VÌ SAO TÂM LÝ TRỊ LIỆU CẦN ĐẾN NHÃN QUAN HẬU HIỆN ĐẠI? - Phần 2

“Why does psychotherapy need postmodernism?”
Tác giả: BOGDAN DE BARBARO, Đại học Y khoa Jagiellonian, Cracow, Ba Lan
Nguồn: Archives of Psychiatry and Psychotherapy, 2008; 3:43–50

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾNnhóm dịch thuật Trăng Non


Xem lại Phần 1

Phần 2


Hình 1. Nếu nhà trị liệu vẫn để tâm trí rộng mở, không có bất cứ thành kiến nào về “bức bản đồ” (hoặc “văn bản”) của thân chủ đang tìm đến để được giúp đỡ, nhà trị liệu sẽ nhận được sự miêu tả có tính chất “nguyên vẹn” và “thanh khiết”, không bị ảnh hưởng bởi chính lý thuyết của mình (những mũi tên vẫn còn trong sáng)

Bên trái: “Bản đồ” của bệnh nhân, thân chủ, gia đình…
Bên phải: “Bản đồ” của nhà trị liệu (chẩn đoán)



Hình 2. Tuy nhiên, nếu học thuyết của nhà trị liệu tạo nên một khuôn mẫu nhận thức rõ ràng, việc này sẽ ảnh hưởng đến các thông tin mà nhà trị liệu nhận được từ thân chủ (các mũi tên bị sẫm màu một phần)

Học thuyết được mở rộng của nhà trị liệu



Hình 3. Khi học thuyết càng được mở rộng (tấm “màn lọc lý thuyết” càng dày hơn), hình ảnh về thân chủ sẽ càng bị bóp méo bởi học thuyết ấy (những mũi tên đậm lên một cách rõ rệt)

Học thuyết được nhà trị liệu khai triển một cách đáng kể



Hình 4. Khi học thuyết được nhà trị liệu triển khai một cách đáng kể, việc đó sẽ tạo nên một tấm màn che phủ lên hình ảnh của thân chủ đang tìm kiếm sự giúp đỡ, đến một mức độ khi nhà trị liệu nếu cứ “ở trong học thuyết của mình” thì sẽ không thể nhìn thấy được hình ảnh có thật về thân chủ.



Hình 5. Bức “bản đồ” về thân chủ (bệnh nhân, gia đình…), đó là sự nhận thức một cách chủ quan về thực tại (dưới dạng những hình ảnh, mô tả…)



Hình 6. Sự phản ảnh từ nhà trị liệu, chuyên viên tư vấn và các thành viên trong nhóm phản ảnh (những dấu sao * ở trong hình). Ở mỗi thời điểm, những phản ảnh này có thể ở xa hay ở gần so với những nhận thức của gia đình. Theo nguyên tắc có sự đa dạng về phiên bản, chúng rất khác nhau, đặc biệt là không gắn kết hoặc nhất trí với nhau lắm. Đối với “chủ nhân của bức bản đồ”, những phản ảnh được xem là hữu ích nhất sẽ là những phản ảnh ở gần với bức “bản đồ” của người ấy và tạo nên một “trường khác biệt tối ưu” (field of optimal difference).



Hình 7. Những đường biên giới mới của bức “bản đồ” (về nhận thức). Bản đồ nay đã được mở rộng (nói theo cách của Michael White là "từ mỏng trở nên dày hơn")


NHỮNG TIỀN ĐỀ KHÁC CỦA XU HƯỚNG HẬU HIỆN ĐẠI HIỆN DIỆN TRONG TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Không thể nào bàn luận một cách chi tiết hết tất cả những ứng dụng của tư duy hậu hiện đại vào tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, trong số những chủ đề xuất hiện trong các tài liệu nói về xu hướng hậu hiện đại, những ví dụ sau đây đáng được đề cập đến:

Những câu chuyện kể (narratives)

Phạm trù này đã từng được đề cập đến. Từ “chuyện kể” là điểm then chốt của chủ thuyết hậu hiện đại và nó cũng làm sáng tỏ phương pháp làm việc của các nhà trị liệu. Từ sách Sáng Thế Kýcho đến những sản phẩm của Hollywood đều là những câu chuyện mà chúng ta suy nghĩ về thế giới. Các nhà trị liệu hậu hiện đại tập trung rất nhiều vào thực tế đó, bởi vì đúng là việc tường thuật câu chuyện có thể “áp chế” trở lại đối với tác giả của nó, trị liệu có thể giải thoát bệnh nhân của sự áp chế này và làm cho họ có thể sống theo những ý định của riêng mình. Không có nghĩa là (như tôi đã chỉ ra trước đó) nhà trị liệu có một quyền năng nào đó để cho rằng sự diễn giải của mình, các tư duy kiến tạo của mình về thực tại là tốt hơn hoặc “đúng hơn” của bệnh nhân hay của gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, nhà trị liệu có thể tạo ra sự phản ảnh ở mức độ nhất định lên câu chuyện của bệnh nhân, thông qua thay đổi hệ quy chiếu, và, kết quả là, thay đổi ý nghĩa của câu chuyện và làm bật lên những “ẩn ý” bị cho là không quan trọng. Kết quả của sự bình giải một câu chuyện gây bế tắc là tác giả/bệnh nhân có thể tìm kiếm một câu chuyện mới giúp họ vượt qua bế tắc này. Trong bối cảnh này, liệu pháp sử dụng câu chuyện kể (narrative therapy) tự nó đã có tính hậu hiện đại, xét trên khía cạnh nó nhấn mạnh ngôn ngữ như là tác nhân tạo nên thực tại.

Vấn đề về quyền lực

Từ nhãn quan lịch sử, Michael Foucault đã phân tích những hiện tượng như là sự điên rồ và bản năng tình dục và mô tả mối quan hệ giữa quyền lực và kiến thức. Những kiểu mẫu giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong gia đình đều có liên quan đến quyền lực. Giống như trong thời tiền hiện đại, kiến thức được quy kết với tuổi tác (câu tục ngữ “sự thông thái của người cao tuổi”), trong thời hậu hiện đại, thế hệ trẻ được đánh giá cao hơn, vì họ học hỏi tốt hơn từ những thành tựu của cách mạng công nghệ - kỹ thuật số. Hậu quả là, sự căng thẳng giữa những người có quyền lực thực sự và người có “quyền lực về mặt ngôn ngữ” là không tránh khỏi. Đây là một trong những cách lý giải cho khủng hoảng vốn có trong các gia đình hiện đại.

Vấn đề về sự loại trừ (exclusion)

Quan điểm bảo vệ nữ quyền, bắt rễ sâu xa từ xu hướng hậu hiện đại, đã chỉ ra ảo tưởng về sự tồn tại của những “lý thuyết khách quan”. Có nhiều lý thuyết, mà rất nhiều câu chuyện vốn được cho là có tính phổ quát ấy lại không thường được chấp nhận, bởi vì chúng được viết ra từ một quan điểm có động cơ chính trị (các nhà phê bình theo chủ nghĩa bảo vệ nữ quyền cho rằng quan điểm này là của nam giới và đã gạt những điều liên quan đến nữ giới ra ngoài). Việc lưu ý đến quan điểm của những người bị loại trừ dường như đã gây ra sự cảm hứng khác thường giúp  vượt qua được vấn đề liên quan đến định kiến về tính ưu việt của nam giới và đặc tính phụ quyền về mặt kiến thức, mà từ đó dẫn đến việc nắm giữ quyền lực của nam giới. Ở rất nhiều nơi và tại nhiều thời điểm khác nhau, những người bị loại trừ không chỉ là phụ nữ mà còn là những người, mà theo ngôn ngữ y khoa, đang được điều trị như bệnh nhân tâm thần, người già, những cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo hay xu hướng tình dục. Tính nhạy cảm trong xu hướng hậu hiện đại đã giúp nhận ra sự cần thiết phải hoài nghi những lý thuyết đang thịnh hành và xác định xem chúng đang đại diện cho lợi ích của ai (của nam giới? của tầng lớp trung lưu? hay của người da trắng?). Tinh thần cởi mở đón nhận những lý thuyết khác là một trong những tiền đề trung tâm của xu hướng hậu hiện đại, một thứ đạo lý hướng đến từng cá nhân.

NHỮNG PHÊ BÌNH DÀNH CHO XU HƯỚNG HẬU HIỆN ĐẠI

Hậu hiện đại không phải là một quan điểm được chia sẻ một cách phổ biến. Những lý lẽ chống lại chủ nghĩa hậu hiện đại có thể được tóm tắt trong ba điểm:

*Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ những thành tựu của khoa học hiện đại, tự đặt họ ra khỏi lĩnh vực khoa học. Đối với ý kiến chỉ trích này, những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại thường hồi đáp rằng họ không bác bỏ những thành tựu của khoa học tự nhiên và công nghệ kỹ thuật (đúng là họ sử dụng máy tính để viết những luận án và nếu không có công nghệ thì không có máy tính), nhưng họ chú ý đến phương pháp tiếp cận mang tính tự phụ và những ảnh hưởng tiêu cực của cách thức diễn ngôn mang tính hàn lâm. Safran và Messer, những người ủng hộ chủ nghĩa hậu hiện đại, kết luận, tính đa nguyên vận hành hơi giống với một phương thuốc trong y khoa: nếu được sử dụng đúng liều, nó sẽ giải độc một cách hiệu quả cho sự áp chế của chủ nghĩa duy lý nhưng nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến tính tương đối. Một đại diện hàng đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại, Kenneth Gergen, cho rằng sự hoài nghi có tính lập trình của xu hướng hậu hiện đại cũng được áp dụng cho chính xu hướng hậu hiện đại.

*Những lý lẽ liên quan đến đạo đức dường như là những ý kiến chủ đạo chống lại chủ nghĩa hậu hiện đại, và mối quan tâm chủ đạo là tính tương đối và sự hư vô về luân lý. Nếu chúng ta cho phép tính tương đối – và thực sự là khi càng có nhiều người tham gia diễn ngôn thì càng có nhiều phiên bản – chúng ta sẽ trở nên khoan dung với tất cả, bao gồm cả những điều xấu. Lẽ nào mà tình cờ một khẩu hiệu hậu hiện đại nổi tiếng “mọi chuyện đều qua đi” (“everything goes”) lại không dùng biện minh cho tội ác sao? Liệu có phải một tội ác rõ ràng lại có thể được hợp pháp hóa theo quan điểm nhân văn nói chung hoặc trong lúc đang trị liệu, khi lập quan hệ với một bệnh nhân hay gia đình nào đó mà những tình trạng lạm dụng thể chất, tình dục hay văn hóa đang diễn ra? Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng chủ đề đạo đức không nên dựa trên các bộ luật và điều luật, mà đầu tiên là phải dựa trên ý thức và trách nhiệm thường xuyên ở mỗi con người theo quan điểm có tính nhân bản: đó cũng chính là trách nhiệm của nhà trị liệu đối với bệnh nhân/thân chủ của họ. Nhà trị liệu phải chịu trách nhiệm đối với những ảnh hưởng mà họ tạo nên. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ngay cả những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đã gia tăng nhận thức rằng thực sự khó mà sống được trong một thế giới nếu không có những chuẩn mực đạo đức phổ quát.

*Một luận điểm cuối cùng đáng được đề cập đến là luận điểm dường như thường được xây dựng để tấn công bất cứ phương pháp tiếp cận mới nào: xu hướng hậu hiện đại thường bị cáo buộc là chẳng có gì mới mặc dù ra vẻ là độc đáo. Những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại ít lo lắng về luận điểm này nhất, bởi vì họ sẵn lòng chấp nhận bất cứ những điều gì mới mẻ, khác lạ, ngoại lai, có thể được trích dẫn hoặc vay mượn. Sự phân chia thế giới thành những mảnh nhỏ (như trong nghệ thuật cắt dán) là một trong những đặc điểm giúp nhận diện xu hướng hậu hiện đại. Có rất nhiều câu chuyện hiện diện trong chúng ta mà không phải lúc nào cũng xác định được nguồn gốc của chúng.

KẾT LUẬN

Nhãn quan hậu hiện đại vẫn còn bị chỉ trích vì nhiều lý do. Tuy nhiên, dù thích hay không, chúng ta, với tư cách những nhà trị liệu đang dự phần trong nền văn hóa, vẫn “bị ném vào” trào lưu hậu hiện đại cùng với những bệnh nhân và thân chủ của chúng ta. Với ý nghĩa ấy, nhiều người trong chúng ta, khi sử dụng các bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ như một phần quan trọng của tiến trình trị liệu, hẳn sẽ nên nhạy bén hơn với xu hướng hậu hiện đại và nhận biết về những biểu hiện của xu hướng ấy. Với tư cách là những nhà trị liệu, chúng ta hẳn nhiên sẽ không xem xét đến chuyện thuyết hậu hiện đại có “đúng” hay không; tuy nhiên, chúng ta có quyền và có cơ hội tốt để rút ra từ thuyết hậu hiện đại những gì mà chúng ta xem là hữu ích cho bệnh nhân và thân chủ của chúng ta.

*Vậy tại sao những nhà tâm lý trị liệu lại cần đến chủ thuyết hậu hiện đại? Tôi nghĩ rằng với tất cả những tính chất khiêu khích, cực đoan, bế tắc, cùng những nguy cơ nghiêm trọng của sự vô tổ chức về học thuật và phi chuẩn mực về văn hóa của nó, nhãn quan này vẫn có thể mang đến một thông điệp quan trọng cho những nhà trị liệu:

*Hãy thận trrọng, và thậm chí là không nên tin tưởng vào những tư tưởng, những phán xét của chính các bạn và cả những học thuyết mà bạn đang dựa vào. Đừng nghĩ rằng bạn biết nhiều hơn về những gì mà người khác cần có trong đời sống của họ.

*Hãy xem xét bối cảnh (quan hệ liên cá nhân, các yếu tố văn hóa, kinh tế và chính trị). Không xét đến bối cảnh, bạn sẽ không thể tiếp cận đến những “ý nghĩa” ẩn bên dưới những điều được xem là “sự kiện thực tế”.

*Hãy nhớ rằng ngôn ngữ có vai trò đồng thời tạo nên thực tại. Đây là lý do giải thích cho điều rất quan trọng là bạn cần nhận biết về những gì bạn nói, bạn nói những điều đó trong hoàn cảnh như thế nào và những thành kiến đã bộc lộ ra khi bạn nói sẽ có thể gây nên những hệ quả đối với thân chủ đang cần đến sự giúp đỡ của bạn.

*Hãy nhận thức rõ về tính phức tạp của những cách thức giải trình về cuộc sống cùng vô số những câu chuyện kể và đừng tự cho rằng câu chuyện kể theo cách của bạn mới là đúng hơn, là quan trọng hơn, là thật hơn.

*Hãy tính đến trách nhiệm và luân lý của của chính bạn hơn là những bộ luật và điều luật.

Đối với một số người, những điều chỉ dẫn này có thể là tầm thường và hiển nhiên, nhưng đối với những người khác, có thể họ sẽ khởi lên những phản bác. Những tính chất mơ hồ này có lẽ là sự phản ảnh lại bản chất của thời đại mà chúng ta đang sống, của tinh thần hậu hiện đại. 

Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1