TÂM LÝ HỌC THEO TRƯỜNG PHÁI ADLER

What is Adlerian Psychology?
Nguồn: Online Psychology Degree Guide

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu

Alfred Adler (1870-1937)


Tâm lý học theo trường phái Adler là một phương pháp trị liệu tâm lý dựa trên công trình của nhà tiên phong Alfred Adler. Adler thường được xem là một trong ba nhà sáng lập lớn của tâm lý trị liệu cùng với Sigmund Freud và Carl Jung. Hướng tiếp cận tâm lý cá nhân của ông đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như tham vấn tâm lý, giáo dục và làm việc với cộng đồng. Mặc dù Adler không nổi tiếng như Jung hay Freud, nhưng những đóng góp của ông cho tâm lý học và tâm lý trị liệu thật sự là vô giá.

ALFRED ADLER

Alfred Adler là một bác sĩ nhãn khoa vào năm 1895 khi mà ông bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm của Sigmund Freud và đi sâu vào tâm lý học. Vào đầu thập niên 1900, Adler đã trở nên nổi tiếng với tư cách là một bác sĩ tâm thần đến nỗi ông được mời làm thành viên của nhóm thảo luận độc nhất của Sigmund Freud. Nhóm này gặp nhau hàng tuần tại Vienna để thảo luận về tâm lý học và các lý thuyết tâm thần học nổi bật, và những cuộc nói chuyện này đã trở thành nền tảng của trào lưu phân tâm học trong tương lai. Qua thời gian, Freud và Adler nhận thấy họ có những quan điểm khác biệt không thể hòa giải. Adler đã tách khỏi nhóm và tạo ra lý thuyết Tâm lý học cá nhân của riêng mình. Cách tiếp cận của ông sau đó được thể chế hóa thành Hiệp hội Tư tưởng Tâm lý Tự do (Society for Free Psychological Thought).

Ý nghĩa không được xác định bởi các tình huống, mà là do chúng ta tự xác định và ứng những ý nghĩa ấy vào các tình huống.

–Alfred Adler

TÂM LÝ HỌC CÁ NHÂN THEO TRƯỜNG PHÁI ADLER (Adlerian Individual Psychology)

Cách tiếp cận của Adler tập trung vào tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng cảm giác thuộc về” (feelings of belonging) ở mỗi cá nhân trong bối cảnh cộng đồng của người đó. Ông tin rằng cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, và hành vi của một người chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh trải nghiệm cuộc sống của họ.

Adler tập trung vào tác động của cảm giác tự ti và thấp kém (feelings of inferiority and inadequacy) đối với sức khỏe tâm thần của một cá nhân. Adler tin rằng những cảm giác này thường là kết quả của “sự mất giá trị” (devaluation) xảy ra trong thời thơ ấu, những giới hạn về mặt thể chất, hoặc thiếu khả năng thấu cảm. Mặc dù cảm giác tự ti có thể gây ra hành vi nhiễu tâm, nhưng chúng cũng có thể là nguồn động lực.

Liệu pháp Adlerian ngày nay được dùng như là một can thiệp ngắn hạn với mục tiêu giải quyết một vấn đề tâm lý cụ thể. Liệu pháp này được sử dụng cho nhiều loại rối loạn và với các nhóm tuổi bao gồm từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Nó bao gồm bốn giai đoạn: tham gia, đánh giá, thấu hiểu và tái định hướng (engagement, assessment, insight, and reorientation) (GoodTherapy.org).

Thuật ngữ “tham gia” chỉ là một cách nói khác của việc thân chủ phát triển mối quan hệ tin tưởng với nhà trị liệu và sẵn sàng chấp nhận chia sẻ câu chuyện. Trong giai đoạn đánh giá, nhà trị liệu cố gắng hiểu lịch sử của thân chủ, bao gồm cả thứ tự sinh (birth order) của họ. Điều đó rất quan trọng bởi vì vị trí của một người trong gia đình có thể ảnh hưởng đến cách người đó nhận thức về bản thân. Ví dụ, đứa con thứ thường bị “bỏ quên” và có thể cảm thấy trở nên như “người vô hình”. Niềm tin, kinh nghiệm, cảm giác và cảm xúc của thân chủ cũng tiết lộ các mô hình phong cách sống tổng quát của cá nhân.

“Thấu hiểu” hoặc “Nội thị” (insight) đề cập đến những quan sát mà nhà trị liệu truyền đạt cho thân chủ. Sử dụng mối quan hệ được hình thành với thân chủ, nhà trị liệu sẽ thuyết phục người đó nhìn vào cuộc đời đã qua và những cách mà nó có thể ảnh hưởng đến hoàn cảnh hiện tại của thân chủ. Trong giai đoạn sau cùng, nhà trị liệu sắp xếp lại những suy nghĩ mang tính huỷ hoại và những ý tưởng tiêu cực theo hướng tích cực để có thể giúp cá nhân phát triển những cách suy nghĩ mới về các tình huống của mình và khuyến khích họ củng cố những hiểu biết mới. Điều này có thể giúp thay đổi phản ứng và hành vi của một người đối với các tình huống mà họ gặp phải.

ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM

Giống như bất kỳ kỹ thuật trị liệu nào, phương pháp tiếp cận của Adler cũng có cả ưu điểm và nhược điểm. Liệu pháp này có thể được sử dụng với những thân chủ thuộc các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, việc nhấn mạnh sự khích lệ từ nhà trị liệu có thể phù hợp cho những thân chủ là người gốc Tây Ban Nha và Châu Á vốn có nền văn hóa xem trọng sự cộng tác, và ý niệm về ý nghĩa của thứ tự sinh là điều mà người dân Bắc Mỹ gốc Châu Âu có thể nắm bắt được nhờ vào cách họ sử dụng sự ganh tỵ và cạnh tranh giữa các anh chị em để làm động lực giúp thành công. Liệu pháp này cũng hữu ích trong hầu hết mọi rối loạn tâm lý và có thể được sử dụng bổ sung cho liệu pháp chơi, liệu pháp nghệ thuật và các dạng can thiệp khác.

Tuy nhiên, trị liệu theo trường phái Adler đã bị chỉ trích là mơ hồ. Nó không có chiến lược trị liệu xác định để các nhà thực hành tuân theo, theo như một bài báo đăng trên Johns Hopkins Muse. Ngoài ra, một trong những ưu điểm chính của nó, đó là tính chất “phổ quát về mặt văn hoá” (universally culturally relatable), cũng đồng thời là một trong những nhược điểm của nó. Một số nhà phê bình chỉ ra rằng những điều như thứ tự sinh có nội hàm rất khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Trị liệu theo trường phái Adler cũng bị chê bai vì không duy trì được bằng chứng về kết quả của nó trong việc điều trị cho thân chủ: nhược điểm lớn nhất của trị liệu theo trường phái Adler là không có nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy nó có hiệu quả.

Điều đó nói lên rằng, ngày càng có nhiều nhà trị liệu đang nghiên cứu các kỹ thuật trị liệu và nỗ lực xây dựng một nền tảng làm cơ sở cho những bằng chứng như vậy. Ngoài ra, liệu pháp này đang được ưa chuộng trong các lĩnh vực như tham vấn nhóm.

Adler là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên cung cấp dịch vụ tham vấn nhóm. Ngoài ra, ông còn sử dụng giáo dục cộng đồng và tham vấn gia đình để làm quen với công chúng bằng tâm lý học. Ông hy vọng rằng bằng cách giảng dạy đó, ông có thể cải thiện điều kiện sống của con người. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý cá nhân của Adler là giúp thân chủ loại bỏ niềm tin tự định hướng có tính hủy hoại và rối loạn chức năng của mình và thay thế những hành vi này bằng các công cụ mới, giúp họ phát huy tiềm năng về mặt xã hội.

NHỮNG NGƯỜI THEO TRƯỜNG PHÁI ADLER HIỆN ĐẠI

Người theo trường phái Adler là bất kỳ cá nhân nào áp dụng các nguyên tắc của Adler trong công việc của mình. Đây có thể là một nhà tham vấn, bác sĩ, y tá, chính trị gia hoặc nhân viên “cổ cồn xanh” (blue-collar worker – tức những người công nhân lao động ít chuyên môn), dù rằng một nhà trị liệu phải là một nhà tâm lý học được cấp phép. Người theo trường phái Adler tin rằng sức khỏe tâm thần gắn liền với ‘cảm nhận thuộc về’ và những đóng góp của mỗi cá nhân cho xã hội và những nhà thực hành này tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của sự khích lệ, động viên (encouragement). Những người tán thành lý thuyết của Adler có thể được thấy đang làm việc trong các trường học, phòng khám, bệnh viện, hành nghề tư nhân và thậm chí trong môi trường đoàn thể nơi họ nuôi dưỡng cảm giác thuộc về, hợp tác và tôn trọng. Ngày nay, có một số thiết chế tổ chức, các hoạt động xuất bản và các hiệp hội dành riêng cho việc mở rộng các lý thuyết của Adler, bao gồm Hiệp hội Tâm lý học Adlerian Bắc Mỹ và Hiệp hội Adlerian của Vương quốc Anh.

Hướng tiếp cận của Alfred Adler về tâm lý học và tham vấn tâm lý về nhiều khía cạnh đều có tính đương đại và hiện đại hơn so với các lý thuyết nổi tiếng hơn của Freud và Carl Jung. Các phương pháp trị liệu của Adler ủng hộ mạnh mẽ cho những cá nhân, vốn đã được giáo dục và tự phát huy bởi lòng quyết tâm, được tạo điều kiện để tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chính thái độ lựa chọn có trách nhiệm mới là thước đo và minh chứng để liệu pháp này có thể nhận được sự chấp nhận hoàn toàn. Tâm lý học theo trường phái Adler có một số hạn chế, nhưng phương pháp này được đánh giá là rất tốt và trở nên phổ biến hơn đối với thế hệ các nhà tâm lý học mới.

Adler là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên cung cấp dịch vụ tham vấn nhóm, giáo dục cộng đồng và tham vấn gia đình để hướng tới giảng dạy công chúng về tâm lý học. Ông hy vọng rằng bằng cách dạy cho công chúng về tâm lý học, ông có thể cải thiện điều kiện sống của con người. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý cá nhân của Adler là loại bỏ niềm tin tự định hướng có tính hủy hoại và rối loạn chức năng, đồng thời thay thế những hành vi này bằng các công cụ mới, giúp họ phát huy tiềm năng về mặt xã hội.

Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1