Tựa đầy đủ: Mối quan tâm của việc sử dụng các vật nổi trong cách tiếp cận những phần đau đớn nhất trong lịch sử của bệnh nhân và gia đình của họ
Tựa gốc: “Intérêt de l'utilisation des objets flottants dans l'approche des pans les plus douloureux de l'histoire des patients et de leur famille”
Bản tiếng Anh: “Interest of the use of floating objects in the approach of the most painful parts of the history of patients and their families”
Tác giả: FLORENCE CALICIS – Nhà tâm lý trị liệu hệ thống người Bỉ. Bà đã sang sang VN nhiều lần trong những năm qua để tham gia công tác đào tạo trong các khoá huấn luyện về tâm lý trị liệu hệ thống tại Tp.HCM.
Nguồn: CairnInfo - 12/01/2006 - Liệu pháp Gia đình 2006/4 (Tập 27), Tr. 339- 359
Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Xem lại Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Phần 4
MỐI QUAN TÂM VỀ VIỆC SỬ DỤNG CÁC VẬT THỂ NỔI ĐỂ TIẾP CẬN NHỮNG NỖI ĐAU KHỔ ĐẶC BIỆT KHÓ KHƠI GỢI
Chúng ta hãy quay trở lại với nỗi đau khổ vẫn sống động của đứa trẻ con bên trong những người lớn và tình thế tiến thoái lưỡng nan của nhà trị liệu.
Quá trình tham khảo ý kiến của một người "thu nhỏ" (E: shrink; F: psy) thật không hề dễ dàng, đặc biệt là khi bạn đang kéo theo sau lưng mình một câu chuyện đặc biệt nặng nề, đáng sợ hoặc đáng xấu hổ. Chúng ta có thể đánh giá cao những người có can đảm thực hiện bước đi này. Dĩ nhiên, họ đã được đưa đến bởi sự đau khổ của họ hoặc bởi các triệu chứng gây mất chức năng và làm thu hẹp phạm vi trải nghiệm của một con người. Đôi khi chính gia đình hoặc mạng lưới của họ đã đưa họ đến đó. Ngay cả khi họ tự nguyện đến trị liệu, những bệnh nhân này vẫn sợ đến. Và có rất nhiều nỗi sợ … Sợ khi phải nói về những gì đã làm tổn thương họ quá nặng nề, sợ vì có thể đau khổ nhiều thêm nữa, vì đây là những người rất muốn vạch ra lằn ranh cho những quá khứ đau khổ này. Sợ rằng bằng lời nói của mình, chúng ta sẽ ây xúc phạm đến họ, sợ những gì họ có thể phát hiện ra nơi bản thân còn có thể khủng khiếp hơn nữa, sợ bị đánh giá, bị hiểu lầm, xấu hổ… Điều quan trọng là người hành nghề cần nhận ra rằng quá trình trị liệu là khó khăn và rất chính đáng khi cố gắng gặp gỡ bệnh nhân trong chính nỗi sợ hãi của họ. Chúng ta có thể xem quá trình này như một dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải của sự yếu đuối.
Trong thực tế làm việc của mình, chúng ta có thể đối diện với cả hai tình huống khi có một sự kiện đặc biệt đau đớn vừa xảy ra và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều thành viên trong gia đình (mất người thân, bệnh tật, gây hấn, cố gắng tự tử...) cũng như những tình huống có những trải nghiệm trước đây, gây đau khổ, đôi khi là đến mức gây sang chấn, đã qua, nhưng dù có ý thức hay không, vẫn có thể biểu hiện ra trong hiện tại dưới nhiều hình thức: lo âu, triệu chứng, bệnh lý tâm thần, hoặc thể chất ...
Nếu câu chuyện đau lòng này vẫn còn đó với những tác hại của nó, chúng tôi sẽ phải quay lại với nó để lãnh chịu nó, nhưng liệu chúng ta sẽ tiếp tục nó như thế nào khi cảm thấy một sự miễn cưỡng lớn từ phía bệnh nhân?
Sẽ có nhiều tình huống khác nhau cần được nêu ra ở đây:
a/ Nếu sự kiện gây sang chấn mới vừa xảy ra gần đây, điều mà Delage (2000) gọi là “vết thương tâm lý đang rộng mở”, thì đó là một sự “làm việc với tình trạng khủng hoảng”, đều sẽ được bàn đến sau. Bạn phải kiên quyết một chút, dám quay trở lại với sự kiện đau lòng, ngay cả khi người đó đang kháng cự lại với việc tiếp cận đến điều đó. Để làm được việc này, điều cần thiết trước tiên là phải tạo ra một bối cảnh an toàn (liên minh trị liệu tốt, chứa đựng cảm xúc tốt, rất có tính hỗ trợ và đồng cảm) để có thể gợi lên sự kiện và những cảm xúc liên quan. Nếu chúng ta làm khác quá nhiều so với những gợi ý này, sẽ có nguy cơ xảy ra sự đóng băng (Nguyên văn: “risque d’enkystement” – “thu vào trong vỏ bọc”).
Đối với những người đặc biệt kháng cự lại việc quay trở lại với các sự kiện, đôi khi tôi sử dụng phép ẩn dụ của J.P. Mugnier: đạt đến một sự "thu nhỏ" để nói về sự kiện gây đau đớn một lần nữa, tựa như cho uống một liều xi-rô kháng sinh: điều đó thật tệ, chúng ta không muốn trải qua việc đó, nhưng nó lại có tác dụng chữa lành! Một vấn đề đặt ra là nếu khi quay trở lại mà mà sự kiện đau đớn lại đến quá nhanh, thì điều quan trọng là phải làm như thế bằng cách nhấn mạnh vào các nguồn lực của cá nhân, của gia đình và khả năng trong việc tái kiến tạo của họ (reconstruction), để tiếp tục sống với nó. Khả năng hành động để chuyển đổi sang chấn - không còn phải chịu đựng như một nạn nhân thụ động - là một người dẫn dắt cho năng lực vượt khó (Nguyên văn: “tuteur de résilience”) (B. Cyrulnik, 2000).
b/ Nếu nỗi khổ đau đã cũ nhưng dường như vẫn chưa tiêu hoá hết, tôi nghĩ cần phải tiến hành một cách thận trọng hơn. Thật vậy, nếu người đó tiếp tục phải chịu đựng nó, dưới hình thức các triệu chứng hoặc bằng những nỗi lo âu khiến phải đến trị liệu, thì người đó đã lập ra các cơ chế phòng vệ để sống với điều đó. Trong trường hợp này, việc muốn giải quyết các vấn đề nhức nhối của câu chuyện một cách đối đầu trực tiếp và quá nhanh đôi khi bị chống chỉ định; bạn phải có khả năng tôn trọng sự kháng cự của mọi người. Vì sao?
Đã đến lúc khôi phục lại ý niệm về sự phản kháng (résistance). Trong nhóm làm việc của chúng tôi, chúng tôi tin rằng sự kháng cự của bệnh nhân không phải là điều mà chúng tôi phải chống lại mà là điều cần được chúng tôi tôn trọng, bởi vì đó là những biện pháp bảo vệ giúp họ có thể sống sót, thậm chí là còn giúp họ tự sửa chữa. Chúng là sự bảo vệ họ chống lại sự sụp đổ (l’effondrement). Việc cố nói ra bằng mọi giá về sự kiện sang chấn mà họ muốn giữ im lặng có thể tạo thành một sự tái lập lại sang chấn, một sự xâm phạm mới vào trong tâm lý vốn đã rất yếu mềm. Bệnh nhân là vị cố vấn tốt nhất để cho chúng ta biết nhịp độ làm việc phù hợp và sắp xếp những gì họ muốn chia sẻ và những gì họ muốn giữ lại cho riêng mình, bên trong “khu vườn bí mật” của họ (Xem lại phần trước: Câu chuyện mà họ kể cho chúng ta là một sự lựa chọn). Chúng tôi nghĩ rằng luôn có những lý do chính đáng để không phải nói mọi thứ ngay lập tức. Chúng tôi nói với bệnh nhân của chúng tôi rằng chúng tôi cung cấp cho họ chiếc phanh (chiếc thắng). Tôi nói ẩn dụ về những lá bài "joker" luôn có trên chiếc bàn nhỏ đặt nằm giữa chúng tôi mà đối với tôi nó tượng trưng cho một khoảng không gian trung gian (intermediate space) giữa chúng tôi. Vì vậy, tôi yêu cầu họ vui lòng lấy nó ngay khi tôi đi quá xa vào khu vườn bí mật của họ. Tôi giải thích rằng tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nói và đặt câu hỏi khi nào có sự đảm bảo rằng họ có thể ngăn tôi lại.
Nếu việc tạo ra một “văn hóa an toàn” (culture de sécurité) (P. Rober, 1998) đòi hỏi phải tôn trọng các phương thức phòng vệ mà phía thân chủ đã đưa ra, thì điều này không có nghĩa là chúng ta phải tránh nói về những gì khiến họ sợ hãi hoặc khiến phải “nói sai” và cũng không có nghĩa là chúng ta cứ phải nói loanh quanh không đi vào chủ đề. Chúng ta hãy hiểu rõ về nhau: tạo ra một nền văn hóa an toàn cũng có nghĩa là cho bệnh nhân của chúng ta thấy rằng chúng ta không sợ những gì khiến họ sợ hãi, rằng chúng ta cảm thấy đủ mạnh mẽ để hỗ trợ họ trong những “vùng xám” của họ. Đôi khi điều đáng sợ lại là họ có thể tin vào chúng ta… rằng chúng ta sẽ không để mình đi tới. Để làm được điều này, rõ ràng là nhà trị liệu cần cảm thấy thoải mái hơn, vì bản thân phải dám đối mặt và làm việc với những phần đáng sợ nhất bên trong chính bản thân mình. Do đó có tầm quan trọng của liệu pháp cá nhân cho chính những người làm can thiệp (personal therapy).
Ví dụ lâm sàng của Jonas cho thấy sự hỗ trợ của một vật thể nổi có thể là một phương tiện hữu ích khi nhà trị liệu đang loay hoay với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quay lại một câu chuyện có vẻ rất đau buồn và cách tiếp cận trực diện với nó có thể sẽ gây phản tác dụng. Điều rõ ràng là nhà trị liệu phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường làm việc an toàn, trong đó các thành viên trong gia đình có thể khám phá lại và dần dần tiếp cận những phần nặng nề nhất và đáng sợ nhất trong lịch sử của họ.
Chúng ta hãy xem xét lại ở đây các khía cạnh làm cho các đối tượng nổi trở nên thích hợp theo quan điểm này:
a/ Chúng ít gây đe dọa: Chẳng hạn như trong câu chuyện (tale), chúng ta đang ở trong địa hạt của những “việc-như-thể-là” (as-ifs), của trò chơi, chứ không phải trong lãnh địa của sự thật hay thực tế. Câu chuyện là một huyền thoại (legend), một "huyễn tưởng" (fantasy), và không phải là thực tế của gia đình. Câu chuyện gây ra sự cộng hưởng với lịch sử gia đình thông qua những điểm tương đồng nhất định, có hoặc không có ý thức.
Là một người theo chủ nghĩa kiến tạo (constructivist), tôi biết rất rõ rằng bức tranh tưởng tượng mà tôi viết ra này được tô màu bởi lịch sử cá nhân của tôi, rằng tôi đã xây dựng nó trên cơ sở cộng hưởng của tôi với lịch sử của gia đình đó. Có tôi và có họ trong câu chuyện này. Câu chuyện được lấy cảm hứng từ hai câu chuyện của chúng tôi. Để giữ được tầm động viên của nó và không bị xem là đe dọa, nó không nên dính líu quá nhiều vào lịch sử của gia đình. Do đó, bệnh nhân có nhiều quyền tự do hơn để cho phép mình được đặt câu hỏi.
b/ Chúng tránh được nỗi lo lắng về việc tự tiết lộbởi vì, riêng với trò chơi ngỗng, chính bệnh nhân là người cung cấp nội dung, và cũng những người khám phá lịch sử của họ, giống như công việc của các nhà nhân học. Họ tự lập nên tốc độ cho cuộc nói chuyện và giữ im lặng những gì họ muốn giữ im lặng. Cũng theo cách tương tự, Y. Rey gợi ý cho bệnh nhân quyền tự do đặt một tấm thẻ trắng trên bàn cờ của trò chơi ngỗng để biểu thị sự tồn tại của một sự kiện quan trọng trong lịch sử của họ mà họ thích giữ im lặng hơn. Họ được yêu cầu ghi ngày tháng và để trống.
c/ Chúng có cấu trúc, phương pháp luận chặt chẽ (là gồm 10 sự kiện, chứ không phải những biểu tượng 9 hoặc 11.1, cũng không phải là 2…). Chúng tôi phải tuân theo các quy tắc, chúng tôi không thể tự làm bất cứ điều gì, nhà trị liệu là người bảo đảm giữ quy tắc đó. Các vật thể nổi nằm ở giao điểm giữa “chơi” (play - hoạt động sáng tạo tự do) và “trò chơi” (game - trò chơi có cấu trúc, có quy luật), theo nghĩa chúng bao gồm một khuôn khổ được tạo thành từ một vài quy luật nghiêm ngặt. Khuôn khổ này, có các khía cạnh hạn chế của nó, cho cả về phía bệnh nhân lẫn nhà trị liệu, giúp đoan chắc và an toàn vì nó hạn chế sự tuôn tràn và cung cấp một vật chứa đựng (khái niệm “holding” của D. Winnicott, 1971) với sự sáng tạo mà vì thế có thể được làm một cách tự do.
Chúng tạo thành một sự hỗ trợ để trao đổi tầm nhìn về thế giới, kinh nghiệm của các thành viên trong gia đình và đồng kiến tạo một thực tại mới. Điều này cho phép diễn ra sự tái định dạng nhận thức và giúp đón chịu những cảm xúc (reframing and emotional digestion). Nó tạo sự linh hoạt và làm phong phú cho cách bệnh nhân nhìn về mọi việc. Điều này cho phép họ nói, với tất cả sự toàn tâm của họ: "Tôi chưa bao giờ nhìn mọi thứ từ góc độ này, tôi sẽ nghĩ về nó..." Đối với tôi, khoảnh khắc trị liệu tuyệt vời nhất là khi bệnh nhân tự họ ngạc nhiên, giống như lần Jonas làm một kết nối giữa hoạt động của anh ta và sự khởi đầu của bệnh tâm thần của anh ta. Hơn nữa, như P. Caillé (2001) nói, một tầm nhìn mới khi xuất hiện, không hề tranh chấp với phiên bản mà mọi người vốn có về vấn đề của họ, về lịch sử của họ, bởi vì chúng thuộc về những lãnh địa khác nhau. Vì vậy, không có sự cạnh tranh tự động nào giữa phiên bản mà họ phát triển trong phiên trị liệu và phiên bản mà họ đã có cho đến lúc đó.
d/ Chúng đặt bệnh nhân vào một vị thế có năng lực, vị thế của sự sáng tạo trong một không gian có tính thử nghiệm. Một cái khung được đưa ra và bệnh nhân dệt nên tấm lưới của họ trong đó.
e/ Các vật thể nổi cho phép bạn cùng chia sẻvới các gia đình, những cặp đôi, những anh chị em. Thông thường người ta hay nghi ngờ những ký ức và nhận thức của họ về câu chuyện của họ: "Liệu ta có thể thực sự gọi nó là lạm dụng hay không?", "Sự kiện đã thực sự diễn ra hay nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi?", "Ta đã không nằm mơ sao?", "Lẽ nào hắn đối với ta lại có tác động như vậy sao?", "Để nhận ra những gì tôi đã biết, cần phải có những ai khác hoặc ít nhất là một ai đó cũng nhận ra những điều tôi đã thấy chứ." (von Foerster, 1973). Sự nhận thức cần phải được xác nhận bởi một bên thứ ba để có thể tự giải quyết chính nó. Nhận thức không phải là một loại hành động biệt lập. Như thể là trong trường hợp không được người khác “xác nhận”, thì những trải nghiệm về sự kiện, và đôi khi chính sự kiện đó, sẽ không thể được “sắp đặt” vào trong ký ức. Việc xác nhận bên ngoài bởi những anh chị em với tư cách là những nhân chứng tham gia là rất có giá trị, thường có tác động nhiều hơn so với nhà trị liệu vốn là người không có mặt tại thời điểm đó. Làm việc với các anh chị em cũng cho phép có được sự "so sánh" trải nghiệm của họ về các sự việc. Đôi khi, đối với Jonas và các anh trai của anh ấy, thật ngạc nhiên khi lưu ý rằng cùng một sự kiện lại có thể được trải nghiệm rất khác nhau giữa họ (chẳng hạn như cuộc ly hôn của cha mẹ được trải nghiệm như một bi kịch đối với người con này nhưng lại như một sự giải thoát đối với một người con khác). Đôi khi, ngược lại, cũng là điều thật ngạc nhiên khi một sự kiện có thể đã được trải nghiệm với cùng một cảm xúc: "Tôi nghĩ rằng nó chỉ ảnh hưởng đến tôi trong gia đình, còn anh tôi thì không bị tổn thương". Nói chung, trong giai đoạn đầu của liệu pháp, nhu cầu cảm thấy được liên kết (được thuộc về) là điều quan trọng trên hết tất cả các trải nghiệm chung cần được trao đổi. Chỉ về sau, khi sự an toàn đã được thiết lập giữa họ và khi cảm giác thân thuộc đủ mạnh, họ mới có thể trở nên tự biệt hoá giữa họ với nhau (differentiate themselves).
f/ Đặc biệt hơn, trò chơi ngỗng giúp bạn có thể mô tả lại sự kiện gây sang chấn trong một câu chuyện, khiến thời gian chuyển động lại từ chỗ nó đã dừng lại. Cách tiếp cận này không tập trung vào triệu chứng hay sang chấn, mà tập trung vào văn hóa của nhóm trị liệu, ở ba cấp độ của môi trường sống của con người như được mô tả bởi E. Dessoy (1993), đó là các hành vi - tương tác, niềm tin và bầu khí. Những triệu chứng và (các) sự kiện đau buồn được đặt vào đó, trong một câu chuyện chứa đựng chúng và thường mang lại ý nghĩa cho chúng. Ở những người có quá khứ được đánh dấu bởi một hoặc nhiều sự kiện đặc biệt đau đớn, chúng ta thường thấy một sự biến dạng của thời gian tính (distorsion de la temporalité), biến đổi biên niên sử của họ. Như M. Delage (2000) đã chỉ ra rằng các hiện tượng sau đây có thể được quan sát thấy:
Trong một số trường hợp, người ta sẽ tránh nói về những sự kiện gây sang chấn. Nó giống như một nỗ lực để xóa đi thành phần quá đau đớn của câu chuyện, như một lỗ hổng về thời gian (trou dans la temporalité), mà chúng ta đã quan sát thấy trong hoàn cảnh của Jonas mà tôi vừa đề cập. Trong trường hợp này, nếu nhà trị liệu cố gắng tiếp cận các sự kiện sang chấn quá nhanh, bệnh nhân sẽ trở nên sợ hãi và rời xa ra.
Trong trường hợp khác, ngược lại, người ta lại chỉ nói về điều đó. Thời gian như dừng lại ngay tại phần này của câu chuyện, và họ dường như không thể đi tiếp. Sự kiện sang chấn được lặp đi lặp lại hoặc thông qua triệu chứng (đau khổ, hồi tưởng…) hoặc trong một câu chuyện mang tính chất rập khuôn, giống như một chiếc đĩa hát bị lặp (disque rayé) cứ quay đi quay lại về một biến cố đau thương. M. White (1998) nói ra đây về một câu chuyện bị bão hòa bởi các vấn đề (histoire saturée par le problem). Sự kiện gây sang chấn trở thành một "nhà tổ chức" (organisateur) cho cuộc sống tinh thần của người đó. Cuộc sống là trung tâm và cần giảm thiểu sang chấn cùng những hậu quả của nó. Trong câu chuyện của một người, sang chấn đôi khi chấm dứt khả năng nắm bắt tất cả những chủ đề được nảy sinh. Trong trường hợp như thế, những cách tiếp cận của nhà trị liệu trực diện vào sang chấn sẽ càng củng cố cho cơ chế này, góp phần làm mạnh thêm hiệu ứng đáng kinh ngạc sau sang chấn và càng thu hẹp thêm câu chuyện cuộc đời. Với cách tiếp cận trực diện vào sang chấn, những chuyên viên thực hành vô tình sẽ củng cố sự giam giữ của người đó trong bản sắc của người ấy như là một “nạn nhân bất lực”, và như chúng tôi đã nói ở trên, sẽ ngăn cản người này thực hiện việc tái kiến tạo nó.
Chúng ta cũng có thể quan sát ở đây về một khoảng thời gian bị gián đoạn (temporalité discontinue), bị chia nhỏ: chúng ta nghe một câu chuyện cuộc đời rất rời rạc, không có sự liền mạch. Chỉ như một tổng hợp các sự kiện không có liên kết nhau một cách rõ ràng.
Nhờ trò chơi ngỗng, các mối liên hệ theo trình tự thời gian được thiết lập giữa các sự kiện khác nhau trong lịch sử của gia đình cũng như của các thế hệ trước, điều này có thể làm cho (các) sự kiện đau đớn trong lịch sử được liên kết lại, để thiết lập mối liên hệ giữa các sự kiện khác nhau này, và giữa thời kỳ trước với giai đoạn sau của sự kiện. Vì vậy, việc hoá giải những tổn thương không phải là kìm nén nó, cũng không phải khuếch đại nó, mà là cho đi (Nguyên văn: “Donc, digérer le traumatisme, ce n’est ni le refouler, ni l’amplifier, mais bien donner du”)
Ý NGHĨA VÀ SỰ LIÊN HỆ
Vì thế, chúng tôi thấy lý do tại sao điều quan trọng là không nên sử dụng những phương pháp tiếp cận trực diện và “theo kiểu ống dẫn” đối với các sang chấn (Nguyên văn: “une approche frontale et tubulaire du traumatisme”). Sau khi được kết nối với các sự kiện khác của câu chuyện, nó sẽ mất đi trạng thái chấn thương để trở thành một sự kiện trong số những sự kiện khác, tất nhiên sẽ gây lay động và đau đớn. Sự kiện gây sang chấn, sau đó, có thể trở thành một ký ức, ngay cả khi đó là một ký ức tồi tệ.
P. Ricoeur nói rằng làm việc về một đời người (le travail d’une vie) là khả năng kể một câu chuyện mạch lạc và có thể chấp nhận được về bản thân người đó. "Khi tôi có thể tự kể câu chuyện của cuộc đời mình, tôi xây dựng nên con người của mình" là khái niệm về một bản sắc tự thuật (bản sắc được xây dựng từ cách kể chuyện) (F: d’identité narrative; E: narrative identity). Điều quan trọng là có thể kể ra với chính mình. P. Caillé, trong bài viết của mình – De l’intérêt de pouvoir bien se raconter (Về sự quan tâm đến khả năng liên hệ tốt), viết rằng một tự truyện (le récit autobiographique) có một chức năng kép:
Một là hỗ trợ hình thành bản sắc: Chính là bằng cách tự nói với bản thân rằng tôi đã biết mình là ai, mà tôi tạo cho mình một sự nhất quán và mạch lạc, và rằng tôi có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Hai là chức năng nhận thức: Câu chuyện này là một khuôn khổ để giải thích về thế giới sống xung quanh, để diễn giải về các sự kiện.
Như tác giả này đã chỉ ra, sự tồn tại của một lịch sử đau thương có thể gây khó khăn cho việc xây dựng một câu chuyện cuộc đời có tính thích ứng.
B. Cyrulnik (1999) có thể nói rằng liệu pháp tâm lý là một công việc làm tường thuật, một việc làm theo kiểu “lịch sử hóa” (historicisation). Cách kể chuyện đặc biệt giúp bạn có thể lồng ghép sự kiện gây sang chấn vào trong một câu chuyện, nơi mà trước đó sự kiện đó đã bị cô lập, tách riêng ra với những phần còn lại. Nếu có người khác đang lắng nghe câu chuyện đời của tôi chấp nhận phần “đen tối” này của tôi, thì khi đó, tôi có thể dung hòa được hai phần ấy trong con người tôi. Như B. Cyrulnik nói, "thành phần cái tôi được xã hội chấp nhận sau cùng cũng dung nạp được phần cái tôi bí mật, không được liên hệ". Một khi sự kiện gây sang chấn được kể lại trong một câu chuyện, người đó có thể tái dựng lại nó cho phù hợp vì đã có thể tác động lên nó và không còn đau khổ vì nó nữa, đây là khái niệm "sự biến hình của sang chấn" (metamorphosis of the trauma) của B. Cyrulnik. Người này sau đó sẽ bớt võ đoán hơn về câu chuyện của mình. Câu chuyện đời khi ấy có thể trở nên năng động trở lại, có thể phát triển để tích hợp những dữ liệu mới từ sự tồn tại.
Sự hiện diện của một nhà trị liệu giúp bạn có thể kiềm chế những cơn bộc phát cảm xúc, giống như một “chiếc phong bì tinh thần” (enveloppe psychique), giúp hỗ trợ cho những hoạt động biểu thị và liên kết. Cảm xúc không được làm tê liệt công việc “chăm chút cho tâm trí” (F: le travail d’élaboration psychique; E:psychic elaboration), một việc mà nhà trị liệu sẽ đảm nhận nó. Đôi khi, như chúng ta đã thấy, nhà trị liệu sẽ phải làm chậm lại câu chuyện gây sang chấn để nó không làm tràn khả năng tiếp nhận của tâm trí. Nhà trị liệu sẽ quan tâm đến việc tiếp cận nó dần dần để, vào lúc này, việc kể lại vết thương lòng có thể giúp người kể có thể kiểm soát được cảm xúc, mà khi ở vào thời điểm xảy ra cú sốc chấn thương nó vốn đã khiến người đó cảm thấy choáng ngợp. Từng chút, từng chút một, những tổn thương sau đó có thể được trải nghiệm và thể hiện, và đồng thời cũng được tích hợp vào trong những phần còn lại của câu chuyện.
Vào cuối phiên trị liệu, sau khi xâu chuỗi lại câu chuyện của họ, cho dù có sử dụng vật thể nổi hay không, các bệnh nhân của chúng tôi có thể biến cuộc đời họ thành một câu chuyện có tính hỗ trợ cho họ, một câu chuyện mà tất nhiên vẫn đang tiếp tục được kể lại.
Ghi chú: Văn bản được viết dựa trên một hội nghị được tổ chức tại Liège vào ngày 14/10/2005 như một phần trong khuôn khổ nội dung về "Nỗi đau vô hình/không thể nói ra trong di sản" (La douleur invisible/indicible en heritage) do Parole d'Enfants tổ chức.
Đăng nhận xét