ĐỊNH NGHĨA HÔN NHÂN TRONG XÃ HỘI HỌC

Định nghĩa hôn nhân trong xã hội học - Các loại hình, đặc trưng và chức năng xã hội của thiết chế hôn nhân

The Definition of Marriage in Sociology - Types, Characteristics, and the Social Function of the Institution
Tác giả: ASHLEY CROSSMAN - Cập nhật bởi: NICKI LISA COLE, Ph.D.
Nguồn: ThoughtCo. - Cập nhật ngày 01/11/2019

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Các nhà xã hội học định nghĩa hôn nhân là một sự kết hợp được xã hội ủng hộ bao gồm hai hoặc nhiều cá nhân được coi là một thỏa thuận ổn định, lâu dài, thường ít nhất dựa trên một phần ràng buộc tình dục nào đó.

TÓM LƯỢC CHÍNH: HÔN NHÂN

Hôn nhân được các nhà xã hội học coi là một điều phổ quát có tính văn hóa; nghĩa là, nó tồn tại dưới một dạng thức nào đó trong tất cả các xã hội.

Hôn nhân phục vụ các chức năng xã hội quan trọng, và các chuẩn mực xã hội thường xác định vai trò của mỗi người, vợ hoặc chồng, trong một cuộc hôn nhân.

Bởi vì hôn nhân là một kiến tạo xã hội (social construct), các chuẩn mực và kỳ vọng văn hóa sẽ xác định thế nào là hôn nhân và ai có thể kết hôn.

TỔNG QUAN

Tùy thuộc vào xã hội, hôn nhân có thể đòi hỏi sự chuẩn thuận về mặt tôn giáo và/hoặc về mặt dân sự, mặc dù một số cặp đôi có thể được xem là kết hôn khi chỉ đơn giản là sống chung với nhau trong một khoảng thời gian (hôn nhân theo “thông luật” – common law marriage).

[Chú thích: Thông luật (common law) là loại luật chủ yếu được phát triển bởi các phán xét thông qua các phán quyết của tòa án hay các cơ quan tương tự hơn là những quyết định của các cơ quan lập pháp hay hành pháp - ND]

Mặc dù các nghi lễ, quy tắc và vai trò của hôn nhân có thể khác nhau giữa xã hội này với xã hội khác, hôn nhân được coi là một điều phổ quát có tính văn hóa, có nghĩa là nó hiện diện như một thiết chế xã hội trong tất cả các nền văn hóa .

Hôn nhân phục vụ một số chức năng. Trong hầu hết các xã hội, nó phục vụ cho việc định danh trẻ em về mặt xã hội bằng cách xác định mối quan hệ thân thuộc của trẻ với cha mẹ và họ hàng hai bên. Nó cũng dùng để điều chỉnh hành vi tình dục, chuyển giao, bảo tồn, hoặc củng cố tài sản, uy tín, quyền lực và quan trọng nhất, nó là cơ sở cho thiết chế gia đình (institution of the family).

NHỮNG ĐẶC TRƯNG XÃ HỘI CỦA HÔN NHÂN

Trong hầu hết các xã hội, hôn nhân được xem là một khế ước về mặt xã hội và pháp lý có tính hằng định về mối quan hệ giữa hai người dựa trên các quyền và nghĩa vụ giữa vợ hoặc chồng. Một cuộc hôn nhân thường dựa trên một mối quan hệ lãng mạn, mặc dù điều này không luôn luôn như vậy. Nhưng bất kể thế nào, hôn nhân thường báo hiệu một mối quan hệ tình dục giữa hai người. Tuy nhiên, hôn nhân không chỉ tồn tại giữa hai người kết hôn, mà đúng hơn, nó được hệ thống hóa như một thiết chế xã hội về mặt pháp lý, kinh tế, xã hội và tinh thần/tôn giáo. Bởi vì hôn nhân được pháp luật và các tổ chức tôn giáo thừa nhận, và liên quan đến các ràng buộc kinh tế giữa hai vợ chồng, nên việc giải thể hôn nhân (hủy hôn hoặc ly hôn), đến lượt nó, lại phải bao gồm việc giải thể quan hệ hôn nhân trong tất cả các lĩnh vực ấy.

Thông thường, thiết chế hôn nhân bắt đầu bằng giai đoạn tán tỉnh, làm quen (courtship) mà đỉnh điểm là lời cầu hôn. Tiếp theo sẽ là lễ kết hôn, trong đó các quyền và trách nhiệm của hai bên có thể được nêu rõ và đồng thuận với nhau. Ở nhiều nơi, nhà nước hoặc cơ quan tôn giáo phải chuẩn thuận hôn nhân để hôn nhân được xem là hợp lệ và hợp pháp.

Trong nhiều xã hội, bao gồm cả thế giới phương Tây và Hoa Kỳ, hôn nhân được coi là cơ sở và nền tảng của gia đình. Đây là lý do tại sao một cuộc hôn nhân thường được xã hội chào đón với kỳ vọng ngay lập tức rằng cặp vợ chồng ấy sẽ sinh con, và tại sao những đứa trẻ được sinh ra ngoài hôn nhân đôi khi bị gán cho cái nhìn kỳ thị là đứa con ngoài giá thú (Nguyên văn: illegitimacy – con hoang, con không hợp lệ).

CÁC CHỨC NĂNG XÃ HỘI CỦA HÔN NHÂN

Hôn nhân có một số chức năng xã hội, những chức năng ấy rất quan trọng trong các xã hội và nền văn hóa nơi hôn nhân diễn ra. Thông thường nhất, hôn nhân quy định vai trò của vợ chồng trong cuộc sống của nhau, trong gia đình và xã hội nói chung. Thông thường, những vai trò này liên quan đến sự phân công lao động giữa vợ hoặc chồng, sao cho mỗi người chịu trách nhiệm về những công việc khác nhau cần thiết trong gia đình.

Nhà xã hội học người Mỹ, Talcott Parsons, đã viết về chủ đề này và phác thảo lý thuyết về các vai trò (theory of roles) trong hôn nhân và gia đình, trong đó người vợ/người mẹ đóng vai trò thể hiện của một người chăm sóc (caregiver), người sẽ chăm sóc các nhu cầu xã hội hóa và tình cảm của những thành viên khác trong gia đình, trong khi người chồng/người cha đảm nhiệm vai trò nhiệm vụ kiếm tiền nuôi gia đình. Để phù hợp với suy nghĩ này, một cuộc hôn nhân thường phục vụ chức năng xác định địa vị xã hội của những người bạn đời và của cặp đôi ấy, và tạo ra thứ bậc quyền lực giữa hai vợ chồng. Những xã hội mà người chồng/người cha nắm quyền cao nhất trong hôn nhân được gọi là xã hội phụ hệ (Hay “phụ quyền” – patriarchies). Ngược lại, các xã hội mẫu hệ (matriarchal societies) là những xã hội mà người vợ/người mẹ nắm giữ nhiều quyền lực nhất.

Hôn nhân cũng phục vụ chức năng xã hội là xác định dòng họ và dòng dõi của gia đình. Ở Hoa Kỳ và phần lớn thế giới phương Tây, một tập quán phổ biến là huyết thống theo dòng dõi, nghĩa là họ lấy theo tên của người chồng/người cha. Tuy nhiên, nhiều nền văn hóa, bao gồm một số ở Châu Âu và nhiều nước ở Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh, lại nối dõi theo kiểu mẫu hệ (matrilineal descent). Ngày nay, các cặp vợ chồng mới cưới thường tạo ra một họ mới có gạch nối để bảo toàn dòng dõi được đặt tên theo họ của cả hai bên, và cho con cái mang họ của cả cha và mẹ.

CÁC LOẠI HÌNH HÔN NHÂN

Ở các nước Phương Tây, hôn nhân một vợ một chồng là hình thức hôn nhân phổ biến nhất. Các hình thức hôn nhân khác diễn ra trên khắp thế giới bao gồm polygamy - đa hôn (hôn nhân của nhiều hơn hai bạn đời), polyandry- đa phu (một vợ với nhiều chồng), và polygyny- đa thê (hôn nhân của một người chồng với nhiều vợ). (Theo cách sử dụng phổ biến, chữ polygamy thường bị dùng sai để chỉ chế độ đa thê.) Do đó, các quy tắc của hôn nhân, sự phân công lao động trong hôn nhân và những gì cấu thành nên vai trò của chồng, vợ và vợ hoặc của người bạn đời nói chung có thể thay đổi và được hầu hết thường do các đối tác thương lượng với nhau trong cuộc hôn nhân, thay vì được quy định một cách chắc chắn bởi truyền thống.

MỞ RỘNG QUYỀN KẾT HÔN (Right to Marry)

Theo thời gian, thể chế hôn nhân đã được mở rộng và ngày càng nhiều có nhiều cá nhân giành được quyền kết hôn. Hôn nhân đồng tính (Same-sex marriage) ngày càng phổ biến và ở nhiều nơi, kể cả Hoa Kỳ, đã được luật pháp và nhiều nhóm tôn giáo chấp nhận. Tại Hoa Kỳ, quyết định năm 2015 của Tối cao Pháp viện mang tên Obergefell V. Hodges đã hủy bỏ luật cấm hôn nhân đồng tính. Những thay đổi trong thực tiễn, về luật pháp, về các chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng đối với định nghĩa thế nào là hôn nhân và ai có thể bước vào đời sống hôn nhân đã phản ánh thực tế rằng bản thân hôn nhân là một kiến tạo xã hội (social construct).


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

Mới hơn Cũ hơn
Post ADS 1
Post ADS 1