PAUL WATZLAWICK – “KHÔNG THỂ KHÔNG GIAO TIẾP”

You Cannot Not Communicate – Paul Watzlawick

Tác giả: HARALD SACK - Professor of Information Service Engineering

Nguồn: SciHi – Daily Blog on Science, Tech and Art in History – 25/7/2018

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Paul Watzlawick (25/7/1921 – 31/3/2007) - Nhà trị liệu gia đình, nhà tâm lý học, nhà lý thuyết truyền thông và nhà triết học người Mỹ gốc Áo. Là một lý thuyết gia về lý thuyết giao tiếp và thuyết kiến ​​tạo cấp tiến (radical constructivism), ông đã góp nhiều bình luận trong các lĩnh vực trị liệu gia đình và trị liệu tâm lý nói chung. Watzlawick tin rằng con người tạo ra đau khổ cho chính họ bằng hành động cố gắng khắc phục các vấn đề tình cảm của họ. Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tại Viện Nghiên cứu Tâm thần (MRI), từng sống và làm việc tại Palo Alto, California.

 

Ngày 25/7/1921, nhà tâm lý trị liệu, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia và tác giả Paul Watzlawick ra đời. Ông ấy được biết đến nhiều nhất với các phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nghiên cứu về tâm thần phân liệt và 5 tiên đề trong lý thuyết giao tiếp (five axioms in the theory of communication).

“Những ý tưởng truyền thống hàng ngày của chúng ta về thực tại là những hoang tưởng (delusions) mà chúng ta đã dành phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mình để cải thiện, thậm chí có nguy cơ đáng kể khi cố gắng buộc các sự kiện phù hợp với định nghĩa của chúng ta về thực tại thay vì ngược lại. Và hoang tưởng nguy hiểm nhất trong tất cả là chỉ có một thực tại duy nhất.” - Paul Watzlawick

 

TUỔI TRẺ VÀ THẾ CHIẾN THỨ HAI

Một năm rưỡi trước khi Paul Watzlawick thi ra trường tại Peraugymnasium ở Villach, nước Áo bị sáp nhập vào Đức vào tháng 2/1938. Cha của ông được biết đến là một người chống lại chủ nghĩa Quốc Xã. Hai cha con tiếp tục xem nhau như những người Áo. Sau khi tốt nghiệp ở Villach năm 1939, Watzalwick bị bắt thực hiện chế độ quân dịch. Ông được lệnh đến Reichsarbeitsdienst (Cơ quan Dịch vụ Lao động Quốc gia dưới thời Đức Quốc Xã – ND), sau đó vào Wehrmacht (tên gọi quân đội thời Đức Quốc Xã), trong một đại đội phòng không. Ông đủ khả năng là người phiên dịch tiếng Anh, làm công việc phiên dịch trong suốt quá trình thẩm vấn của những tù binh nói tiếng Anh, ông hiểu các tù nhân nhưng lại bắt đầu dịch lại một cách không đầy đủ. Sự thao túng này của ông đã bị phát hiện. Ông bị bắt và đi đến nhà tù thẩm vấn tại Stuttgart vào đầu tháng 2/1945. Vì chiến tranh kết thúc và có sự giúp đỡ của cấp trên, sự cầm tù này kết thúc sớm. Sau chiến tranh ông làm phiên dịch viên tiếng Anh.

LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH VÀ LÀM VIỆC Ở HOA KỲ

Trong thập niên 1950, ông tham gia học viện C-G Jung ở Zurich để học về tâm lý trị liệu và sau đó ông trở thành chuyên gia về tâm lý trị liệu ở El Savador, nơi ông chuyên chú vào lĩnh vực giao tiếp và liệu pháp gia đình. Năm 1960, Watzlawick được Don D.Jackson tuyển vào làm thành viên của nhóm Palo Alto, California, nơi ông làm việc như một người đồng nghiên cứu (research associate) tại Viện Nghiên cứu Tâm thần (MRI - Mental Research Institute). Tại Palo Alto, Gregory Bateson và Juergen Ruesch đã phát triển một học thuyết giao tiếp từ quan điểm điều khiển học và tâm thần học (cybernetic and psychiatric point of view) vào năm 1951. Năm 1956, Bateson, Jackson, Haley và Weakland  lần đầu tiên mô tả những giao tiếp có tính nghịch lý của con người (paradoxical human communications) và công bố các kết quả của họ.

5 TIÊN ĐỀ CỦA GIAO TIẾP

5 tiên đề giao tiếp được phát triển bởi Paul Watzlawick giải thích giao tiếp của con người và tính nghịch lý của nó.

Con người không thể không giao tiếp (One cannot not communicate) có nghĩa là con người giao tiếp ngay khi họ nhận biết về nhau. Từ đó trở đi, mỗi thể loại tương tác đều là sự giao tiếp.

Nội dung và mối quan hệ (Content and Relationship) giải thích rằng mỗi loại giao tiếp chứa đựng những khía cạnh về nội dung và mối quan hệ, trong đó mối quan hệ xác định nội dung.

Một tiên đề khác mô tả rằng giao tiếp luôn luôn tuỳ thuộc vào quan hệ nhân quả (cause and effect), có nghĩa là sự giao tiếp dựa trên cách chấm câu trong quy trình giao tiếp của đối tác (punctuation of the partner’s communication procedures).

Tiên đề thứ 4 mô tả giao tiếp dựa trên ngôn ngữ nói cũng như những hành động không lời, như là mỉm cười hay khóc lóc. Ở đây, Watzlawick tách riêng ra hai loại: giao tiếp tín hiệu (digital communication) với cú pháp phức tạp và giao tiếp loại suy (analog communication) với tiềm năng lớn về ngữ nghĩa.

Tiên đề cuối cùng đề cập đến tính đối xứng và tính bổ sung (symmetric and complements), có nghĩa là một mối quan hệ giữa những đối tác hoặc có tính ngang bằng hoặc có tính không ngang bằng và điều này sẽ xác định tương tác. Các đối tác hoặc sẽ kiểm soát lẫn nhau hoặc theo đuổi sự bình đẳng với nhau.

Mặc dù Watzlawick dành được nhiều sự tôn trọng vì lý thuyết của mình, những nhà phê bình cũng đưa ra những tuyên bố của họ. Họ cho rằng trong thực tế thật khó để áp dụng tất cả những tiên đề này trong những mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình. Như đã đề cập, học thuyết này không ngụ ý về cách làm thế nào để các mối quan hệ tương tác cá nhân có thể được chấp thuận.

“Chúng ta luôn xoay vần trong giao tiếp, thậm chí ta không tự ý thức được… về giao tiếp… và (chúng ta) - hoặc chỉ với lý do đó – hầu như không đủ khả năng để giao tiếp thông qua giao tiếp.”Paul Watzlawick

TỐT QUÁ TRỞ THÀNH XẤU

Watzlawick nắm bắt ý tưởng của Heraclitus về “tính hợp nhất trong sự đa dạng” (unity in the diversity) của các sự vật – enantiodromy – và chỉ ra rằng sự gia tăng những điều tốt luôn chuyển thành điều tồi tệ. Chủ nghĩa yêu nước quá độ tạo ra chủ nghĩa sô-vanh (chauvinism, tức chủ nghĩa quốc gia cực đoan), bảo vệ quá mức tạo nên áp chế. Trong tác phẩm Lösungen (Solution, 1974), Watzlawick nói về những “giải pháp bậc hai” (second-order solutions) khi những hành vi này bị phá vỡ thông qua các lựa chọn thay thế hoặc bị giảm bớt.

[Enantiodromia (tiếng Hy Lạp cổ đại : ἐνάντιος, enantios - đối diện và δρόμος, dromos - chạy bộ) là một nguyên lý được giới thiệu ở phương Tây bởi bác sĩ tâm thần Carl Jung. Trong Psychological Types, Jung định nghĩa enantiodromialà "sự xuất hiện của một đối lập vô thức (unconscious opposite) theo diễn tiến thời gian." Nó tương tự như nguyên tắc cân bằng trong thế giới tự nhiên, một điều gì đó đạt đến cực điểm đều bị hệ thống chống lại để khôi phục lại trạng thái cân bằng. Khi thứ gì đó trở nên cực đoan, nó sẽ chuyển thành điều ngược lại – Chú thích của TN Online]

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Paul Watzlawick có được sự tôn trọng từ nhiều nhà phân tâm và nhà trị liệu có uy tín, và đã ảnh hưởng lên nhiều nhà nghiên cứu theo chân ông trong lĩnh vực giao tiếp và trị liệu gia đình.

Từ 2008, Paul Watzlawick-Ehrenring đã được trao giải thưởng bởi Hiệp hội Y khoa Vienna, Áo. Những người nhận giải thưởng này trước đó là Peter L.Berger, Aleida Assmann, Rudiger Sanfranski, Friedrich Achleitner, Walter Thirring, Ruth Kluger, Konrad Paul Liessmann, Fraz Schuh và Hartmut Rosa. Ágnes Heller cũng nhận được một giải danh dự cho công trình của bà vào năm 2017.

Paul Watzlawick qua đời ngày 31/3/2007 ở Palo Alto.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

Mới hơn Cũ hơn
Post ADS 1
Post ADS 1