BS NGUYỄN MINH TIẾN
TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA CLB TRĂNG NON (Tháng 10-2015 - Bổ sung Tháng 9/2021)
Xem lại Phần 1
Phần 2
MINH HỌA TRƯỜNG HỢP
Trường hợp 1
L. là một cô gái 31 tuổi, chưa có gia đình và là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ. Cô mô tả đời sống của bản thân từ trước đến nay là khá thuận lợi, sinh ra trong một gia đình khá giả, có một người em trai, và việc học tập suông sẻ. Cô đến Trăng Non tìm kiếm sự giúp đỡ khi cảm thấy đời sống trống vắng, vô vị và gần đây thường tự hỏi sống để làm gì mà bản thân cô cũng không biết phải làm gì nữa.
Vào buổi gặp đầu tiên, cô cho biết mình mới vừa nghỉ dạy tiếng Anh ở trung tâm vì cảm thấy công việc không còn hứng thú nữa. Cô muốn dành một khoảng thời gian thư thả để đi đây đi đó, có thể là du lịch hoặc đi theo các đoàn làm công việc thiện nguyện chẳng hạn. Cũng trong buổi đầu tiên, cô cũng kể về chuyện tình cảm của mình. Cô có nhiều mối quan hệ với các bạn trai mà cô gặp ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong đó có một người mà cô nói rằng “quan hệ khá xa, vượt qua giới hạn tình bạn”. Nhưng cô không hiểu vì sao trong cả quá trình thân quen đó, cô không hề nghĩ đến việc tiến đến xa hơn như hôn nhân chẳng hạn, rồi đến một hôm nọ, cô cảm thấy e ngại, và cô quyết định lãng tránh dần chàng trai đó. Họ chia tay cũng nhẹ nhàng và chẳng ai ràng buộc ai sau đó cả.
Mặc dù được hỏi gợi mở, nhưng cô không kể nhiều về gia đình gốc của mình. Tôi chỉ biết cô có một gia đình êm ả, nhưng với người thân thì cô rất ít khi trò chuyện. Từ lúc còn học cấp ba, cô đã thích rời gia đình và sinh hoạt với bè bạn bên ngoài nhiều hơn. Khi ra trường, dù độc thân nhưng cô sống trong một căn hộ riêng chứ không sống chung với bố mẹ. Với học lực khá, cô tự tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, và đến lúc nghỉ việc cô vẫn có đủ khả năng tài chính để xoay trở trong lúc thu nhập đã ngưng.
Trong buổi làm việc đầu tiên, cô chỉ muốn nói nhiều, có vẻ không lưu tâm nghe những hồi âm của tôi. Vài lần cô nêu ý kiến hơi ngờ vực những người làm tâm lý (!). Cô nói chỉ muốn tìm người để chia sẻ những gì cô nghĩ chứ chưa cần tìm kiếm một giải pháp gì cụ thể vào lúc này.
Sau một tuần, cô xin hẹn buổi gặp thứ hai. Cô kể rằng có một đoàn công tác từ thiện sắp đi giúp đỡ người nghèo và cô dự định sẽ đi theo do lời mời của một người bạn trong đoàn. Cô tự hỏi không biết có nên nhận lời không và liệu chuyến đi ấy có giúp cô nhận ra điều gì không? Câu chuyện trong buổi thứ hai có lúc quay về với chủ đề những mối quan hệ tình cảm cũ. Cô nhận ra rằng dường như cô e ngại tiến xa trong các mối quan hệ thân thiết, chỉ có thể hiểu nhau đến chừng mực nào đó thôi chứ nếu tiến xa hơn thì cô không muốn. Nhiều lần, cô tự nhận mình có ngoại hình không đẹp, mặc dù (theo thiển ý của riêng tôi) thực tế có phần ngược lại. Cô nói thêm về dự định sẽ tham dự những lớp học thêm về nấu ăn hay cắm hoa chẳng hạn. Và tôi có cảm giác như cô nói chỉ để nói chứ chưa thật sự quyết định gì cả.
Cả buổi 1 và buổi 2 đều diễn ra theo kiểu L. muốn nói và tôi thì chỉ cần ngồi nghe. Cuối buổi, khi tôi hỏi về các ý định và kế hoạch sống của L. trong thời gian sắp tới, cô nói mình vẫn chưa quyết định gì cả. Tôi đề nghị nếu L. cần nói chuyện thêm trong buổi thứ 3 thì chúng tôi sẽ thực hành những trải nghiệm bằng khay cát. Tôi giới thiệu phương tiện và cách làm, L. suy nghĩ một chút và nhận lời đồng ý về buổi gặp thứ 3 ấy.
Buổi thứ 3 diễn ra sau 2 tuần. L. cho biết cô đã có một chuyến đi với đoàn từ thiện trong vài ngày. Cô có dịp nói chuyện, giao lưu với nhiều người, làm nhiều việc và đi nhiều nơi, nhưng “cũng thấy bình thường, không biết mình như vậy là có vui hay không”. Tôi đã chuẩn bị sẵn khay cát và các dụng cụ, nên đề nghị L. thử thể hiện và trải nghiệm.
Trên khay cát, L. thể hiện cảnh về một khu nhà có vườn cây xung quanh với những con người thân thiện. Tại đó có một cặp vợ chồng sinh sống yên lành, thư giãn với công việc nuôi thú và chăm sóc cây cảnh. Khu nhà cách xa chốn thành thị một chút để có không gian yên tĩnh, nhưng không quá xa như vùng nông thôn. Cặp vợ chồng thích sự thư nhàn, yên tĩnh, nhưng vẫn cần một nơi có cuộc sống tiện nghi đầy đủ. L. nói rằng đây là cảnh tượng mà cô vẫn thường tưởng tượng về tương lai của cô và có lần cô đã nói lên ý này với người bạn trai mà cô đã chia tay. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện kể có tính tưởng tượng chứ không thực sự là một mong muốn hoặc một kế hoạch thực tế giữa cô và người bạn trai ấy.
Đặc điểm nổi bật được thấy trong cảnh diễn của L. trên khay cát đó là: cảnh diễn chỉ chiếm một nửa bên của khay cát, nửa còn lại là phần cát để trống, mà ban đầu L. giải thích là khoảng cách giữa khu nhà ở với chốn thành thị ồn ào. Tôi đặt cho cô một câu hỏi quan trọng “Làm thế nào để có thể đến được khu nhà này?” L. suy nghĩ lưỡng lự một chút rồi hờ hững đặt một vài thanh nhựa nhỏ lên cát “có thể có một con đường ở chỗ này”.
Tôi trình bày ý nghĩ của mình với L. “Làm sao để có thể đến được khu nhà này nếu không có đường đi dẫn đến đó, cũng giống như làm thế nào để một ý tưởng về tương lai có thể đạt đến nếu ta không có một kế hoạch để biến nó thành hiện thực”. Lần đầu tiên trong cả ba buổi làm việc L. có vẻ im lặng và suy nghĩ nhiều. Một cách trình bày như thế thường ít khi áp dụng khi làm việc với trẻ em và vị thành niên, vì các trao đổi chỉ nên thực hiện trong phạm vi cảnh diễn có tính ẩn dụ hơn là có ngay những liên hệ giữa nội dung cảnh diễn với hoàn cảnh thực tế. Nhưng trong trường hợp của L., một người trưởng thành và không có nhiều những sự kiện thực tế khó khăn hoặc đau buồn, thì một liên hệ kiểu như thế thực sự lại giúp cho cuộc làm việc giữa tôi và L. có thể chuyển tiếp sang một khúc quanh. Cô bắt đầu suy nghĩ và nói ra những cảm nhận mà cô đang thực sự cảm thấy, những nỗi lo ngại về các mối quan hệ, về sự khó khăn trong giao tiếp với người thân, và sau cùng cô nói rằng cô sẽ suy nghĩ kỹ về những công việc và kế hoạch sống trong tương lai sắp tới của mình.
Trường hợp 2
H. là một bé gái 8 tuổi, là con của một cặp vợ chồng vừa ly hôn một thời gian ngắn mới có vài tháng. Bé sống với mẹ và được mẹ dẫn đến Trăng non yêu cầu giúp đỡ vì bé gần đây có những biểu hiện lo lắng, buồn bã, hay khóc. Mẹ là một phụ nữ trí thức ngoài 30 tuổi, vẫn còn đang trong giai đoạn buồn bã sau ly hôn. Cô đã đến gặp một chuyên viên tham vấn để yêu cầu giúp đỡ về tâm lý của cá nhân cô, sau đó, do sự giới thiệu của chuyên viên này mà cô đã dẫn bé H. đến gặp tôi để giúp đỡ tâm lý cho bé. Tôi hẹn gặp buổi đầu tiên chỉ làm việc với bố mẹ với mục đích tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và rồi sẽ chuẩn bị cho cuộc gặp thứ 2 có cả H. lẫn bố mẹ cùng đến.
Trong buổi đầu tiên, câu chuyện hôn nhân giữa bố mẹ được trình bày, nhưng sau đó người mẹ chuyển trọng tâm thông tin sang những nỗi bận tâm về bé H. Mẹ cho biết nhiều ngày gần đây bé hay khóc, nói với mẹ về những cảm giác sợ hãi và chỉ yên tâm khi có mẹ bên cạnh. Người bố trong buổi làm việc thường chỉ ngồi yên lặng; khi được hỏi ý kiến về tình trạng của con, bố nói “tôi thấy bé bình thường”, “mẹ ở gần cháu hơn tôi nên biết rõ cháu hơn”... Bố không nói nhiều, chỉ ngồi đợi nghe câu hỏi rồi để cho mẹ kể chuyện. Tôi trình bày ý kiến của mình về những khó khăn mà bé H. có thể gặp phải khi bố mẹ chia tay và đề nghị bố mẹ đưa bé đến trong buổi làm việc kế tiếp sau khoảng vài ngày. Họ đã đồng ý. Sau này, qua trung gian chuyên viên tâm lý kia, tôi mới biết chuyện bố có mối quan hệ khác ở bên ngoài hôn nhân.
Buổi thứ hai, H. được bố mẹ đưa đến. Trước tiên H. muốn làm việc riêng với tôi trong phòng chơi, sau đó mới làm việc chung với bố mẹ. Trong phòng chơi, tôi bày khay cát cùng các dụng cụ và khi được đề nghị, H. đồng ý tham gia hoạt động với khay cát. Mất khoảng 20 phút, H. trình bày một cảnh chơi về một ngôi làng bình yên, có những ngôi nhà, cây cối mọc quanh nhà, những con người đi lại trò chuyện với nhau, những vườn hoa, chuồng thú... Trong khay cát, có cảnh một bé gái đứng trước một ngôi nhà nhỏ, bên trong nhà bày hai chiếc ghế trống, còn cô bé thì đứng nhìn vào bên trong nhà. Phía ngoài có một con đường dẫn đến đầu cổng làng, có một khúc quanh của đường trước khi dẫn vào làng, bên cạnh đường có bảng chỉ dẫn lối vào. Rồi H. thêm vào cảnh diễn một đoàn quân đi từ ngoài theo con đường dẫn đến đầu làng, có những người lính vào làng để bảo vệ, và những người lính khác thì đứng dọc hai bên đường dẫn vào làng. Cuối cùng, H. tạo một tình tiết kết thúc cho cảnh diễn, đó là: Một người đàn ông dẫn một con ngựa đi bộ dọc theo con đường dẫn đến làng và đứng lại ở trước cổng làng.
Cảnh diễn sau cùng: Người đàn ông dẫn ngựa đến trước cổng làng. Hai bên đường rất nhiều lính gác.
(Nguồn: CLB Trăng Non)
Khi H. thực hiện xong cảnh diễn, bố mẹ (nãy giờ vẫn ngồi chứng kiến H. tạo cảnh) đã được mời vào cùng dự buổi chơi và nghe H. nói về cảnh diễn. Sau đó, bố mẹ cũng được yêu cầu chia sẻ ý kiến. Mỗi người được yêu cầu đặt cho cảnh diễn một tên gọi theo chủ đề mà mình cho là quan trọng. Bố cho cái tên “Hoàng hôn”, mẹ nói “Ngôi làng bình yên”. Còn H. thì cứ phân vân không chọn lựa được chủ đề nào để đặt tên cả. Tuy vậy, điều quan trọng là lúc đó, cả 3 người: bố, mẹ và H. đều có dịp để cùng lúc ghi nhận và chia sẻ ý kiến về cảnh diễn mà H. đã tạo.
Khi được hỏi về tâm trạng và cảm nhận khi chơi với khay cát, H. cho biết em thấy thoải mái, mặc dù em tỏ vẻ bẽn lẽn và không nói gì thêm cả. Lúc đó, tôi bắt đầu chia sẻ những điều mà tôi nhận thấy trên khay cát: Cảnh quan về một ngôi làng yên bình, những con người thân thiện, cô bé đứng bên ngoài nhìn vào ngôi nhà trống vắng, cảnh những người lính đứng bảo vệ ngôi làng và cảnh người đàn ông trở về. Tôi có cảm nhận rằng hai chi tiết cô bé đứng nhìn ngôi nhà và người đàn ông trở về dường như gây được chú ý của bố và mẹ. Cả hai ngồi gần bên bé H. và họ có những cử chỉ xúc chạm nhẹ nhàng với H., mắt nhìn vào bé. Tôi nói cho H. biết rằng em đã thể hiện rất tốt khi tham gia hoạt động chơi với khay cát và hỏi “em có sẵn sàng trở lại và trò chuyện thêm ở những buổi sau hay không?”. H. gật đầu. Buổi thứ hai kết thúc và tôi hẹn gặp cả hai bố mẹ vào một buổi thứ ba một tuần sau đó.
Trong buổi thứ ba, bố mẹ đến cùng lúc. Họ có vẻ gần gũi nhau hơn khi ngồi trò chuyện với tôi, kể cả những ánh nhìn lẫn những xúc chạm. Họ có vẻ như thể là một cặp vợ chồng mới làm lành sau khi giận nhau, dù trong thực tế họ đã ly hôn. Tôi thông báo lại những gì mà tôi nhận định được sau buổi làm việc thứ hai. Tôi chia sẻ giả thuyết về những nỗi buồn và lo lắng của H. có thể do sự hoang mang của bé sau khi bố mẹ chia tay, nỗi lo mất mát tình thương từ bố mẹ, cùng với niềm mong mỏi từ trong thâm tâm muốn bố quay trở về. Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ ý nghĩ của tôi rằng thực tế bố mẹ đã chia tay, những gì mà trong thực tế đời sống hôn nhân của bố mẹ hẳn phải có những lý do khiến cho họ có một quyết định như thế mà H. thì không thể hiểu được. Tôi trao đổi với họ về những gì mà cha mẹ có thể làm với đứa con còn nhỏ tuổi của họ sau khi chia tay, về những khó khăn mà trẻ phải gánh chịu và phải dung nạp dần dần, và điều khó khăn mà một cặp vợ chồng phải đương đầu sau khi ly hôn – “Họ không còn là vợ chồng nhưng vẫn còn là cha mẹ của con họ. Và họ có cùng nhiệm vụ giúp con vượt qua giai đoạn thử thách này”.
Người bố lần này cũng bắt đầu chia sẻ ý kiến nhiều hơn. Anh nói mình đã không quan tâm đủ đến con, chưa hiểu những khó khăn của bé và sẽ chú ý gần gũi bé hơn sau này. Mẹ thì có ý thông cảm với bố, tuy đang khóc nhưng cũng nói lời khuyến khích chồng mình nên thường xuyên đến thăm và nói chuyện với H. nhiều hơn. Không có dấu hiệu chỉ trích hoặc quy lỗi giữa họ với nhau. Đột nhiên, khi đang nói về chủ đề kỹ năng chăm sóc con cái sau ly hôn, người mẹ chợt phát biểu một liên tưởng của cô về tuổi thơ của mình, một tuổi thơ mà cô nói là gắn liền với nỗi buồn khổ của mẹ mình (bà ngoại của H.). Cô nói rằng mẹ cô đã sống một cuộc đời nhẫn nhịn, chịu đựng trong hôn nhân với chồng (ông ngoại của H.), và cô không muốn sống giống như thế. Rồi cô chợt thấy mình đã từng cố gắng làm khác với mẹ, để không chịu đựng trong hôn nhân giống như mẹ. Cô cho biết mình từng trải qua những đợt trầm cảm và nhiều lúc không còn tập trung quan tâm chăm sóc con mình.
Cuộc làm việc trên khay cát với bé H. phần nào tạo được một khúc quanh chuyển biến trong cách nhìn của bố mẹ của bé H. vì cả hai đều có dịp nhìn lại cuộc hôn nhân của họ, những trách nhiệm của họ. Đối với H., cuộc làm việc đã góp phần giúp tạo lập sự quân bình cảm xúc của bé, một phần là do những giải bày của bé qua trung gian cảnh diễn có tính ẩn dụ đã được nhiều người lớn ghi nhận và hiểu, một phần quan trọng hơn là bé có dịp được ở gần bên cạnh cả bố lẫn mẹ để nói chuyện về các chủ đề mà chính bé nêu ra. Khúc quanh trong trị liệu cũng xảy đến ở người mẹ khi mà từ chuyện của bé H. mà mẹ có dịp nhìn lại tuổi thơ của chính mình, liên hệ hình ảnh người mẹ, người vợ nơi mẹ mình khi xưa với hình ảnh người mẹ, người vợ trong chính bản thân mình hôm nay, liên hệ những nỗi buồn của mẹ mình khi xưa với những tâm trạng khó khăn của mình hiện nay. Một điều quan trọng khác cũng xảy ra trong buổi làm việc lần thứ ba ấy là người bố đã hiện diện, lắng nghe và hiểu hơn câu chuyện của người mẹ.
Tôi không tiếp tục làm việc với cặp vợ chồng này thêm sau đó, vì người mẹ của H. là thân chủ của chuyên viên tâm lý mà tôi đã nêu ở trên. Cô trở về tiếp tục quá trình trị liệu với chuyên viên ấy với nhiều chủ đề mới nay đã bắt đầu mở rộng ra thêm – Một quá trình tìm hiểu và khám phá bản thân đầy gian nan và cũng cần đến sự can đảm rất nhiều.
KẾT LUẬN
Trong cả hai trường hợp mà chúng tôi trình bày để minh họa trên đây, việc sử dụng khay cát có vai trò như một đòn bẩy, một bước chuyển để thúc đẩy tiến trình trị liệu đi tới hoặc để mở rộng tầm nhìn hoặc tạo khúc quanh trong cách nhìn của thân chủ về bản thân cũng như về cuộc sống của họ.
Trong trường hợp của L., cô gái 31 tuổi đã có dịp trải nghiệm lại những ước muốn và sự mơ hồ trong kế hoạch cuộc sống của bản thân mình. Cô bắt đầu nhìn lại cuộc sống của mình một cách có trách nhiệm hơn, dẫu rằng ở thời điểm đó trở đi vẫn còn nhiều việc khó khăn đang chờ đợi cô ở phía trước.
Trong trường hợp thứ hai, bé H. không chỉ có cơ hội trải nghiệm được sự giảm nhẹ cảm xúc mà bé còn có dịp cải thiện các mối quan hệ quan trọng xung quanh bé: quan hệ giữa bố mẹ với bé và quan hệ giữa bố mẹ với nhau sau ly hôn, đặc biệt cuộc làm việc còn giúp bố mẹ trải nghiệm và giải bày các vấn đề trong cuộc sống của chính họ.
Trong cả hai trường hợp, việc ứng dụng sự trải nghiệm với khay cát không có mục tiêu giải quyết một vấn đề cụ thể nào trong cuộc sống thực tế của thân chủ, mà mục tiêu chính là giúp thân chủ khám phá và thấu hiểu hơn về cuộc sống của bản thân. Khay cát là một công cụ giúp thể hiện và trải nghiệm; nó được lựa chọn khi có sự bế tắc hoặc khó khăn trong giải bày cảm xúc cũng như trong đối thoại; nó không thay thế cho những công cụ khác trong tâm lý liệu pháp nói chung và cũng không có vai trò quyết định hoặc kết thúc tiến trình trị liệu.
Cũng như đối với nhiều loại công cụ khác trong tâm lý liệu pháp, việc lượng giá hiệu quả của khay cát cũng dựa trên những chỉ báo có tính chủ quan và định tính. Trong hai trường hợp minh họa nêu trên, các chỉ báo ấy có thể kể ra bao gồm: thân chủ chú tâm khám phá các trải nghiệm cảm xúc của bản thân, chủ động tham gia vào việc giải bày nội tâm qua các hình ảnh ẩn dụ, thân chủ đối thoại về các ý nghĩa của những chủ đề được trình bày qua các hình ảnh ấy, đối thoại với nhà trị liệu về cuộc sống của bản thân một cách có trách nhiệm, và đồng thời không thể hiện bất kỳ biểu hiện nào của sự phòng vệ hoặc phản kháng, không có sự chỉ trích hoặc quy lỗi cho hoàn cảnh và người khác. Hiệu quả của việc sử dụng khay cát trong hai trường hợp minh họa cũng được nhận thấy thông qua việc nó thúc đẩy tiến trình thay đổi vẫn tiếp diễn cả trong những phiên trị liệu cũng như trong đời sống bên ngoài, bước đầu có thể thay đổi về cách nhìn, về tâm trạng và rộng ra hơn là cải thiện các mối quan hệ và chất lượng đời sống.
Ngoài những áp dụng khay cát như một công cụ trị liệu tâm lý, chúng tôi cũng sử dụng khay cát để giúp những người học tâm lý lâm sàng tại Trăng Non có cơ hội trải nghiệm và khám phá bản thân. Những cảm xúc có thể rất sống động khi tạo cảnh, y như đang trải nghiệm một cảnh sống thực. Trong cảnh diễn ấy, sự phân định giữa cảnh chơi và cảnh đời, giữa cảnh ảo và cảnh thực đôi khi không còn cần thiết nữa…
إرسال تعليق