“Parents Beware: Danger Ahead”
Tác giả: ERIC MAISEL, Ph.D., là tác giả của bốn mươi cuốn sách, trong số đó có quyển “Suy nghĩ lại về Sức khỏe Tâm thần” (Rethinking Mental Health)
Nguồn: Psychology Today – 21/12/2016
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Một cuộc phỏng vấn của Eric Maisel (EM) với Bonnie Burstow (BB)
Chào mừng bạn đến với Childhood Made Crazy, một loạt bài phỏng vấn có góc nhìn phê phán về mô hình “rối loạn tâm thần ở trẻ em” hiện nay. Loạt bài này bao gồm các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ, phụ huynh và những vận động vì trẻ em cũng như các phần điều tra những chủ đề cơ bản trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Truy cập trang sau để tìm hiểu thêm về loạt bài này, để xem những cuộc phỏng vấn nào sắp diễn ra và tìm hiểu về các chủ đề đang thảo luận: http://ericmaisel.com/interview-series/
Tiến sĩ Bonnie Burstow là giáo sư về Giáo dục Người lớn và Phát triển Cộng đồng (Adult Education and Community Development) tại OISE (Ontario Institute for Studies in Education of the University – Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại dọc Ontario) thuộc Đại học Toronto, một nhà trị liệu tâm lý nữ quyền (feminist psychotherapist), một nhà hoạt động chống tâm thần học (antipsychiatry activist), một triết gia gắn bó với xã hội và một nhà phê bình hàng đầu về tâm thần học. Là một tác giả được đánh giá cao, các tác phẩm của bà bao gồm những cuốn sách mang tính đột phá như “Liệu pháp Nữ quyền Cấp tiến” (Radical Feminist Therapy) và “Tâm thần học và Sự Kinh doanh trên Sự điên loạn” (Psychiatry and Business of Madness).
Để biết thêm thông tin, hãy xem: http://www.oise.utoronto.ca/lhae/Faculty_Staff/1594/Bonnie_Burstow.html
Tham khảo các bài viết của Bonnie, hãy xem: http://bizomadness.blogspot.ca/
EM: Bà sẽ đề nghị một phụ huynh suy nghĩ như thế nào nếu họ được thông báo rằng con của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về rối loạn tâm thần hoặc chẩn đoán bệnh tâm thần?
BB: Đầu tiên, điều quan trọng với tư cách là cha mẹ, bạn cần biết rằng bên cạnh thực tế là các chẩn đoán hầu như không tách riêng từng loại mà thường hòa trộn vào nhau, chúng rất rộng đến nỗi tất cả mọi người, chỉ cần là một người đang sống, đều sẽ thoả tiêu chí của ít nhất hai hoặc ba rối loạn tâm thần.
Cũng cần biết rằng không có một chút bằng chứng sinh học nào cho thấy có bất kỳ cái gì được gọi là “rối loạn tâm thần”, thậm chí vẫn khá là mơ hồ khi xem đó là một căn bệnh thực sự (để biết thông tin về những gì trong y học thông thường được coi là một căn bệnh, hãy xem Burstow – “Psychiatry and Business of Madness”, Chương Hai). Thay vào đó, chúng là những cách sống, cách suy nghĩ và hành động mà có những nhà chuyên môn khác đã “bệnh lý hoá” (pathologize) chúng, rồi sau đó liệt kê chúng trong quyển sách chính thức về các chứng rối loạn của họ - tức DSM .
Như vậy, cho dù vị chuyên gia đã đưa ra chẩn đoán này có thể nghĩ như thế nào về nó hoặc có thể khuyến khích bạn suy nghĩ về nó, hoặc dựa trên một tài liệu nào đó để đưa cho bạn rồi kiến tạo nên nó, tất cả những gì bạn thực sự khám phá được ở đây đó là: đứa trẻ, một thành viên của loài người, đã tình cờ gặp phải một bác sĩ tâm thần.
Việc đứa trẻ có thể đang gặp khó khăn nghiêm trọng vẫn không làm thay đổi thực tế này. Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó là bản chất của đời sống. Điều phức tạp của vấn đề là đã có một đợt bùng phát lớn trong việc tuyên bố những trẻ em là “có bệnh tâm thần”, điều này mở toang cánh cửa đưa đến cho cái gọi là “điều trị” (một cái gì đó vì lợi ích của các ngành công nghiệp thu lợi từ nó).
Không việc gì có thể làm cho những chẩn đoán này có ý nghĩa. Đứa con của bạn không phải là vật chủ (host) của một thực thể bệnh bí ẩn nào đó, không phải “bệnh tâm thần phân liệt”, không phải là một trường hợp kinh điển của “rối loạn ứng xử”, mà là một đứa trẻ phức tạp kỳ diệu như nó đã từng trước đây; hơn nữa, bất kể là một người nào đó có đang cảm thấy rắc rối hay không hoặc thậm chí còn như một người loạn thần tấn công bạn đi nữa, thì người ấy vẫn có thể có một cuộc sống tốt đẹp. Điều quan trọng ở đây là bạn phải tiếp tục quan tâm đến con mình.
EM: Bà sẽ đề nghị một phụ huynh suy nghĩ như thế nào khi được thông báo rằng con họ phải dùng một hoặc nhiều loại thuốc để điều trị chứng rối loạn hoặc bệnh lý tâm thần mà cháu đã được chẩn đoán?
BB: Những lời khuyên như vậy vốn đã trở thành thường quy như một phản xạ (ở các bác sĩ) và bất chấp điều đó, tôi sẽ đề nghị xem nó như là một việc vốn đã có vấn đề.
Theo đó, tôi sẽ cảnh báo bạn về một thực tế rằng các chẩn đoán không có giá trị chắc chắn, và thuốc men cũng thế. Ví dụ: cho dù các công ty dược phẩm, vì tư lợi, mà đưa ra các tuyên bố theo hướng ngược lại, thì các loại thuốc này vẫn không có tính đặc hiệu cho những “tình trạng” (conditions) mà họ viện lẽ để “điều trị”. Hơn nữa, chúng đã được chứng minh là gây hại nhiều hơn là có lợi.
Trái ngược với việc giải quyết sự mất cân bằng hóa học (chemical imbalances) – mà cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy những người bị dán nhãn như thế thực sự bị “mất cân bằng hóa học” – thì hoàn toàn ngược lại, chính chúng (các loại thuốc) đã tạo ra sự mất cân bằng. Chúng cũng làm suy giảm khả năng suy nghĩ và cảm nhận. Và về lâu dài, chúng gây ra những tổn thương não không thể hồi phục. Chúng đặc biệt có hại cho trẻ em, đối với não bộ vẫn đang trong quá trình phát triển của trẻ.
Giờ thì bạn có thể bị lôi kéo để chấp nhận điều này như một sự đánh đổi hợp lý miễn là những chất này giúp giải tỏa những đau khổ về cảm xúc. Mặc dù thuốc có thể thực sự hữu hiệu, nhưng điều bạn cần nhận thức ở đây đó là con bạn có thể nhận được sự giúp đỡ tốt hơn nhiều mà không bị những tổn hại. Ngoài ra, cái gọi là sự trợ giúp ở đây lại có liên hệ mật thiết với sự tổn hại mà nó gây ra và hơn thế nữa, sự “trợ giúp” ấy lại còn rất hạn chế.
Liên quan đến điều này, các nghiên cứu về hiệu quả của thuốc đã chỉ ra rằng những loại thuốc đó thậm chí còn có tác dụng không trội hơn so với các chất vô thưởng vô phạt khác, chẳng hạn như thuốc kháng histamine. Hơn nữa, dù cho có những tuyên bố ngược lại, chính những thuốc đó gây ra những vấn đề về cảm xúc (ở người sử dụng) - và có một số đông các quốc gia đã hành động chống lại việc sử dụng các thuốc này. Ví dụ, ở Anh, một tỷ lệ cao các thuốc chống trầm cảm đã chính thức bị cấm sử dụng với trẻ em dưới 18 tuổi vì tự tử đã được chứng minh là một “tác dụng phụ” (khi dùng thuốc).
Tương tự, người ta đã chỉ ra rằng các thuốc hưng thần (stimulants) (loại thuốc thường được kê cho trẻ em được chẩn đoán mắc chứng ADHD) có tác dụng gây ra hưng cảm (mania) và các xung động tự sát (suicidal impulses). Hơn nữa, chúng còn gây suy giảm sự tăng trưởng ở trẻ. Giờ đây tôi biết rằng trong khi hầu hết các bậc cha mẹ đều quan ngại về thuốc, thì những bậc cha mẹ “trung bình” lại lo lắng về việc để con mình sẽ bị tụt hậu nếu chúng không tuân theo “y lệnh của bác sĩ”. Điều này có thể hiểu được. Tuy nhiên, sự an toàn của con bạn tuỳ thuộc vào việc phải đi ra ngoài kiểu mô thức mặc định (default mode) này.
EM: Vậy nếu một phụ huynh hiện đang có con đang điều trị một chứng rối loạn tâm thần thì sao? Người đó nên theo dõi phác đồ điều trị và/hoặc đối thoại với vị chuyên viên sức khoẻ tâm thần có liên quan như thế nào?
BB: Điều đó phụ thuộc vào chính xác ý nghĩa của “điều trị”. Nếu “điều trị” bao gồm liệu pháp tâm lý (liệu pháp sử dụng cách trò chuyện – talk therapy) thì ít nhất hãy kiểm tra định kỳ xem con bạn liệu có cảm thấy được lắng nghe không, liệu sẽ không xảy ra chuyện gì bất lợi và liệu rằng trẻ có muốn tiếp tục hay không.
Nếu con bạn không muốn tiếp tục, hãy ủng hộ quyết định đó. Nếu con bạn cảm thấy không được lắng nghe, bạn có thể gọi điện cho nhà trị liệu và yêu cầu một cuộc hẹn, có thể đề nghị cả ba phía gặp nhau và xem liệu bạn có thể giúp gì trong quá trình này hay không.
Mặt khác, nếu "điều trị" có nghĩa là dung thuốc tâm thần - và vui lòng xem nhận xét của tôi về thuốc tâm thần ở trên – thì ngoài việc làm những gì tôi đã nêu ra ở trên, hãy kiểm tra với con bạn một cách thường xuyên để đảm bảo rằng đây thực sự là những gì mà trẻ muốn.
Đồng thời, mỗi ngày cần theo dõi sát sao các dấu hiệu cụ thể cho thấy thuốc có đang gây ra tác hại hay không. Ví dụ: những điều cần theo dõi là sự nặng thêm của các tình trạng trầm cảm, lo lắng, kích động, ảnh hưởng phẳng, kiệt sức, kinh hoàng, bồn chồn, nói năng không rõ lời, mất khả năng tập trung, có vấn đề về trí nhớ, suy giảm nhận thức nói chung, điều phối vận động kém, chán ăn và hay "đâm va" khi di chuyển (crashing). Và hãy sắp xếp cho một cuộc gặp để thảo luận với bác sĩ về bất kỳ những gì mà bạn đã quan sát thấy (nếu xảy ra tình trạng hưng cảm hoặc kích động tột độ, hãy xem đây là tình huống cực kỳ khẩn cấp).
Bạn có mọi quyền yêu cầu về những nội dung như: yêu cầu một loại thuốc có ít “tác dụng phụ” hơn, hoặc dùng ít thuốc hơn, liều lượng thấp hơn, hoặc giúp cắt bỏ sử dụng thuốc dần dần và cả việc đề xuất các “lựa chọn thay thế” phi y khoa (non-medical “alternatives”).
EM: Điều gì sẽ xảy ra nếu một phụ huynh có con đang sử dụng thuốc tâm thần và đứa trẻ có vẻ như có tác dụng phụ với những loại thuốc đó hoặc tình hình của chúng có vẻ trở nên tồi tệ hơn? Bạn sẽ đề nghị phụ huynh làm gì?
BB: Việc ngừng sử dụng thuốc cần được cân nhắc rất nghiêm túc - và việc ngừng sử dụng thuốc không nên tự động hoặc thậm chí tốt nhất là dùng một loại thuốc khác (mặc dù đây có thể là điều mà bác sĩ của bạn sẽ giả định và khuyến cáo).
Nói chung, đây là thời điểm tuyệt vời để thảo luận về các lựa chọn của trẻ với họ, bao gồm cả việc thay đổi phương pháp điều trị và việc rút khỏi hoàn toàn (mặc dù một lần nữa nhắc lại là phải ngưng dần dần). Con bạn có thích chỉ nói chuyện với ai đó không? (Nếu cần, trong trường hợp như thế, việc sắp xếp để trẻ được tham vấn một cách thấu cảm có thể có ý nghĩa). Và xem xét như thế nào nếu có thể dùng thuốc với một liều thấp hơn?
Tương tự như vậy, điều cốt yếu là phải thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc khi chúng phát sinh. Nếu tác dụng phụ là kích động hoặc hưng cảm tột độ, thì điều này báo hiệu một trường hợp khẩn cấp (cấp cứu – emergency), khi ấy cần nhận biết rằng phải xử lý ngay, không để mất thời gian. Nói chung, hãy đọc kỹ các tác dụng phụ của thuốc trước khi trao đổi với bác sĩ.
Nếu bác sĩ tỏ ra không cởi mở với những gì bạn đề xuất hoặc bạn không hài lòng với cách đáp ứng của họ, hãy cho phép mình thay đổi bác sĩ. Dù bạn làm gì, hãy tiếp tục nói chuyện với con của bạn – trẻ là vị chuyên gia đang hiện diện, mà mọi người có khuynh hướng bỏ qua. Về mặt này, hãy giả định rằng con bạn có kiến thức đặc biệt về những gì cháu đang trải qua và “sự hiểu biết” của cháu cần được lưu ý.
Sau cùng, nếu bạn chưa biết gì nhiều về thuốc (ý tôi là đọc một thứ gì đó khác ngoài những điều tuyên truyền chuẩn mực của ngành công nghiệp dược phẩm), hãy nên bắt đầu tự tìm hiểu ngay bây giờ. Các nguồn tốt là sách của nhà nghiên cứu - phê bình Breggin, cũng như các trang web như ssristories.org. Ngoài ra, cho dù con bạn tiếp tục sử dụng thuốc hay ngừng thuốc, hãy tiếp tục theo dõi các phản ứng của thuốc.
Các vấn đề bạn cần phân biệt trong quá trình này là: sự trở lại của những khó khăn về tình cảm mà con bạn đã phải xoay trở đối phó trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, sự gia tăng của các vấn đề liên quan đến dùng thuốc cùng những vấn đề hoàn toàn mới về cả cảm xúc lẫn thể chất của cháu. Cuối cùng, một lời nhắc nhở — nếu con bạn có thể xoay trở mà không cần dùng thuốc và bạn có thể đưa con mình ra khỏi những khó khăn ấy một cách an toàn, thì việc giúp con theo cách như thế có thể được xem là món quà lớn nhất của cha mẹ mà bạn có cơ hội để ban tặng cho con.
EM: Cha mẹ có thể giúp con mình đang gặp khó khăn về tình cảm bằng những cách nào ngoài việc tìm kiếm hoặc khác với việc tìm kiếm những liệu pháp tâm lý (psychotherapy) và/hoặc trị liệu tâm dược (psychopharmacology) như truyền thống?
BB: Thường xuyên, hãy dành nhiều thời gian, kể cả những thời gian có chất lượng, với con bạn. Khuyến khích con bạn nói về những vấn đề khiến cháu bận tâm. Những cách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này bao gồm: thể hiện sự quan tâm bất cứ khi nào cháu nêu ra vấn đề, cũng thích hợp khi bạn đặt những câu hỏi và đưa ra nhận xét như, “Dạo này trông con rất buồn. Mẹ nhớ lần cuối cùng em trông rất buồn là lúc có đứa bạn ở trường đã bắt nạt con. Lúc này đây có ai bắt nạt con không?” Hoặc: “Có điều gì khác làm phiền con ở trường không? Hay là có chuyện gì ở nhà?"
Hãy bảo đảm việc đồng cảm với con. Ngoài ra, hãy động não suy nghĩ về giải pháp. Hơn nữa, hãy sẵn sàng biện hộ thay cho con bạn. Ngoài ra, hãy đề phòng và làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn bất kỳ hình thức xâm hại nào đối với trẻ. Vấn đề ở đây là trong khi tâm thần học thường xuyên giải mã ngôn ngữ và nói về "các bệnh tâm thần" như thể chúng là những thực thể bên trong một người, thì các vấn đề cảm xúc không chỉ đơn giản là một cái gì đó "bên trong" mà có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh bên ngoài, với chính sự lạm dụng (abuse – hay còn dịch là “xâm hại”, “ngược đãi” – ND), điều mà tôi xin nói thêm là thường ẩn dưới những gì có vẻ chỉ như những hành vi gọi là “xấu” hoặc "bị quấy rầy".
Tìm hiểu xem con bạn nghĩ về một việc gì đó có thể giúp ích cho cháu và hãy nghiêm túc tán thành bất kể đó là việc gì. Thay mặt cháu, liên hệ với các cơ quan chức năng khác khi cần thiết. Tìm những cách thức vui chơi để khám phá các vấn đề và giải pháp cùng nhau - vì vui chơi là con đường chính mà qua đó trẻ em thể hiện bản thân. Bảo đảm với con bạn rằng những gì cháu đang cảm thấy là “bình thường”. Các cách khác để được trợ giúp bao gồm các lớp tập thể dục, yoga, lớp học kỹ năng tự vệ, những chuyến đi đến vùng hoang dã, các nhóm hỗ trợ do phụ huynh điều hành và đơn giản là một chế độ dinh dưỡng tốt hơn .
Đối với sự trợ giúp chuyên nghiệp - và tôi gọi tên nó sau cùng vì chúng ta đã được “xã hội hóa” (socialized) để xem điều này là cần thiết nên chúng ta sử dụng nó quá thường xuyên (Ở đây, BB đang nói về những dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp nay đã được sử dụng quá thường xuyên, nên bà có ý nêu chúng ra sau cùng, như để nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ ban đầu nên đến từ cha mẹ - chú thích của ND) - Nếu cần thiết, có một số lựa chọn tuy ít thông thường hơn nhưng nhiều người đã tìm thấy hữu ích, tương đối an toàn, và đôi khi cũng đủ phổ biến để dễ tìm, chẳng hạn các dịch vụ Đối thoại cởi mở (Open Dialogue), liệu pháp chơi, liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp nữ quyền chẳng hạn. Liệu pháp nữ quyền cho ta biết rằng các chủ đề giới và sự áp bức liên quan giới đóng một vai trò quan trọng trong những rắc rối mà thường tưởng chừng như là riêng tư, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, nạn kỳ thị người đồng tính và chứng sợ người chuyển giớ...
Mặc dù khó tiếp cận hơn, bạn cũng có thể xem xét một số phương pháp như “Nhà hát hình dung” (image theatre) và các hình thức nhà hát khác của những người bị áp bức. Một vài nguyên tắc cơ bản ở đây dành cho phần lớn trường hợp đó là: a) Phi y khoa tốt hơn là y khoa (các nhà tâm lý học và nhân viên xã hội là những ví dụ về nhân viên “sức khỏe tâm thần” phi y khoa); b) Những người hành nghề độc lập thì tốt hơn những người được gắn chặt trong các hệ thống “sức khỏe tâm thần”; và c) Nên ưu tiên hơn cho các phương pháp tiếp cận có tính chất sáng tạo, tổng thể, có sự tham gia và bình đẳng (more creative, holistic, participatory, and egalitarian approaches).
EM: Bà muốn nói gì với một phụ huynh có con đang gặp khó khăn và người muốn đặt niềm tin vào hệ thống sức khỏe tâm thần hiện tại?
BB: Hãy đọc và đọc lại những câu trả lời của tôi cho các câu hỏi từ 1 đến 5, sau đó với những hỗ trợ như thế này, hãy đặt vấn đề hơn là tin tưởng vào hệ thống này (Ý nói về ngành sức khoẻ tâm thần – ND). Mặc dù bạn có thể thấy mình đang phải đến với một bộ phận nào đó của “hệ thống sức khỏe tâm thần” hiện tại thay cho con mình, nhưng hãy làm việc này ở mức độ tối thiểu, với nhận thức rằng hệ thống này là nguy hiểm, rằng phần lớn các nguyên lý và cách tiếp cận của nó không có tính chắc chắn (validity), và rằng chúng đã được chứng minh là gây ra những tác hại hàng loạt.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng trừ khi người trợ giúp chuyên nghiệp mà bạn chuyển đến là một người không phải là ngành y tế, một người đang hành nghề độc lập (nói chung, mặc dù không phải lúc nào cũng thế), nếu không sẽ có nguy cơ thực sự là con bạn sẽ bị “ngấu nghiến” bởi những bộ phận của cái hệ thống mà bạn có ý định né tránh - đừng bao giờ quên, về mặt này, các tiến trình có thể “thay đổi từng chút một”, hơn nữa những gì bắt đầu bằng tự nguyện thì sẽ không nhất thiết sẽ cứ giữ nguyên trạng như thế.
Ví dụ: Nếu bạn tìm kiếm một bác sĩ tâm thần độc lập hành nghề riêng cho con bạn với ý rằng một “liệu pháp trò chuyện đồng thuận” (consensual talk therapy) đang diễn ra, thì xin vui lòng lưu ý rằng: bạn đã chẳng tìm thấy nhà trị liệu nào khác hơn là một người vẫn sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc và là người được đào tạo ngay từ đầu vốn đã xem các vấn đề cuộc sống như là những chủ đề y khoa. Thế thì, nếu đến một thời điểm nào đó, vị bác sĩ tâm thần ấy có thể sẽ cảnh báo và nếu anh ta có thể chứng minh cho người khác thấy rằng có một số “tiêu chí” liên quan nào đó đã được thỏa, thì khi ấy không gì có thể ngăn cản vị chuyên gia này sẽ cho con bạn “nhập viện” trái với mong muốn và những gì mà bạn tưởng là đã có tác dụng.
Điểm sau cùng: Bạn đang đối phó với những con người và với một hệ thống sử dụng sức mạnh đáng kinh ngạc. Và mặc dù chắc chắn rằng có một số người tốt bụng và hữu ích ẩn trong đó, nhưng chính hệ thống này và sức mạnh đi kèm với nó không là gì đáng để bạn tin tưởng. Do vậy, bất kỳ cam kết nào mà bạn có thể (hoặc có thể không) thực hiện với nó cần phải được dự đoán một cách chính xác dựa trên những hiểu biết này.
**
Bonnie Burstow (1945-2020) - Nhà tâm lý trị liệu theo xu hướng nữ quyền người Canada. Bà thường xuyên lên tiếng phản đối những cách thức điều trị của giới y khoa tâm thần và là người đầu tiên trên thế giới chính thức mở ra một chuyên ngành mới gọi là "anti-psychiatry" (chống tâm thần học) với học bổng đầu tiên do bà tự bỏ tiền túi và được thực hiện bởi Đại học Toronto (U of T). Bà đã qua đời vào ngày 4/1/2020 tại Toronton, Canada, thọ 74 tuổi. Thông tin về những người như bà không được biết đến nhiều tại VN.
Để tìm hiểu thêm về loạt phỏng vấn này, vui lòng truy cập http://ericmaisel.com/interview-series/
Để tìm hiểu thêm về các hội thảo, đào tạo và dịch vụ của Tiến sĩ Maisel, vui lòng truy cập http://ericmaisel.com/
Để tìm hiểu thêm về hướng dẫn, đĩa đơn và lớp học của Tiến sĩ Maisel, vui lòng truy cập http://www.ericmaiselsolutions.com/
Đăng nhận xét