LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH THEO BỐI CẢNH: GẶP GỠ IVAN BOSZORMENYI-NAGY

Contextual Family Therapy: Meet Ivan Boszormenyi-Nagy

Tác giả: COURTNEY STIVERS, PhD. in Counseling Theory

Nguồn: Family Therapy Blog – 20/7/2015

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



NGƯỜI KHỞI XƯỚNG LIỆU PHÁP BỐI CẢNH (Creator of Contextual Therapy)

Ivan Boszormenyi-Nagy, bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu gia đình nổi tiếng, được biết đến nhiều nhất với vai trò là người sáng tạo ra Liệu pháp Bối cảnh (Boszormenyi-Nagy, 1987; Wilburn-McCoy, 1993; Nichols, 2007; Watson, 2007). Boszormenyi-Nagy sinh ra ở Hungary, sau đó nhập cư vào Hoa Kỳ (Watson, 2007). Theo Wilburn-McCoy (1993), Boszormenyi-Nagy được đào tạo như một bác sĩ tâm thần và bắt đầu nghiên cứu những cách hiệu quả hơn để điều trị bệnh tâm thần phân liệt và gia đình của họ tại Viện Tâm thần Đông Pennsylvania (Eastern Pennsylvania Psychiatric Institute) vào năm 1957, và vẫn duy trì công việc tại đó trong hai mươi năm (Watson, 2007). Sau đó, ông làm đồng tác giả của quyển Invisible Loyalties (“Lòng trung thành vô hình” - 1973) cùng với Geraldine Spark. Lý thuyết bối cảnh đã phác hoạ ý tưởng về sự mắc nợ (indebtedness) của một người đối với gia đình gốc của họ (family-of-origin), ảnh hưởng của các mối quan hệ huyết thống của một người, và các khái niệm như hậu quả của những mối liên hệ cả về đạo đức lẫn phi đạo đức (consequences of ethical and unethical relating). Nagy và Spark cho rằng có một “quyển sổ cái” liên thế hệ (intergenerational ledger) tồn tại trong các gia đình, và ràng buộc những thành viên với nhau.

Từ 1976 đến 1994, Boszormenyi-Nagy là Trưởng Bộ phận Trị liệu Gia đình tại Khoa Tâm thần học tại Đại học Hahnemann, nay mang tên Đại học Drexel (Watson, 2007). Ngoài ra, ông còn thành lập Viện Phát triển Cách Tiếp cận Bối cảnh (Institute for Contextual Growth) để cung cấp việc đào tạo về cách tiếp cận Trị liệu Bối cảnh. Cotroneo (2007) đã phát biểu sau đây về Boszormenyi-Nagy:

Ivan tự xem mình là một người đóng góp - một người cống hiến mang tính xây dựng (constructive giver) - và công việc của ông là một đóng góp và một nguồn lực, không chỉ cho liệu pháp gia đình mà còn cho toàn bộ lĩnh vực tâm lý trị liệu và lĩnh vực sống của tất cả mọi người liên quan đến bất cứ bối cảnh nào. Đồng thời, giống như rất nhiều bậc tiền bối của chúng ta, ông là một người phức tạp. Sự cam kết gần như duy nhất trong việc phát triển các khái niệm của ông có lẽ đã góp phần tách biệt công việc của ông khỏi dòng chính (mainstream) trong lĩnh vực nghề nghiệp của chúng ta. Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy trực giác khá đáng kể của ông về tương lai của việc trị liệu. Công trình nghiên cứu về đạo đức quan hệ (relational ethics) của ông là một ngọn hải đăng cho chúng ta hiểu được bản chất của trị liệu là quá trình chữa lành nhằm cố gắng duy trì tính toàn vẹn của thế giới quan hệ của một người (the integrity of one’s relational world) (tr. 269).

Rõ ràng, Boszormenyi-Nagy đã có những đóng góp độc đáo trong lĩnh vực trị liệu hôn nhân và gia đình.

Mason (2010) đã cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của Nagy thông qua giao tiếp trực tiếp của cô với vợ của ông, Catherine Ducommun-Nagy. Mason đã viết:

Boszormenyi-Nagy đã lấy cuộc đấu tranh [tách khỏi cha] của mình và biến nó thành sức mạnh và cơ sở cho một mô hình trị liệu truyền cảm hứng cho những người khác tìm kiếm trong bản thân và gia đình họ những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, và do đó, xây dựng cuộc sống trên một nền tảng mà người ta có thể tự hào và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Hãy trân trọng, yêu thương, hy vọng và sống vì không có gì được hứa hẹn trong tương lai của chúng ta. Boszormenyi-Nagy sống theo lập trường này và hoạt động theo tín điều này. (tr. 78)

Mason nói thêm, “Dr. Catherine Ducommun-Nagy tin rằng tác phẩm Lòng trung thành vô hình là một trong những ví dụ văn học hay nhất về ảnh hưởng của Boszormenyi-Nagy đối với lĩnh vực MFT (trị liệu hôn nhân – gia đình)” (trang 80).

Boszormenyi-Nagy sau đó đã chết vì các biến chứng liên quan đến bệnh Parkinson (Nichols, 2007). Watson (2007) đã viết, “Dr. Ivan Boszormenyi-Nagy đã qua đời thanh thản tại nhà riêng ở Glenside, PA, bên cạnh người vợ tận tụy của ông, Tiến sĩ Catherine Ducommun-Nagy, vào ngày 28/1/ 2007 ”(tr. 289). Sau khi qua đời, Ducommun-Nagy tiếp tục có những đóng góp về mặt chuyên môn trong lĩnh vực trị liệu hôn nhân và gia đình (Ducommun-Nagy, 2009).

LIỆU PHÁP BỐI CẢNH LÀ GÌ?

Phần tường thuật sau đây là tổng quan ngắn gọn về Liệu pháp Bối cảnh. Như đã đề cập trước đây, Ivan Boszormenyi-Nagy được coi là người khởi xướng Liệu pháp Bối cảnh (Boszormenyi-Nagy, 1987; Nichols, 2007; Watson, 2007; Wilburn-McCoy, 1993).

Các nhà trị liệu bối cảnh nhấn mạnh những cách thức mà các thế hệ vốn được gắn kết với nhau, đồng thời xem xét cả các yếu tố nội tâm lẫn liên cá nhân (Boszormenyi-Nagy & Krasner, 1986). Khi một nhà trị liệu xem xét những vấn đề này, họ bối cảnh hóa (contextualize) những khó khăn của thân chủ và có một sự hiểu biết một cách công bằng hơn và cân bằng hơn (fairer and more balanced understanding). Theo mô hình Trị liệu Bối cảnh, con người không thể bị tách rời khỏi nguồn gốc thế hệ của họ. Họ mang theo lòng trung thành vô hình kéo dài qua nhiều thế hệ, ngay cả khi bắt đầu một đơn vị gia đình mới (Boszormenyi-Nagy & Krasner, 1987).

Không giống như nhiều phương thức điều trị khác, các nhà trị liệu bối cảnh xem xét đạo đức quan hệ hoặc sự công bằng trong các mối quan hệ (Boszormenyi-Nagy & Krasner, 1986). Mọi mối quan hệ đều có “quyển sổ cái về những món nợ và những quyền chính đáng” (a ledger of indebtedness and entitlements).

[Nagy dùng khái niệm Ledger – Quyển sổ cái: Một quyển sổ của nhân viên kế toán ghi lại các diễn biến thu và chi của một cơ quan, tổ chức, để làm ẩn dụ về sự “ghi lại” mối quan hệ qua lại, cho và nhận, công và nợ, những nghĩa vụ và quyền chính đáng giữa các thành viên bên trong gia đình xét trên chiều kích đạo đức quan hệ - Chú thích của ND]

Quyển sổ cái ấy được cân bằng khi mối quan hệ về cơ bản được xây dựng trên cơ sở là tính công bằng (equitability). Quyển sổ cái bao gồm cả về những di sản (legacy), có được nhờ những tương quan động lực và kinh nghiệm của gia đình (family dynamics and experiences), và cũng là hồ sơ về công lao tích lũy của một cá nhân (an individual’s accumulated merit) bằng cách đóng góp cho phúc lợi của người khác. Di sản có thể được hiểu là sự tiếp tục vai trò của một người từ gia đình gốc của họ trong các mối quan hệ mới của họ, cho dù có là điều lành mạnh hay không. Để một mối quan hệ ngày càng trở nên đáng tin cậy, mỗi bên phải giải quyết được cả về nợ lẫn về những quyền chính đáng (both indebtedness and entitlements). Lòng tin (Trust) là điều thiết yếu trong các mối quan hệ lành mạnh.

Ngoài ra, các mối quan hệ của cha mẹ với con cái ban đầu vốn không đối xứng (asymmetrical) vì một đứa trẻ sơ sinh không có khả năng đóng góp vào phúc lợi cho ai khác. Các mối quan hệ này sẽ dần chuyển sang một “quyển sổ cái” có tính cân bằng hơn khi đứa trẻ lớn lên. Con cái cũng không được bắt buộc phải hy sinh lòng trung thành với một trong hai bên cha hoặc mẹ để giữ lòng trung thành với người phụ mẫu kia, trong một tình cảnh được gọi là “lòng trung thành bị chia cắt” (split filial loyalty). Liệu pháp Bối cảnh sử dụng khái niệm “bảng xoay nợ” (a revolving slate) để mô tả cách mà một di sản được lặp đi lặp lại qua các thế hệ bất chấp những nỗ lực thay đổi. Xét về bệnh lý, Boszormenyi-Nagy và Ulrich (1981) đã viết, “sự phá vỡ mức độ đáng tin cậy của mối quan hệ thông qua việc tách rời khỏi “sự quan tâm và trách nhiệm đa hướng” (multilateral caring and accountability) tạo tiền đề cho sự phát triển của triệu chứng” (tr. 171). Phản ánh tầm quan trọng của Liệu pháp theo ngữ cảnh, Horowitz (2009) đã viết:

Dựa trên nền tảng trí tuệ Phương Tây về triết học, đạo đức và tâm lý, công trình của Bác sĩ Ivan Boszormenyi-Nagy, cha đẻ của liệu pháp gia đình và là người khởi xướng phương pháp Trị liệu Bối cảnh, vẫn được soi sáng và áp dụng cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. (tr. 231)

Tóm lại, Liệu pháp Bối cảnh thể hiện một đóng góp quan trọng trong liệu pháp hôn nhân và gia đình và lĩnh vực hỗ trợ.

Xin hỏi các nhà trị liệu tâm lý, có ai trong số bạn chịu ảnh hưởng bởi Liệu pháp Bối cảnh không? Xin vui lòng, dành chút thời gian để lại một bình luận bên dưới - Courtney Stivers.

Xem bài có liên quan: ĐÁNH GIÁ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA IVÁN BÖSZÖRMÉNYI-NAGY VÀO SỰ PHÁT TRIỂN LIỆU PHÁP TIẾP CẬN BỐI CẢNH 


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1