Tham khảo:
Generation Gaps in Culture - UK Essays; 24/2/2017
Generation Gap - ADAM HAYES, Investopedia; 30/8/2021
Tổng hợp: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Bài này đề cập đến chủ đề chính là “Khoảng cách thế hệ” (generation gap) và cũng phân tích khái niệm chung về Khoảng cách thế hệ. Nó sẽ giúp khám phá những nguyên nhân của Khoảng cách Thế hệ cũng như phân tích những nguyên nhân và ảnh hưởng đến xã hội nói chung.
KHÁI NIỆM VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ
“Khoảng cách thế hệ” là một thuật ngữ thường được sử dụng để xác định sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ và hành vi giữa thế hệ trẻ và những người lớn tuổi của họ. Nó cũng có thể được mô tả là những thay đổi diễn ra khi những người già và những người trẻ không thể hiểu nhau vì kinh nghiệm, thái độ, lối sống và hoạt động khác nhau của họ. Thế hệ (generation) là “một nhóm người chọn lọc được sinh ra trong cùng những năm tháng trải qua những sự kiện trọng đại trong các chu kỳ phát triển quan trọng” (Kupperschmidt, 2000 - a select group born during the same years that experienced momentous events during significant development cycles). “Khoảng cách thế hệ” đã được nghiên cứu rất nhiều trong những thập niên 1960 và 1970 (Smith, 2000).
Với quá trình liên tục của cuộc sống, sẽ luôn có những thế hệ mới. Khi xã hội tiếp tục phát triển và các đổi mới công nghệ mới phát triển, khoảng cách thế hệ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. “Những người già hoàn toàn bị thuyết phục rằng những ý tưởng mà họ có được trong suốt cuộc đời của họ là điều tối thượng và lý tưởng (ultimate and ideal). Họ bỏ qua một số vấn đề quan trọng không còn phù hợp trong đời sống hiện đại'' (Neff, 2011). Những thay đổi xảy ra khi xã hội phát triển sẽ không bao giờ cho phép một sự đồng thuận hoàn toàn giữa các thế hệ. Khoảng cách thế hệ là một trong những vấn đề có lẽ gây tranh cãi nhất của thời đại ngày nay (Aliampi, 1969).
Một thế hệ được xác định dựa trên phạm vi năm sinh của một nhóm người. Các thế hệ có thể kéo dài vài thế kỷ kể từ khi con người là những cá thể (individuals). Không phải tất cả các thành viên trong một thế hệ đều thể hiện những tính cách giống nhau. Sự khác biệt về thế hệ là rõ ràng khi có các trào lưu hoặc đổi thay xã hội (Brunswick, 1970). Khoảng cách thế hệ là điều khó tránh khỏi trong xã hội. Những thay đổi trong xã hội nảy sinh bởi vì mọi người trở nên quen với một môi trường không ổn định. Khi xã hội của chúng ta ngày càng phát triển, mọi người có xu hướng thay đổi những sở thích và không thích của họ. Những thay đổi này trong xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển.
Khoảng cách thế hệ đề cập đến hố sâu ngăn cách về mặt niềm tin và hành vi của các thành viên thuộc hai thế hệ khác nhau. Cụ thể hơn, khoảng cách thế hệ có thể được sử dụng để mô tả sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động và thị hiếu của các thành viên thuộc thế hệ trẻ so với thế hệ những người lớn tuổi hơn.
Sự khác biệt có thể là về các mặt chính trị, giá trị, văn hóa đại chúng và các lĩnh vực khác. Trong khi khoảng cách thế hệ đã được phổ biến trên khắp tất cả các giai đoạn lịch sử, bề rộng của sự khác biệt này đã mở rộng ra nhiều thêm trong các thế kỷ 20 và 21.
LỊCH SỬ VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ (Chủ yếu nói về hoàn cảnh tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu- ND)
Mặc dù luôn có những thay đổi giữa các thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ XX, những biến đổi mạnh mẽ mà thuật ngữ này ngụ ý vẫn chưa được thấy rõ. Trong các thời đại trước đây, xã hội không có sự di động (mobile) đáng kể. Thông thường, những người trẻ sống trong các đại gia đình. Họ hoặc làm việc trong trang trại cá nhân của họ hoặc trong một doanh nghiệp của họ hàng. Với sự ra đời của vô tuyến truyền hình và các chương trình truyền hình, những người trẻ tuổi đã được tiếp xúc với tác động của những truyền thống xa lạ so với những người thân và giá trị của chính họ (Adcox, 2015). Thập niên 1920 đã giới thiệu cho thế hệ trẻ đến với các giai điệu nhạc jazz và disco, do đó tạo ra khoảng cách giữa họ với lớp người lớn tuổi hơn của họ. Nhưng lý do thực sự đằng sau sự gia tăng khoảng cách thế hệ nằm ở những năm 1950 (thế hệ “Baby Boomers”) khi những người lính vừa trở về sau chiến tranh (Thế chiến 2 – ND) và bắt đầu sinh con để nối dõi. Những người cựu chiến binh thực sự có hơi khắc nghiệt trong bản tính và không thích những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều bởi sự xuất hiện của lối sống rock. Khoảng cách thế hệ của những năm 1960 là do thế hệ cũ có những giá trị nghiêm khắc mà thế hệ trẻ không đồng ý và họ nổi loạn. Các nền văn hóa đại chúng đa dạng khác nhau đã được tạo ra, như nhạc Rock and Roll, Discos và phong trào hippies. Khoảng cách lớn sau đây được tạo ra vào những năm 1980 thể hiện kỷ nguyên MTV (Pop, Rock, v.v.) đến từ tất cả các bộ phận bao trùm thế hệ mới hoàn toàn khác với đàn anh của họ. Khoảng cách này bắt đầu mở rộng rất nhiều vào những năm 1990 và giờ đây đã gia tang cả về tốc độ và phạm vi (Khoảng cách thế hệ ở Ấn Độ).
CÁC LOẠI THẾ HỆ
Thế hệ “vĩ đại nhất” – Greatest Generation (sinh 1900 – 1920)
Thế hệ những năm 1900 - 1920 có tuổi thọ trung bình là 47 năm. Các gia đình thời đó thường rất đông người và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là rất cao. Khoảng 1/5 phụ nữ đã chết khi sinh con. Việc sinh đẻ thường được tự thực hiện tại nhà. Thế hệ này thường làm việc theo tập thể, chấp nhận những chuỗi mệnh lệnh được phân công theo thang bậc và thực hiện mọi nhiệm vụ mà không phàn nàn (Codrington, 2008). Truyền thống và lịch sử đã hướng dẫn thái độ và niềm tin của họ. Người thuộc thế hệ này được “định hướng bởi quá khứ và tiếp thu những gì thuộc về lịch sử” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.39). Thế hệ này là những người trung thành và yêu nước (Smith, 2011). Những người thuộc thế hệ này không có khả năng phàn nàn về những điều kiện mà họ cảm thấy khó chịu (Zemke và cộng sự, 2000). Họ là những người trưởng thành đã tồn tại và đi qua Cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai.
Thế hệ im lặng – Silent Generation (sinh 1920 - 1945)
“Thế hệ im lặng” coi trọng gia đình và lòng yêu nước. Họ có cha mẹ ở nhà để chăm sóc con cái, ưa thích sự phụ thuộc và duy trì sự gắn bó theo suốt thời gian (Allen, 2004). Họ được nuôi dưỡng trong những thời kỳ nghiêm túc khi mọi người đều có nghĩa vụ làm việc. Họ là những con người bình thường và làm việc chăm chỉ vì họ ghét bị mắc nợ. Họ cho rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, họ có thể đạt được thành công (Codrington, 2008).
Ở Hoa Kỳ, họ là những chiến binh từ cuộc chiến Triều Tiên trở về, trong khi bọn trẻ ở nhà khiêu vũ và bắt đầu chơi nhạc rock 'n' roll. Họ trở thành những nhà lãnh đạo cho phong trào dân quyền và còn gọi là “thế hệ truyền thống” (traditionalist generation). Dù rằng đây có thể là cách “gọi nhầm tên” của thế hệ này.
Thế hệ “Baby Boomers” – Thế hệ của thời kỳ “bùng nổ sinh con” (sinh 1946 - 1960)
Những người trong thế hệ này được nhận định là rất giỏi trong các mối quan hệ. Họ tôn trọng quyền của người khác và không tìm kiếm lỗi lầm ở người khác (Rath, 1999 và Zemke và cộng sự, 2000). Baby Boomers “có thể không đồng ý với lập trường và ý kiến của mọi thành phần trong nhóm tuổi của mình hoặc thể hiện cùng một hành vi trong những tình huống giống nhau, nhưng trong thâm tâm, họ rất hiểu nhau” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.72). Họ là những cá nhân làm việc để kiếm sống và sẵn sàng hy sinh để đạt được thành công (Kerstein, 2014). Họ thích mạo hiểm và có xu hướng chấp nhận rủi ro. Họ là thế hệ đầu tiên nhận ra tình trạng thất nghiệp suốt đời không còn nữa, vì vậy sự “an toàn về việc làm” (job security) không có ý nghĩa gì đối với họ, nhưng họ thường suy xét về sự hài lòng trong công việc. Họ là thế hệ đầu tiên ly hôn ở mức độ lớn và ở độ tuổi trẻ hơn so với các thế hệ trước đó (Soroptimist, 2010).
Những “baby boomers” tham gia đóng góp vào các đổi thay xã hội tại Hoa Kỳ trong các thập niên 1960 và 1970 với các phong trào dân quyền và nữ quyền. Họ chứng kiến sự gia tăng công bằng về kinh tế - xã hội tại Mỹ và già đi khi Hoa Kỳ trở nên chia rẽ về chính trị, về các vấn đề chiến tranh và công bằng xã hội.
Thế hệ X (sinh 1960 - 1989)
Thế hệ X lớn lên trong khi trải qua thời kỳ khủng hoảng. Thế hệ X thường được coi là “thế hệ lạc lõng hoặc bị bỏ lơ” (lost or overlooked generation) (Ware và cộng sự, 2007, tr.59). Họ là những đứa con đầu lòng trong thời cổ xưa mà các bà mẹ có thể đã uống thuốc để không sinh ra họ (Nguyên văn: “They were the first offspring in the olden times that mothers could take pills not to have”). Phần lớn thế hệ X lớn lên trong suốt thời kỳ hỗn loạn của thập niên 1970, (Smith, 2011). Họ làm việc để có một cuộc sống chứ không phải sống để làm việc, họ phấn đấu để có được sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Họ là những nhà khám phá tâm linh (spiritual explorers) với niềm tin vào những thứ siêu nhiên (Codrington, 2008). Họ độc lập và được xác định là có trách nhiệm và biết kiềm chế. Họ tập trung vào mục tiêu và biết giải quyết vấn đề (Soroptimist, 2010).
Thế hệ lớn lên với sự trỗi dậy của công nghệ, cùng sự bất toàn của các thiết chế chính trị. Ở Mỹ, họ có thể chứng kiến vụ bê bối Watergate, thảm hoạ ở Three Mile Island và vụ khủng hoảng con tin ở Iran. Nhưng họ cũng chứng kiến các tiến bộ về công nghệ, máy in ronéo có thể in ra nhanh chóng nhiều bản sao và máy fax, mở đường cho thư điện tử sau này.
Thế hệ Y – Còn gọi là Millennials, thế hệ những người chuyển tiếp giữa 2 thiên niên kỷ mới (sinh 1989 - 2000)
Thế hệ Y bị làm “hỏng” (spoilt) bởi máy tính và những tiến bộ công nghệ mạnh mẽ. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ này là sự thư thái của họ đối với công nghệ và giỏi về công nghệ (Kersten, 2002 và Niemiec, 2000). Họ là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet và phụ thuộc vào công nghệ (Soroptimist, 2010). Họ được sinh ra với “một con chip siêu nhỏ trong miệng” thay vì ngậm một chiếc thìa bằng vàng hoặc bạc. Thế hệ này cho rằng nhờ công nghệ, nhiệm vụ có thể được thực hiện ở mọi nơi (Smith, 2011). Họ cũng tự tin và tự phụ (Codrington, 2008). Phần lớn thế hệ Y quen thuộc với “ly hôn, ma túy, tình dục, AIDS, băng nhóm và súng” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.136). Thế hệ này cam kết làm việc theo nhóm để phát triển và đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các ứng xử tại nơi làm việc của họ (Zemke và cộng sự, 2000).
Họ có thể chứng kiến những sự kiện bi thương khi còn nhỏ như vụ xả súng ở Trung học Columbine 1999 hoặc vụ khủng bố ngày 11/9/2001, trải qua thời kỳ tổng suy trầm năm 2008 khiến tổn hại đến đến cái nhìn dài hạn về tài chính của họ.
Thế hệ Z - GenZ
Là thế hệ đến sau những Millennials. Sinh từ 1996 đến 2012. Thế hệ này hiện là những người trẻ, vị thành niên và trẻ em. Là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet đã trở thành một thực tế trong đời sống, chưa hề biết đến một thế giới khi chưa có thư điện tử (email). Họ có cơ hội tiếp cận nhanh đến các nguồn thông tin và sớm sử dụng điện thoại di động, điện thoại thông minh.
Thế hệ Z được kỳ vọng là những người thành công về tài chính và lớn lên trong một nền kinh tế vững mạnh. Những biến động về kinh tế năm 2020 và COVID-19 đã làm gián đoạn tính ổn định ấy và những gì xảy ra kế tiếp vẫn còn cần được xác định thêm. GenZ cũng tương tự như thế hệ Y về niềm tin về tiến bộ, công bằng xã hội và tầm quan trọng của biến đổi khí hậu. Họ có tính đa dạng về sắc tộc và chủng tộc.
Ý NIỆM VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ
Khoảng cách thế hệ được coi là một trở ngại khó tránh khỏi đối với sự giao tiếp giữa người trẻ và người già. Những xung đột này thường nảy sinh do quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và sự di chuyển của gia đình (urbanization, industrial development and family mobility) (Bengtson và Achenbaum, 1993). Sự khác xa về thể chất giữa những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi đã dẫn đến sự thiếu kết nối nhất quán giữa các thế hệ và làm gia tăng nhận thức sai lầm và hiểu lầm giữa thế hệ trẻ và thế hệ già (Newman, 1997).
Becker (2000) phát biểu rằng “các thế hệ trở nên khác biệt do những tác động của sự thay đổi không liên tục về mặt xã hội vĩ mô lên hành vi cá nhân trong các giai đoạn của quá trình sống. Ngay khi một thế hệ mới phát triển, sự phát triển của các thành viên trước và sau thời kỳ ấy có thể được nghiên cứu để khảo sát các thiết chế liên quan đến thế hệ mới” (tr. 117). Mead (1970) nhấn mạnh vào thực tế rằng, “Người lớn ngày nay biết về sự thay đổi nhiều hơn so với bất kỳ thế hệ nào trước đây. Vì vậy, chúng ta bị tách biệt với cả những thế hệ đi trước lẫn với những người trẻ đã khước từ quá khứ và tất cả những gì người lớn tuổi của họ đã tạo ra cho hiện tại” (tr. 79). Gutman (1985) cho rằng trong xã hội hiện đại “thế hệ trẻ hiện nay đã được xã hội hóa với niềm tin rằng “trẻ là đẹp, già là xấu” để đối đáp lại với niềm tin rằng “người trẻ biết, nhưng người già thì mới có thể” (Jefferys 1997, p. 82).
Chow (2001) chỉ ra rằng người trẻ quan tâm và chú ý đến cha mẹ cũng như chấp nhận và tuân theo sở thích của họ dưới hình thức thể hiện sự tôn trọng họ. Ông cũng cho rằng “con cái ngày nay không còn muốn hỏi ý kiến cha mẹ như ngày xưa” ở cả khía cạnh kết hôn và tìm kiếm việc làm. Hoàn cảnh xã hội đã phát triển theo hướng mà họ thường làm cho sự hướng dẫn của cha mẹ trở nên không thoả đáng và phù hợp nữa (Chow, 2001). Những đứa con đã thất bại trong việc thực hiện hy vọng của cha mẹ về sự vâng lời khi đưa ra các lựa chọn trong đời. Do đó, đây là một trong những vấn đề quan trọng dẫn đến sự tái diễn của “khoảng cách thế hệ”.
Đăng nhận xét