kể. Gina ngồi bên cạnh mẹ và cả hai cùng mỉm cười. Gine đã tang cân trở lại, trang phục tươi sáng và gương mặt được trang điểm. Cách đó hai tuần, một chuyển biến nhanh đã xảy ra theo sau một cơn ác mộng mà cô đã có, cô dần đang cảm thấy tốt lên và không còn cảm thấy khổ tâm nữa. Cô nói chuyện với nhiều thể loại cảm xúc, lúc thì hân hoan, khi thì tức giận, có lúc thì lại nói khi lệ tuôn trên mắt, rất trái ngược với vẻ ủ rủ và thờ ơ trong các phiên trị liệu trước đó. Ettore không có mặt, anh ta bảo với gia đình rằng công việc của anh quá bận không thể dành thời gian để đến dự phiên trị liệu này.

Khi phiên trị liệu tiến triển, Gina đã mô tả cô đã trở nên phấn khởi hơn trong hai tuần qua như thế nào, nghĩ đến việc tìm một người bạn trai và việc vào học đại học. Tuy nhiên, cô vẫn thể hiện nỗi lo sợ và băn khoăn về tính bền vững của những đổi thay này, và bảo rằng việc này có xu hướng khiến cho cô dễ bị nản chí với những cảm nhận tốt đẹp mới có này. Cô cũng lo ngại rằng gia đình sẽ không tin là cô đang trở nên khá hơn.

Rồi cô kể lại cơn ác mộng mà cô đã có và xem đó là sự việc tạo ra sự chuyển biến đột ngột với cô. Cô mơ thấy người anh trai Vincenzo đã cố gắng đưa cô vào bệnh viện, còn cô thì đang cố tự sát thay vì để mình bị đưa vào viện. Cô tỉnh giấc thét lên gọi mẹ. Vào lúc đó, Vincenzo có vẻ như có lỗi, và sau cùng đã thú nhận rằng, trong thời gian trước đây anh ta là người thường ủng hộ giải pháp nhập viện (cho Gina), bởi vì anh ta cảm thấy rằng khi Anna (con em út) trở về nhà và anh ta cũng phải dành sự chú tâm cho công việc cũng như cho người bạn gái đã đính ước, khiến anh ta cảm thấy mình không thể giúp gì được cho Gina. Vì lẽ đó, và cũng để cho mẹ không bị quá tải, Vincenzo nhận thấy tốt nhất là nên đưa Gina nhập viện, và đã hối thúc người anh trai bác sĩ của mình dùng ảnh hưởng của anh ấy để kết thúc việc này. Tuy nhiên, gần đây, anh ta nhận ra Gina và mẹ đã rất êm ấm với nhau, như thể họ có được “một sự am hiểu vì cùng là phụ nữ” (Nguyên văn: “a womanly understanding”), và vì thế anh ta bớt lo lắng hơn.

Với sự thận trọng, nhóm trị liệu đã bàn luận về tầm quan trọng của việc tích cực ghi nhận những thay đổi bên trong gia đình này để giới thiệu với họ ý tưởng về thời gian và khả năng không thể đảo ngược lại của sự thay đổi, họ cũng giúp gia đình xem xét tiềm năng của sự tái diễn (triệu chứng cũ) cùng những chướng ngại vẫn xảy ra trong một tiến trình bình thường, nhưng những thứ đó sẽ không thể sửa lại những mô hình thay đổi đã được hình thành. Thông điệp của nhà trị liệu được tóm tắt như sau: Nhóm phán quyết chắc chắn rằng Gina đã có một bước chuyển không thể đảo ngược được trên lộ trình tiến đến cải thiện tốt hơn, và mặc dù sẽ có những lúc thăng trầm, những lúc tiến triển chậm lại hoặc hỗn độn, nhóm cũng nói một cách chắc chắn rằng mọi việc sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Nhưng Gina cũng sẽ đôi lúc nghi ngờ và điều này có thể làm cho cô tiến triển chậm lại, và gia đình đôi khi cũng sẽ nghi ngờ như thế. Chủ đề về thân trọng và việc ăn uống của Gina sẽ trở thành chủ đề thứ cấp (secondary) phát sinh từ những thay đổi đáng kể mà Gina đã báo cáo. Cũng sẽ đến một thời điểm nào đó, trên lộ trình không thể đảo ngược lại này, cô ấy sẽ lấy lại khẩu vị của mình, lấy lại thân trọng và cảm thấy mình khoẻ lại với chuyện ấy. Gia đình sẽ không thể biết khi nào thời điểm đó đến, nhóm trị liệu cũng không thể biết và bản thân Gina cũng không thể biết. Tự nó sẽ xảy ra. Nhóm trị liệu, gia đình, cô ấy và bác sĩ của cô ấy, không ai có thể ảnh hưởng được lên việc này. Nó sẽ xảy ra tự nó, theo thời gian.

Phiên trị liệu cuối cùng (hai tháng sau đó)

Phiên làm việc này giống như một cuộc “hội ngộ xã hội” (social get-together) hơn là một cuộc trị liệu. Gina báo rằng cô đã lên cân, cô trông rất xinh khi mặc trang phục bơi vào mùa hè, cô vẫn chưa tìm được một người bạn trai mới, nhưng cho biết sẽ vào học đại học vào mùa thu tới. Một khoảng lớn thời gian được dành ra để thảo luận về tương lai của Anna, cô bé sẽ lần đầu tiên được đi học ở một trường phổ thông. Trong phiên làm việc này, Gina và mẹ cho thấy họ rất gần gũi với nhau, họ cũng tỏ vẻ thân thiện với Vincenzo, và đôi lúc còn trêu chọc vì tính chất quá nghiêm nghị của anh ta. Họ cũng báo cho biết về người anh cả Ettore, nay cũng hiếm khi ghé nhà, trừ chủ nhật và những dịp đặc biệt, bởi vì anh ta quá bận rộn với những bệnh nhân và với đứa con gái nhỏ của mình.

Sau phiên trị liệu ấy, gia đình rời khỏi việc trị liệu.

Đón xem tiếp Phần 3

Trường hợp B: Gia đình Tosca – Nhóm Nouvo Centro


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

Mới hơn Cũ hơn
Post ADS 1
Post ADS 1