QUAN ĐIỂM CỦA FREUD VỀ PHỤ NỮ

Freud's Perspective on Women
Người viết: KENDRA CHERRY
Kiểm chứng dữ liệu: EMILY SWAIM
Nguồn: VeryWellMind - Cập nhật ngày 21/04/2020

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

Sigmund Freud và vợ, Martha Freud


Quan điểm của Sigmund Freud về phụ nữ đã gây tranh cãi trong suốt cuộc đời của chính ông và tiếp tục gợi lên những cuộc tranh luận đáng kể cho đến ngày nay. “Phụ nữ chống lại sự thay đổi, họ chỉ tiếp nhận một cách thụ động và chẳng tạo thêm được gì cho chính họ”, ông đã viết như thế trong một bài viết năm 1925 với tựa đề "Những hậu quả trên tâm trí của sự khác biệt về giải phẫu giữa các giới tính" (The Psychical Consequences of the Anatomic Distinction Between the Sexes).

Donna Stewart, MD, giáo sư và chủ tịch về sức khỏe phụ nữ tại University Health Network, giải thích, "Freud là một người đàn ông của thời đại của ông. Ông ấy phản đối phong trào giải phóng phụ nữ và tin rằng cuộc sống của phụ nữ chịu sự chi phối bởi chức năng sinh sản và tình dục của họ. "

Trong "Sigmund Freud: Cuộc sống và Công việc” (Sigmund Freud: Life and Work) của Ernest Jones có nêu Freud đã từng trầm ngâm nói "Câu hỏi lớn chưa bao giờ có câu trả lời, và tôi vẫn chưa thể trả lời, bất chấp ba mươi năm nghiên cứu về tâm hồn nữ giới, đó là: Người phụ nữ muốn gì?".

PENIS ENVY

[Penis Envy: Tạm dịch là sự thèm muốn có cơ quan sinh dục như của nam giới, một khái niệm được đưa ra theo quan điểm của phân tâm học – Chú thích của ND]

Penis Envy là một phiên bản ở nữ giới tương tự như khái niệm của Freud về “nỗi lo sợ bị thiến hoạn” (castration anxiety) ở nam giới. Trong lý thuyết phát triển tâm lý – tính dục (psychosexual development), Freud gợi ý rằng trong giai đoạn giai đoạn đầu (khoảng từ 3 đến 6 tuổi), các bé gái phải xa mẹ và dành tình cảm cho cha của mình.

Theo Freud, điều này xảy ra khi một cô gái nhận ra rằng mình không có dương vật. Freud đã cho rằng (1933): “Các cô gái buộc mẹ phải chịu trách nhiệm về việc họ không có dương vật và không tha thứ cho mẹ vì đã để họ đã rơi vào một tình thế bất lợi”.

Trong khi Freud tin rằng khám phá của ông về Phức cảm Oedipe (Oedipal complex) và các lý thuyết liên quan như “nỗi lo bị thiến” và penis envy là những thành tựu lớn nhất của ông, thì những lý thuyết này có lẽ khiến cho ông bị chỉ trích nhiều nhất. Các nhà phân tâm học nữ như Karen Horney và những nhà tư tưởng nữ quyền khác đã mô tả những ý tưởng của ông là méo mó và đáng bị lên án. Lý thuyết đối trọng với phức cảm Oedipe là phức cảm Electra .

ĐIỀU TRỊ CHỨNG HYSTERIA

Loại liệu pháp nói chuyện mang tính cách mạng của Freud đã được phát triển một phần từ công việc của ông với Bertha Pappenheim, một bệnh nhân thường được biết đến cái tên Anna O. Trải qua những gì mà về sau được gọi là chứng hysteria, cô đã có một loạt các triệu chứng bao gồm ảo giác, mất trí nhớ và liệt một phần.

Trong các buổi làm việc với một trong những đồng nghiệp của Freud là Joseph Breuer, Pappenheim đã mô tả lại những cảm xúc và kinh nghiệm của cô ấy. Quá trình này dường như làm giảm bớt các triệu chứng của cô ấy, khiến cô ấy gọi phương pháp này là "phương pháp chữa bệnh bằng cách nói chuyện" (talking cure). Pappenheim tiếp tục trở thành một nhân viên xã hội và có những đóng góp đáng kể cho phong trào phụ nữ ở Đức. [Theo Kaplan M. Bertha Pappenheim: 1859 - 1936. The Encyclopedia of Jewish Women]

Ban đầu, Freud cho rằng nguyên nhân của chứng cuồng loạn bắt nguồn từ việc bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Sau đó, ông đã từ bỏ lý thuyết này và thay vào đó nhấn mạnh vai trò của những huyễn tưởng tình dục (sexual fantasies) trong sự phát triển của các chứng nhiễu tâm (neuroses) và bệnh lý khác.

Nhà sử học Peter Gay giải thích: "Sự hiểu biết của ông ấy về phụ nữ vốn rất không đầy đủ, nhưng rồi ông đã đạt được những bước tiến vượt bậc vượt ra ngoài những gì hiểu về phụ nữ khi ông xuất hiện trong lĩnh vực làm việc này. Ngay cả việc thừa nhận rằng phụ nữ có ham muốn tình dục cũng đã là điều khá bất thường vào thời của Freud, nên cũng rất ít khả năng để có thể nói rằng việc kìm nén những khao khát tính dục khiến phụ nữ bị mắc chứng hysteria”.

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG CUỘC ĐỜI CỦA FREUD

Trong khi Freud thường khẳng định rằng ông không hiểu nhiều về phụ nữ, thì lại có những người phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống cá nhân của ông. Freud là con cả của mẹ ông (cha ông có hai con trai lớn từ cuộc hôn nhân trước) và thường được mô tả là người con được yêu thích đặc biệt của bà.

Freud từng nhận xét: “Tôi nhận thấy rằng những người biết rằng họ được mẹ yêu thích hoặc ưu ái đưa ra bằng chứng trong cuộc sống của họ về một tính tự lập phi thường và một sự lạc quan không thể lay chuyển, những thứ thường giúp mang lại thành công thực sự cho những người sở hữu họ”.

Mối quan hệ của Freud với vợ ông, Martha, rất có tính truyền thống. "Bà ấy là một hausfrau(tiếng Đức nghĩa là “nội trợ”) rất giỏi", cô cháu nội của ông, Sophie Freud, giải thích. "Bà sống rất tiết kiệm. Và bố tôi hẳn sẽ nói rằng mẹ của ông thà gây ngộ độc cho cả nhà còn hơn vứt bỏ thức ăn (cũ)".

Freud được lớn lên cùng với một số chị em gái và sau đó trở thành cha của ba người con trai và ba cô con gái, trong đó có Anna Freud, người đóng vai trò quan trọng trong việc gánh vác công việc của cha mình.

PHỤ NỮ TRONG PHÂN TÂM HỌC

Trong khi Freud mô tả phụ nữ thấp kém hơn nam giới, đã có nhiều phụ nữ có vai trò trong sự phát triển và tiến bộ của phân tâm học. Người phụ nữ đầu tiên điều hành phòng khám phân tâm học của riêng mình là Helene Deutsch vào năm 1924. Bà đã xuất bản cuốn sách phân tâm học đầu tiên nói về tính dục ở phụ nữ và viết nhiều về các chủ đề như tâm lý phụ nữ, nữ vị thành niên và công việc làm mẹ.

Nhà phân tâm học Sabina Spielrein (được cho là người tình một thời của Carl Jung) cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của phân tâm học. Bà vốn là một trong những bệnh nhân của Jung.

Trong những năm đầu của tình bạn giữa Freud và Jung, hai người đàn ông đã dành một khoảng thời gian đáng kể để thảo luận về trường hợp của Spielrein, điều này đã giúp hình thành nhiều quan điểm của họ. Bản thân Spielrein cũng được ghi nhận là người đã phát triển khái niệm về “bản năng chết” (death instincts) và là người giới thiệu phân tâm học ở Nga.

Nữ phân tâm gia Karen Horney đã trở thành một trong những nhà phê bình đầu tiên đối với quan điểm của Freud về tâm lý nữ giới. Melanie Klein đã trở thành một thành viên nổi bật của cộng đồng phân tâm học và phát triển các kỹ thuật được gọi là "liệu pháp chơi" (play therapy), mà vẫn còn được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Ngoài ra, chính con gái của Freud là Anna Freud cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều lý thuyết của cha mình và đóng góp rất nhiều vào phân tâm học trẻ em.

CÁC QUAN ĐIỂM ĐỐI LẬP

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhân vật quan trọng trong tâm lý học đã có những phản ứng của họ đối với quan điểm hạn hẹp và có tính công kích của Freud đối với tâm lý phụ nữ. Karen Horney là một trong những nhà phê bình như vậy, khi tiếp thu khái niệm của Freud về penis envy và đưa ra ý kiến ​​của riêng bà về tâm lý nam giới. Ngay cả cháu gái của Freud sau đó cũng đưa ra những lời chỉ trích đối với người bề trên nổi tiếng của mình.

Karen Horney:Khái niệm penis envy của Freud đã bị chỉ trích vào thời của ông, đáng chú ý nhất là bởi nhà phân tâm Karen Horney. Bà cho rằng chính những người đàn ông bị ảnh hưởng xấu bởi việc họ không có khả năng sinh con, mà bà gọi đó là womb envy(Tạm dịch: “sự thèm muốn có tử cung như phụ nữ").

Phản ứng của Freud: Freud trả lời, mặc dù gián tiếp, viết, "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên lắm nếu một nữ phân tâm gia không đủ thuyết phục về mức độ của chính mình trong việc mong muốn có dương vật cũng bị thất bại trong việc coi trọng yếu tố đó ở những bệnh nhân của cô ấy” (Freud, 1949). Theo Freud, khái niệm womb envy của Horney nổi lên chính là kết quả của penis envy được cho là của chính Karen Horney.

Sophie Freud:Mặc dù quan niệm của Freud về tính dục ở phụ nữ thường đi ngược lại với khuynh hướng phụ quyền (patriarchal tendencies) của thời đại Victoria, nhưng ông vẫn là một người đàn ông ở thời đại của mình. Công việc của ông thường bị xem là có tính kỳ thị nữ giới (misogynistic) và cháu gái của ông, Sophie Freud, đã mô tả các lý thuyết của ông là lỗi thời. Cô giải thích: "Những ý tưởng của ông ấy phát triển nên từ xã hội thời ấy. Ông phản ánh trong lý thuyết của mình niềm tin rằng phụ nữ chỉ là thứ yếu, lý thuyết ấy không phải là chuẩn mực và cũng chẳng tốt lành gì với chuẩn mực".

Lời kết: Ngay cả bản thân Freud cũng thừa nhận rằng sự hiểu biết của ông về phụ nữ còn hạn chế. “Đó là tất cả những gì tôi phải nói với bạn về nữ tính”, ông viết vào năm 1933. “Nó chắc chắn không đầy đủ và rời rạc và không phải lúc nào cũng có vẻ thân cảm... Nếu bạn muốn biết thêm về nữ tính, hãy hỏi về kinh nghiệm của chính bạn trong cuộc sống, hoặc quay sang các nhà thơ, hoặc đợi cho đến khi khoa học có thể cung cấp cho bạn thông tin sâu hơn và mạch lạc hơn".

QUAN ĐIỂM HIỆN ĐẠI

Ngày nay, nhiều nhà phân tích gợi ý rằng thay vì bác bỏ hoàn toàn lý thuyết của Freud, chúng ta nên tập trung vào việc phát triển những quan điểm mới về những ý tưởng ban đầu của ông. Như một nhà văn đã nói "Freud đã sửa đổi lý thuyết của mình nhiều lần khi ông ấy tích lũy được dữ liệu mới và đạt được những hiểu biết mới. Các nhà phân tích đương đại cũng nên làm tương tự như vậy".


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

Mới hơn Cũ hơn
Post ADS 1
Post ADS 1