Marriages and Divorces
Tác giả: ESTEBAN ORTIZ-OSPINA và MAX ROSER
Nguồn: Our World in Data
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Phần 1 - HÔN NHÂN
Hôn nhân, như một thiết chế xã hội, đã có từ hàng ngàn năm trước. Với những thứ có tuổi đời hàng nghìn năm, rất dễ cho rằng chúng chỉ có thể thay đổi từ từ. Nhưng những sự phát triển kể từ giữa thế kỷ 20 cho thấy giả định này là sai: ở nhiều quốc gia, hôn nhân ngày càng ít phổ biến, mọi người kết hôn muộn hơn, những cặp đôi chưa kết hôn ngày càng chọn cách sống chung với nhau, và ở nhiều quốc gia, chúng ta đang chứng kiến sự 'tách riêng' (decoupling) hai việc làm cha mẹ và hôn nhân. Trong nhiều thập kỷ qua, thiết chế hôn nhân đã thay đổi nhiều hơn so với hàng nghìn năm trước.
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày những dữ liệu đằng sau những thay đổi nhanh chóng và phổ biến này, đồng thời thảo luận về một số động lực chính đằng sau chúng.
CÁC CUỘC HÔN NHÂN NGÀY CÀNG TRỞ NÊN ÍT PHỔ BIẾN HƠN
Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ kết hôn đang giảm
Tỷ lệ người kết hôn đang giảm ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tỷ lệ kết hôn ở Mỹ trong thế kỷ trước
Đối với Hoa Kỳ, chúng tôi có dữ liệu về tỷ lệ kết hôn từ đầu thế kỷ 20. Điều này cho phép chúng tôi biết thời điểm bắt đầu suy giảm và theo dõi ảnh hưởng của những thay đổi kinh tế và xã hội trong quá trình này.
Năm 1920, ngay sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, cứ 1.000 người ở Mỹ thì có 12 cuộc kết hôn hàng năm. Các cuộc hôn nhân ở Mỹ khi đó gần như phổ biến gấp đôi so với ngày nay.
Vào thập niên 1930, trong thời kỳ Đại Suy thoái, tỷ lệ này đã giảm mạnh. Vào những năm 1930, các cuộc hôn nhân trở nên phổ biến hơn và vào năm 1946 - một năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc - các cuộc hôn nhân đạt đỉnh là 16,4 cuộc hôn nhân trên 1.000 người dân Mỹ.
Tỷ lệ kết hôn giảm lại vào thập niên 1950 và sau đó tăng trở lại vào những năm 1960.
Sự sụt giảm kéo dài bắt đầu từ những năm 1970. Kể từ năm 1972, tỷ lệ kết hôn ở Mỹ đã giảm gần 50% và hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Tỷ lệ kết hôn trên khắp thế giới thay đổi như thế nào?
Biểu đồ cũng cho thấy so với các quốc gia giàu có khác, Mỹ có tỷ lệ kết hôn đặc biệt cao trong lịch sử. Nhưng xét về sự thay đổi theo thời gian, xu hướng này có vẻ tương tự đối với các quốc gia giàu có khác. Chẳng hạn như Vương quốc Anh và Úc, cũng đã chứng kiến tỷ lệ kết hôn giảm trong nhiều thập kỷ và hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử được ghi nhận.
Ở các nước không giàu, dữ liệu còn thưa thớt, nhưng các ước tính có sẵn từ Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á cho thấy sự suy giảm hôn nhân không chỉ là chuyện riêng ở các nước giàu. Trong giai đoạn 1990-2010 đã có một sự suy giảm trong tỷ lệ kết hôn trong phần lớn các nước trên thế giới.
Nhưng vẫn có rất nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia xung quanh xu hướng chung này và ở một số quốc gia, những thay đổi đang diễn ra theo hướng ngược lại. Ví dụ, ở Trung Quốc, Nga và Bangladesh, các cuộc hôn nhân ngày nay phổ biến hơn vài thập kỷ trước.
Ở nhiều quốc gia đã có sự sụt giảm lớn trong các cuộc hôn nhân giữa các nhóm tuổi (cohorts)
Biểu đồ dưới đây xem xét sự thay đổi trong hôn nhân từ một góc độ khác và trả lời cho câu hỏi: Những người ở các thế hệ khác nhau có khả năng kết hôn ở một độ tuổi nhất định như thế nào?
Ở nhiều quốc gia giàu có, các hồ sơ thống kê có từ nhiều thế hệ, cho phép chúng tôi ước tính tỷ lệ kết hôn theo tuổi và năm sinh. Biểu đồ ở đây sử dụng những hồ sơ đó để đưa ra tỷ lệ kết hôn theo tuổi và năm sinh cho năm nhóm tuổi ở nam giới tại Anh và xứ Wales.
Ví dụ: Bạn có thể xem những người 30 tuổi và xem tỷ lệ phần trăm trong số họ đã kết hôn trong mỗi nhóm. Trong số những người đàn ông sinh năm 1940, khoảng 83% đã kết hôn ở độ tuổi 30. Trong số những người sinh năm 1980 chỉ có khoảng 25% kết hôn ở độ tuổi 30.
Xu hướng là rõ ràng. Đàn ông Anh trong các nhóm tuổi (cohorts: các “thuần tập”) gần đây ít có khả năng kết hôn hơn và điều đó đúng ở mọi lứa tuổi.
Có hai nguyên nhân dẫn đến điều này: ngày càng có nhiều người trong nhóm trẻ tuổi không kết hôn; và những người trẻ tuổi ngày càng chọn kết hôn muộn hơn trong cuộc sống. Chúng ta cùng tìm hiểu điểm thứ hai này dưới đây.
TUỔI KẾT HÔN TRUNG BÌNH
Con người kết hôn muộn hơn
Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ kết hôn giảm đi kèm với sự gia tăng độ tuổi kết hôn. Điều này được thể hiện trong biểu đồ ở đây, trong đó chúng tôi vẽ biểu đồ tuổi trung bình của phụ nữ khi kết hôn lần đầu.
Sự gia tăng tuổi kết hôn của người dân ở các nước giàu, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Ví dụ, ở Thụy Điển, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ đã tăng từ 28 tuổi vào năm 1990 lên 34 tuổi vào năm 2017.
Ở Bangladesh và một số quốc gia ở Châu Phi Cận-Sahara, độ tuổi kết hôn trung bình thấp và không thay đổi trong vài năm. Ở Niger, nơi tình trạng tảo hôn phổ biến, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ không đổi, ở mức 17 tuổi, kể từ đầu những năm 1990.
Nhưng các quốc gia này là những trường hợp ngoại lệ. Độ tuổi kết hôn của phụ nữ ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên mọi khu vực, từ Na Uy, Nhật Bản đến Chile.
Nhiều người kết hôn muộn hơn đồng nghĩa với việc tỷ lệ thanh niên chưa kết hôn ngày càng lớn.
Theo điều tra dân số của Anh năm 1971, khoảng 85% phụ nữ từ 25 đến 29 tuổi đã kết hôn, như biểu đồ này cho thấy. Đến năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 58%.
Đối với những người lớn tuổi, xu hướng này bị đảo ngược - tỷ lệ phụ nữ lớn tuổi chưa từng kết hôn đang giảm xuống. Trong cuộc điều tra dân số năm 1971, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 60-64 đã từng kết hôn thấp hơn tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi đó trong nhiều thập kỷ trước đó.
ĐÃ CÓ MỘT SỰ 'TÁCH RỜI' (DECOUPLING) GIỮA LÀM CHA MẸ VÀ HÔN NHÂN
Tỷ lệ trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân đã tăng lên đáng kể ở hầu hết các nước OECD (Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế bao gồm khoảng 100 quốc gia - ND)
Một sự sắp xếp mà hai hoặc nhiều người không kết hôn nhưng sống cùng nhau được gọi là “sống thử” (cohabitation – tức sống chung không kết hôn). Trong những thập kỷ gần đây, việc sống thử ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Ví dụ, ở Mỹ, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ ước tính rằng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 sống với bạn đời chưa kết hôn đã tăng từ 0,1% lên 9,4% trong giai đoạn 1968-2018; và theo một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research (Viện Nghiên cứu Chính sách Hoa Kỳ - ND), ngày nay hầu hết người Mỹ ủng hộ việc cho phép các cặp đôi chưa kết hôn có quyền hợp pháp như các cặp vợ chồng đã kết hôn.
Sự gia tăng tỷ lệ sống thử là kết quả của hai thay đổi mà chúng ta đã thảo luận ở trên: Ít kết hôn hơn và xu hướng kết hôn trễ hơn, và do vậy, thường sống với bạn đời trước khi kết hôn. Ví dụ, ở Anh, 85% những người kết hôn đã từng sống chung với nhau trước đó.
HIện không có sẵn những dữ liệu dài hạn về tỷ lệ người sống thử giữa các quốc gia, nhưng một số điểm dữ liệu liên quan như: Tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân đặc biệt cung cấp một thước đo đại diện phù hợp, cho phép so sánh giữa các quốc gia cũng như giữa các thời gian khác nhau: Nếu nhiều người có con khi chưa kết hôn, điều đó cho thấy rằng nhiều người đã bước vào mối quan hệ chung sống lâu dài mà không có kết hôn trước đó. Đây không phải là một đại diện hoàn hảo - như chúng ta sẽ thấy bên dưới, tỷ lệ nuôi con đơn thân cũng đã thay đổi, có nghĩa là tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân sẽ không khớp hoàn toàn với tỷ lệ sống thử - nhưng nó cung cấp một số thông tin về hướng thay đổi.
Biểu đồ ở đây cho thấy tỷ lệ phần trăm của tất cả trẻ em được sinh ra từ những cha mẹ chưa kết hôn.
Như chúng ta có thể thấy, tỷ lệ trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân đã tăng lên đáng kể ở hầu hết các nước OECD trong những thập kỷ gần đây. Ngoại lệ là Nhật Bản, nơi chỉ có mức tăng rất nhỏ.
Vào năm 1970, hầu hết các nước OECD có ít hơn 10% trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân. Trong năm 2014, tỷ lệ đã tăng lên hơn 20% ở hầu hết các quốc gia và tang hơn một nửa (hơn 50%) ở một số quốc gia.
Xu hướng này không bị giới hạn ở các nước rất giàu. Ví dụ như ở Mexico và Costa Rica, sự gia tăng đã rất lớn, và ngày nay phần lớn trẻ em được sinh ra từ các bậc cha mẹ chưa kết hôn.
Trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ kết hôn hoặc sống thử đang giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ
Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ kết hôn trên toàn cầu đã giảm, đồng thời tỷ lệ sống thử cũng gia tăng. Kết quả tổng hợp là gì nếu chúng ta xem xét việc kết hôn và sống thử cùng nhau?
Biểu đồ dưới đây thể hiện các ước tính và dự báo, từ Ban Dân số Liên hợp quốc (UN Population Division), biểu thị tỷ lệ % phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) đã kết hôn hoặc sống chung với bạn tình chưa kết hôn.
Nhìn chung, xu hướng này cho thấy sự sụt giảm trên toàn cầu - nhưng chỉ là một mức tương đối nhỏ, từ 69% vào năm 1970 xuống còn 64% được dự báo vào năm 2020. Nếu xét tại bất kỳ thời điểm nào trong 5 thập kỷ qua, có khoảng 2/3 tổng số phụ nữ đã kết hôn hoặc đã trải qua đời sống chung.
Có sự khác biệt giữa các vùng. Ở Đông Á, tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung tăng lên; ở Nam Mỹ tỷ lệ này không đổi; ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, tỷ lệ này giảm.
Việc nuôi dạy con đơn thân là phổ biến và tỷ lệ này đã tăng lên ở nhiều quốc gia trong những thập niên gần đây
Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ hộ gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân sống với con cái phụ thuộc.
Có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Ở Colombia, xu hướng tăng lên, và theo ước tính gần đây nhất, 13% tổng số hộ gia đình là cha hoặc mẹ đơn thân có một hoặc nhiều con phụ thuộc. Ngược lại, ở Ấn Độ, con số tương ứng là 5%, xu hướng tăng hay giảm không rõ rệt.
Các nguyên nhân và tình huống dẫn đến việc nuôi con đơn thân rất đa dạng, và không có gì ngạc nhiên khi các gia đình đơn thân làm cha mẹ cũng rất đa dạng về nền tảng kinh tế xã hội và cách sắp xếp cuộc sống, giữa các quốc gia, trong các quốc gia và theo thời gian. Tuy nhiên, có một số khuôn mẫu phổ biến:
1, Phụ nữ chiếm đa số trong các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân và sự khác biệt về giới này có xu hướng lớn hơn đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Trên khắp các nước OECD, khoảng 12% trẻ em từ 0-5 tuổi sống với cha hoặc mẹ đơn thân; 92% trong số này là sống với mẹ.
2, Các hộ gia đình đơn thân là một trong những nhóm dễ bị tổn thương về tài chính nhất. Điều này đúng ngay cả ở các nước giàu. Theo dữ liệu của Eurostat , tại các quốc gia châu Âu, 47% hộ gia đình có cha hoặc mẹ "có nguy cơ nghèo đói hoặc sống bên lề xã hội" vào năm 2017, so với 21% của các hộ gia đình có hai cha con.
3, Việc nuôi con đơn thân đã trở nên phổ biến hơn so với vài thế kỷ trước đây. Nhưng việc nuôi con đơn thân hồi xưa thường là do tỷ lệ tử vong ở mẹ cao hơn là do sự lựa chọn hoặc đổ vỡ mối quan hệ; và tình trạng nuôi con đơn thân cũng thường diễn ra trong thời gian ngắn hơn vì tỷ lệ tái hôn sau đó cao hơn.
HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH ĐÃ TRỞ NÊN KHẢ THI Ở NHIỀU QUỐC GIA
Bình đẳng trong hôn nhân ngày càng được coi là một quyền dân sự và quyền con người (dân quyền và nhân quyền), có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội và tôn giáo trên toàn thế giới.
Năm 1989, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên công nhận mối quan hệ hợp pháp cho các cặp đồng tính, thiết lập một kiểu “thoả thuận chung sống” (registered partnerships) cấp cho những người có quan hệ đồng tính hầu hết các quyền được trao cho hôn nhân ở những người dị tính (heterosexuals).
Phải mất hơn một thập kỷ để hôn nhân đồng tính trở thành hợp pháp ở mọi nơi trên thế giới. Tháng 12/2000, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập hôn nhân đồng tính theo luật định. [Phân biệt giữa “thoả thuận chung sống” (registered partnerships) thì khác và chưa đầy đủ như “hôn nhân” (marriage) – ND]
Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thái độ chung và các yếu tố pháp lý đã thay đổi nhanh chóng ở nhiều quốc gia: Đến tháng 12/2019, hôn nhân đồng tính đã được công nhận hợp pháp ở 30 quốc gia.
Ở nơi nào hôn nhân đồng tính được xem là hợp pháp?
Bản đồ này hiển thị màu xanh lá cây cho tất cả các quốc gia nơi mà hôn nhân đồng tính là hợp pháp. Cũng cho thấy những quốc gia mà các cặp đồng tính có các quyền khác, chẳng hạn như sự công nhận hợp pháp của những tình trạng “kết hợp dân sự” (civil unions).
Hơn một nửa số quốc gia cho phép hôn nhân đồng tính là ở Tây Âu. Nhưng có một số nước Tây Âu vẫn không cho phép. Ở Ý, Thụy Sĩ và Hy Lạp, hôn nhân đồng tính là không hợp pháp, mặc dù ở những nước này có những hình thức công nhận thay thế dành cho các cặp đồng tính.
Trên toàn bộ châu Á và châu Phi, những khu vực đông dân nhất trên thế giới, hôn nhân đồng tính chỉ hợp pháp ở hai nơi: đó là Đài Loan và Nam Phi.
Hôn nhân đồng tính có đang gia tăng hay không ở những quốc gia mà nó được xem là hợp pháp?
Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai hôn nhân đồng tính vào tháng 12/2000. Năm 2001, có tổng số 2.414 cặp đồng tính kết hôn. Trong 2 năm sau đó, số lượng các cuộc hôn nhân đồng tính đã giảm và sau đó nó ổn định ở mức gần như không đổi.
Ở các quốc gia khác, chúng tôi thấy một mô hình tương tự - nhiều cuộc hôn nhân đồng tính diễn ra ngay sau khi luật bình đẳng hôn nhân (equality laws) được ban hành. Biểu đồ ở đây cho thấy điều này đối với Hoa Kỳ, vẽ biểu đồ ước tính về số lượng tích lũy các hộ gia đình kết hôn đồng tính, sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ.
Hôn nhân đồng tính ở Mỹ đã mở rộng từ một bang vào năm 2004 lên tất cả 50 bang vào năm 2015, và mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất được quan sát thấy chính xác trong giai đoạn này, từ 2012 đến 2015.
Hôn nhân của các cặp LGBT phổ biến như thế nào?
Có rất ít cuộc khảo sát đại diện quốc gia phỏng vấn cụ thể người trưởng thành đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hoặc chuyển giới (LGBT). Một ngoại lệ quan trọng là một cuộc khảo sát bởi Viện Gallup ở Mỹ, với dữ liệu cho giai đoạn 2015-2017. Biểu đồ ở đây cho thấy thành phần tình trạng hôn nhân của những người trưởng thành LGBT ở Hoa Kỳ sử dụng dữ liệu từ nguồn này.
Đối với người Mỹ LGBT, việc sống thử đồng tính ngày càng trở nên ít phổ biến hơn, nhưng hôn nhân đồng tính đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Năm 2017, 10,2% người LGBT trưởng thành ở Mỹ đã kết hôn với bạn đời đồng giới tính. Con số này tăng so với mức 7,9% trong những tháng trước khi có quyết định của Tối cao Pháp viện vào năm 2015, nhưng chỉ cao hơn một chút so với mức 9,6% được đo lường trong năm đầu tiên sau phán quyết.
Một số quan điểm về những tiến bộ đạt được liên quan đến quyền bình đẳng hôn nhân
Tỷ lệ thông qua luật bình đẳng hôn nhân theo thời gian cho chúng ta một số góc nhìn về việc mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng như thế nào. Vào năm 2000, không bất kỳ quốc gia nào xem hôn nhân đồng tính là hợp pháp; 20 năm sau, hôn nhân đồng tính đã là hợp pháp ở 30 quốc gia.
Những thay đổi về thái độ đối với tình dục đồng tính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những chuyển đổi pháp lý khiến hôn nhân đồng tính ngày càng có thể thực hiện được.
Như biểu đồ thứ hai ở đây cho thấy, tỷ lệ các quốc gia nơi hành vi tình dục đồng tính bị coi là tội hình sự đã giảm từ 77% vào năm 1960, xuống còn 34% vào năm 2019.
Bất chấp những xu hướng tích cực này, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện quyền của người LGBTQ. Ở một số quốc gia, người ta có thể bị bỏ tù và thậm chí bị giết chỉ vì khuynh hướng tình dục hoặc bản sắc giới của họ; và ngay cả ở những quốc gia mà hoạt động tình dục đồng tính là hợp pháp, những nhóm người này phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử.
XU HƯỚNG KẾT HÔN CHO THẤY CÁC THIẾT CHẾ XÃ HỘI CÓ THỂ THAY ĐỔI VÀ THƯỜNG THAY ĐỔI NHANH CHÓNG
Trên khắp thế giới, ngày càng ít người chọn cuộc sống kết hôn. Các động lực cơ bản của những xu hướng này bao gồm sự gia tăng của các phương tiện tránh thai, sự gia tăng của phụ nữ tham gia vào thị trường lao động và sự chuyển đổi của môi trường thể chế và luật pháp, chẳng hạn như luật mới trao nhiều quyền hơn cho các cặp vợ chồng chưa kết hôn.
Những thay đổi này đã dẫn đến một sự chuyển đổi rộng rãi của cấu trúc gia đình. Trong những thập niên gần đây, tỷ lệ sống thử ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia và việc trẻ em sống với cha hoặc mẹ đơn thân hoặc cha mẹ không kết hôn ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Những thay đổi này đi kèm với sự thay đổi lớn và đáng kể trong nhận thức của mọi người về các kiểu cấu trúc gia đình có thể được mong muốn và được chấp nhận. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất cho điều này là sự gia tăng của hôn nhân đồng tính.
Việc phi thể chế hóa hôn nhân (de-institutionalization of marriage) và sự trỗi dậy của các mẫu hình gia đình mới kể từ giữa thế kỷ 20 cho thấy các thiết chế xã hội đã có từ hàng nghìn năm nay vẫn có thể được thay đổi rất nhanh chóng.
إرسال تعليق