Người viết: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, chủ yếu là người trưởng thành. Vậy nên, lẽ hiển nhiên, là sẽ có một số lượng không nhỏ trẻ em bị mất đi cha mẹ và người chăm sóc trong đại dịch này. Tình trạng trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 (COVID Orphans) không khó để thấy, nhưng lại không dễ để hiểu rõ.
Trẻ mồ côi được hiểu là khi xảy ra cái chết của cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, và kể cả cái chết của người chăm sóc có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đến trẻ. (theo UNICEF)
Trước đại dịch, trên thế giới có khoảng 140 triệu trẻ mồ côi. Hiện tại, đã có thêm ít nhất 1,5 triệutrẻ em đã mất cha mẹ, ông bà, hoặc người chăm sóc khác vì COVID-19, theo một nghiên cứu mới đây ước tính. Cần hiểu rằng đây là những con số được ước tính, số lượng trẻ mồ côi trong thực tế hoàn toàn có thể là một con số lớn hơn rất nhiều.
Ở Việt Nam, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết ngày 8/10/2021, cả nước có 2.093trẻ em và người chưa thành niên đến 17 tuổi bị mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, có 1.970 trẻ mất cha hoặc mẹ.
Và các con số như thế vẫn đang tăng lên khi tôi viết những dòng chữ này.
Suốt khoảng thời gian chiến đấu với dịch bệnh vừa qua, chúng ta không đề cập quá nhiều đến trẻ em, chỉ chủ yếu quan tâm đến người trưởng thành, lẽ cũng dễ hiểu, khi mà số ca nhiễm và tử vong ở người trưởng thành cao hơn ở trẻ em rất nhiều. Cứ như thể, những đứa trẻ của chúng ta đã được an toàn (!)
Nhưng cũng rất rõ ràng, đó là khi có một số lượng lớn người trưởng thành chết vì dịch COVID-19, thì sẽ để lại một số lượng lớn trẻ em mồ côi, và các em phải đối diện với một tương lai mơ hồ phía trước. Đây lại là một “đại dịch ngầm ẩn” (hidden pandemic).
Có rất nhiều việc mà người lớn chúng ta cần làm để giúp đỡ cho những đứa trẻ bất hạnh này. Những đứa trẻ được chăm sóc như thế nào sau cái chết của người thân? Có còn những người thân khác để chăm lo cho trẻ không? Liệu trẻ có nhận được sự hỗ trợ cần thiết không? Liệu các em có phải đối diện với nguy cơ bị bạo hành, lạm dụng hay không? Chúng ta có thể làm gì để hạn chế tối đa những nguy cơ này? Các đường dây nóng có thể hỗ trợ không?
Hiện tại, theo tinh thần cùng chung tay bảo trợ cho trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức đã được khởi động. Tuy nhiên, đây không phải là việc chỉ trong 1 đến 2 năm tới, mà hoàn toàn có thể là việc của 10 năm, 20 năm. Vì có rất nhiều trẻ mất cha mẹ khi vẫn còn ẵm ngửa, hay chỉ mới vài ba tuổi, vẫn còn quá nhỏ để có thể tự lo cho bản thân. Đây cũng không phải chỉ là vấn đề đáp ứng các nhu cầu vật chất, đảm bảo cơ hội giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các em, mà đây còn là câu chuyện về việc tạo cho trẻ một môi trường sống đủ lành mạnh, bảo đảm để trẻ vẫn cảm thấy được yêu thương, có được cảm giác thuộc về. Những đứa trẻ cần một gia đình để có thể trưởng thành.
Nhưng theo tôi, trước mắt vẫn còn một việc mà tôi e ngại là hầu hết chúng ta – những người lớn đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua: Nói chuyện với trẻ về cái chết của người thân.
Bởi vì dịch bệnh này có thể dẫn đến cái chết chỉ trong vài tuần, thậm chí là chỉ vài ngày, các gia đình có rất ít thời gian để chuẩn bị cho trẻ trước sang chấn tâm lý mà trẻ phải trải qua khi cha mẹ hay người nuôi dưỡng chết vì dịch bệnh. Mọi việc xảy đến quá nhanh, đến cả những người lớn cũng rối loạn, liệu ai sẽ giúp cho những đứa trẻ đây? Trẻ em sẽ chẳng nói gì được nhiều về nỗi đau mà mình đang trải qua, nhưng không có nghĩa là “chúng còn nhỏ, đâu biết gì, sẽ chẳng sao đâu”. Những đứa trẻ cũng biết đau khổ, chỉ là không biết cách để thể hiện (hoặc chúng ta không hiểu được cách thể hiện của trẻ). Việc trì hoãn hay né tránh nói về cái chết của người thân không thể giúp đỡ cho trẻ, đây là kéo dài nỗi đau, và sẽ chỉ dẫn đến những hệ quả lâu dài hơn về sau này.
Hãy thẳng thắn với trẻ về cái chết, về những chuyện đang xảy ra, về cái chết của cha mẹ, ông bà, những người thân thương của trẻ. Tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ trẻ, đây là lẽ thường tình, nhưng điều thật sự có thể giúp đỡ cho các em chính là sự thành thực. Vì khi đó, trẻ sẽ cảm thấy có thể tin tưởng chúng ta, và điều này mới thật sự giúp trẻ đối diện tốt hơn trước việc người thân ra đi.
Việc chăm lo cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19 là việc cần sự chung tay của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đại dịch xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà đã tác động đến cả một thế hệ và cách mà họ nhìn về thế giới. Tôi vẫn thường tự hỏi: những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong đại dịch lần này sẽ nhìn thấy một thế giới như thế nào? Có lẽ những điều chúng ta nghĩ, những lời chúng ta nói, những việc chúng ta làm cho những đứa trẻ mồ côi vào ngay lúc này sẽ tác động phần nào đó đến cách mà các em nhìn về thế giới này. Đây là lúc chúng ta cần thấy được rằng, để chiến đấu với đại dịch COVID-19, ngoài việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự lây nhiễm của dịch bệnh, việc chăm lo cho trẻ em cũng là một việc quan trọng mà chúng ta cần thực hiện.
Nguồn tham khảo:
Hillis, S. D., Unwin, H. J. T., Chen, Y., Cluver, L., Sherr, L., Goldman, P. S.,... & Flaxman, S. (2021). Global minimum estimates of children affected by COVID-19-associated orphanhood and deaths of caregivers: a modelling study. The Lancet, 398(10298), 391-402.
إرسال تعليق