Building Rapport with Students
Nguồn: SchoolCounselor.Org
Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC– Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường
Làm thế nào và tại sao chúng ta thiết lập mối quan hệ với học sinh…
Hầu hết chúng ta cố gắng để xây dựng các mối quan hệ hòa thuận với những người khác bởi vì nhận ra tầm quan trọng của chúng đối với cảm nhận hạnh phúc của chúng ta cũng như gia đình và xã hội. Tuy nhiên đối với những người trong trong nghề như tham vấn học đường, xây dựng mối quan hệ là một yếu tố rất quan trọng để thành công.
Kỹ năng đặc biệt này còn được gọi là xây dựng mối quan hệ tốt (building rapport). Nó không đơn giản chỉ là đồng ý với những người khác để “kết nối”. Nó là việc nhận ra rằng những người khác nhau có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng cho phép mọi người giao tiếp mà không cảm thấy bị đánh giá, lên án hoặc tội lỗi. Khi học sinh có mối quan hệ tốt với các chuyên viên tham vấn học đường, trẻ sẽ cởi mở chia sẻ những suy nghĩ của mình và cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu.
Mặc dù việc "xây dựng mối quan hệ gắn bó" với học sinh không phải là một kỹ năng dễ định lượng, nhưng các chuyên viên tham vấn học đường biết khi nào họ đã đạt được điều đó. Các chuyên gia trong lĩnh vực tham vấn học đường mô tả một mối quan hệ tốt là mối quan hệ có một số phẩm chất và tương tác quan trọng như sau:
Sự tin tưởng
Đây là nền tảng cho phép học sinh chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ lòng tin rằng chuyên viên tham vấn học đường sẽ không phủ nhận hoặc phán xét những cảm xúc này, cũng như chuyên viên tham vấn học đường sẽ không chia sẻ những cảm xúc này một cách bừa bãi với những người không đáng tin cậy. Chuyên viên tham vấn học đường không bao giờ hứa rằng sẽ giữ bí mật nếu tình huống đó buộc phải làm thế, nhưng học sinh tin tưởng vào sự ứng biến khéo léo của chuyên viên tham vấn học đường.
Để xây dựng lòng tin, các chuyên viên tham vấn học đường phải thật lòng có tính chấp nhận. Họ nên biết về "nền văn hoá" của học sinh, không cố gắng trở thành một phần của nó, mà phải hiểu các tiêu chuẩn và xu hướng, điều này cho học sinh thấy rằng chuyên viên tham vấn học đường thực sự hiểu mình.
Sự tin tưởng cũng diễn ra khi chuyên viên tham vấn học đường chia sẻ một phần bản thân mình với học sinh. Học sinh cần xem chuyên viên cũng là một con người, có cùng nỗi sợ hãi, ước mơ và vấn đề như mọi người khác, và đang tạo ra sự tôn trọng và trung thực lẫn nhau.
Sự lắng nghe
Chuyên viên tham vấn học đường phải là người lắng nghe một cách tích cực. Điều này có nghĩa là lắng nghe những từ ngữ mà học sinh đang sử dụng, nghe âm điệu của những từ ngữ đó và quan sát các biểu hiện phi ngôn ngữ và chuyển động cơ thể của học sinh. Lắng nghe tích cực cũng có nghĩa là xác định những gì chưa được nói hoặc chưa được nói ra.
Kiểu lắng nghe này đòi hỏi một sự chú tâm hoàn toàn của chuyên viên tham vấn học đường, cả về mặt thể chất lẫn về mặt tinh thần, vì tham vấn viên gạt mọi suy nghĩ khác sang một bên và tập trung hoàn toàn vào cuộc trò chuyện. Điều này có nghĩa là không nghĩ đến những cách trả lời khi học sinh nói và không làm gián đoạn lời nói của học sinh. Nó có nghĩa là lắng nghe cách mà mọi thứ đang được nói, và tránh các định kiến rập khuôn. Nó liên quan đến việc giao tiếp bằng mắt và lắng nghe học sinh ngay cả khi học sinh ngừng nói.
Sự đồng cảm (thấu cảm)
Chỉ lắng nghe học sinh thôi là chưa đủ. Chuyên viên tham vấn học đường phải có khả năng trải nghiệm cảm xúc của học sinh như chính của họ, hoặc cảm sống cùng với một đứa trẻ về điều mà chính nhà tham vấn chưa từng trải qua.
Có sự đồng cảm nghĩa là có thể hiểu được trạng thái cảm xúc của người khác và có khả năng giúp những người có vấn đề về cảm xúc phát triển các giải pháp phù hợp. Sự đồng cảm là đỉnh cao của sự phát triển về mặt luân lý, vì nó cũng có nghĩa là việc một người hiểu được cảm xúc và hành vi của của chính mình.
Đồng cảm là một kỹ năng đòi hỏi sự am hiểu - một kỹ năng được học hỏi theo thời gian. Điều đó không có nghĩa là từ bỏ quan điểm riêng của bản thân, mà là thấu hiểu một cách đầy cảm thông một quan điểm khác và tìm ra những cách thức đáp ứng hoặc ý kiến lành mạnh, thích hợp cho những tình huống khó khăn và gay go.
Sự hài hước/Tiếng cười
Trẻ em dễ bị thu hút bởi những người hài hước và vui vẻ. Tiếng cười cũng giúp trẻ thư giãn và phát triển nền tảng tin cậy quan trọng cần thiết cho tất cả các chuyên viên tham vấn học đường.
Tiếng cười cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho học sinh. Các nhà nghiên cứu y học hiện nay nói rằng tiếng cười làm giảm nồng độ của một số loại stress hormones (các nội tiết tố có vai trò trong phản ứng với stress - ND), những chất này có xu hướng tăng lên khi các cá nhân trải qua stress, tức giận hoặc đối địch.
Sự khiêm tốn
Trẻ em thường là những người đầu tiên cảm nhận được “sự biết tuốt” (know-it-all). Khi tham vấn viên cho trẻ thấy rằng họ không biết tất cả các câu trả lời, và họ cũng không nghĩ là họ biết tất cả các câu trả lời, thì điều này sẽ làm tăng khả năng kết nối và hình thành mối quan hệ tích cực nơi các học sinh.
Chuyên viên tham vấn học đường cũng phải chứng tỏ cho học sinh thấy rằng mặc dù họ không có tất cả các câu trả lời, nhưng họ sẵn sàng tìm kiếm và giải quyết vấn đề với học sinh để tìm ra các giải pháp khả thi.
Không nghi ngờ gì nữa, các chuyên viên tham vấn học đường đã vào lĩnh vực làm việc này để thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh. Điều đó đòi hỏi khả năng kết nối hoặc xây dựng mối quan hệ tốt với học sinh, điều này cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu và lòng trắc ẩn. Khi làm việc dựa trên các kỹ năng được liệt kê ở trên, chuyên viên tham vấn học đường sẽ tạo ra một loại kết nối có thể đem lại tác động và những thay đổi đáng kể trong cuộc đời của những học sinh.
Đăng nhận xét