Tựa đầy đủ: "Hiện diện tại đó, trải nghiệm và tạo không gian cho một cuộc đối thoại: Bàn về cách làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình"
Being there, experiencing and creating space for dialogue: about working with children in family therapy
Tác giả: PETER ROBER - Nhà tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu gia đình, đào tạo viên liệu pháp gia đình tại Bệnh viện Đại học Leuven (Louvain), Vương quốc Bỉ.
Nguồn: Journal of Family Therapy (2008) 30: 465-477
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Phần 1
Trong khi hầu hết các tác giả đều nhất trí về tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia tích cực của trẻ em trong các phiên trị liệu gia đình, rất nhiều nhà trị liệu gia đình đã “loại trừ” sự tham gia của trẻ em bởi vì họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc với trẻ em. Việc huấn luyện cho các nhà trị liệu gia đình cảm thấy thoải mái hơn với trẻ em là điều tốt nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày tính phức tạp về chủ đề sự thoải mái của nhà trị liệu trong phiên trị liệu với trẻ em và gia đình. Trong phần bàn luận về trường hợp của Elly và mẹ, người đọc cũng sẽ được lưu ý về việc những trải nghiệm có được trong phiên trị liệu có thể giúp cho nhà trị liệu hiểu được những gì đang diễn ra bên trong gia đình mà mình đang làm việc.
PHẦN DẪN NHẬP
Nhiều nhà trị liệu có kinh nghiệm đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bao gồm sự tham gia của trẻ em trong các phiên trị liệu gia đình. Chẳng hạn như người tiên phong trong lĩnh vực liệu pháp gia đình, Nathan Ackerman (1970) đã cho rằng liệu pháp gia đình không thể thực hiện được khi không xảy ra sự trao đổi một cách có ý nghĩa giữa các thế hệ. Andolfi (1982) cũng đã viết rằng để có thể thực sự hiểu được lịch sử của một gia đình cũng như hiểu được gia đình đó hiện đang như thế nào thì nhà trị liệu gia đình phải nói chuyện với toàn thể gia đình, bao gồm cả trẻ em trong đó. Theo Andolfi, những đứa trẻ có thể cung cấp cho nhà trị liệu những chỉ báo tốt về bầu khí cảm xúc bên trong gia đình. Ông đề nghị nhà trị liệu gia đình nên đặt trẻ em (đặc biệt là đứa trẻ mang triệu chứng) vào vị trí như một “nhà tư vấn” (consultant) hoặc như một nhà đồng trị liệu (co-therapist): đứa trẻ khi đó sẽ trở thành “sợi chỉ của Adriadne” giúp dẫn đường cho nhà trị liệu có thể đi được trong mê cung (Andolfi và cs., 1989; Andolfi, 1995). Ngoài ra, nhiều vị tiên phong khác về liệu pháp gia đình cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ em tham gia vào tiến trình trị liệu (Minuchin, 1974; Whitaker và Keith, 1981). Cuộc nghiên cứu Delphi do Sori và Sprenkle thực hiện năm 2004 cũng cho kết luận chính tương đồng như những phát biểu của các nhà tiên phong về liệu pháp gia đình: trẻ em nên được tham gia vào các phiên trị liệu gia đình. Đã có những nghiên cứu kết quả theo kinh nghiệm (empirical outcome research) về hiệu quả của liệu pháp gia đình trong trị liệu cho trẻ em (ví dụ Carr, 2009), nhưng theo như tôi được biết thì chưa có nghiên cứu theo kinh nghiệm nào so sánh hiệu quả giữa liệu pháp gia đình có sự tham gia của trẻ em với liệu pháp gia đình không có trẻ em tham gia. Có một điểm nổi bật quan trọng được nhận thấy trong các nghiên cứu theo kinh nghiệm đó là: ngay cả khi có trẻ em hiện diện trong phòng trị liệu, trẻ cũng có thể đã không tham gia một cách tích cực vào tiến trình trị liệu (Cederborg, 1997). Trong những phiên trị liệu gia đình, trẻ em dường như chỉ được “nói về” thay vì được mời gọi tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại.
Tiếng nói của trẻ em trong liệu pháp gia đình
Việc trẻ em thường được xem như một chủ đề của cuộc đối thoại thay vì đóng vai trò như những thành viên tham gia tích cực vào cuộc đối thoại cũng ăn khớp với các kết quả quan sát từ một số tác giả qua đó trẻ em thường bị đặt ra ngoài liệu pháp gia đình (Zilbach, 1986; Chasin và White, 1989; Carr, 1994; Rober, 1998; Lind và cs., 2004; Sori, 2006). Korner và Brown (1990) đã khảo sát 173 nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại Hoa Kỳ và đã phát hiện khoảng 40% nhà trị liệu gia đình chẳng bao giờ tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các phiên trị liệu của họ, và khoảng 31% nhà trị liệu cho trẻ em hiện diện nhưng không thực sự cho trẻ tham dự tiến trình trị liệu. Nhiều nhà trị liệu hôn nhân và gia đình dường như chỉ chủ yếu làm việc với các cá nhân hoặc những đôi lứa.
Những phát hiện trong nghiên cứu của Korner và Brown gây chủ ý hơn cả là về việc chính các trẻ em cũng xem việc được tham gia các buổi trị liệu là quan trọng. Đó cũng là điều mà Stith và cs. (1996) đã phát hiện trong nghiên cứu “Tiếng Nói Của Trẻ Em” của họ, trong đó họ đã phỏng vấn những trẻ em (từ 5 đến 13 tuổi) được tham gia vào liệu pháp gia đình. Các nhà nghiên cứu muốn xác định những cách nhìn của trẻ về các trải nghiệm mà trẻ có được qua liệu pháp gia đình. Một trong những phát hiện nổi trội nhất trong nghiên cứu đó là trẻ em muốn được tham gia một cách có ý nghĩa vào liệu pháp gia đình. Mặc dù ban đầu trẻ thường không muốn đến với trị liệu, nhưng với thời gian hầu hết trẻ em đều thấy những phiên trị liệu là có giá trị. Ngay cả khi trẻ không thực sự tập trung vào việc trị liệu, trẻ vẫn muốn hiện diện ở đó cùng với bố mẹ. Một phát hiện thú vị khác đó là những trẻ đó đã nói với những nhà nghiên cứu rằng trẻ càng cảm thấy thoải mái trong tiến trình trị liệu thì trẻ càng hiểu biết về những gì xảy ra trong gia đình và về những động cơ nào khiến bố mẹ đã cần đến việc trị liệu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em muốn tham gia trị liệu theo những cách thức riêng của trẻ: trẻ không muốn chỉ có “nói”, trẻ còn muốn “làm” một cái gì đó nữa. Phát hiện này có thể có tính khích lệ đối với những nhà trị liệu trong việc sử dụng những kỹ thuật định hướng hành động (action-oriented techniques) khi họ làm việc với trẻ em.
Cảm thấy thoải mái với trẻ em
Trẻ em đương nhiên không cần tham gia liệu pháp gia đình vào mọi lúc. Đôi khi cũng có những lý do chính đáng để nhà trị liệu chỉ làm việc riêng với bố mẹ (Sori và Sprenkle, 2004). Ví dụ khi nói về chủ đề tính dục hoặc sự thân mật của bố mẹ thì tốt hơn là nên nói khi không có trẻ em hiện diện. Mặt khác, dường như nhiều nhà trị liệu cũng có những lý do cá nhân hoặc theo kinh nghiệm khiến họ không bao gồm trẻ em vào cuộc trị liệu (Andolphi, 1982; Zilbach, 1986; Chasin và White, 1989; Wachtel, 1994). Vì thế, trong một nghiên cứu của Johnson và Thomas (1999), 143 nhà lâm sàng thành viên của AAMFT (Hiệp hội Trị liệu Hôn nhân – Gia đình Hoa Kỳ) đã được khảo sát, trong đó 49,7% các nhà trị liệu gia đình đã loại trẻ em ra khỏi các cuộc trị liệu do bởi việc cá nhân họ không cảm thấy thoải mái đối với trẻ em. Những nhà trị liệu nào cảm thấy thoải mái với trẻ em hơn thì thường dễ mời gọi trẻ tham gia trị liệu nhiều hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy các nhà trị liệu có khuynh hướng loại ra khỏi cuộc trị liệu những trẻ em nào có vấn đề bộc lộ ra bên ngoài (chẳng hạn như tăng động hoặc rối loạn ứng xử) hơn so với những trẻ có vấn đề ẩn chứa bên trong (ví dụ trầm cảm). Johnson và Thomas (1999) cũng lưu ý: “Những trẻ em hung hăng, bột phát có thể gây thách thức cao đối với phiên trị liệu. Yêu cầu bố mẹ giao đứa trẻ như thế cho một người giữ trẻ thì dễ hơn rất nhiều so với việc phải chật vật thực hiện phiên trị liệu với một đứa trẻ như thế” (trang 121).
Một thách thức
Làm việc với bất cứ đứa trẻ như thế nào cũng đều là một thách thức khi thực hiện liệu pháp gia đình. Một số trẻ có thể gây ồn ào và mất trật tự khiến người lớn rất khó nói chuyện. Một số trẻ khác lại quá im lặng đến mức nhà trị liệu cảm thấy mất phương hướng, hụt hẫng và bất lực bởi vì loại phương tiện chính yếu của mình (lời nói) đã trở nên vô dụng. Ngoài ra, không chỉ những đứa trẻ mà chính bố mẹ của chúng cũng gây nên những căng thẳng cho nhà trị liệu. Bố mẹ (chứ không phải trẻ em) là những người khởi xướng yêu cầu được trị liệu và đặt ra những kỳ vọng cao bởi vì họ bị kiệt sức khi đã vô phương hóa giải những phiền muộn về tương lai của con mình. Đôi khi nhà trị liệu cảm thấy những phụ huynh kia đang kiểm tra cách thức nhà trị liệu xử lý tình huống đang diễn ra. Bố mẹ của đứa trẻ cũng có thể cảm thấy “nhẹ lòng” khi nhìn thấy nhà trị liệu thất bại trong việc làm cho trẻ nói ra, vì thông qua sự thất bại của nhà trị liệu mà họ tìm được bằng chứng cho thấy họ cũng không đến nỗi đáng trách: “Ngay cả vị chuyên gia này cũng không xử lý nổi con của tôi”. Ngược lại, một nhà trị liệu rất thành thạo trong việc nói chuyện và chơi với trẻ em có thể thực hiện những cách thức tiếp túc với trẻ mà chẳng bao giờ bố mẹ trẻ có thể làm được; khi đó có thể phát sinh các chủ đề nhạy cảm như là sự khiển trách hoặc sự cạnh tranh nơi bố mẹ. Một sự tiếp xúc tốt giữa nhà trị liệu và đứa trẻ có thể làm gia tăng sự ngưỡng mộ và thu hút của bố mẹ đối với nhà trị liệu, đồng thời lại cũng làm mạnh thêm nỗi lo sợ ở bố mẹ vì những kỹ năng chăm nuôi con hạn chế của họ.
Sự phức tạp trong việc trẻ em tham gia vào liệu pháp gia đình đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đưa chủ đề này vào trong việc huấn luyện những nhà trị liệu trẻ tuổi. Sori và Sprenkle (2004) nhận thấy rằng những lĩnh vực có nội dung chuyên biệt như phát triển trẻ em và tâm bệnh lý trẻ em cần được bao gồm trong quá trình đào tạo về liệu pháp gia đình. Ngoài ra, các nhà trị liệu gia đình trong quá trình huấn luyện nên được khuyến khích suy nghĩ một cách có hệ thống và cần biết rằng trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của bố mẹ, cũng như bố mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của con mình. Các chương trình đào tạo về liệu pháp gia đình phải huấn luyện cho những sinh viên trẻ tuổi những kỹ năng có tính thực hành chẳng hạn như làm sao để nói chuyện với trẻ em, làm thế nào để thiết kế một phiên trị liệu theo cách thức giúp trẻ cảm thấy an toàn, làm thế nào để sử dụng những kỹ thuật nghệ thuật không dùng lời nói (ví dụ như vẽ tranh, sử dụng con rối, khay cát) vv... Sori và Sprenkle (2004) cho rằng những tính cách như khả năng vui đùa và tính sáng tạo của nhà trị liệu nên được nhấn mạnh khi huấn luyện liệu pháp gia đình.
Nhằm tránh việc trẻ em bị đặt bên ngoài liệu pháp gia đình, điều quan trọng trong huấn luyện là phải giúp cho thực tập sinh cảm thấy thoải mái khi làm việc với trẻ em và gia đình. Sori và Sprenkle (2004) khuyến cáo các chương trình huấn luyện nên tạo cơ hội để người học có thể tiếp thu những trải nghiệm thực tế khi làm việc với những gia đình có con ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và với các thể loại vấn đề đa dạng khác nhau. “Sự thoải mái chỉ có thể tiếp nhận được thông qua sự trải nghiệm và được giám sát tốt” (Sori và Sprenkle, 2004, trang 493). Mặc dù khuyến cáo này rõ ràng là tốt, tính phức tạp về sự thoải mái khi làm việc với trẻ em vẫn là một chủ đề phức tạp hơn là người ta vẫn tưởng.
Thoải mái và không thoải mái
Cũng có lẽ không hẳn là điều hay nếu chỉ đơn thuần nhắm vào việc gia tăng tối đa mức độ thoải mái của nhà trị liệu trong quá trình đào tạo. Vì nhiều lý do khác nhau, chủ đề về mức độ thoải mái của nhà trị liệu gia đình khi làm việc với trẻ em vẫn là một chủ đề phức tạp.
Điều trước tiên phải kể đến, nếu nói về cảm giác không thoải mái mà không định rõ loại cảm giác không thoải mái nào đang được nói đến thì chủ đề vẫn còn được đề cập quá chung chung. Đó là vì có nhiều loại cảm giác không thoải mái mà nhà trị liệu có thể trải nghiệm khi họ làm việc với gia đình và trẻ em. Khi đào tạo những nhà trị liệu gia đình trẻ tuổi, rất cần phải khảo sát chính xác loại khó khăn nào họ gặp phải khi làm việc với trẻ em: cảm giác tự ngờ vực, lo sợ mình sẽ mất khả năng kiểm soát, hoặc không thành công trong việc thiết lập mối quan hệ với trẻ vv... Điều thứ hai là cảm giác không thoải mái khi làm việc với gia đình có trẻ em xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của nhà trị liệu (Nguyên văn: “feeling discomfort in working with families with children comes with the territory”) (Wilson, 2005), và thay vì bằng mọi cách tránh né cảm giác không thoải mái, nhà trị liệu cũng phải dung nạp phần nào cảm giác ấy. Điều thứ ba là, nhà trị liệu khi làm việc với trẻ em cũng cần có sự thoải mái ở một chừng mực nào đó, thế nhưng cảm giác quá thoải mái lại có thể chẳng hữu ích chút nào, vì nó có thể dẫn đến một kiểu trị liệu “an toàn” nhưng lại rất “nghèo nàn” (Nguyên văn: “a safe but sterile kind of therapy”). Có lẽ để trở thành một nhà trị liệu gia đình hiệu quả, những gì mà một nhà trị liệu cần đến đó là PHẢI CẢM THẤY AN TOÀN ĐỦ ĐỂ CÓ THỂ TIẾP NHẬN NHỮNG NGUY CƠ. Wilson (2005, 2007) khuyến cáo rằng để giúp đỡ cho gia đình, nhà trị liệu đôi khi cần phải rời khỏi khu vực an toàn và ứng tác của bản thân mình. Wilson (2007) mô tả sự đối diện với hoàn cảnh trị liệu giống như một “sân khấu của các khả năng” (theatre of possibilities) và nhà trị liệu gia đình là một nhà trị liệu “ứng tác” (improvisational therapist), người có thể sẽ mạo hiểm đi vào “khu vực không thoải mái” để gắn kết hiệu quả với gia đình mà mình đang làm việc.
Sau cùng, việc đó sẽ có lợi nếu nhà trị liệu chú tâm đến cả những cảm giác thoải mái lẫn không thoải mái của mình. Điều này giúp nhà trị liệu có thể lưu tâm đến những cảm giác thoải mái và không thoải mái của chính những thành viên bên trong gia đình, tạo khả năng cho nhà trị liệu có thể gắn kết với gia đình theo một cách thức – mà theo kiểu nói của Tom Andersen (1987, 1991) – có tính khác biệt nhưng không quá bất thường (Wilson, 2005). Ngoài ra, cũng sẽ có lợi khi nhà trị liệu chú tâm đến những trải nghiệm của chính mình trong phiên trị liệu bởi vì có rất nhiều điều có thể học được từ việc lắng nghe một cách cẩn thận những cảm giác thoải mái hoặc không thoải mái của chính bản thân mình: Chính xác điều gì đã làm cho tôi cảm thấy thoải mái trong phiên trị liệu này? Và điều gì đã làm tôi cảm thấy không thoải mái? Việc phản ảnh một cách thận trọng những trải nghiệm thoải mái hoặc không thoải mái của chính bản thân mình có thể mở ra không gian cho việc sử dụng những cảm nhận có được trong phiên trị liệu này như một “chiếc cầu thấu cảm” (empathic bridge) nối đến các thành viên bên trong gia đình, tạo nên những sự nối kết mới, tạo khoảng mở cho những khả năng đối thoại đáng ngạc nhiên và có thể kể ra những câu chuyện chưa được kể.
Xem tiếp Phần 2
إرسال تعليق