HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ CẢM GIÁC TỰ TI VÀ PHỨC CẢM TỰ TI - TỰ TÔN TRONG LÝ THUYẾT CỦA ADLER

Người viết: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Cảm giác tự ti (inferiority feeling) là một khái niệm then chốt trong Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler (1870-1937). Chính nhờ cảm giác tự ti mà con người cảm nhận được sẽ thúc đẩy họ không ngừng phấn đấu để trở nên vượt trội (striving for superiority) để phát triển chính bản thân. Tuy nhiên, càng về sau này, thay vì là khái niệm then chốt này, thì một thuật ngữ khác là phức cảm tự ti (inferiority complex) lại được đề cập đến nhiều hơn, và gần như trở nên gắn liền với tên tuổi của Adler. Sự thật thú vị là, thuật ngữ phức cảm tự ti lại không phải do Adler đặt ra. Lại thêm một điều không kém phần thú vị nữa: mặc dù thuật ngữ phức cảm tự ti không phải do Adler đặt ra, nhưng về sau này ông thật sự đã sử dụng thuật ngữ này. Vậy nên, vấn đề được đặt ra là, chúng ta nên hiểu như thế nào về cảm giác tự ti và phức cảm tự ti - tự tôn trong lý thuyết của Adler?

CẢM GIÁC TỰ TI BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT THƯỜNG

Trước hết, chúng ta sẽ bắt đầu với khái niệm cảm giác tự ti. Theo Adler, cảm giác tự ti được hiểu là cá nhân cảm giác mình thua kém so với người khác. Lúc đầu, ông chủ yếu xem đây là cảm giác về sự nhỏ bé và phụ thuộc mà đứa trẻ cảm nhận được trong tương tác với những người lớn khác (lúc đầu là người cha, sau đó là mẹ, và đến các anh chị). Về sau, những thách thức và áp lực trong đời sống hiện tại của cá nhân (những nguy hiểm, tình huống khẩn cấp, sự thất vọng, những phiền nhiễu, mất mát, áp lực xã hội), bao gồm luôn cả mục tiêu hướng tới hoàn thiện (goal of perfection), cũng được ông nhìn nhận là góp phần tạo thành cảm giác tự ti ở cá nhân. Và cảm giác tự ti này, theo ông, sẽ là động lực,thúc đẩy cá nhân nỗ lực nhằm đặt ra mục tiêu cho bản thân và hướng tới đạt được mục tiêu này.

Trong quá trình phấn đấu đạt mục tiêu mà bản thân đã đặt ra, con người luôn ở trong trạng thái tinh thần phấn khích và bất an. Chỉ đến khi anh ta cảm thấy bản thân đã đạt được sự thỏa mãn trong quá trình phấn đấu của mình, thì anh ta mới có được cảm giác được nghỉ ngơi, có giá trị và hạnh phúc. Và sau đó, mục tiêu tiếp theo sẽ lại đưa cá nhân đi xa hơn. Cảm giác tự ti càng lớn, thì ham muốn phấn đấu càng mạnh mẽ và sự phấn khích tinh thần lại càng mãnh liệt hơn. Cảm giác tự ti này là bình thường, chính nhờ cảm giác này đã thúc đẩy sự phát triển của nhân loại.

VẬY KHI NÀO THÌ CẢM GIÁC TỰ TI NÀY TRỞ NÊN BẤT THƯỜNG?

Đó là khi có sự gia tăng quá mức của cảm giác tự ti ở cá nhân. Khi đó, cảm giác tự ti thay vì là nguồn động lực thúc đẩy cá nhân phấn đấu, thì lại trở thành gánh nặng ngăn cản cá nhân phát triển. Khi có cảm giác tự ti gia tăng bất thường, cá nhân vẫn có thôi thúc phấn đấu để bù đắp cho cảm giác tự ti của bản thân. Tuy nhiên, trong quá trình phấn đấu, họ bị công kích nhiều hơn bởi những khó khăn của cuộc sống và luôn cảm thấy như thể họ đang sống ở trong một đất nước thù địch. Tranh đấu, do dự, dừng lại, trốn tránh, họ bận rộn với chính con người mình hơn là với người khác, do đó họ ích kỷ, thiếu suy xét, thiếu quan tâm đến xã hội, lòng dũng cảm và sự tự tin vì họ sợ thất bại hơn là mong muốn thành công. Có thể nói, họ phấn đấu chủ yếu là vì để bảo vệ bản thân hơn là vì để phát triển bản thân.

Đối với những cá nhân này, cảm giác tự ti được xem là một dấu hiệu của sự yếu đuối, thậm chí là đáng xấu hổ, vậy nên họ có xu hướng che giấu nó. Nỗ lực che giấu có thể lớn đến mức bản thân họ có thể không còn nhận thức được sự tự ti của mình và quá trình phấn đấu để vượt trội có thể xảy ra một cách hoàn toàn tự động, thoát khỏi sự chú ý của chính họ. Nhưng phải nhấn mạnh là sự phấn đấu vượt trội này chỉ là để trấn an bản thân họ, nó không giúp họ hướng đến sự phát triển thực sự.

THUẬT NGỮ PHỨC CẢM TỰ TI - TỰ TÔN

Như vậy, Adler vốn chỉ nói về cảm giác tự ti bình thường và bất thường, mà không hề đề xuất ý tưởng về phức cảm tự ti. Theo Oliver Brachfeld, Adler chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ này mãi cho đến năm 1926, trong chuyến đi thuyết trình đầu tiên ở Hoa Kỳ, ông nhận ra ông đã được gọi là “cha đẻ của phức cảm tự ti và tự tôn”. Về sau, Adler cũng đã sử dụng thuật ngữ này trong các tác phẩm của mình, ban đầu ông đã sử dụng nó như một từ đồng nghĩa với cảm giác tự ti nói chung, bình thường cũng như bất thường. Phải mãi đến những năm cuối đời, đặc biệt là trong tác phẩm sau cùng được xuất bản của Adler, What Life Should Mean to You, ông mới xác định rõ sự khác biệt giữa cảm giác tự ti và phức cảm tự ti.

Theo Adler, ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều có cảm giác tự ti, vì chúng ta đều thấy bản thân đang ở một vị trí mà mình muốn cải thiện. Nếu chúng ta giữ được sự can đảm của mình, chúng ta sẽ bắt đầu tìm cách thoát khỏi cảm giác này bằng cách trực tiếp, thực tế và thỏa đáng – chính là cải thiện hoàn cảnh. Con người không thể chịu đựng cảm giác tự ti quá lâu; anh ta sẽ cảm thấy bản thân được thôi thúc phải hành động. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân không đủ can đảm, anh ta không cảm thấy rằng những nỗ lực thực tế của anh ta thực sự có thể cải thiện tình hình. Lúc này anh ta vẫn không thể chịu đựng được cảm giác tự ti của mình, nên sẽ đấu tranh để thoát khỏi nó. Mục tiêu của anh ta vẫn là “vượt qua những khó khăn”, nhưng thay vì vượt qua những trở ngại, anh ta sẽ cố gắng tự thôi miên mình để cảm thấy bản thân vượt trội. Trong khi đó, cảm giác tự ti của anh ta sẽ càng tích tụ, vì hoàn cảnh tạo nên cảm giác tự ti vẫn không thay đổi. Sự khiêu khích vẫn còn đó. Mỗi bước đi của anh ta sẽ chỉ càng đi xa hơn vào sự tự lừa dối (self-deception), và mọi vấn đề của anh ta sẽ lại dồn ép anh ta ngày càng cấp bách hơn. Cảm giác tự ti thực sự vẫn còn đó. Vẫn luôn là cảm giác tự ti cũ bị khiêu khích bởi những tình huống cũ. Cảm giác tự ti lúc này sẽ dần trở thành một dòng chảy ngầm trong đời sống tâm trí của anh ta. Trong trường hợp này, chúng ta đang thực sự nói về phức cảm tự ti “cảm giác”. Như vậy, phức cảm tự ti “cảm giác” được Adler sử dụng với ý nghĩa chỉ sự gia tăng bất thường của cảm giác tự ti, cũng chính là cảm giác tự ti bất thường mà trước đó Adler đã đề cập. Nhưng trong tình huống này, phức cảm liệu có phải là một từ phù hợp để mô tả cảm giác tự ti tràn ngập toàn bộ nhân cách của con người như vậy không? Rõ ràng, nó còn hơn cả một phức cảm, nó gần như là một “căn bệnh” có mức độ tàn phá khác nhau trong các trường hợp khác nhau.

Phức cảm tự ti còn được Adler dùng với một ý nghĩa khác, để phân biệt với cách hiểu trên, cách hiểu này sẽ được gọi là phức cảm tự ti “triệu chứng”. Phức cảm tự ti “triệu chứng” được hiểu là cách mà một cá nhân tự thể hiện với bản thân và với người khác rằng anh ta không có đủ khả năng để giải quyết một vấn đề đang tồn tại, theo một cách có ích cho xã hội. Cá nhân có phức cảm tự ti “triệu chứng” sẽ có những kiểu tư duy, cảm xúc và hành động không ngừng đưa mình đi đến thất bại. Cách dùng này không biểu thị về sự gia tăng cảm giác tự ti, mà là hậu quả của sự gia tăng đó. Và đây là kiểu tự ti duy nhất mà cá nhân hoàn toàn nhận thức được, vì chính anh ta không ngừng tạo ấn tượng cho người khác và bản thân về khuyết điểm của mình. Anh ta dùng sự yếu kém thực sự hoặc giả định này như một cái cớ để thu rút hoặc nhận được đãi ngộ đặc biệt nào đó.

Phức cảm tự tôn cũng là một hậu quả của sự gia tăng cảm giác tự ti. Adler xem phức cảm tự tôn là một hình thức bù đắp sai lầm cho sự gia tăng cảm giác tự ti. Phức cảm tự tôn (superiority complex) là một trong những cách là một người có phức cảm tự ti “cảm giác” có thể sử dụng để thoát khỏi những khó khăn của mình. Anh ta cho rằng anh ta là người vượt trội trong khi không phải thế, và thành công giả tạo này bù đắp cho anh ta tình trạng kém cỏi mà anh ta không thể chịu đựng được. Người có phức cảm tự tôn muốn giải quyết các vấn đề của cuộc sống theo cách nhằm đạt được ưu thế cá nhân mà không cho thấy có sự quan tâm về mặt xã hội (social interest).

Như vậy, theo Adler thì phức cảm tự ti “cảm giác” chính là cảm giác tự ti gia tăng bất thường. Và hậu quả của sự gia tăng này hoặc là dẫn đến cá nhân tự thu rút, liên tục thể hiện sự yếu kém của bản thân, hoặc tự cho rằng bản thân vượt trội hơn so với thực tế. Cảm giác tự ti vốn là điều bình thường, đóng vai trò là tác nhân kích thích sự phát triển ở con người. Nó chỉ trở thành bệnh lý khi nó lấn át cá nhân và không kích thích anh ta hoạt động có ích, khiến anh ta đình trệ và không thể phát triển.

Đến đây, có lẽ có một vài câu hỏi có thể được đặt ra để thay cho lời kết:

Thuật ngữ phức cảm tự ti – phức cảm tự tôn liệu có đại diện cho bất kỳ một đóng góp mới nào cho Tâm lý học Cá nhân của Adler hay không?

Chỉ cho một người thấy rằng họ đang đau khổ vì cảm giác tự ti của bản thân liệu có giúp đỡ gì được không?

Khi vấn đề không phải là cảm giác tự ti, mà là mức độ và cách mà cá nhân lý giải về cảm giác này, vậy chúng ta cần lưu tâm điều gì trong lúc giúp đỡ cho thân chủ?

Tài liệu tham khảo:

Adler, A. (1956). Тhe individual psychology of Alfred Adler: A systematic presentation in selections from his writings (HL Ansbacher & RR Ansbacher, Eds.) New York.

Brachfeld, O. (2013). Inferiority feelings: In the individual and the group. Routledge.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

Mới hơn Cũ hơn
Post ADS 1
Post ADS 1