HÔN NHÂN, TÌNH YÊU VÀ SỰ TÁN TỈNH QUA GÓC NHÌN CỦA WILLIAM SHAKESPEARE

See Marriage, Love, and Courtship Through the Eyes of William Shakespeare
Tác giả: SHAINA LUCAS
Nguồn: History Collection – 12/2/2019

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


William Shakespeare


Hôn nhân là một chủ đề mà các nền văn hóa đã tranh luận sôi nổi ngay từ thời cổ đại. Trong thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth ở Anh, William Shakespeare đã theo dõi những sự kiện xã hội diễn ra xung quanh ông và sử dụng nó để làm lợi thế cho mình. Tác phẩm của Shakespeare tiết lộ những ý tưởng liên quan đến hôn nhân, sự lãng mạn và tình yêu trên khắp châu Âu hiện đại đầu thời kỳ Phục Hưng [Renaissance – Thời kỳ “tái sinh” các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, chính trị, kinh tế của châu Âu thế kỷ 14, 15 và 16 sau khi đã trải qua giai đoạn “đêm đen” Trung Cổ - ND], đặc biệt là ở Anh dưới thời Elizabeth. Các tác phẩm Romeo and Juliet, Many Ado About NothingTaming of the Shrew của ông đã phân tích sâu sắc về tình yêu, sự tán tỉnh và hôn nhân thường thấy trong thời kỳ Phục Hưng ở Anh.

Từ cuối thế kỷ 12 cho đến năm 1563, hôn nhân của người Công giáo ở Châu Âu nói theo kiểu xưa per verba de praesenti đó là họ kết hôn cuộc sống hiện tại [Chú thích của ND: Cách nói theo Luật La Mã trong thời kỳ đế chế: Phân biệt giữa một thỏa thuận cho hôn nhân hiện tại (Sponsalia per verba de praesenti) và một thỏa thuận cho hôn nhân trong tương lai (Sponsalia per verba de futuro)]. Cách thức hôn nhân này đã được áp dụng cho nước Anh theo đạo Tin lành từ thời Cải cách cho đến năm 1753. Điều kiện của những cuộc hôn nhân này là cả cô dâu và chú rể phải đồng ý với cuộc hôn nhân. Trong thời gian này, Đức Chúa Trời là nhân chứng duy nhất cần thiết để ràng buộc hôn nhân với nhau một cách hợp pháp. Vào cuối triều đại Elizabeth, các giáo luật của Nhà thờ Anh giáo (Anglican Church) đã được ban hành lại. Đó là những hạn chế rằng hôn nhân viên mãn chỉ hợp pháp khi có một buổi lễ trong nhà thờ, với sự hiện diện của một linh mục, đọc những điều răn, được nhận trước một hôn thú và có sự đồng ý của cha mẹ nếu cô dâu và chú rể là trẻ vị thành niên.

Shakespeare đã chứng kiến ​​những thay đổi này trong hôn nhân khi chính ông đã viết những vở kịch thể hiện những lý tưởng đó. Cùng với các xu hướng xã hội và chính trị diễn ra trong thời đại của mình, Shakespeare đã lấy một số ý tưởng từ những điển tích xưa cho các vở kịch của mình. Ông là một nhà nhân văn thời Phục hung (Renaissance humanist), người đã nghiên cứu các tác phẩm của La Mã và Hy Lạp. Ông đưa các điển tích xưa vào nhiều tác phẩm của mình bao gồm Julius CaesarThe Rape of Lucrece. Một lĩnh vực văn học chính khác mà ông rút ra là các truyền thuyết chủ yếu được viết bằng văn xuôi hoặc thơ của châu Âu và của nước Anh.

TÁC PHẨM CỦA SHAKESPEARE BẮT NGUỒN TỪ NỀN VĂN HÓA HIỆN ĐẠI

Romeo và Julietlà một câu chuyện lãng mạn đã thu hút Shakespeare bởi nó bắt nguồn từ lục địa châu Âu và tìm đường đến Anh Quốc. Vở kịch của ông bắt nguồn từ bài thơ dài viết bằng tiếng Anh The Tragical History of Romeus and Juliet của Arthur Brooke, được in lần đầu vào khoảng 3 thập kỷ trước vở kịch của Shakespeare. Trọng tâm chủ đề và cốt truyện của nó đã bị thay đổi bởi Shakespeare nhưng Brooke đã lấy cốt truyện của mình từ các nguồn châu Âu khác để tạo ra bài thơ của mình. Phong cách viết của Brooke rất phổ biến ở Anh thời Elizabeth và trở nên hữu ích khi Shakespeare tìm kiếm các chủ đề kịch tính cho ông. Romeo và Juliet thể hiện các chuẩn mực hôn nhân truyền thống của giới thượng lưu trong thời kỳ Phục Hưng. Hôn nhân là một sự sắp xếp chính thức nhằm sử dụng với mục đích chính trị nhằm leo lên nấc thang xã hội. Shakespeare cũng kết hợp những lý tưởng hôn nhân từ thời Trung Cổ vì bối cảnh của vở kịch là ở Verona, Ý vào thế kỷ 14.

Tuổi hợp pháp để kết hôn trong thời kỳ Phục hưng là 14 tuổi, nhưng phụ nữ ở độ tuổi đó vẫn được coi là trẻ em cho đến khi 18. Các bé trai trong thời gian này trưởng thành ở độ tuổi từ 16 đến 18. Trong thời Trung Cổ, phụ nữ kết hôn ở tuổi 12 hoặc 13 vì thường chỉ sống thọ đến tuổi 30 hoặc 40. Capulet thông báo với Bá tước Paris rằng Juliet còn quá trẻ để kết hôn nhưng vẫn buộc Juliet phải kết hôn với Paris ở tuổi 14. Điều này buộc Juliet phải kết hôn với người tình Romeo của cô, người mà có lẽ là rất tệ đối với những người sống trong thời Elizabeth. Những người sống trong thời Elizabeth cho rằng lý do khiến cuộc hôn nhân của Romeo và Juliet kết thúc trong tan vỡ là họ đã vi phạm các chuẩn mực của xã hội mà họ đang sống.

Câu chuyện của Romeo và Juliet có thể đã được thay đổi đáng kể. Cả hai đều xuất thân từ tầng lớp ưu tú và có thể kết hôn nếu không phải vì gia đình họ có chiến tranh với nhau. Thông thường, một người sẽ kết hôn để ngăn chặn chiến tranh và tạo dựng hòa bình, nhưng trường hợp này thì lại không phải như vậy. Paris cũng có thứ hạng cao hơn Romeo, điều này khiến anh ta trở thành đối tượng phù hợp hơn với Juliet. Có thể nói, nhìn sâu vào triết lý của vở kịch mà Shakespeare đã muốn chuyển tải rằng những lối sống cũ của hôn nhân đang chết dần và đó là lúc việc kết hôn vì tình yêu bắt đầu nẩy nở trong tầng lớp thượng lưu.

THỜI KỲ TÁN TỈNH (COURTSHIP) DƯỚI CÁI NHÌN CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU VÀ NHỮNG “GÁI BAO” (COURTESANS)

Hầu hết những gì được biết về hôn nhân, tình yêu và sự tán tỉnh là từ xã hội đang phát triển vào thời điểm đó, là những người thuộc giới hữu sản (property-owners). Mặc dù nước Anh được cai trị bởi một người phụ nữ quyền lực, Nữ hoàng Elizabeth I, những phụ nữ nói chung thường không hiện diện trong những sự nghiệp có quyền lực. Vai trò điển hình của phụ nữ trong xã hội là hôn nhân và để làm mẹ. Công việc của một người vợ là nuôi dạy con cái, chăm sóc chúng và điều hành công việc gia đình. Phụ nữ thượng lưu có những người hầu sang trọng để giúp đỡ việc nuôi con và làm công việc gia đình, nhưng phụ nữ ở tầng lớp thấp hơn thì không được giúp đỡ và phải tự mình làm những công việc.

Một số phụ nữ trong thế kỷ 16 hoàn toàn rảnh rỗi và không phải làm mẹ cũng như không làm các nhiệm vụ trong gia đình. Những người phụ nữ này là gái bao (courtesans) – cách gọi ngày nay là gái mại dâm (prostitutes). Trong suốt thế kỷ 16, đó là một nghề khác rất nhiều so với ngày nay. Những gái bao được dạy về chính trị, đọc văn học và là những người phụ nữ hiểu biết nhất trên thế giới. Courtesans – gái bao – cũng phải chịu một số phận nghiệt ngã gần cuối thời kỳ đỉnh cao của họ. Khi đã được “sử dụng” hết, họ có thể tìm được một người đàn ông để kết hôn hoặc cũng có thể chẳng được ai để mắt đến.

Những gái bao chọn theo đuổi nghề này vì không có lựa chọn nào khác cho họ. Nhiều người quá yếu ớt để trở thành người giúp việc nấu rượu hoặc làm việc trong nhà máy rượu. Điều này cho họ một lựa chọn để sử dụng vẻ đẹp của mình làm lợi thế của mình và thăng hạng trong xã hội, mặc dù họ vẫn không thể kết hôn với một người đàn ông cao hơn thứ hạng của họ. Cách suy nghĩ của thế kỷ 16 được coi là “phản cảm” đối với lối suy nghĩ hiện đại. Đàn ông được coi là những sinh vật cao cấp hơn phụ nữ do bản chất thể lý của họ. Người ta nói rằng vì nam giới có thể lực tốt hơn, khả năng trí tuệ và khả năng cảm nhận cao hơn nên họ có ưu thế hơn phụ nữ. Tất nhiên, thời kỳ Phục Hưng là một thời kỳ đầy biến động. Văn học, đức tin, chính trị và các giá trị xã hội đều đã bị thách thức, được định khuôn và bị thay đổi thành những gì cuối cùng chúng sẽ trở thành trong thế kỷ 21 hiện nay.

THỜI KỲ PHỤC HƯNG Ở Ý VÀ NHỮNG LÝ TƯỞNG THAY ĐỔI VỀ HÔN NHÂN

Thời kỳ Phục Hưng ở Ý (xảy ra nhiều năm trước khi có sự sự thay đổi văn hóa xảy ra ở Anh) đã có một số quan điểm khác nhau về hôn nhân trong thời gian này. Trong thời kỳ Phục Hưng ở Ý, tình bạn không phải là một phẩm chất trong hôn nhân. Phụ nữ Ý xuất hiện nhiều hơn trong thế giới xã hội, được giáo dục và có mối liên hệ chặt chẽ hơn với đời sống dân sự và chính trị. Những người phụ nữ này có thể tổ chức một cuộc tụ họp xã hội bằng hình thức ngoại giao thân mật và chuyện trò ý nhị.

Vợ của các vương tôn công tử thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn khi họ được uỷ nhiệm thế quyền khi chồng đi vắng, điều này xảy ra khá thường xuyên trong thời kỳ này. “Truyền thống Florentine” lại có những người đàn ông lớn tuổi hoặc trưởng thành kết hôn với những cô gái vị thành niên và hầu như không biết chữ. Với một cuộc hôn nhân thượng lưu được sử dụng để ngăn chặn chiến tranh, không có gì lạ khi các cặp đôi mới cưới có độ tuổi khác nhau hoặc thậm chí không ưa gì nhau. Sau đó trong nhiều năm, những người phụ nữ trong giới thượng lưu sẽ viết về cách mà những kết nối tại tòa hẳn đã nhận ra rằng đàn ông cần tính đến sự nhạy cảm của cha mẹ họ, những người thông minh và gần với thời đại hơn, như là những người quan trọng đối với họ.

Các tầng lớp có của của giai đoạn đầu thời kỳ hiện đại xem hôn nhân là một quyết định tập thể. Đó là quyết định của gia đình và họ hàng, chứ không phải của cá nhân. Việc cân nhắc kết hôn là do có sự bảo trợ chính trị, nhằm bảo tồn và tích lũy tài sản, các mối quan hệ dòng dõi trong quá khứ và sự mở rộng của các mối quan hệ huyết thống. Nỗi sợ hãi lớn nhất trong xã hội là liên minh hôn nhân kết hợp một gia đình với một gia đình thuộc tầng lớp thấp hơn hoặc với một gia đình có trình độ thấp hơn. Chế độ “Con trưởng có quyền thừa kế” (Primogeniture) được thiết kế để duy trì và bảo vệ cho quyền thừa kế. Việc nghiên cứu về gia đình người Anh của thời đại này bị che phủ bởi sự bối rối trừ khi các nguyên tắc về “quyền con trưởng thừa kế” và thực hành nó, luôn được nẩy sinh trong tâm trí. Theo hệ thống này, những đứa con lớn và nhỏ trong gia đình đều phải chịu đựng. Những đứa con nhỏ tuổi không nhận được quyền sở hữu hay di sản trừ khi chúng ngẫu nhiên là người thừa kế tài sản của mẹ chúng. Một vài trong số những đứa con ấy được giữ lại quanh các điền trang trong vai trò như một “ngân hàng tinh trùng” (sperm-bank; ý chỉ việc duy trì tộc họ - ND) trong trường hợp người con trai lớn chết sớm và phải được thay thế.

Với hệ thống “con trưởng có quyền thừa kế”, một yếu tố kéo dài từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 19 đó là của hồi môn (dowry). Ở Anh, những người phụ nữ có quyền thừa kế đất đai sẽ cung cấp tài sản của họ cho chồng, đủ để là một của hồi môn đáng kể. Những cô dâu không có tài sản đất đai cung cấp một khoản tiền mặt để làm tiền hồi môn (portion). Trong thời kỳ Phục Hưng, tiền của hồi môn được chuyển trực tiếp cho cha của chú rể. Sau đó, người cha sẽ sử dụng số tiền này làm của hồi môn cho các con gái của mình khi kết hôn nếu họ có con gái.

Để đổi lấy điều này, cha của chú rể sẽ chu cấp cho cô con dâu nếu như người chồng qua đời khiến cô trở thành góa phụ. Trong suốt thế kỷ 16, điều này được gọi là "của cải do chồng để lại" (jointure) khiến hôn nhân thậm chí còn giống như một cuộc giao dịch kinh tế (economical transfer) hơn là một cuộc chuyển giao tình yêu và tình bạn. Điều này càng làm tăng lý do tại sao phụ nữ kết hôn với những người đàn ông cùng gia tầng và hoàn cảnh với họ vì những người đàn ông này sẽ có thể trang trải cho các khoản chi tiêu của họ.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1