CON NHÍM CỦA FREUD

Freud’s Porcupine
Nguồn: The School Of Life

Người dịch: NGUYỄN MINH TIẾN



Ta biết rất rõ tình yêu phải nên như thế nào; ta tưởng tượng người trong mộng của mình rất lâu trước khi ta gặp người ấy trong cuộc sống thực. Đó sẽ là một người tử tế, xinh đẹp, dịu dàng, chu đáo, truyền cảm và hài hước. Người ấy sẽ vô cùng cẩn thận với những chi tiết đáng trân quý hoặc dễ bị tổn thương của ta, và ta cũng tương tự như thế với người ấy. Người ấy sẽ là nơi nương tựa và là nhà của ta.

Ta luôn nhớ đến người ấy qua tất cả những khó khăn và thử thách buồn vui trong những chuyện lãng mạn của ta: những điều ngớ ngẩn và bối rối khi hẹn hò, các mối quan hệ tan vỡ, hôn nhân rạn nứt, những cuộc tình không như ý. Ta chế nhạo điều này điều nọ, về những “ứng viên” thất bại, về những đối tượng dở hơi hoặc xấu tính; nhưng ta không bao giờ dám chế giễu về chính tình yêu. Ta không bao giờ tự hỏi ta đang cố làm gì vậy. Ta chỉ khăng khăng rằng mình chưa gặp được “người phù hợp” để đi cùng người ấy.

Nhưng, ta có thể tận dụng tâm trạng buồn bã đó để dám trở nên dũng cảm hơn. Ta đã gặp rất nhiều người, ta đã có nhiều cơ hội để làm cho mọi chuyện tốt lên. Những chuyến tìm kiếm liên tục của ta không hẳn là dấu hiệu cho thấy ta cần tìm kiếm xem ai là phù hợp; chúng là bằng chứng cho thấy những gì ta đang mong mỏi là tình yêu và những gì người khác mang đến cho ta theo kiểu hợp lý về cơ bản đều trái ngược lại.

Nhím là một loài gặm nhấm, ăn cỏ, được bao phủ trên thân bởi những chiếc lông sắc nhọn. Chúng chỉ có một lớp mỡ mỏng dưới da để giữ ấm. Vào những đêm lạnh giá, chúng phải tụ tập trong hang cùng với những con nhím khác. Nhưng mỗi khi làm như vậy, chúng thường tự gây thương tích nặng nề cho nhau bởi những chiếc lông của những con nhím khác xung quanh. Không có gì lạ khi nhìn thấy những con nhím nhảy khỏi hang lên mặt đất vào lúc bình minh với dấu vết máu của nhau trên cơ thể của chúng. Loài nhím đã phải “mua” một biện pháp phòng thân với chi phí cao: Đó là sự lựa chọn giữa chuyện hoặc bị hạ thân nhiệt khi trời lạnh, hoặc sẽ bị thương tích khi ở gần bên nhau.

Sigmund Freud đã suy nghĩ rất nhiều về loài nhím và để tri ân sự bối rối của chúng khi gần gũi với nhau, ông đã đặt mô hình một con nhím bằng đồng trên bàn làm việc của mình, ban đầu là ở Vienna và sau đó là ở London, nơi mà nó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Khi bệnh nhân của ông kể chi tiết về những nỗ lực trong đời sống của họ - những người vợ cảm thấy không được yêu thương, những người chồng không chung thủy, những lứa đôi không nghe thấy những lời phàn nàn của nhau, những kẻ dụ dỗ chỉ có thể ham muốn khi họ bị từ chối - Freud có thể nhìn vào những chiếc bút lông bằng đồng sắc như dao lam và biết rằng những gì mà ông đang nghe không phải là những trường hợp bất hạnh cá biệt, mà là những ví dụ khác nhau về những rủi ro mà ta gặp phải mỗi khi ta tìm kiếm, khi cần một tình bạn đồng hành khác của chúng ta.

Phân tâm học tiếp tục xây dựng một sự hiểu biết chưa từng có về lý do tại sao chúng ta lại dễ “bị rướm máu” trong các mối quan hệ. Mỗi người chúng ta đều đến tuổi trưởng thành với một lịch sử vốn chống lại những cơ hội để thoả lòng trong ngày hôm nay của ta. Những tuần đầu với niềm say mê có thể diễn ra đủ tốt, nhưng quá khứ phức tạp của ta sẽ khiến ta sớm có sự cảm nhận về chính mình. Khi còn nhỏ, ta đã từng cảm thấy mình vô dụng và xấu hổ dường nào; và nay tình yêu của một người khác dành cho ta lại có vẻ không thực tế và phải chịu thử thách liên tục. Hoặc vì thời thơ ấu của ta khiến ta lo lắng về sự không đáng tin của người khác. Ta không ngừng yêu cầu sự trấn an và đòi hỏi những dấu hiệu của lòng trung thành, điều này cuối cùng đã khiến chính người mà ta rất muốn ở bên cạnh mình phải bỏ ta đi. Ta có thể trông có vẻ ngọt ngào, ta có thể có những khoảnh khắc tử tế, ta không phải lúc nào cũng xáo động, nhưng chắc chắn, mỗi người trong chúng ta đều được bao phủ bởi những “chiếc lông” sẽ đâm và gây thương tích nặng cho ai đó đủ liều lĩnh đến gần ta.

Ta dành quá nhiều thời gian để hối tiếc về những lựa chọn quá đặc biệt của mình và lại dành quá ít thời gian để có được một “nỗi sầu an ủi” (melancholy comfort) khi biết rằng việc tiến đến một mối quan hệ mật thiết vốn là việc khó xảy ra do bởi tâm hồn đầy gai góc của ta.

Những “ứng viên” tốt nhất sẽ không phải là những người không làm tổn thương ta, những người như thế vốn không tồn tại. Đó sẽ là một người ít nhất có ý thức về cách họ sẽ làm như vậy, và có thể cảnh báo chúng ta về thực tế ấy vào thời điểm thích hợp, với một vẻ duyên dáng và một xúc chạm kiểu hài hước. Vào những buổi hẹn ban đầu cùng nhau ăn tối, ta nên học cách quay sang nhìn “con nhím tương lai” của mình và hỏi với một nụ cười buồn rầu: "Rồi cậu sẽ dùng chiếc lông của cậu đâm vào tớ như thế nào đây?"

Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1