SCAPEGOAT - VẬT TẾ THẦN hay KẺ GÁNH TỘI

Tựa gốc: Gánh nặng vô tội:  Vật tế thần trong các gia đình rối loạn chức năng
The Blameless Burden: Scapegoating in Dysfunctional Families
Tác giả: SARAH SWENSON, MA, LMHC
Nguồn: GoodTherapy- January 30, 2017 

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên Tâm lý Lâm sàng, Khoa Tâm lý Lâm sàng, Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, Biên Hoà, Đồng Nai.



Theo truyền thuyết trong Kinh thánh, Aaron thay mặt cả bộ tộc chọn một con dê, trút mọi tội lỗi của tất cả các thành viên trong bộ tộc lên con dê ấy, sau đó trục xuất nó một mình vào nơi hoang vu. Các thành viên của bộ lạc sau đó rất nhẹ nhõm, thoải mái khi đã được giải thoát khỏi tội lỗi của họ - bất kể những tội lỗi đó có thể là gì.

Mọi người đều cảm thấy tốt hơn, mặc dù họ không xác định được tội lỗi cụ thể của mình cũng như không chuộc được tội. Đơn giản là họ đã đồng ý gán tội lên con dê. Nếu thứ lôgic giả mạo này là hiển nhiên đối với bất kỳ ai, thì nó đã không cần phải bàn luận tới. Tại sao phải cần đến một phương thức đồng thuận để làm cho mọi người cảm thấy tốt hơn?

Bây giờ hãy nói về con dê đó. Nó được chọn ra từ bầy đàn và bị mang tới một cánh đồng hoang vắng vì lý do có liên quan đến tội lỗi của những người khác. Con dê đã không làm gì đáng để bị trục xuất. Nhưng một khi tro đã nguội lạnh trong nghi thức trừ khử nó, con dê thấy chính mình đơn độc trong vùng đất hoang vu, bị cô lập với bầy đàn của nó, ở một mảnh đất không xác định, thì đột nhiên nó buộc phải tự chống đỡ, xoay sở. Nó phải đối mặt với nguy hiểm từ những kẻ săn mồi; khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn, thực phẩm và nơi ở; và nó sống trong sự bất an đáng sợ liên tục của một con vật vốn sống theo bầy đàn mà nay không có bầy đàn.

Đây là câu chuyện về một vật tế thần, một scapegoat.

Trong những gia đình loạn chức năng, vì những lý do tương tự như cách mà Aaron đã bày ra, cũng có thể có một người được chỉ định được chọn cho vai trò vật tế thần. Trong một hệ thống gia đình, quá trình lựa chọn diễn ra thiếu công khai hơn so với việc làm của Aaron. Nó thường được thực hiện nhiều hơn bằng cách đồng loạt xa lánh theo những thói lệ mà từ đó trở thành một kiểu quy tắc ứng xử bất thành văn: Một người nào đó được chọn để chịu gánh nặng của bất kỳ sự khó chịu tâm lý nào mà cả gia đình phải trải qua. Việc lặp đi lặp lại những câu chuyện đã tạo dựng nên và rồi củng cố hình ảnh về một “vật tế thần” như là một kẻ đáng khinh bỉ và đáng bị miệt thị.

Giống như con dê khỏe mạnh mà Aaron đã chọn, mục tiêu làm vật tế thần cho gia đình cũng thường là thành viên khỏe nhất và mạnh mẽ nhất trong gia đình. Lúc đầu thì xấu hổ, bối rối, điều này nghe có vẻ phản trực giác. Nhưng hãy nghĩ về điều này thêm chút nữa. Trong tình huống của Aaron, sẽ không có niềm vui nào trong nhóm bắt nguồn từ việc xua đuổi một con vật yếu ớt, dẫu sao cũng có thể dễ dàng bị chết đi, bởi vì điều đó sẽ không thỏa mãn cho nhu cầu của bộ tộc để trút bỏ tội lỗi của họ trên một phương tiện mạnh mẽ, một con dê mạnh mẽ nó sẽ mang trọng trách chịu được gánh nặng. Vì thế chính trong các gia đình: Cá nhân được nhắm mục tiêu (để làm vật tế thần) cũng thường là một người có thành đạt nhất. Cô ấy (để cho câu chuyện được liền mạch, chúng ta đơn cử trường hợp một vật tế ở đây là một phụ nữ) phải đủ mạnh để chịu được sức nặng của những giọng nói xua đuổi mà  một người yếu hơn nếu nghe thì có thể dễ dàng ngã gục một cách nhanh chóng. Việc tế thần sẽ thất bại nếu sức nặng của tội lỗi đã giết chết con dê trước khi nó  bị  đuổi ra khỏi thị trấn. Sự thanh tẩy (catharsis) là mục tiêu. Con dê cần phải đủ khỏe để chịu đựng những điều mà các thành viên trong bộ tộc không làm được.

Giống như con dê vốn vô tội dù nó bị mang đi đến với cái chết trong cô độc, thì người bị “hiến tế” cũng vô tội trước mọi cáo buộc. Cô ấy có thể không phải là một con người hoàn hảo, nhưng cô ấy không khác bất cứ ai khác trong phạm vi lỗi lầm của mình. Không phải tính cách hay hành động của cô ấy đã trực tiếp khiến cô ấy bị trục xuất. Mà chính là cá tính và cách cư xử của cô ấy, và thường là thành tích của cô ấy, đã được trải nghiệm bởi các thành viên trong gia đình loạn chức năng, những người vì những lý do chưa được giải thích riêng của họ đã thấy cần phải loại bỏ người này khỏi lãnh địa gia đình để tránh việc tự nhìn vào lương tâm của chính họ. Họ cần trừng phạt người bị hiến tế vì sự tồn tại của cô ấy khơi lên cho các thành viên trong gia đình những nỗi khó chịu, mà thực ra những khó chịu đó lại là kết quả của những vấn đề chưa được giải quyết của chính họ.

Nếu bạn đang bị coi là vật tế thần trong gia đình mình, vui lòng tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia. Bạn không có khả năng can thiệp vào một hệ thống bị rối loạn chức năng mà đối xử với một trong các thành viên của chính nó theo cách này. Bạn có thể tiếp tục trải nghiệm những nỗ lực vô ích trong việc giải thích bản thân. Bạn có thể không hiểu cách bạn đang được đối xử. Bạn có thể bắt đầu nghi ngờ phiên bản câu chuyện cuộc đời của chính mình. Cái giá phải trả là quá cao.

Một người bị tế thần có thể chết như con dê trong câu chuyện ngày xưa không? Có thể như thế. Nếu không chết về mặt thể chất, chắc chắn sẽ “chết” về mặt tình cảm. Thật khó để người bị tế thần tin rằng gia đình cô ấy lại đối xử với mình theo một cách thức tán tận lương tâm như thế này khi cô ấy không mắc một tội trọng nào cả. Cô ấy vắt cả tâm trí mình để hiểu, nhưng đã không thể hiểu. Những lý do mà cô ấy được đưa ra để bị ngược đãi có vẻ nông cạn, nhỏ nhen và chẳng đâu vào đâu. Thật khó để cô ấy tin rằng những vi phạm nhỏ này lại có thể bị kết án nặng nề như vậy.

Cô ấy bắt đầu nghi ngờ phiên bản thực tế của chính mình (to doubt her own version of reality), vì sự đồng thuận trong gia đình của chính cô ấy đã giúp làm nên một câu chuyện kể (narrative) khác với câu chuyện của cô ấy về bản thân mình là ai và mình đã làm gì. Cô ấy biết rằng nếu cố gắng giải quyết vấn đề này, cô ấy sẽ bị buộc tội “đóng vai nạn nhân” hoặc ích kỷ, hoặc trở thành một “nữ hoàng diễn xuất” (drama queen). Cô ấy có thể hiểu rằng việc đánh giá và đối xử này là không đúng, cho đến một ngày, hoàn toàn nản lòng, cô ấy bỏ cuộc. Toàn bộ sức nặng của sự ruồng bỏ, trục xuất dồn lên cô ấy. Cô ấy cô đơn. Cô ấy không cố gắng hiểu hay giải thích bất cứ điều gì nữa. Cô ấy đã chấp nhận một số phận không có ý nghĩa đối với cô ấy.

Nếu lúc ấy có được sức khỏe tinh thần tốt cô ấy có thể làm cho mình bình an khi bỏ lại phía sau mình cái gia đình đã khiến cô thất bại hoàn toàn. Nếu cô ấy mạnh mẽ và được bạn bè hỗ trợ tốt, cô ấy có thể làm được điều này. Tuy nhiên, cô ấy sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời cho những tội lỗi mà cô ấy không phạm phải, bởi vì thật khó khăn và đau đớn khi phải tách mình ra khỏi gia đình của mình, phải đối mặt với những nhu cầu cơ bản nhất của con người về một mái ấm, một chốn dung thân và sự gắn kết. Thật tàn nhẫn và không thể tha thứ đối với gia đình đã “hiến tế” một thành viên của chính họ.

Nếu bạn xem xét nghiên cứu liên quan đến số phận của những cá nhân bị bắt nạt (bullying) liên tục, bạn có thể rút ra kết luận về những gì sẽ xảy ra với các thành viên trong gia đình bị coi là vật tế thần, vì “hiến tế” (scapegoating) là sự bắt nạt với một cường độ tập trung và kéo dài. Một số trẻ em bị bắt nạt sẽ tự trở thành kẻ bắt nạt. Một số phát triển các kỹ năng xã hội để chuyển hướng và thách thức sự bắt nạt, mặc dù những vết sẹo do bị bắt nạt có thể hằn sâu vào cuộc sống của họ theo nhiều cách trong nhiều năm tới. Một số khác, tuy thế, đã không thể sống sót, và có thể dẫn đến tự sát.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1