Dr. D.W. Winnicott: The True & False Self
Tác giả: DANIELLE TRUDEAU, MA
Nguồn: Depth Counseling
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Hãy nghĩ về lần cuối cùng gần đây khi có ai đó khuyên bạn, "Hãy cứ là chính mình!" Bạn đã bao giờ tự hỏi, với sự suy tư theo kiểu triết lý hoặc với một chút hụt hẫng rằng "Điều này thực sự nghĩa là gì?"
Con người có tất cả các thể loại tính cách biểu hiện khác nhau (“persona” trong nguyên văn). Chúng ta luôn thực hiện những điều chỉnh tinh vi trong cách thể hiện bản thân tuỳ vào những người khác xung quanh ta. Có thể bạn thấy mình phụ thuộc khá nhiều vào việc điều chỉnh bản thân theo mong đợi của người khác - có khi đến mức việc “hãy cứ là chính mình” trở nên có vẻ mơ hồ hoặc khó hiểu, hoặc thậm chí có thể khá đáng sợ.
Donald Winnicott, một bác sĩ nhi khoa và là nhà phân tâm học (Anh) có ảnh hưởng vô cùng lớn lao, người đã làm việc từ những năm 1940 đến những năm 1970, đã giải thích lý thuyết của ông về Bản Ngã thật (Chân Ngã) và Bản Ngã giả (Hư Ngã) trong một bài báo mà ông viết vào năm 1960. Trong số những đóng góp khác mà bạn có thể đã nghe nói đến, chẳng hạn như "vật thể/đối tượng chuyển tiếp" (transitional object) và tầm quan trọng của việc vui chơi, Winnicott giải thích ý tưởng rằng mọi người có thể phát triển một thứ Hư Ngã để bảo vệ Chân Ngã ở bên trong và dễ bị tổn thương hơn của họ - và thậm chí họ còn có thể làm điều đó khi còn rất nhỏ, ngay cả khi không nhận biết về nó.
Nhưng làm thế nào để chúng ta phát triển một Hư Ngã, đặc biệt là nếu chúng ta thậm chí không nhận thức được việc làm đó? Winnicott nhấn mạnh tầm quan trọng của “Mẹ” [được coi là cách gọi đại diện cho (những) người chăm sóc chính, bất kể giới tính]. Mối quan hệ của cha mẹ với con cái luôn có tính định hình theo thời gian và để mô tả mối quan hệ hòa hợp mang tính con người của những bậc cha mẹ ấy, Winnicott đã đặt ra thuật ngữ “người mẹ đủ tốt” (the good-enough mother).
Winnicott mô tả trẻ sơ sinh là “có tính tự nhiên” (spontaneous), có nghĩa là chúng không suy nghĩ về cách chúng hành động, chúng chỉ làm bất cứ điều gì chúng cần - điều này có xu hướng cần đến sự giúp đỡ và trấn an, nếu bạn đã từng ở bên cạnh một đứa trẻ. Winnicott lập luận rằng nhu cầu cần sự giúp đỡ và trấn an là phần thiết yếu của phần Chân Ngã của chúng ta, điều mà một người mẹ đủ tốt của chúng ta cố gắng hết sức để cảm nhận được và làm cho đứa con được hài lòng. Không có gì là hoàn hảo cả, miễn là cha mẹ chúng ta đã cố gắng và đã thành công trong phần lớn thời gian, cách đáp ứng đó của họ sẽ củng cố niềm tin của ta rằng nếu ta khóc, thì có ai đó sẽ nghe ta, hiểu ta, và làm hết sức mình để giúp ta. Điều này củng cố lòng tin của ta rằng các nhu cầu và mong muốn cơ bản và trung thực nhất của ta là ổn – rằng ta được quan tâm và cảm xúc của ta có thể được vỗ về. Một người từng nhận được kiểu trấn an này, khi lớn lên sẽ cảm thấy đủ tự tin để đưa Chân Ngã của mình ra với thế giới thực, sống cởi mở, theo trái tim của họ.
Nhưng trong một số trường hợp, khi trẻ khởi nên những mong muốn và nhu cầu tự phát, nhưng cha mẹ không thể đáp ứng một cách đầy đủ (có thể do bệnh tật, trầm cảm hoặc phải vì nhu cầu của ai đó khác). Đứa trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy rằng những nhu cầu và mong muốn cơ bản và chân thật nhất của chúng là không được chấp nhận hoặc được đáp ứng. Trong trường hợp như thế này, đứa trẻ sẽ trở thành điều mà Winnicott gọi là “phục tùng” (compliant) - nghĩa là đứa trẻ sẽ điều chỉnh hành vi của mình, thậm chí không thể suy nghĩ một cách ý thức về điều đó. Sự tuân thủ của đứa trẻ với môi trường xung quanh là cách mà đứa trẻ nỗ lực để bảo vệ bản thân không trở nên kém cỏi hoặc thất vọng hơn nữa - nhưng nó lại là sự che đậy những mong muốn thực sự ban đầu. Từ đây có sự ra đời của Hư Ngã hay Bản Ngã giả.
Ví dụ, trong tình huống có một đứa trẻ kêu khóc, "Con muốn được chú ý, con muốn được bế bồng!" và người mẹ thường không thể đáp ứng một cách đầy đủ, đứa trẻ sẽ điều chỉnh những gì mình đang nói với thế giới, thay vào đó, trẻ khóc thét lên, "Con không cần ai cả, con không cô đơn." Tuy nhiên, đây sẽ là cách thể hiện của Hư Ngã, và bên dưới nó, phần Chân Ngã vẫn sẽ vẫn khao khát cái ôm đó của mẹ. Tuyên bố của Hư Ngã “Tôi không cần bất cứ ai” thậm chí có thể trở nên mạnh mẽ đến mức sự mong muốn ban đầu của Chân Ngã (“Tôi muốn được ôm ấp!”) có thể tuột khỏi tầm nhận thức của người đó và ẩn đi trong vô thức của họ .
Có thể bạn đã nhận thấy điều gì đó thực sự quan trọng trong ý tưởng này: Winnicott đang gợi ý rằng ý thức cơ bản nhất về bản thân của chúng ta không chỉ được nuôi dưỡng một mình mà còn trong những mối quan hệ - cụ thể là mối quan hệ đầu tiên của chúng ta với cha mẹ và gia đình. Điều này tiếp tục diễn ra ở tuổi trưởng thành của chúng ta và ý thức về bản thân của chúng ta có thể tiếp tục thích nghi dựa trên các mối quan hệ mà chúng ta tạo ra khi chúng ta lớn lên, nhưng nơi bạn bắt đầu vẫn là một bước quan trọng trong cách bạn tiến lên phía trước.
Theo Winnicott, những người có một Hư Ngã thực sự năng động vẫn có thể tiếp tục sống một cuộc sống hoàn toàn thành công, nhưng trong sâu thẳm vẫn sống mà cảm thấy không hài lòng hoặc chỉ là “giả vờ” như đang ổn. Họ cũng có thể thực sự đáp ứng kỳ vọng của người khác về họ với hy vọng được kết nối, nhưng cũng có khi chỉ là vẻ bề ngoài hoặc sự vụng về, từ đó dẫn đến các mối quan hệ không chân thực và không hài lòng. Winnicott chỉ ra rằng việc có một Hư Ngã mạnh mẽ sẽ khiến người ta không thể hành động theo tính tự nhiên và sáng tạo, khiến người đó cảm thấy mất gốc và trống rỗng, đôi khi có rất ít ý tưởng về lý do tại sao họ lại cảm thấy như vậy.
Nếu các mối quan hệ là thứ chủ yếu hình thành nên ý thức về bản thân của chúng ta, thì chúng cũng chính là thứ có thể giúp chúng ta thay đổi nó. Đôi khi để gỡ bỏ Hư Ngã của bạn khỏi Chân Ngã và lấy lại niềm tin vào những biểu hiện trung thực của bạn, bạn có thể đến gặp nhà tâm lý trị liệu. Trị liệu là một không gian mà bạn có thể quay trở lại những điều cơ bản, khám phá cảm xúc và mong muốn thực sự của mình một cách cởi mở, đồng thời được lắng nghe và thấu hiểu bởi một nhà trị liệu muốn giúp bạn tự do trở thành con người thật của mình. Với sự giúp đỡ, “hãy cứ là chính mình” có thể không còn là những lời khuyên “vớ vẩn” nữa - bạn có thể hiểu rõ hơn về con người của bạn và những gì bạn muốn, và có thêm niềm tin vào khả năng thế giới xung quanh sẽ chấp nhận bạn.
Đăng nhận xét