“Creative Mythmaking”
Tác giả: ADAM BLATNER
Nguồn: Một phần trong bài giảng tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về Ý nghĩa Cá nhân (The Second International Conference on Personal Meaning), ở Vancouver, British Columbia, Canada vào ngày 21/7/2002) - Được đăng trên website của tác giả ngày 27/7/2002.
Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.
(*) Tác giả Adam Blatner sinh năm 1937 tại Los Angeles. Tốt nghiệp Y khoa, ĐH Bang California tại San Francisco, 1963. Sau đó, tốt nghiệp chương trình nội trú chuyên khoa tâm thần ĐH Stanford, đi sâu nghiên cứu tâm kịch (psychodrama) và tích hợp nó với các cách tiếp cận tâm lý trị liệu khác. Ông có nhiều năm làm việc trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Ông viết nhiều sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy và biên tập cho nhiều tạp chí chuyên ngành.
Bài giảng với tựa đề “Chủ nghĩa hậu hiện đại và sáng tạo huyền thoại” (Postmordernism and Creative Mythmaking) và phần đầu tiên về chủ nghĩa hậu hiện đại được viết và đăng thành một phần riêng trên trang web này, tôi (tác giả) sẽ đề cập đến sự liên quan của nó với chủ đề của bài viết này khi tôi giải quyết thêm thách thức của sự sáng tạo.)
(*) Chú thích của TN Online: Creative Mythmaking: hàm nghĩa là một “quá trình mang tính chất sáng tạo để làm nên những huyền thoại” – Trong bài dịch gọn là sự “Sáng tạo Huyền thoại”; với “huyền thoại” (myth) được hiểu ở đây như những ý nghĩa và giá trị tốt đẹp được lưu giữ qua những chuyện kể, những sản phẩm, những biểu tượng, nghi thức, ẩn dụ…
GIỚI THIỆU
Hội nghị Quốc tế lần đầu tiên về Ý nghĩa Cá nhân (The First International Conference on Personal Meaning) vào năm 2000, tiến sĩ Sheldon Solomon đã đưa ra một bài giảng rất lý thú về công việc gần đây của Ernest Becker, một nhà nhân học văn hóa đã đan kết phân tâm học (nhấn mạnh đến công việc của Otto Rank) với nền tảng rộng lớn của chính Becker để đề nghị một cách hiểu khác về những động lực sâu xa ở con người – đó là một nỗi sợ hãi ẩn sâu đối với cái chết và nỗi khát khao sự bất tử, ít nhất là dưới một hình thức biểu tượng nào đó (Becker, 1971). Kết quả của phân tích ảm đạm này đó là con người phải cam kết thực hiện một “dự án sáng tạo huyền thoại” (project of creative mythmaking.). Tuy nhiên, cuối cùng, trong thời gian thảo luận, tôi đã hỏi người diễn thuyết rằng ông – tức Solomon (hoặc Becker) đã viết gì về cách làm thế nào để thực hiện việc “sáng tạo huyền thoại” chưa. (Dĩ nhiên, mối quan tâm của tôi một phần được thúc đẩy bởi trực giác, đó chính là những gì có liên quan đến tâm kịch). Tiến sĩ Solomon đáp rằng không, không phải ông ấy, cũng không phải Becker thực hiện bước kế tiếp này. Tối hôm đó, tôi đã thức khuya và ghi vội một số điểm của những hoạt động như vậy – và đó là cơ sở của bài thuyết trình hôm nay.
Bài nói chuyện này gồm 3 phần. Đầu tiên, sáng tạo huyền thoại gồm có những gì? Thứ hai, tại sao tham gia những hoạt động này lại hữu ích? Thứ ba, bằng cách nào những kỹ năng này có thể được phát triển – về những nguyên lý nền tảng của nó?
THẾ NÀO LÀ SÁNG TẠO HUYỀN THOẠI? (Creative Mythmaking)
Suy nghĩ về ý nghĩa của đời sống giống như một trải nghiệm được xây dựng từ kết quả của các trải nghiệm thành phần. Trong ý nghĩa này, nó cũng tương tự như những gì tôi đã nói về “cảm nhận về bản ngã” (sense of self) (cũng trên trang web này), và thực vậy, có một sự giao nối với nhau, khi cảm nhận về bản ngã, như một tổng thể có giá trị, có bố cục mạch lạc, đến lượt nó lại góp phần làm nên cảm nhận về cuộc sống có ý nghĩa (sense of life as meaningful). Tôi từng sử dụng một ẩn dụ về cuộc sống như là một tấm thảm – đan dệt với nhau nhiều câu chuyện và chủ đề. Ở một số người, sự đan kết mỏng hơn, có nhiều lỗ và nhiều đầu mối lỏng lẽo. Điều cần thiết là có thêm một chút nghệ thuật, cùng những nỗ lực có ý thức, sao cho những sự kiện phong phú trong cuộc sống sẽ được trải nghiệm không chỉ như một biên niên sử khô khan (dry chronology), hoặc như một số kẻ hoài nghi yếm thế đã nói: “Cuộc sống chỉ là một chuỗi nối tiếp nhau của những thứ chết tiệt”.
Tấm thảm cũng có thể dày với rất nhiều các loại chỉ màu và nhiều loại vải đan chéo lên nhau. Cũng tương tự, cuộc sống có thể được xem là sự đan kết, về mặt tâm lý - xã hội, của những câu chuyện được kể đi kể lại, và trong lúc kể, sẽ hình thành những kết nối và xuất hiện những mô hình.
Vì thế, những hoạt động giúp nâng cao ý nghĩa của đời sống này sẽ được trình bày chi tiết hơn trong một bài khác trên trang web này, nhưng ở đây sẽ nêu một vài trong số chúng, đem đến cho các bạn những ý tưởng về điều chúng ta đang đề cập:
* Kể câu chuyện đời của một người, viết những ký ức, viết tự truyện
* Tạo ra những buổi lễ kỷ niệm, nghi lễ, nghi thức, cả đối với cá nhân và trong cộng đồng của bạn (Blatner, 2001)
* Làm cho cuộc sống mỗi ngày trở nên vui thú, thêm vào những khoảnh khắc kỳ diệu với những thiên thần, nàng tiên.
* Diễn lại những câu chuyện đó thành những vở kịch, theo cách của “Playback Theatre” (Một hình thức nhà hát kịch, trong đó khán giả hoặc những thành viên nhóm kịch kể cho nhau nghe những chuyện thật trong đời họ, sau đó diễn lại những nội dung đó, theo kiểu ứng tác, ngay tại chỗ - Chú thích của ND)
* “Trang hoàng” cuộc sống với những biểu tượng có ý nghĩa, dưới hình thức nghệ thuật tại gia, một bệ thờ, những trang phục hoặc trang sức yêu thích, một quyển sổ lưu giữ những châm ngôn và hình ảnh yêu thích…
* Tham gia vào nhóm những người bạn cùng viết và/hoặc chia sẻ những câu chuyện.
* Ghi lại những bài hát có ý nghĩa đặc biệt, và học lời bài hát.
* Nhảy múa, tạo tác phẩm mỹ thuật hoặc nặn tượng, làm thơ
* Hoạt động mang tính triết học, ý thức về một số mẫu hình trừu tượng (abstract patterns) và làm việc để điều phối chúng
… Có thể liệt kê những gì khác trên giấy nếu có thêm…
TẠI SAO CẦN SÁNG TẠO HUYỀN THOẠI?
Mục đích của những hoạt động này là để trải nghiệm cuộc sống của bạn là có ý nghĩa. Con người cần điều này cũng nhiều như họ cần có cảm nhận được liên hệ với người khác hoặc có cảm nhận về một bản ngã liền lạc. Đây là một hình thức “dinh dưỡng tâm lý cơ bản” (basic psychological nutrition). Trong khi những nhà tâm lý động học (dynamic psychologists) lưu ý về “động lực nền tảng của việc tìm kiếm sự liên hệ” (Trong Học thuyết Quan hệ Đối tượng - Object Relations Theory) hoặc “kiến tạo và duy trì một cảm nhận về bản ngã” (Trong Tâm lý học Bản ngã - Self Psychology), các nhà tâm lý học hiện sinh (existential psychologists) nhấn mạnh hơn đến “nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa”. Không phải ta đang nói về điều này đúng, điều kia sai, mà là đang tìm một cách giải thích đơn giản về những loại nhu cầu khác nhau của con người.
Về mặt lịch sử, rất nhiều ý nghĩa đã được hình thành từ nền văn hóa, sản phẩm được tích luỹ từ những định chế xã hội và những phân tuyến hoạt động. Tuy nhiên, trong thế giới hậu hiện đại – với rất nhiều người ra đi rời xa cộng đồng quê nhà của họ, cùng với một sự bành trướng các thể loại chuẩn mực văn hoá như được thể hiện trong các bản tin và tình trạng nhập cư làm “trương giãn” cảm nhận của chúng ta về bản sắc – đã có sự khuếch tán tính mạch lạc và phù hợp của nhiều loại giá trị mà con người từng sử dụng để trưởng thành cùng nó. Nói cách khác, điều kiện hậu hiện đại có khuynh hướng đi về phía khác biệt, xa lánh (alienation).
Sáng tạo huyền thoại là một nỗ lực có chủ tâm ở mức độ cá nhân và xa hơn là đến mức độ nhóm nhỏ; không có các định chế xã hội nào xuất hiện với loại hoạt động này như một chương trình nghị sự chính thức. Tưởng cũng nên thừa nhận rằng trong một thế giới hậu hiện đại, tính cá nhân của con người phải được trân trọng, thậm chí được nhấn mạnh. Thay vì có một triết lý được áp dụng cho tất cả mọi người, thách thức này được chuyển sang giúp cho mỗi người có thể “cá thể hoá” một loại triết lý cho cuộc sống của riêng mình. Và nếu xem xét sự phức tạp của tính cá nhân ở mỗi người, thì điều này sau đó sẽ trở thành một hoạt động có tính sáng tạo. Vì chưa từng làm trước đó, nêu không có mẫu tiêu chuẩn nào ở đây cả, bởi vì chẳng bao giờ có một ai khác với bạn lại có thể kết hợp hàng trăm yếu tố khác nhau để làm nên tính khí độc đáo của bạn, với cùng những quan tâm, cùng diễn trình lịch sử, cùng nơi cư ngụ, cùng gia cảnh, cùng nền tảng văn hóa và cùng nhiều yếu tố khó nắm bắt khác. Để đan dệt tất cả những yếu tố này với nhau đòi hỏi một tiến trình liên tục của sự khéo léo và tái duyệt lại một cách sáng tạo.
Lưu ý rằng tiến trình này là một quá trình mời gọi sự tái duyệt lại (re-vision – xét lại)! Không phải là chuyện bạn xây dựng một công trình đơn lẻ nào đó để sau đó nó sẽ mãi mãi trường tồn. Đúng hơn là bạn có thể “giải kiến tạo các thành phần của nó” (de-construct parts) rồi “tái kiến tạo chúng” (re-construct them) với những ý nghĩa, mục đích và lý tưởng khác. Hãy tự cho phép bạn xây dựng một cách tạm thời, sau đó, khám phá. Sáng tạo huyền thoại nên được xem như một tiến trình liên tục.
THỰC HIỆN SÁNG TẠO HUYỀN THOẠI BẰNG CÁCH NÀO
Có 10 nguyên tắc xuất hiện trong tôi. Bạn có thể suy nghĩ thêm những nguyên tắc khác mà có thể tôi đã bỏ sót.
1. Tính sáng tạo (Creativity)
2. Tính tự nhiên và ứng tác (Spontaneity and Improvisation)
3. Tính vui thú (Playfulness)
4. Kịch (Drama)
5. Thông diễn và Ngữ nghĩa (Hermeneutics and Semantics)
6. Ẩn dụ (Metaphor)
7. Năng động nhóm (Group Dynamics)
8. Các loại hình Nghệ thuật (The Arts)
9. Câu chuyện (Story)
10. Sự phát triển liên tục (Ongoing Development)
… Bây giờ, chúng ta hãy đề cập chi tiết hơn về những nguyên tắc này
TÍNH SÁNG TẠO (CREATIVITY)
Hãy lấy tính sáng tạo làm giá trị cốt lõi. Nó đòi hỏi một chút dũng khí bởi vì bạn cần làm chủ sức mạnh của chính mình. Có rất nhiều lực tinh vi từ trong nội tâm, cũng như từ gia đình và nền văn hoá, gây hạn chế tính sáng tạo. Ernest Becker trích dẫn lời bình luận thường xuyên của Otto Rank về bản chất tự nhiên của tội lỗi có xu hướng đi kèm với một hoạt động sáng tạo nào đó. Nói tóm tắt theo ý của Rank, như thể là có rất đông “những người khác” ở ngoài kia, những người mà sau đó đã trở thành “tiếng nói bên trong” (inner voice).
Những “tiếng nói” gây ngăn cản sáng tạo ấy có thể phát biểu như sau: “Bạn nghĩ bạn là ai mà có thể phát minh ra điều gì đó tốt hơn những gì chúng tôi đã từng làm?” “Sao bạn lại dám thể hiện sự kiêu ngạo và tự phụ đến thế! Bạn quá nhỏ bé và khờ khạo, còn chúng tôi thì rất to lớn và quyền lực! Những đề nghị của bạn về những cách làm tốt hơn chính là một sự sỉ nhục đối với cuộc sống của chúng tôi, như thể bạn dám nói rằng công việc của chúng tôi là không hoàn hảo! Bạn có biết chắc rằng những gì bạn sẽ làm là sẽ tác dụng chứ? Nếu thất bại thì sao? Công trình của chúng tôi đã đứng vững cùng thời gian! Còn những ý tưởng của bạn thì lại kỳ dị, khác thường, linh tinh, quái gở! Công việc của chúng tôi đã được thiết lập, nhìn chung đã được chấp thuận, đã là lẽ thường tình rồi!”
Một trong những giá trị của chủ nghĩa hậu hiện đại là nó mang lại một nền tảng triết lý cho việc đưa ra những luận cứ chống lại những nỗ lực ngăn cản sự sáng tạo. Con người trở nên thận trọng để liên tục làm chuyện tước quyền (dis-empowering) đối với những hoạt động tâm trí và môi trường, bởi sự thận trọng được trá hình là có tính hợp lý, những tiếng nói và ý tưởng này hành động như sự hợp lý hóa cho khuynh hướng rút lui, né tránh những thách thức sáng tạo của cuộc sống, và đơn thuần là chỉ để chạy theo đám đông. Mặc dù, trên thực tế, trông có vẻ an toàn hơn khi xem xét cách thế giới đang thay đổi, nhưng người ta cũng có thể lập luận rằng việc tạm thời né tránh những xung đột đi kèm theo tính sáng tạo thì quả thực sự lại gây ra rủi ro nhiều hơn.
Sau cùng, những doanh nghiệp hiện đại có các chính sách liên tục nhắm đến việc “đảm bảo chất lượng”, mà qua đó, họ cũng công nhận rằng bên trong những tổ chức phức tạp, những thay đổi là điều không thể tránh, những sai sót sẽ được tích luỹ, và điều tốt nhất bạn có thể làm là phải dự đoán chúng một cách tốt nhất có thể và thực hiện những hành động phòng ngừa. Không có điều gì gọi là đúng cả, bởi vì bất cứ cách nào bạn có thể đúng hôm nay, thì hôm sau điều đó sẽ thay đổi, những người mới sẽ vào làm việc và cần được huấn luyện, những công nghệ mới sẽ xuất hiện và cần được tích hợp lại, thị trường cũ sa sút, những thị trường mới nổi lên - và thế là những điều từng là “đúng” lại trở nên một thứ ảo tưởng không phù hợp và chỉ để tự vui mà thôi. Chúng ta cũng cần ứng dụng những nguyên lý tương tự vào trong cuộc sống cá nhân thường ngày của chúng ta.
TÍNH TỰ NHIÊN (SPONTANEITY)
Nhìn chung, sự sáng tạo không xảy ra chỉ bằng cách ngồi đó và suy nghĩ về một vấn đề. Đa phần, mọi người cần đứng dậy và lăn xả, ứng biến, thử làm nhiều thứ, khởi động lại các vấn đề bằng cách khám phá các khía cạnh khác nhau của nó. Những nhà biên kịch và nhà soạn nhạc thường ngâm nga, khua tay múa chân, diễn kịch, viết đi viết lại những bản thảo, rồi sau đó viết lại lần nữa. (Chính Moreno, người sáng tạo ra tâm kịch, còn hơn cả Otto Rank, đã đánh giá cao bản chất của sự sáng tạo và lấy việc ứng dụng nó làm nên phần cốt lõi trong học thuyết tâm lý trị liệu của mình. Ông cũng viết về tính tự nhiên, phần này cũng là phần soạn thảo tỉ mỉ của tôi về sự hiểu biết của ông ấy - cũng được viết thêm trong những quyển sách khác của tôi về tâm kịch.)
Có sự đảm nhận lấy những rủi ro trong suốt tiến trình này, một cảm nhận liên tục rằng có điều gì đó không hoàn toàn đúng, về việc đôi lúc có thể mắc sai lầm. Người ta cần học cách thức để trở nên “giải nhạy cảm” (de-sensitized) đối với những cảm nhận xấu hổ tinh tế thường xuất hiện trong tiến trình này, để thừa nhận rằng nếu có một sự ngượng ngùng khiến ta mắc sai lầm thì cũng không phải là vấn đề gì lớn cho lắm. Nó thực sự không khác là bao so với cách bạn cảm thấy nước quá lạnh vào lần đi bơi đầu tiên – hãy nhớ rằng bạn có thể nhanh chóng quen với nó và cảm thấy rất vui sau đó.
Ứng tác (Improvisation) là một kỹ năng có thể được phát triển, giống như những kỹ năng trong thể thao. Nó cần được luyện tập, nó chỉ có thể được học bằng cách lập đi lập lại và ai cũng có thể học nó. Nhiều người nói rằng, “Ồ, tôi không thể tự nhiên được.” Những gì họ nên nói đó là “Tôi chưa được học kỹ năng đó”. Nền văn hóa của chúng ta chưa nhận ra một cách đầy đủ rằng đây là một bộ kỹ năng có thể học được.
Ứng tácbao gồm việc phối hợp các khía cạnh như trực giác, hoạt động thể lý, tương tác liên cá nhân, sự tưởng tượng và những cách thức suy nghĩ hợp lý quen thuộc, rồi đan kết chúng lại với nhau. Cần có sự trau dồi tính cởi mở đối với những tín hiệu tinh tế đến từ tiềm thức sáng tạo. Freud đã đúng khi cho rằng tiềm thức chứa đựng những chất liệu được dồn ép xuống bởi vì phần ý thức không muốn nhận ra hoặc suy nghĩ về nó, nhưng ông ấy đã sai trong việc không nhận ra tiềm thức cũng chứa đựng nhiều hơn thế - đó là một nguồn bí ẩn tuyệt vời của những cảm hứng và ý tưởng sáng tạo. Chính Carl Jung là người mà khi khai triển những ý tưởng của Freud đã mở ra sự hiểu biết của chúng ta về tâm trí với tầm nhìn đầy tiềm năng hơn, lớn hơn về những gì vốn có trong tâm hồn chúng ta.
Và tính tự nhiên, như một loại hoạt động tạo lập kỹ năng,bao gồm việc thực hành sự tiếp thu một cách cân bằng những hình ảnh bất tận đang nhẹ nhàng chảy ra từ phần tiềm thức sang tạo – và sau đó thống hợp những xung năng này để thích ứng với những thách thức sáng tạo đến từ bên ngoài.
Đón xem tiếp Phần 2
إرسال تعليق