THAM LUẬN CỦA CHI HỘI TRĂNG NON TẠI HỘI THẢO 2013 - Phần 1

ÁP DỤNG CÁC LIỆU PHÁP CHƠI VÀ LIỆU PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG VIỆC HỖ TRỢ TÂM LÝ TRẺ EM SỐNG TRONG MỘT SỐ CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Tham luận của Chi hội Trăng Non tại

HỘI THẢO ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC TRONG MỘT XÃ HỘI PHÁT TRIỂN 
TP. HỒ CHÍ MINH, 25-5-2013

Nhóm tác giả: Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Thị Thu Trúc, Cao Huỳnh Thị Thương Mỵ, Hà Thị Huyền, Trần Thị Thu Vân, Trần Thị Yến, Phan Văn Phúc, Nguyễn Thị Thủy, Lâm Mỹ Phương, Nguyễn Thị Hạnh Dân.


Các thành viên Trăng Non tại Làng Trẻ em SOS Gò Vấp, Tp.HCM (2014)


Phần 1

PHẦN DẪN NHẬP

Chi hội Trăng Non ngay từ khi thành lập đã định hướng làm việc hỗ trợ cho các trẻ em và vị thành niên có vấn đề khó khăn về tâm lý. Bên cạnh việc tiếp xúc hỗ trợ những trẻ em có khó khăn tâm lý nhưng vẫn sống trong vòng tay gia đình, chúng tôi vẫn không quên định hướng cho việc hỗ trợ tâm lý những trẻ em mồ côi, bất hạnh đang sống và được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu là những trẻ mồ côi hoặc trẻ bị bỏ rơi, do vậy, đã là một trong các định hướng làm việc chính của chúng tôi trong nhiều năm qua.

Bài báo cáo này là tập hợp kết quả từ những thực hành lâm sàng mà tập thể hội viên và các cộng tác viên Chi hội Trăng Non thực hiện cùng với các công trình nghiên cứu của sinh viên do Trăng Non phụ trách hướng dẫn trong khoảng thời gian từ tháng 2-2006 cho đến tháng 5-2013 (trên thực tế cho đến nay vẫn còn đang tiếp tục thực hiện). Chúng tôi mong việc trình bày các kết quả làm việc này sẽ đóng góp một phần nhỏ vào những thành quả chung trong hoạt động của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh và cũng xem việc trình bày báo cáo này như một cách tri ân những hội viên, cộng tác viên đã góp sức vào kết quả nghiên cứu chung của Chi hội Trăng Non chúng tôi.

Phương pháp nghiên cứu: Chủ yếu là nghiên cứu trường hợp (case study).

Đối tượng nghiên cứu:

* Trẻ mồ côi và trẻ mà gia cảnh có vấn đề nên phải sống và được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội (nhà mồ côi, mái ấm...)

* Các liệu pháp tâm lý sử dụng phương pháp chơi (play therapy) hoặc nghệ thuật (art therapy) áp dụng trong hỗ trợ tâm lý trẻ em

Khách thể nghiên cứu: Một số trường hợp trẻ mồ côi và trẻ có gia cảnh khó khăn sống trong cơ sở bảo trợ xã hội. Bao gồm:

*   10 trẻ mồ côi tại Trung tâm Mồ Côi – Khuyết tật Thị Nghè và Nhà Mồ côi Truyền Tin Quận Bình Thạnh (Công trình của Hà Thị Huyền – Khóa luận tốt nghiệp cử nhân tâm lý ĐH Văn Hiến Tp.HCM năm 2006)

*   5 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi tại Mái ấm Ánh Sáng Quận 10 (1 trẻ ở nhà nuôi trẻ nam và 4 trẻ ở nhà nuôi trẻ nữ (Công trình hợp tác giữa các thành viên Trăng Non – BS Nguyễn Minh Tiến, Cử nhân Nguyễn Thị Thu Trúc, Cử nhân Cao Huỳnh Thị Thương Mỵ và mái ấm Ánh Sáng Q.10 từ cuối 2010 đến hết năm 2012)

*   1 trẻ bị bỏ rơi tại Mái ấm Pháp Võ, Huyện Nhà Bè, Tp.HCM (Trần Thị Yến – Khóa luận Tốt nghiệp cử nhân tâm lý ĐH Văn Hiến Tp.HCM năm 2011)

*   1 trẻ mồ côi khiếm thị tại Mái ấm Thiên Ân, Quận Tân Phú, Tp.HCM (Phan Văn Phúc – Khóa luận tốt nghịệp cử nhân tâm lý ĐH Văn Hiến Tp.HCM, năm 2012)

*    7 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi tại Làng Trẻ em SOS Gò Vấp Tp.HCM (Công trình hợp tác giữa Trăng Non và Làng Trẻ em SOS Gò Vấp từ tháng 2 đến tháng 5-2013).

Giả thuyết chung cho các nghiên cứu: Mặc dù việc tiến hành thực hiện các nghiên cứu trường hợp có phần khác nhau về thời gian, nơi chốn, hoàn cảnh làm việc, cũng như có sự khác biệt lớn về mục đích, mục tiêu nghiên cứu ở từng trường hợp trẻ cần được hỗ trợ, chúng tôi vẫn hướng đến việc đặt ra các giả thuyết chung nhất áp dụng trong tất cả các trường hợp nghiên cứu khi áp dụng các liệu pháp chơi và nghệ thuật trị liệu cho trẻ như sau:

1, Chơi và sáng tạo nghệ thuật là cách thức đứa trẻ giải bày và bộc lộ nội tâm thay cho lời nói, từ đó giúp nhà trị liệu tâm lý hiểu trẻ và đối thoại được với trẻ;

2, Các chất liệu tạo ra trong lúc chơi và sáng tạo nghệ thuật có tính ẩn dụ (metaphoric) hoặc biểu trưng (symbolic) cho những nội dung và chủ đề thực tế mà trẻ không trực tiếp nói đến. Do một số các vấn đề thực tế trong đời sống của trẻ có thể có tính chất đau buồn hoặc dễ gây tổn thương, nên việc nói về những chủ đề ấy một cách gián tiếp (thông qua chơi và sáng tạo nghệ thuật) có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn khi giải bày;

3, Thông qua làm việc trên các chất liệu từ chơi và sáng tạo nghệ thuật, nhà trị liệu có thể thực hiện các can thiệp và hỗ trợ cho trẻ, giúp trẻ giải tỏa các cảm xúc tiêu cực, thiết lập quan hệ an toàn với nhà trị liệu, từ đó trẻ có thể được hiểu, được nâng đỡ, có điều kiện khám phá các nguồn lực từ bản thân và đương đầu tốt hơn với nghịch cảnh;

4, Chơi và sáng tạo nghệ thuật là những phương pháp có “tính năng kép”: vừa sử dụng để chẩn đoán, đánh giá nội dung và mức độ của các vấn đề tâm lý của trẻ, vừa để thông qua đó mà nhà trị liệu thực hiện những can thiệp hỗ trợ trẻ về mặt tâm lý.

Trong phạm vi bài tham luận hội thảo, chúng tôi xin phép trình bày những cơ sở lý luận chính và phần tóm lược một số kết quả thu nhận bước đầu qua quá trình làm việc. Đây chưa phải là một báo cáo khoa học đầy đủ. Chúng tôi xin phép được bảo mật các thông tin cá nhân liên quan đến những trường hợp nghiên cứu, kể cả các thông tin về lịch sử cá nhân lẫn những hình ảnh ghi lại các sản phẩm từ những buổi làm việc thực tế (tranh vẽ, tượng, cảnh chơi... của trẻ). Hình ảnh nếu có trình bày trong bài thì chỉ có tính chất minh họa.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP (CASE STUDY)

Phương pháp nghiên cứu trường hợp là phương pháp được chọn để nghiên cứu, khảo sát những trường hợp cụ thể khi thực hành tâm lý lâm sàng. Còn gọi là nghiên cứu lịch sử của trường hợp lâm sàng (clinical case history). Nền tảng của phương pháp này dựa trên sự quan sát, mô tả và phân tích sâu sắc các vấn đề khác nhau xảy ra ở một người, một nhóm người hoặc một sự kiện, hiện tượng nào đó.

Mỗi cuộc đời, mỗi con người và những gì xảy ra trong cuộc đời của người ấy, đều là những hiện tượng có tính độc đáo, riêng biệt, nên việc chọn phương pháp nghiên cứu trường hợp là hoàn toàn thích hợp. Trong khi nhà tâm lý lâm sàng tiếp cận và hỗ trợ cho một thân chủ, về bản chất công việc mà nhà tâm lý làm với thân chủ cũng là một nghiên cứu trường hợp.

Có hai loại nghiên cứu trường hợp: (1) Loại hồi cứu (retrospective) nhấn mạnh việc tìm hiểu đi sâu về lịch sử của một cá nhân hoặc của nhiều người; và (2) Loại tiến cứu (prospective) hoặc còn gọi là “nghiên cứu theo chiều dọc” (longitudinal study) thường là nghiên cứu về kết quả của một sự kiện hoặc hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới xảy ra, ví dụ như ảnh hưởng của cái chết của bố mẹ lên sự phát triển của đứa trẻ hoặc ảnh hưởng của việc đưa trẻ vào trại mồ côi đối với tâm lý của trẻ vv...

Nghiên cứu trường hợp trong tâm lý lâm sàng được thực hiện qua 4 bước chính (các bước không hoàn toàn tách biệt mà vẫn có thể xen lẫn lên nhau trong quá trình thực hiện) như sau:

*  Thu thập thông tin cơ bản (Background Information)

*  Mô tả vấn đề đang vướng mắc (Description of The Presenting Problems)

*  Chẩn đoán hoặc đánh giá của người thực hiện (Your Diagnosis)

*  Các bước can thiệp (Intervention)

Nghiên cứu trường hợp chú trọng việc tìm hiểu sâu các hiện tượng xảy ra trong bối cảnh đời thực của một trường hợp cụ thể. Những mô tả đi theo tính chất tự nhiên vốn có, vốn đã xảy ra của những con người và những sự kiện liên quan đến những người ấy. Nó cũng đi theo dòng suy nghĩ và tâm trạng chủ quan của người thực hiện (nhà tâm lý lâm sàng). Nó có tính chất độc đáo vì mỗi trường hợp là duy nhất, không lập lại ở những trường hợp khác, và những tính chất độc đáo, riêng biệt đó không thể được thấy trong các nghiên cứu thống kê được thực hiện trên số đông. Nghiên cứu trường hợp cũng có thể cung cấp nhiều giả thuyết về các vấn đề bệnh lý khác nhau và cũng có thể từ đó đặt giả thuyết về các cách thức xử lý chúng. Và khi nghiên cứu trường hợp được thực hiện với sức thuyết phục cao, nó có thể cung cấp một bằng chứng để phủ định những giả thuyết có thể đã từng được chấp nhận rộng rãi trước đó.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu trường hợp, các dữ liệu thu thập có thể bị ảnh hưởng bởi tính chủ quan của người thực hiện (nhà tâm lý lâm sàng) và cả do tính chủ quan của người cung cấp dữ liệu (thân chủ). Kết quả nghiên cứu trường hợp không thể được khái quát hóa, không có khả năng lập lại ở những nghiên cứu khác sau đó và do vậy không đủ chứng cứ để xác lập liên hệ nhân quả giữa các sự kiện, hiện tượng. 

Trong việc tập hợp các kết quả nghiên cứu mà chúng tôi đang thực hiện, chắc chắn cũng không thể tránh khỏi những khuyết điểm mà phương pháp nghiên cứu này vốn có. Đó cũng là một trong số những giới hạn quan trọng của việc tập hợp kết quả nghiên cứu của chúng tôi.

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÁC LOẠI LIỆU PHÁP

Liệu pháp chơi (Play Therapy): 

Từ lâu chơi đã được biết là một nhu cầu thiết thân trong đời sống trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chơi cũng được vận dụng như một cách thức để giáo dục cho trẻ nhỏ. Các nhà phân tâm thời kỳ đầu như S. Freud và C. Jung đều xem việc chơi và sáng tạo nghệ thuật ở trẻ em như là cách thức vừa để bộc lộ vừa để tiếp cận vô thức của trẻ, và giống như giấc mơ, chúng là “con đường vương đạo (royal road) dẫn đến cõi vô thức” theo cách nói của Freud. Các nhà phân tâm thời kỳ sau như Anna Freud và Melanie Klein đã vận dụng chơi như một phương pháp trị liệu tâm lý cho trẻ có các vấn đề nhiễu tâm (neurosis), trong đó các chất liệu và nội dung thể hiện trong khi trẻ chơi được xem là có giá trị tương tự như lời nói của người lớn khi làm kỹ thuật liên tưởng tự do (free association).

Với thời gian, nhiều tác giả thuộc các trường phái tâm lý khác nhau đã điều chỉnh và phát triển thêm các mô thức chơi liệu pháp, trong đó phải kể đến Virginia Axline (1911-1988), với Liệu pháp Chơi không hướng dẫn (non-directive play therapy) một cách trị liệu tâm lý cho trẻ em có vấn đề tâm lý theo kiểu “lấy đứa trẻ làm trọng tâm” (child-centered) tương tự như cách thức tiếp cận nhân văn theo kiểu Liệu pháp thân chủ trọng tâm (client-centered therapy) của Carl Rogers.

Liệu pháp chơi không hướng dẫn là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và ít gây xâm phạm (non-intrusive) trong làm việc với trẻ em và người trẻ có vấn đề khó khăn tâm lý. Liệu pháp này có thể được sử dụng bởi những nhà chuyên môn làm việc trực tiếp với những trẻ em có vấn đề tổn thương về cảm xúc trong những cơ sở chăm sóc trẻ em, các trung tâm sức khỏe tâm thần và cả những cơ sở làm công tác xã hội thiện nguyện.

Liệu pháp chơi không hướng dẫn được trình bày ở đây có liên quan đến việc thiết lập một mối quan hệ đặc biệt một-một: giữa nhà trị liệu và một đứa trẻ; trong đó nhà trị liệu tạo nên một bầu khí làm việc có tính an toàn và đáng tin cậy mà qua đó đứa trẻ có thể cảm thấy tự do để giải bày và khám phá những cảm xúc cũng như những ý nghĩ của chính bản thân trẻ. Đứa trẻ có thể giao tiếp một cách trực tiếp thông qua lời nói (cả cách nói cụ thể lẫn cách nói có tính ẩn dụ) hoặc một cách gián tiếp thông qua hành vi và nội dung chơi.

Công việc của nhà trị liệu là lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng lại với trẻ bằng cách thức sao cho có thể giúp trẻ hiểu được nhiều hơn những cảm xúc của chính mình. Những khía cạnh tiêu cực về cảm xúc sẽ mất đi sức mạnh chi phối của chúng khi trẻ được phép giải bày và được trải nghiệm những cảm xúc ấy trong một mối quan hệ có tính chấp nhận giữa trẻ với nhà trị liệu. Điều được nhấn mạnh trong liệu pháp này là giúp trẻ chuyển từ tình trạng phó mặc bản thân cho những cảm xúc giấu kín kia sang trạng thái làm chủ hơn đối với những cảm xúc ấy.

Liệu pháp này được dựa trên các nguyên lý của tâm lý trị liệu không hướng dẫn (non-directive psychotherapy) được phát triển bởi Carl Rogers tại Hoa Kỳ và được điều chỉnh bởi Virginia Axline để áp dụng vào trị liệu tâm lý cho trẻ em (được biết nhiều thông qua hai tác phẩm Dibs in Search of Self  và Play Therapy ). Triết lý nền tảng của loại liệu pháp này chính là điều hiện hữu trong tất cả mọi con người, đó chính là khuynh hướng tự hiện thực hóa bản thân (self-actualization) cả ở người lớn lẫn ở trẻ em. Giả định được đặt ra là khi trẻ có cơ hội tự do giải bày các cảm xúc của chính mình, trẻ sẽ tìm thấy các giải pháp để giải quyết các khó khăn về cảm xúc của bản thân và trẻ sẽ sử dụng nhà trị liệu cùng các trải nghiệm trong khi chơi để thực hiện điều đó.

Liệu pháp chơi không hướng dẫn được phát triển một cách đầy đủ nhất là bởi Virginia Axline thông qua hai quyển sách, cùng một loạt các bài viết và công trình nghiên cứu về chơi trị liệu của bà. Mặc dù cùng thời gian nhiều tác giả khác cũng có đề cập đến loại hình tiếp cận này như Allen (1942), Dorfman (1976) và Moustakas (1953), Axline vẫn được xem là tác giả tiêu biểu nhất. Tác phẩm đầu tiên (Axline, 1964) là sự cống hiến của bà trong một nghiên cứu về trường hợp một đứa bé sáu tuổi, Dibs. Quyển sách đã thu hút nhiều độc giả như một báo cáo đầy đủ về một mối quan hệ trị liệu, những cách thức mà một đứa trẻ thông qua chơi có thể đạt được khả năng giải quyết vấn đề và làm chủ các xung đột nội tâm của mình. Sách này đã được dịch sang tiếng Việt, được hiệu đính bởi cố tiến sĩ tâm lý Tô Thị Ánh dưới nhan đề Sa Mạc Nở Hoa rất nổi tiếng. Trong quyển sách thứ hai (Axline, 1987), bà đã nêu ra 8 nguyên tắc thực hành cho những nhà trị liệu chơi không hướng dẫn cùng những ví dụ về những tình huống thường xảy ra trong phiên trị liệu.

1, Nhà trị liệu phải phát triển một mối quan hệ thân thiện, nồng ấm với đứa trẻ qua đó một mối liên hệ gắn bó phải được hình thành càng sớm càng tốt.

2, Nhà trị liệu phải chấp nhận đứa trẻ như chính con người mà trẻ đang là.

3, Nhà trị liệu phải giúp hình thành một cảm nhận về sự cho phép trong mối quan hệ này sao cho trẻ cảm thấy tự do trong việc thể hiện những cảm xúc của mình một cách trọn vẹn.

4, Nhà trị liệu phải sáng suốt nhận ra những cảm xúc mà trẻ đang thể hiện và phản ảnh lại bằng một cách thức sao cho trẻ có thể thấu hiểu được những hành vi của chính bản thân mình.

5, Nhà trị liệu duy trì một sự tôn trọng sâu sắc đối với khả năng của trẻ trong việc tự giải quyết vấn đề của mình miễn là được tạo cơ hội. Trách nhiệm lựa chọn và thực hiện sự thay đổi là việc của bản thân đứa trẻ.

6, Nhà trị liệu không cố gắng hướng dẫn trẻ làm gì, nói gì dưới bất kỳ hình thức nào. Đứa trẻ là người dẫn đường; nhà trị liệu theo sau.

7, Nhà trị liệu không cố thúc đẩy tiến trình trị liệu đi tới. Cần hiểu rằng đây là một tiến trình lâu dài, từ từ.

8, Nhà trị liệu chỉ nên thiết lập những giới hạn cần thiết để gắn kết tiến trình trị liệu với thực tế đời sống và giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của trẻ trong mối quan hệ trị liệu này.

(Axline, 1987: 73-74)

Axline cũng nhấn mạnh rằng liệu pháp không hướng dẫn là một tiến trình hợp nhất, trong đó mỗi nguyên lý nêu trên có tính đan xen và tương quan phụ thuộc với các nguyên lý khác. Vì thế khi nhà trị liệu có lòng tin vào sức mạnh của thân chủ trong việc tự giải quyết vấn đề sẽ mang lại khả năng chấp nhận thân chủ như chính con người vốn có của họ, sẵn sàng cho phép thân chủ lựa chọn và sẵn lòng tôn trọng các quyết định của họ. Tuy nhiên, sự chấp nhận như thế không có nghĩa là nhà trị liệu chỉ là một người quan sát thụ động trong các phiên trị liệu. Nhà trị liệu phải có khả năng tham gia tích cực, tạo lập bầu khí sao cho thân chủ có thể làm rõ các vấn đề và khám phá khả năng của họ. Điều làm cho liệu pháp này khác biệt với những cách thức can thiệp và các liệu pháp khác chính là bản chất “không hướng dẫn”. Chính đứa trẻ là người chọn lựa các trọng tâm và chủ đề khi chơi trong phòng trị liệu, bên trong những ranh giới, khuôn khổ được vạch ra một cách cẩn thận. Vai trò của nhà trị liệu là tạo lập nên một mối quan hệ thân tình và tin cậy lẫn nhau, phản ảnh và đáp ứng lại các ý nghĩ, cảm xúc và hoạt động theo cách sao cho trẻ có thể tự giải quyết các vấn đề cảm xúc của mình bằng chính cách thức mà trẻ lựa chọn và xảy ra với nhịp độ của chính đứa trẻ đang thực hiện. Khác với những liệu pháp khác, sự phản ảnh mà nhà trị liệu thực hiện không bao gồm sự khen thưởng, diễn giải hoặc thách thức. Các giới hạn trong phòng trị liệu phải được thiết lập. Nhà trị liệu phải đảm nhận trách nhiệm của một người lớn trong việc bảo đảm sự an toàn cho trẻ, gìn giữ vật liệu chơi, phòng chơi và ấn định khuôn khổ thời gian làm việc. Bên trong những giới hạn được thiết lập rõ ràng như thế, bầu khí của phòng chơi trị liệu phải thực sự thư giãn. Hành vi và cách giao tiếp của nhà trị liệu phải tạo nên nơi trẻ những cảm nhận về sự an toàn và tin cậy, từ đó nếu trẻ muốn, trẻ sẽ tự do giải bày và khám phá các chủ đề nổi trội trong cảm xúc của trẻ.

Chơi trị liệu được dựa trên một thực tế rằng chơi là môi trường tự nhiên để đứa trẻ tự thể hiện bản thân. Đó chính là cơ hội để trẻ bộc lộ ra qua chơi (“play out”) những cảm xúc và vấn đề của trẻ; cũng giống như một số loại liệu pháp ở người lớn, một cá nhân có thể nói ra (“talk out”) các khó khăn của mình

Axline, 1987

Liệu pháp nghệ thuật (tranh vẽ/nặn tượng) (Art Therapy)

Nghệ thuật trị liệu, một phương pháp được áp dụng trong trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần, được hình thành và phát triển từ khoảng cuối thập niên 1940. Tại Anh, Adrian Hill được biết đến như là nhà tiên phong sử dụng thuật ngữ này để nói về việc tạo hình ảnh trong ứng dụng trị liệu. Ông là người tìm thấy lợi ích trị liệu của hoạt động sơn vẽ. Theo ông, giá trị của nghệ thuật trị liệu nằm ở chổ: nó hoàn toàn choáng hết tâm trí, giải phóng năng lực sáng tạo, và nó có thể kích hoạt bệnh nhân xây dựng hàng rào tự vệ mạnh mẽ đối với những biến cố không may.

Cùng khoảng thời gian này, tại Mỹ, nhà tâm lý học Margaret Naumberg cũng dùng thuật ngữ này cho công việc trị liệu của mình. Bà cho rằng đây là phương pháp giải phóng vô thức thông qua sự bộc lộ nghệ thuật một cách tự phát. Gốc rễ của nó là mối quan hệ chuyển di giữa bệnh nhân và nhà trị liệu trong khung cảnh khuyến khích liên tưởng tự do. Phương pháp này gần gũi với lý thuyết phân tâm. Việc trị liệu được dựa trên sự phát triển của mối quan hệ chuyển di và hiệu quả tiếp nối của việc tự diễn giải các biểu tượng được tạo ra bởi bệnh nhân. Sản phẩm tạo ra là một dạng của giao tiếp giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, chính họ tạo nên ngôn ngữ biểu tượng.

Đến nay, nghệ thuật trị liệu phát triển theo hai nhánh: (1) Sử dụng nghệ thuật như là một phương pháp tự thân nó có tính trị liệu và (2) Liệu pháp tâm lý trong đó sáng tạo nghệ thuật là môi trường để thực hiện sự giao tiếp và tương tác giữa nhà trị liệu và thân chủ. Nhánh tiếp cận đầu nhấn mạnh tiềm năng chữa lành của nghệ thuật, trong khi đó, nhánh thứ hai nhấn mạnh vào mối quan hệ trị liệu được thiết lập giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ trong hoạt động có tính nghệ thuật. Điều quan trọng phân biệt hai nhánh quan điểm này là việc đặt trọng tâm sự thay đổi có tính trị liệu nằm ở đâu. Trong nghệ thuật trị liệu, động lực thúc đẩy tiến trình trị liệu là một bộ ba quan hệ giữa nhà trị liệu, thân chủ và hoạt động nghệ thuật. Tùy vào giai đoạn làm việc, mối quan hệ giữa hai trong ba nhân tố của bộ ba này sẽ được nhấn mạnh để đạt đến hiệu quả trị liệu.

Theo quan điểm đương thời, nghệ thuật trị liệu được xem là một trong những phương pháp trị liệu tạo nên tranh, ảnh hoặc vật thể - gọi chung là các tác phẩm nghệ thuật có thể nhìn thấy được (visual arts); và quá trình sáng tạo nghệ thuật ấy đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ.

Hiệp hội các nhà nghệ thuật trị liệu Anh Quốc định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu là việc sử dụng chất liệu nghệ thuật cho việc tự bộc lộ và phản ánh dưới sự hiện diện của một nhà nghệ thuật trị liệu đã được huấn luyện. Thân chủ tham gia tiến trình nghệ thuật trị liệu không cần có kỹ năng hoặc trải nghiệm về nghệ thuật trước đó. Khởi đầu, nhà nghệ thuật trị liệu không chú tâm đến việc đánh giá khiếu thẩm mỹ hay chẩn đoán bệnh nhân trên sản phẩm nghệ thuật của họ. Mục tiêu chung của các nhà thực hành là phải thúc đẩy thân chủ thay đổi và trưởng thành lên mức độ mới thông qua sử dụng chất liệu nghệ thuật trong điều kiện an toàn và dễ dàng.

Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Hoa Kỳ định nghĩa:Nghệ thuật trị liệu như là hoạt động nghệ thuật được sử dụng có tính trị liệu, trong mối quan hệ chuyên nghiệp, bởi những người có trải nghiệm bệnh tật, sang chấn, đang đương đầu với những thách thức trong cuộc sống hoặc những người tìm kiếm sự phát triển nhân cách. Thông qua tiến trình sáng tạo nghệ thuật và phản ánh bản thân trên sản phẩm nghệ thuật, con người có thể tăng trưởng nhận thức về bản ngã và về người khác, đương đầu với những triệu chứng, sự căng thẳng, kinh nghiệm sang chấn, nâng cao khả năng nhận thức và trải nghiệm cuộc sống qua sự thư giãn trong hoạt động nghệ thuật.

Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Canada và Hiệp hội nghệ thuật trị liệu quốc gia Úc định nghĩa:Nghệ thuật trị liệu là một hình thức tâm lý trị liệu, cho phép bộc lộ và chữa lành cảm xúc thông qua những phương tiện không lời. Trẻ em thường không thể dễ dàng bộc lộ bản thân qua lời nói. Còn người lớn thường dùng lời để biến hóa và tạo khoảng cách với cảm xúc của mình. Nghệ thuật trị liệu có thể khiến cho thân chủ phá vỡ những hàng rào ngăn trở này để tự bộc lộ qua việc sử dụng chất liệu nghệ thuật.

Bản chất của nghệ thuật trị liệu nằm ở chỗ mối quan hệ có thể thiết lập giữa nghệ thuật và trị liệu. Mối quan hệ này tiềm ẩn sự xung đột giữa hai khuôn khổ. Đây không phải là “đôi bạn đồng hành dễ chịu”. Trong nghệ thuật trị liệu mối quan hệ này đặc biệt tập trung vào những thể loại nghệ thuật thị giác (sơn, vẽ, nặn tượng) và thường không bao hàm việc sử dụng các loại hình nghệ thuật khác như nhạc, kịch hoặc nhảy múa.

Mặc dù giao tiếp của con người có nhiều dạng khác nhau, nhưng giao tiếp dùng ngôn từ có xu hướng thống lĩnh hơn cả. Ngôn từ không chỉ là phương tiện chính để chúng ta trao đổi thông tin về thế giới xung quanh, mà đối với hầu hết mọi người, ngôn từ còn là phương tiện chính có sẵn để diễn tả và giao tiếp với thế giới đó. Thông qua ngôn từ, hầu hết chúng ta đều cố gắng để định hình và gán ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, trải nghiệm của con người lại không thể chuyển tải hết qua ngôn từ. Một số trải nghiệm và tâm trạng cảm xúc vượt ra ngoài khả năng diễn đạt bằng ngôn từ. Cảm nhận về tình yêu và sự thù hận, về nỗi tuyệt vọng và các sang chấn tâm lý khó có thể dùng ngôn từ để diễn đạt một cách chính xác. Điều này đặc biệt liên quan đến những khó khăn có nguồn gốc thời thơ ấu. Tại điểm này, nghệ thuật trị liệu cung cấp một phương thức để vượt qua những cảm nhận khó chịu như nản lòng, khủng hoảng và cô độc, bằng cách chọn lựa một cách thức trung gian để giao tiếp và diễn đạt mà ở đó cảm giác có thể được bày tỏ và được người khác hiểu.

Trong bối cảnh một mối quan hệ có tính nâng đỡ, thông qua việc tạo dựng những hình ảnh do thân chủ sử dụng trí tưởng tượng của mình để thể hiện tư duy và cảm xúc, cùng với sự lãnh nhận những thách thức, có thể giúp thân chủ trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, gia tăng lòng tự trọng, thống hợp các đặc trưng tâm lý và xã hội của bản thân mình.

Liệu pháp khay cát (sandtray hoặc sandplay therapy)

Trò chơi trên cát là một loại công cụ sử dụng trong chơi trị liệu (play therapy) – một hình thức tâm lý trị liệu cho trẻ nhỏ có vấn đề tâm lý, đôi khi có thể áp dụng cho cả trẻ lớn, vị thành niên, cá nhân người lớn hoặc cả gia đình. Những hình mẫu thu nhỏ (miniatures), tượng trưng cho những con người, thú vật, hoặc sự vật thông thường có thật trong thực tế, sẽ được sử dụng để tạo nên những bối cảnh và nội dung chơi trên bề mặt của cát. Tên thông dụng trong tiếng Anh chỉ cách làm này là sandplay (trò chơi trên cát) hoặc sandtray therapy (liệu pháp chơi trên khay cát), hoặc như cách gọi tên của Magaret Lowensfeld (tác giả của phương pháp) là World Technique (Kỹ thuật Thị hiện Thế giới). Phép tiếp cận này được sử dụng trong một bối cảnh có tính nghi thức, có sự chuyển tiếp hoặc như một phương pháp chữa lành các sang chấn, đau khổ về tinh thần. Trong bài này để đơn giản chúng tôi sẽ gọi tên phương pháp là “Trò chơi trên cát” khi gọi với ý nghĩa chung và “liệu pháp khay cát” khi phương pháp được áp dụng trong bối cảnh trị liệu tâm lý.

Liệu pháp khay cát được phảt triển nên bởi bác sĩ Magaret Lowensfeld trong thập niên 1920 do bà đã cảm hứng khi đọc Floorgames (Trò chơi trên sàn nhà) của H.G. Wells (1906), và được áp dụng tại Trung tâm Trị liệu Trò chơi tại Luân Đôn, Anh quốc. Wells và các con trai của mình đã cùng chơi những trò chơi trên sàn nhà; họ chọn lấy đồ chơi là những hình mẫu thu nhỏ để bày ra những cảnh chơi đầy kịch tính trên sàn nhà của một căn phòng sau khi đã dọn sạch các vật dụng khác. Những trò chơi này đã cho phép gia đình của Wells có được một phương tiện để khám phá đời sống và Wells cũng đã khuyến cáo nhiều người lớn cùng với trẻ em nên tham gia vào một tiến trình chơi như thế.

Lowensfeld, cũng giống như Freud, Klein và Winnicott, hiểu rằng trẻ em cần có những loại công cụ khác không phải ngôn ngữ để có thể giao tiếp và có thể tạo nên ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Bà cũng nhận ra hoạt động chơi có khả năng giúp chuyển biến và tổng hợp lại những thế giới quan còn hạn chế của trẻ. Bằng sự thông thái của mình, bà đã không chỉ đưa thêm vào khay đựng những nội dung chơi mà còn cho cả cát và nước vào để cho phép đứa trẻ giải bày ra những trạng thái sinh học và siêu hình rất phức tạp. Bộ công cụ này nhằm giúp trẻ cảm nhận được các trải nghiệm của mình chứ không giúp gia tăng khả năng diễn giải của nhà trị liệu về thực tại của đứa trẻ.

Liệu pháp khay cát là một hình thức tâm lý trị liệu có tính năng động và diễn đạt, giúp cho thân chủ có thể giải bày thế giới nội tâm của họ thông qua các biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn nhấn mạnh đến việc hình thành một mối quan hệ trị liệu sâu sắc và có tính chấp nhận, cùng với một cách tiếp cận xử lý nội dung trong khay cát chủ yếu dựa trên những trải nghiệm của thân chủ tại đây và ngay lúc này (here-and-now).

Quan điểm nhân văn tin rằng khi con người tăng trưởng và phát triển ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, họ sẽ có thể bị mất đi mối liên lạc với chính con người mà mình đang là. Họ có thể đã học cách chấp nhận một số cảm xúc nào đó và không chấp nhận những cảm xúc khác. Trong tiến trình chối bỏ những gì thuộc về con người thật của mình, họ có thể trở nên mất liên lạc với bản ngã thực sự của chính mình. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn mang đến những trải nghiệm về sự tái kết nối của con người với bản ngã chân thực của mình và giúp con người trở lại khám phá các ước mơ, hy vọng và tầm nhìn của mình.

Giống như liệu pháp chơi (play therapy) ở trẻ nhỏ, liệu pháp khay cát mang lại một trải nghiệm có tính chủ động, không lời, gián tiếp và mang tính biểu tượng. Giai đoạn tạo cảnh (scene creation phase), trong đó thân chủ sắp đặt các hình mẫu thu nhỏ vào trong khay cát, là một giai đoạn rất quan trọng và cũng là giai đoạn trung tâm đạt đến các trải nghiệm từ khay cát. Trong liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn, giai đoạn xử lý (processing phase) sẽ mang lại thêm những trải nghiệm vốn đã hình thành trong giai đoạn tạo cảnh và cho phép suy xét lại trải nghiệm ấy. Thông qua giai đoạn xử lý, thân chủ có thể nhìn lại bối cảnh trong khay và trải nghiệm về tác động của nó.

Tất cả các thành phần như khay cát, những hình mẫu thu nhỏ, không gian an toàn trong khay cát, những lời nói sử dụng trong khi chơi trên cát và cả công việc trong giai đoạn xử lý đều có tầm quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả trị liệu. Khay cát là một loại công cụ sử dụng cho các hoạt động nghệ thuật mang tính giải bày, diễn đạt. Những gì mà khay cát mang lại bao gồm:

1, Một môi trường được cấu trúc tốt qua đó những hình ảnh ẩn dụ của thân chủ sẽ được tạo lập và được khám phá.

2, Một sự trình bày bằng cách hiển thị các vấn đề của thân chủ để quá trình làm việc giữa nhà trị liệu và thân chủ có thể tập trung vào những chủ đề cốt lõi trong suốt phiên trị liệu. Thân chủ có thể nhìn đi nhìn lại những biểu tượng trong quan cảnh mà mình đã tạo dựng, ngay cả khi họ đã khám phá chúng và từ đó thực hiện những sự hướng dẫn từ bên ngoài trở về vấn đề của họ.

3, Một trải nghiệm sâu sắc đối với thân chủ. Thân chủ thường ngày hay tránh né sự trải nghiệm đầy đủ về những cảm xúc của mình. Khay cát có thể tạo điều kiện cho thân chủ đi sâu khám phá bản ngã của họ.

4, Một phương tiện gián tiếp giúp thúc đẩy các hoạt động có tính trị liệu cho những thân chủ bị bế tắc. Khi thân chủ xem xét các hình ảnh ẩn dụ của họ tạo nên, họ có thể vượt qua các phản ứng phòng vệ và hóa giải các phản kháng. 

Liệu pháp khay cát có thể được sử dụng cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên, vị thành niên và cả người lớn. Giống như liệu pháp chơi, thân chủ được trị liệu với khay cát cũng thể hiện bản thân theo cách ẩn dụ. Mặc dù trong giai đoạn xử lý, nhà trị liệu sử dụng lời nói nhiều hơn trong liệu pháp chơi dành cho trẻ nhỏ, việc sử dụng và xử lý hình ảnh ẩn dụ cũng tương tự như trong liệu pháp chơi.

Nhà trị liệu theo trường phái nhân văn xem thân chủ là những người có khả năng tự hiện thực hóa bản thân và vốn có sẵn khuynh hướng phát huy tiềm năng của mình. Họ có thể tự nhận biết bản thân mình và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Con người là sinh vật có tính xã hội và có nhu cầu mạnh mẽ muốn kết nối với người khác. Trong liệu pháp nhân văn, mối quan hệ trị liệu là nguồn lực nền tảng tạo nên những thay đổi có tính xây dựng ở thân chủ (Cain, 2002). Mục đích cơ bản của mối quan hệ trị liệu là tạo nên một bầu khí tối ưu thuận lợi cho sự tăng trưởng xảy ra. Rogers đã viết: “Hầu hết trẻ em, nếu được sống trong một môi trường bình thường đáp ứng phù hợp với những nhu cầu về cảm xúc, trí tuệ và xã hội của trẻ, đều có khuynh hướng đạt đến sự lành mạnh để đáp ứng và thích nghi với đời sống” (Kirschenbaum, 1979).

Khi nhà trị liệu gặp thân chủ, dù là trẻ em hay người lớn, họ thậm chí còn cần nhiều hơn một “môi trường bình thường phù hợp” như thế, bởi vì họ đã không thể có được lòng tin của một trẻ nhỏ. Vì vậy, việc thiết lập một bầu khí tối ưu cho tăng trưởng là điều tuyệt đối quan trọng. Mối quan hệ trị liệu là trung tâm của bầu khí này, và khả năng tự nhận biết bản thân cùng với kỹ năng của nhà trị liệu có thể tạo nên bầu khí này và làm chất xúc tác cho sự tăng trưởng nơi thân chủ.

Trong liệu pháp khay cát, nhà trị liệu tạo lập một không gian an toàn và có tính chấp nhận để thân chủ có thể đối diện với các chủ đề cốt lõi của họ. Giống như trong liệu pháp chơi, bản chất mang tính ẩn dụ của khay cát giúp tạo nên một khoảng cách an toàn để thân chủ có thể giải bày những cảm xúc đau khổ của họ. Khay cát cho phép thân chủ bộc lộ bản thân họ dưới hình thức những biểu tượng không lời, đồng thời tạo nên một sản phẩm phóng chiếu có tính thị hiện những thực tại chủ quan trong nội tâm cũng như trong các mối quan hệ của thân chủ.

Đón xem tiếp Phần 2

Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1