The Effects of Practicing Psychotherapy on Therapists’ Personal Lives;
Tác giả: SHANNON PETERS - November 30, 2016
Nguồn: Mad in America
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN - 2016
Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Psychotherapy Research, đã khảo sát về việc hành nghề tâm lý trị liệu đã ảnh hưởng như thế nào trên cuộc sống cá nhân của những nhà trị liệu. Những chủ đề được nhận diện ra trong cuộc nghiên cứu định tính này, được tiến hành trên những nhà trị liệu người Na Uy, đã cho thấy rằng tâm lý trị liệu có những mối liên hệ phức tạp, cả tích cực lẫn tiêu cực, trên cuộc sống cá nhân của những nhà trị liệu.
Nhóm tác giả được dẫn dắt bởi giáo sư Marit Råbu, Đại học Oslo, Na Uy, viết rằng: Những chủ đề này chuyển tải một ý nghĩa cho thấy việc làm một nhà trị liệu có thể có tiềm năng dẫn đến những khả năng cởi mở, tăng trưởng, khoan dung và sáng tạo, trong khi vẫn mang đến những nguy cơ bị quá tải vì những cảm nhận về trách nhiệm, cảm giác yếu kém và tự ngờ vực bản thân, mà từ đó có thể dẫn đến việc cô lập và thất vọng.
Những người hành nghề tâm lý trị liệu, cũng như hầu hết ngành nghề khác, đều có thể trải nghiệm được những mục đích và giá trị, cũng như những áp lực và sự bất mãn từ công việc của mình, từ đó có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức (burnout). Trong những năm gần đây, đã có thêm những nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng từ công việc của nhà trị liệu đối với cuộc sống cá nhân của họ, và ngược lại, những ảnh hưởng từ cuộc sống cá nhân lên trên công việc thực hành lâm sàng của nhà trị liệu.
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng những nhà tâm lý trị liệu, vừa có thể hài lòng hơn vừa có thể dễ bị cạn kiệt cảm xúc hơn so với những nhà tâm lý làm công việc nghiên cứu. Các nghiên cứu cũng thấy rằng stress từ công việc trị liệu có thể lan sang cuộc sống cá nhân và gia đình của nhà trị liệu. Các tác giả viết rằng “Những nhà trị liệu thường được yêu cầu phải kết nối với nhiều kiểu thân chủ, kế đó sẽ phải tiếp cận đến họ, rồi sau đó sẽ phải rời xa họ, và công việc cứ phải diễn ra đều đặn như thế. Loại mô hình làm việc như thế này có thể có tác động lên trên đời sống cá nhân của nhà trị liệu, bao gồm cả việc giảm đi sự sẵn sàng về mặt cảm xúc (emotional availability) đối với những thành viên trong gia đình mình và một sự kém dung nạp đối với những mối quan hệ có tính “hời hợt” (“superficial” relationship) với những bạn bè.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những ảnh hưởng của việc làm một nhà trị liệu còn tùy thuộc vào giai đoạn hành nghề. Những học viên đang tập sự (trainee) thường cho biết về những ảnh hưởng tích cực trên cá nhân họ do đã lĩnh nhận được những sự nhận thức sâu hơn về bản thân; trong khi những người nhà lâm sàng đã trải hơn nửa đời hành nghề thì chủ yếu tập trung hơn vào những áp lực gây nên từ công việc của họ. Những nhà trị liệu cao tuổi thì lại chú trọng hơn đến vai trò làm nhà trị liệu bằng cách nào đã giúp thăng tiến, triển nở cuộc sống cá nhân của họ.
Cuộc nghiên cứu hiện nay tìm kiếm cách trả lời cho câu hỏi “Toàn bộ quá trình hành nghề làm nhà tâm lý trị liệu đã có ảnh hưởng như thế nào trên cuộc sống cá nhân của bạn?”. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 12 nhà trị liệu cao tuổi ở Na Uy, sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính “phân tích đề thuyết” (thematic analysis). Những đối tượng tham gia nghiên cứu bao gờm 7 nữ và 5 nam, tuổi từ 68 đến 86. Tuổi nghề của họ có số trung vị (median) là 40 năm.
“Đối với những nhà thực hành cao tuổi, cuộc đời hành nghề có liên quan đến việc tiếp cận người khác đã khiến chất chứa trong họ những trải nghiệm vừa có tính chất phong phú, vừa như những gánh nặng” (Nguyên văn: “For these senior practitioners, a professional life that involved coming close to other people encompassed experiences which they described as both enriching and burdening.”)
Các tác giả cũng đã nhận diện được 4 chủ đề có tính tổ chức (organizing themes) như sau:
Chủ đề 1: “Thật là một đặc ân khi có cơ hội để biết, để đóng góp và được phép triển nở bản thân về mặt cá nhân”
Những đối tượng tham gia nghiên cứu cho biết rằng việc thực hành lâm sàng đã giúp làm phong phú thêm đời sống cá nhân của họ. Các tác giả mô tả như sau: “Khía cạnh cảm xúc của mối quan hệ trị liệu, tức là được cảm thông với những sự đau khổ theo thời gian, đã cho phép họ phát triển khả năng nội thị nhìn vào những thế mạnh và những nguồn lực của những con người đồng loại”
Chủ đề 2: “Đối diện với sự đau khổ và hủy hoại là một gánh nặng”
Một người tham gia nghiên cứu đã mô tả chủ đề này khi nói: “Gánh nặng lớn nhất đó chính là trách nhiệm và phải dự phần vào quá nhiều những nỗi khổ như thế”. Một người khác mô tả những tác động của gánh nặng lên đời sống cá nhân của mình “Để có được nhiều trách nhiệm như thế và để biết được cảm giác cô độc mà những thân chủ trải qua, chắc là tôi không thể nào không mang theo mình một phần (gánh nặng đó) về nhà mình. Và việc này đã có ảnh hưởng lên cuộc sống cá nhân của tôi.” Những người tham gia nghiên cứu cũng thấy rằng làm việc với những thân chủ tự sát đặc biệt dễ gây ra kiệt sức và quá tải.
Chủ đề 3: “Việc làm một nhà tâm lý trị liệu có ảnh hưởng trên những mối quan hệ cá nhân của tôi - kể cả tốt hơn lẫn xấu hơn”
Một số người tham gia nghiên cứu cho biết công việc trị liệu giúp họ trở nên mạnh dạn và cởi mở hơn, từ đó có nhiều cơ hội hơn trong việc thiết lập quan hệ với người khác. Trái lại, có một người tham gia nghiên cứu đã mô tả về sự kiệt quệ cảm xúc trong công việc đã tác động tiêu cực lên mối quan hệ hôn nhân của mình như thế nào. “Tôi trở nên ít tiếp xúc. Có nghĩa là tôi đã cho đi quá nhiều khiến giờ bản thân không còn gì nhiều nữa.” Một người khác mô tả việc này như là “Bạn đã dành cuộc sống nội tâm của mình cho những người mà bạn không sống cùng, và tôi nghĩ rằng việc này có thể đã trở thành rào cản ngăn bạn hướng đến những người khác”.
Chủ đề 4: “Tôi cần phải kiến tạo một cách sống sao cho tôi có thể tiếp tục làm công việc này”
Các tác giả đã mô tả chủ đề này như sau: “Những gánh nặng liên quan đến việc làm một nhà trị liệu dường như cần đến một khả năng biết tự chăm sóc bản thân một cách tích cực, và những nhà trị liệu đã nói về cách làm thế nào để phát triển khả năng tự yêu thương lấy bản thân mình (self-compassion) nhiều hơn trong suốt cả đời sống của họ”.
Theo các tác giả, “khái niệm về sự “quân bình giữa công việc và đời sống” không mang lại một cách hiểu thỏa đáng về cách thức mà những nhà trị liệu học cách quản lý đời sống của mình”. Thay vào đó, các tác giả đã mô tả cách thức làm thế nào để những nhà trị liệu “đạt đến khả năng có thể tồn tại giữa những thực tế song song, và một trong số những cách thức để họ có thể hoàn thành việc này đó là, cùng với những người khác trong đời họ, đồng kiến tạo (co-construct) một bộ cách thức thực hành (a set of practices) để giúp họ có thể thoải mái di chuyển qua lại giữa các bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như chuyển tiếp qua lại giữa công việc và gia đình.”
Các tác giả cũng ghi nhận về bối cảnh văn hóa mà trong đó việc trị liệu đã được tiến hành, “Làm một nhà trị liệu trong môi trường chăm sóc đương thời có thể tạo ra những nguồn gây stress cũng như sự hài lòng theo một cách thức khác biệt có ý nghĩa khi so với những trải nghiệm từ việc hành nghề trị liệu tư nhân trong thời kỳ kinh tế đang tăng trưởng”. Các tác giả nhận ra rằng có một chủ đề nổi trội đó là câu hỏi mang tính hiện sinh về việc liệu cuộc đời và nghề nghiệp của những nhà trị liệu tham gia nghiên cứu có phải là “khoảng thời gian đã được sử dụng tốt” (tạm dịch từ nguyên văn: “time well spent” - N.D.). Họ cho rằng những cuộc phỏng vấn với những nhà trị liệu mới bắt đầu hành nghề có thể mang lại một nhãn quan khác hơn, và có thể sẽ kém lạc quan hơn.
Những nhà nghiên cứu đã nêu bật lên những mô tả đầu tiên của những người tham gia nghiên cứu về ảnh hưởng của công việc của họ là có tính chất “hết sức tích cực”. Các tác giả kết luận rằng: “Những kết quả từ nghiên cứu này đã củng cố những phát hiện từ những nghiên cứu trước đây rằng cuộc sống cá nhân của những nhà trị liệu đã được phong phú hóa thông qua cảm nhận về việc đảm nhận một vai trò nghề nghiệp đầy đặc ân và có nhiều giá trị, được đặc trưng bởi việc học tập tích cực cho bản thân trong những lĩnh vực như tự nhận thức về bản thân, phát triển cá nhân và chất lượng của những mối quan hệ liên cá nhân”.
إرسال تعليق