Role of Grandparents in the Family
Tác giả: HARLEENA SINGH – Nhà văn tự do với nhiều suy nghĩ tích cực. Cô ấy thích viết những bài đăng đầy cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về cải thiện bản thân, gia đình, các mối quan hệ, sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống. Cô ấy cũng là một blogger, người thích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm viết blog của mình.
Nguồn: Aha! NOW Discover Happiness – 11/9/2011
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Thứ trẻ con cần nhất là những thứ thiết yếu mà ông bà có thể mang đến một cách dồi dào. Họ dành tình yêu thương vô điều kiện, lòng tốt, sự kiên nhẫn, sự hài hước, sự thoải mái, những bài học trong cuộc sống. Và quan trọng nhất là bánh quy ~ Rudolph Giuliani
Bạn đã bao giờ tự hỏi về vai trò của ông bà trong gia đình là gì chưa? Bạn đã bao giờ thử xem vai trò của ông bà trong gia đình cũng quan trọng như vai trò của mình chưa? Khi là cha mẹ, bạn cũng có những nghĩa vụ hằng ngày đối với con cái; vai trò của ông bà cũng là một vai trò rất nhất quán, thế nhưng thường không được thừa nhận.
Ngày nay, ngày càng có ít ông bà được trở thành ông bà thực sự (theo đúng nghĩa của từ này) trong cuộc đời của các cháu của họ. Nguyên nhân là do những thay đổi khác nhau của xã hội chẳng hạn các cặp vợ chồng trẻ chuyển đến sống ở những nơi xa hơn, sự bất hòa giữa cha mẹ và ông bà trở nên lớn hơn và tỷ lệ ly hôn giữa cha mẹ và thậm chí cả ông bà tăng cao hơn, tất cả đã làm suy yếu thiết chế gia đình.
Những đổi thay như vậy đã hoàn toàn tạo ra những kết quả trái ngược nhau: có những trẻ được ông bà nội nuôi dạy với sự tham gia tối thiểu của cha mẹ, mặt khác lại có trẻ ít có dịp được tiếp xúc với ông bà.
Nước Mỹ đang nhanh chóng trở thành một “quốc gia bà già” (granny state), nơi những ông bà già không quá yếu và có khả năng làm lụng đang rời bỏ nhà hưu dưỡng và tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy các cháu của họ, trong khi những cha mẹ trẻ tuổi phải chật vật trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Họ dạy cho các cháu của mình những giá trị truyền thống của Mỹ về sự chăm chỉ, trung thực và liêm chính. Nếu không có những ông bà này, nhiều trẻ em sẽ bị chối bỏ khỏi một môi trường đạo đức và lành mạnh, và một số sẽ trở thành những trẻ sống dưới sự bảo trợ của nhà nước (wards of the state).
Tuy vậy, một số ông bà cũng có thể gây ảnh hưởng không lành mạnh, chẳng hạn như khi họ can thiệp và xen vào mối quan hệ cha mẹ - con cái, điều này xảy ra khi thay vì là ông bà, họ lại cạnh tranh với con cái của họ để trở thành “cha mẹ ảo” (virtual parents) của các cháu của họ, trong khi đó lại có một số ông bà cố gắng làm cha mẹ một đứa trẻ thông qua sự uỷ quyền. Họ cần quan tâm đến việc trở thành một phần của gia đình, nhưng vẫn duy trì một khoảng cách để có thể được nể trọng.
Theo các nghiên cứu, mối quan hệ ông bà - cháu có thể có những tác động tích cực lâu dài và cha mẹ nên nỗ lực để giúp con cái biết đến cha mẹ của cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy rằng các kỹ năng ngôn ngữ phát triển tốt hơn đối với trẻ em mẫu giáo được ông bà chăm sóc; mặc dù trong một số trường hợp, trẻ không tiến xa trong các lĩnh vực học tập khi được ông bà chăm sóc. Nhưng vào cuối ngày, lẽ nào bạn lại không thích để con mình được ôm ấp, trò chuyện và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, thay vì chỉ phát triển các kỹ năng với giấy-và-viết mà trẻ vẫn sẽ phải xử lý trong phần còn lại cuộc sống của trẻ?
Theo nghiên cứu, mối quan hệ giữa cha mẹ và ông bà càng tốt thì sự tiếp xúc và gần gũi giữa ông bà và cháu càng lớn. Tuy nhiên, cha mẹ phải truyền tải thông điệp rằng vai trò của ông bà trong gia đình là không thể thiếu đối với cuộc sống của con cái chúng ta. Ngay cả khi bạn không có mối quan hệ tuyệt vời với cha mẹ, con bạn vẫn có thể hòa thuận với họ.
Nếu không có bất kỳ tình huống nào có thể gây hại, tốt nhất là cha mẹ nên có thái độ tích cực đối với quan hệ giữa ông bà với con cái của mình. Bạn nên sẵn sàng thảo luận về những điều đang và chưa hiệu quả để tạo ra các mối quan hệ tích cực, vì sức mạnh của mối quan hệ ông bà-cháu chủ yếu phụ thuộc vào cha mẹ.
Đôi khi ông bà ngại tham gia vào gia đình của con cái của họ vì họ không chắc chắn về những kỳ vọng mà chúng ta có thể có về họ, hoặc những đứa trẻ và những người khác có thể có về họ. Chúng ta cần có thêm nhiều nỗ lực để mời ông bà vào với gia đình. Dù ông bà ở gần hay ở xa, họ đều có rất nhiều điều để cung cấp cho chúng ta. Hầu hết các trường hợp ông bà đều có những nguồn lực mà cha mẹ không có, và họ có thể tiếp cận con cái của chúng ta theo những cách mà chúng ta có thể không có.
Dưới đây là một số vai trò của ông bà trong gia đình mà họ đóng trong cuộc đời của các cháu của họ.
Là tổ tiên và nhà sử học (As an ancestor and historian)
Một trong những vai trò quan trọng của ông bà trong gia đình là của một nhà sử học, giúp các cháu tìm ra danh tính (identity) của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn. Họ là sợi dây liên kết với những tổ tiên của con cháu, người đứng đầu dòng họ và là sợi dây liên kết với lịch sử chung của gia đình. Ông bà chia sẻ những câu chuyện về quá khứ, có thể là về người thân, những sự kiện quan trọng, truyền thống gia đình... khi những câu chuyện này được truyền lại.
Những đứa cháu có được hình ảnh tích cực về tuổi già và vị trí của họ trong gia đình được củng cố. Giờ đây, các cháu cảm thấy rằng mình thuộc về một đơn vị gia đình, cảm giác về “chúng ta” phát triển và điều đó mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và an toàn.
Như một anh hùng (As a hero)
Ông bà, những người đã chiến đấu hoặc sống qua chiến tranh hoặc những khó khăn khắc nghiệt khác, có thể là những anh hùng trong đời thực đối với cháu của họ. Những đứa cháu khi biết rằng ông bà của mình đã phải chịu đựng trong nhiều năm, thì họ sẽ có thể giúp đỡ hoặc cứu nguy cho cháu mình vào lúc cần thiết. Ông bà trở thành những “người hùng”, như một người mà các cháu có thể hướng tới và nhìn lên, và là một người giúp truyền cảm hứng cho các cháu.
Là một người cố vấn (As a mentor)
Ông bà trong gia đình giống như những người cổ vũ, luôn truyền cảm hứng cho các cháu, trong việc phát triển trí tưởng tượng và ước mơ của cháu, nuôi dưỡng tinh thần, khuyến khích phát triển trí tuệ và cho các cháu ý thức về giá trị bản thân. Họ là những người cố vấn và là “những người hùng mà nhiều trẻ em tìm kiếm để làm khuôn mẫu cho cuộc sống của trẻ sau này”.
Ông bà đặc biệt hiệu quả với vai trò là giáo viên vì tình yêu thương vô điều kiện của họ, điều đó làm cho các cháu cảm thấy an toàn, thoải mái, và yêu quý con người của họ lẫn những gì họ thể hiện.
Như một hình mẫu, một tấm gương (As a role model)
Những hành động của ông bà trong gia đình có thể dạy con cháu họ nên cư xử như thế nào trong xã hội, cách chăm sóc bản thân và cách trẻ nên ước muốn trở thành ông bà, cha mẹ như thế nào trong tương lai.
Ảnh hưởng và vai trò của ông bà trong gia đình giúp tạo ra nhận thức tích cực về người lớn tuổi nói chung. Mối quan hệ của ông bà với trẻ cũng có thể là khuôn mẫu cho mối quan hệ của trẻ với cha mẹ của mình và con cái của chính trẻ khi trẻ lớn lên.
Là một người nuôi dưỡng (As a nurturer)
Sự hỗ trợ của ông bà cung cấp một mạng lưới an toàn về tình cảm cho toàn bộ gia đình, làm cho các cháu cảm thấy an toàn và yên tâm. Vai trò của ông bà trong gia đình ngày nay càng quan trọng hơn khi tỷ lệ ly hôn (ở các bậc cha mẹ) ngày càng tăng, tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, cũng như nhu cầu nghề nghiệp của cha mẹ và các vấn đề xã hội khác.
Ông bà trong gia đình cần đảm bảo với con cháu rằng họ luôn ở bên cạnh khi các cháu cần, và giữ liên lạc chặt chẽ với các cháu thông qua các cuộc điện thoại, thư từ hoặc bưu thiếp thường xuyên nếu không thể thăm nom thường xuyên.
Như một người bạn (As a friend)
Ông bà là “bạn chơi” với cháu và thật tuyệt khi trẻ con thỉnh thoảng có những khán giả vui vẻ xem trẻ biểu diễn! Vì họ không phải chịu trách nhiệm chăm sóc và kỷ luật đều đặn hằng ngày cho các cháu nên họ có thể đảm nhận vai trò của một “người bạn tâm giao bí mật” (secret confidant).
Ông bà cung cấp cho trẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cảm xúc hơn so với khi còn là cha mẹ. Họ cung cấp một nơi an toàn cho trẻ em trong những thời điểm căng thẳng khi trẻ cảm thấy không thể đến gần cha mẹ của chúng. Họ cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong gia đình với tư cách là người lớn đáng tin cậy, nhưng tách biệt và khác biệt với cha mẹ của đứa trẻ.
Vì ông bà đối xử với các cháu của mình một cách thoải mái và nhân hậu hơn so với cách họ đối xử với con cái của mình, trẻ em thường cảm thấy thoải mái hơn khi thảo luận các vấn đề nhạy cảm với ông bà hơn là với cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, ông bà cần cẩn thận với những cạm bẫy như lập kế hoạch hoạt động trái với ý muốn của cha mẹ, chiều chuộng và chia rẽ cháu này với cháu khác.
Đôi khi, cha mẹ bạn có thể làm bạn ngạc nhiên với khiếu hài hước hoặc niềm vui tiềm ẩn dường như đã được sinh ra cùng thời với sự ra đời đứa con đầu lòng của bạn!
Như một người hướng dẫn tinh thần (spiritual guide)
Vai trò của ông bà trong gia đình như một người hướng dẫn tinh thần có thể giúp dạy cho con cháu biết quý trọng và đạt được những phần thưởng tinh thần như lòng nhân ái, vui vẻ, hòa bình, yêu thương, khoan dung, tôn kính, đức tin, hòa nhã và nhân hậu.
Vì ông bà không phải chịu trách nhiệm về cuộc sống hàng ngày của cháu, nhưng ông bà có thể tập trung vào sự trưởng thành và phát triển về mặt đạo đức, tinh thần của cháu bằng cách nêu gương cho cháu mình thi đua.
Như một giáo viên (As a teacher)
Ông bà trong gia đình có cơ hội tuyệt vời để truyền đạt kiến thức, kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm của họ trong vai trò như một giáo viên. Tuy nhiên, nếu vấn đề gặp phải sự phản đối của cha mẹ của cháu bé - như trong trường hợp giá trị, lối sống, tôn giáo và truyền thống, ông bà cần nói chuyện với cháu một cách bình tĩnh và cởi mở, và cố gắng đi đến một sự thỏa hiệp.
Ông bà có thể củng cố gia đình theo những cách mà đôi khi cha mẹ không thể tự mình làm được. Họ cũng có thể hỗ trợ cho các bài học mà cha mẹ đang dạy dỗ trẻ.
Như một người chăm sóc (As a care-taker)
Trong khi có một số ông bà là người chăm sóc cháu toàn thời gian, thì trong hầu hết các gia đình, ông bà lại chỉ là người để “lấp đầy khoảng trống”. Bạn (cha mẹ) cần một người ở nhà có thể thay thế khi kế hoạch chăm sóc trẻ thông thường bị phá vỡ, chẳng hạn như trong trường hợp trẻ bị ốm phải cần phải được chăm sóc. Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ có thể chi trả cho việc trông trẻ bán thời gian ban ngày, vì vậy ông bà sẽ là người chăm sóc đứa trẻ vào thời gian còn lại trong ngày cho đến khi cha mẹ về nhà. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ trong trường hợp cần thiết.
Như là những “học viên” (As a student)
Trong khi ông bà có rất nhiều điều để dạy cho cháu của họ, chính họ cũng có nhiều bài học quý giá cần học hỏi và học từ chính họ với nhau. Ông bà có thể trở thành những học viên bằng cách tham gia các nhóm “làm ông bà”, tham gia các lớp học, đọc sách và tạp chí về cách làm ông bà, bên cạnh việc lắng nghe những gì mà những đứa cháu sẽ dạy cho họ.
Các cháu có thể dạy ông bà về việc cập nhật những phát minh và ý tưởng mới để giúp họ phát triển và thay đổi, đó là chìa khóa để duy trì sự trẻ trung và sôi nổi. Các cháu cũng có được ý thức về giá trị bản thân và năng lực bản thân bằng cách dạy ông bà những điều mới và chia sẻ một chút về cuộc sống và văn hóa của cháu với ông bà.
Điều mà ông bà trong gia đình nên suy nghĩ là phải can đảm trung thực với chính các con của mình (tức cha mẹ của trẻ). Họ không nên để mình bị đẩy vào một thỏa thuận chăm sóc trẻ em mà họ không thực sự muốn, và nên làm rõ mọi thứ tại sao họ lại làm như vậy. Ông bà cần giải quyết bất kỳ loại oán giận nào mà họ có thể có để họ không cảm thấy mình bị coi là “điều hiển nhiên” [Tức là: cha mẹ xem việc ông bà phải chăm cháu là điều hiển nhiên – ND].
Vai trò của ông bà trong gia đình cũng bao gồm việc thảo luận cởi mở với con của họ (tức cha mẹ). Họ có thể làm điều này bằng cách chia sẻ một bữa ăn hoặc một tách cà phê với con (tức cha mẹ của trẻ), để chia sẻ bất cứ điều gì mà họ có thể quan tâm về đứa cháu của mình. Thảo luận về sự tiến bộ của trẻ, trao đổi thông tin cho nhau về những gì đang diễn ra, lên kế hoạch cho các hoạt động và cùng nhau đưa ra những ý tưởng mới. Thay vì để ngày tháng trôi qua, hãy lên kế hoạch cho một hoạt động mỗi ngày để ngày tháng trôi không qua một cách đơn điệu.
Các cháu mang lại nguồn năng lượng, sự yêu đời, lạc quan, tiếng cười, sự tươi trẻ và mục đích cho cuộc sống của ông bà trong gia đình. Tương tự, vai trò của ông bà trong gia đình cũng là cung cấp kiến thức, sự trưởng thành, ổn định và tình yêu thương vô điều kiện cho cuộc sống của các cháu.
Hãy dành chút thời gian và nghĩ về ông bà của bạn, họ đã làm tròn vai trò nào trong gia đình bạn? Trải nghiệm của bạn với ông bà là tích cực hay tiêu cực? Những vai trò nào của ông bà trong gia đình được nêu trong bài này đã được ông bà của bạn đảm nhận đối với chính bạn?
Đăng nhận xét