Quyển hồi ký bị mất của Marie Paneth tiết lộ câu chuyện có thật về một người hùng từ thảm hoạ diệt chủng
The Windermere Children: The lost memoir of Marie Paneth reveals the real story of a holocaust hero
Tác giả: ETAN SMALLMAN – Ký giả tự do tại London, viết cho các báo The Daily Telegraph, The Guardian, The Times, Daily Mail, Evening Standard, the South China Morning Post và The Australian.
Nguồn: iNews UK
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Marie Paneth (thứ ba, hàng trước, từ phải sang) cùng các học sinh của mình tại London
Ảnh của Debbie Lewis
Trong khoảng thời gian 6 tháng của năm 1945, những ngọn đồi nhấp nhô của Lake District, trở thành nhà ở của 300 trẻ em Do Thái mồ côi, đã được vận chuyển hầu như trực tiếp từ nỗi khủng khiếp của các trại tử thần của Đức Quốc xã.
Nhà triết học người Đức Theodor W. Adorno lập luận: “Quả là một điều man rợ nếu vẫn cứ làm thơ sau khi biết về trại tử thần Auschwitz”. Ông ấy có lẽ cũng đã nghĩ tương tự về việc vẽ tranh, tuy nhiên đó lại là nhiệm vụ mà Marie Paneth đặt ra cho một nhóm những đứa trẻ sống sót sau hoạ diệt chủng mà bà đã chăm sóc.
Trong sáu tháng của năm 1945, những ngọn đồi nhấp nhô của Lake District, bên cạnh Hồ Windermere, trở thành nơi cư trú của 300 trẻ mồ côi, những người đã được vận chuyển gần như trực tiếp khỏi những trại tử thần khủng khiếp của Đức Quốc xã.
Theo cách nói của Paneth, đây sẽ là một khu vực được dàn dựng trong vùng thôn quê dành cho những “nạn nhân của thảm họa” này, những người đã phải chịu đựng “một thảm kịch kinh hoàng có thể kết liễu bất kỳ ai trong chúng ta”. Người nữ giáo viên người Áo và cũng là một nhà trị liệu nghệ thuật tiên phong - một người tị nạn và là một mà tự thân đã là “người lạ lùng được công nhận” - đã cung cấp một “bữa tiệc tự chọn” gồm sơn màu và giấy vẽ, để rồi quan sát sự chấn thương được tuôn ra từ những cõi lòng.
Công việc của Marie Paneth được trình bày chi tiết trong cuốn hồi ký đầy chất thơ của bà, nhan đề Rock The Cradle (Đưa Nôi), được xuất bản lần đầu tiên trước Ngày Tưởng niệm Holocaust (Nạn diệt chủng bởi Đức Quốc Xã). Nó đã được cất giấu trong gần 75 năm trước khi được phát hiện trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, rồi sau đó được biên soạn và sắp xếp lại bởi Trevor Avery của Dự án Lake District Holocaust Project.
“Tôi đã phải tự ngăn mình hiểu những gì mà những người kể non nớt này đang nói với tôi”
Những chiếc máy bay chở 305 trẻ em sống sót – được tổ chức bởi Quỹ Trung ương Anh dành cho Người Do Thái ở Đức, nay là Tổ chức Cứu trợ Người Do Thái Thế giới - đã đến nơi vào ngày 14/8/1945. Đó là “VJ Day” (viết tắt của chữ: Victory Over Japan Day, tức ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, chấm dứt Thế chiến II - ND), ngày mà cuộc thế chiến cuối cùng đã kết thúc, và vài giờ trước sinh nhật lần thứ 50 của Paneth. Vào lúc này, Paneth, một người bạn của Sigmund Freud, đã nhận được lời khen ngợi của George Orwell và John Betjeman cho Branch Street, quyển sách của bà về công việc đi đầu của bà với những đứa trẻ là nạn nhân của Blitz (những cuộc oanh tạc, tấn công chớp nhoáng của Đức - ND).
Paneth – chiều cao 6 feet 1 inch (gần 2 mét), được New Yorker mô tả năm 1939 có lẽ là “nữ họa sĩ cao nhất thế giới”, và do Romola Garai thủ vai trong bộ phim truyền hình The Windermere Children của đài BBC năm 2020 - đã đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt cho bản thân. Những đứa trẻ “không hề nhận được gợi ý nào về việc phải tạo ra những gì từ tôi, cũng như không có bất kỳ lời phê bình nào. Họ sẽ nghe tôi nói, 'Cảm ơn, thật đáng yêu' (Thank you, Lovely), với tất cả những gì họ làm nên, dẫu là nó hấp dẫn hay có vẻ khủng khiếp".
Tái hiện trại tập trung -
Tranh vẽ của một "holocaust orphan" (trẻ mồ côi bởi hoạ diệt chủng Do Thái)
Những sản phẩm của bọn trẻ chỉ có thể gợi nên về một "sự hoang vắng đã được tôi rèn trong từng đứa trẻ". Có “một bia mộ choáng đầy hết nửa tờ giấy; một đoạn dây thép gai xé toạc tờ giấy trắng - những tư liệu đang toát ra cả một sự trống trải đang gào thét”.
Cô giáo ấy đã cho biết rằng cô nhận thấy kiểu nghệ thuật này còn đau đớn hơn những câu chuyện kể của bọn trẻ, điều này còn đau lòng đến nỗi: “Tôi phải tự ngăn mình hiểu rằng những gì mà những chiếc lưỡi non nớt này (Nguyên văn: “These young tongues”) đang nói với tôi đã thực sự xảy ra. Tôi giả vờ như đang nghe một phiên bản mới của Truyện cổ Grimm”.
“Đây là một đất nước tốt ... những con người tốt”
Một số trẻ em đã “phải gánh chịu hậu quả của sự đói khát cùng cực hoặc bị sốt phát ban, mà thường là bị cả hai tình trạng ấy”, bà viết. Tất cả đều có “trải nghiệm về một địa ngục luôn hiện hữu trong tâm trí” và “cảm giác tội lỗi khi bản thân vẫn còn sống”. Một trẻ nói rằng, nếu Paneth có thể đọc tiếng Ba Lan, “trên mỗi trang nhật ký của chúng tôi, bà sẽ thấy rằng chúng tôi muốn chết”.
Nhưng rồi các em vẫn cố gắng học hỏi, khi đến nơi “giơ sáu ngón tay lên để chỉ ra sáu năm học mà các em đã bỏ lỡ” (Ý nói 6 năm phải ở trong trại tập trung – ND), và “tiếp thu bài học theo cách đất khô cằn hấp thụ cơn mưa”.
Paneth viết rằng những đứa trẻ ấy vô cùng xúc động trước sự chào đón của người dân địa phương, những người đã cho mượn xe đạp và mở cửa nhà đón bọn trẻ. “Đây là một đất nước tốt đẹp,” những đứa trẻ ấy nói. "Đấy là những con người tốt bụng."
Năm sau, bà viết: “Mục đích của việc phục hồi là giúp những trẻ ấy có thể nhìn vào hình ảnh phản ảnh chính bản thân mình trong tấm gương kia bằng một đôi mắt thân thiện. Nhiều người trong số họ giờ đã ổn định trên bước đường đi tới".
Paneth đến nơi đó để ngưỡng mộ “lòng tốt và sự ấm áp”, “sự bộc trực đáng kinh ngạc, sự thông minh và lòng nhân ái”. Bà kết luận rằng điều này "không bị xóa sổ ngay cả với mọi thứ mà những người trẻ ấy đã trải qua" do có được sức mạnh từ việc dưỡng dục sớm của họ. “Đó là lý do tại sao tôi sẽ gọi mô tả của tôi về những điều tôi đã học được là Rock the Cradle”.
Marie Paneth (ngoài cùng bên trái) cùng với một số người trẻ sống sót từ hoạ diệt chủng Do Thái ở Ashford, Kent, sau khi bà rời Windermere
Hồi ức từ một trẻ mồ côi nay đã lớn
Harry Olmer, 93 tuổi, gốc Ba Lan, có những ký ức rõ ràng về Paneth - “một người phụ nữ rất dễ gần gũi và rất cao lớn” - một người trong nhóm chuyên viên đã cho bọn trẻ cơ hội lấy lại nhân tính của mình.
Ông ấy nói với tôi: “Đó là một sự thay đổi tuyệt vời, mặc dù nó chỉ diễn ra trong vài tháng . “Chúng tôi đã có lại cuộc sống. Tôi đã rất, rất ốm sau khi quân Nga giải phóng trại Terezin. Nếu cuộc chiến kéo dài thêm một ngày nữa, tôi đã không thể sống sót. Tôi không thể nói chuyện, toàn thân bị co quắp lại”.
Olmer nói rằng không ai trong số các bé trai khi đó muốn đến nước Anh: “Tôi không có mối liên hệ nào với nước Anh. Tôi không biết chút tiếng Anh nào, kể cả nói OK. "Nhưng rồi những trẻ ấy đã không rời khỏi ngôi nhà Cumbria của mình và gọi nó là “Wondermere” mà chẳng vì lẽ gì cả (Wondermere – Đọc trại ra từ Windermere, với từ “wonder” nghĩa là kỳ diệu – ND). Chỉ trong vòng ba năm sau, Olmer đã có được một suất vào học Đại học Glasgow, trước khi đủ tiêu chuẩn trở thành nha sĩ, nhập quốc tịch Anh và có 4 người con và 8 người cháu sau này.
Như Paneth đã viết về Những đứa trẻ của Windermere: “Bạn phải trải nghiệm điều đó để tin rằng sức mạnh bẩm sinh trong bản chất lành mạnh của các em ấy đã giúp các em hướng đến cuộc sống dễ dàng như thế nào”.
Xem bài nói chuyện về Windermere Children trên Youtube
Đăng nhận xét