Tiểu luận: XÃ HỘI HỌC VỀ SỰ GIA TĂNG CÁC GIA ĐÌNH PHỤ MẪU ĐƠN THÂN

The Rise Of Single Parent Families Sociology Essay
Nguồn: UK Essay – 1/1/2015 Trong mục Sociology

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Một số bài luận trên UK Essay không ghi rõ tên tác giả, nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn dịch và giới thiệu để tăng thêm nguồn tư liệu tham khảo cho những ai có quan tâm đến đề tài này - TN Online

Cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung, đã tạo thành một bước ngoặt lớn trong mọi mặt của đời sống con người. Những thay đổi này đã ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình và mô hình của nó (Maani, 1990).

Do sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, trong bối cảnh cuộc cách mạng thông tin và truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống và do cá nhân chiếm ưu thế, giới khoa học bắt đầu tập trung nghiên cứu khả năng của các cá nhân và gia đình trong việc đối mặt với những thách thức của họ (Lesthaeghe và surkyn, 1998).

Vào cuối thế kỷ XX, một câu hỏi khiến nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình phải đối mặt: Liệu gia đình có còn đủ sức đáp ứng những thách thức đang nảy sinh trong khi thực hiện các chức năng của mình hay không? Những nỗ lực của các nhà nghiên cứu đã tiếp tục cho thấy rằng gia đình đã trở nên không thể đáp ứng được những thách thức này, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi dạy con cái. Vào thời kỳ đầu, các nghiên cứu bắt đầu tập trung vào khả năng của các gia đình trong việc thực hiện các chức năng của họ. Ngoài việc phát triển các khái niệm lý thuyết trong lĩnh vực giáo dục, như một trong những chức năng quan trọng nhất của gia đình (Luthar và cộng sự, 2000), các nghiên cứu này bắt đầu tập trung vào khả năng của cá nhân đối mặt với những thách thức và nghịch cảnh (challenges and adversities). Trẻ em nghèo là đối tượng chính đầu tiên của nghiên cứu,

Freud và một số đông các môn đồ của ông đã coi trọng hành vi thời thơ ấu, coi đó là yếu tố quyết định quan trọng trong việc xác định nhân cách của một cá nhân. Một nhân cách được xác định hoặc chứng minh ở tuổi lên 5 và đầu 6 tuổi, và những kinh nghiệm mà đứa trẻ trải qua trong những năm đó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người trưởng thành (Turki, 1988).

Người ta ngày càng chú ý đến chủ đề gia đình phụ mẫu đơn thân do tầm quan trọng của vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái. Cuộc sống và việc nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ đơn thân rất đa dạng. Khi cha mẹ chia tay, một trong hai bên thường sẽ đảm trách việc nuôi con trong phần lớn thời gian, nhưng hầu hết các trường hợp đều có sự tiếp tục chia sẻ việc nuôi dạy con cái ở một mức độ nào đó với nhau.

Như một số nghiên cứu cho thấy, chủ đề ly thân hoặc ly hôn đứng đầu trong các lý do đằng sau việc ngày càng xuất hiện nhiều gia đình chỉ có một người trụ cột trong các xã hội dân sự hiện đại. Có một số nguyên nhân khác như chiến tranh, thiên tai, dẫn đến việc mất đi một người trụ cột trong gia đình mà trẻ em là nạn nhân đầu tiên.

Trong trường hợp đất nước Kuwait, một đất nước không quá 650.000 dân, trong cuộc xâm lược của Iraq vào năm 1990, chiến tranh đã để lại khoảng 1.200 gia đình chỉ còn cha hoặc mẹ đơn thân do bị giết chóc hoặc giam cầm (Theo Hệ thống Thông tin Amiri Diwan, 1997).

ĐỊNH NGHĨA

Phụ mẫu đơn thân hoặc cha/mẹ đơn thân (single parent; lone parent; sole parent) là khi chỉ có một mình cha hoặc mẹ chăm sóc cho một hoặc nhiều đứa con mà không còn sự hỗ trợ của người kia trong gia đình. Việc làm phụ mẫu đơn thân có thể xảy ra vì nhiều lý do. Nó có thể được lựa chọn bởi cha mẹ (như ly hôn, nhận con nuôi, thụ tinh nhân tạo, làm mẹ thay thế hoặc mang thai ngoài hôn nhân), hoặc là kết quả của một biến cố không lường trước được (chẳng hạn do cái chết hoặc bị ruồng bỏ) (Paul và Birks, 2006).

TỶ LỆ CỦA CÁC GIA ĐÌNH PHỤ MẪU ĐƠN THÂN Ở MỘT SỐ CỘNG ĐỒNG

Mặc dù hiện tượng xã hội các gia đình đơn thân là khó khắc phục được trong bất kỳ xã hội nào, nhưng số lượng các gia đình này vẫn không ngừng tăng lên. Kareka (1988) báo cáo rằng số lượng các gia đình đơn thân gia tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là các gia đình có bà mẹ đơn thân sinh con.

Một nghiên cứu của Myrna và Judith (1994) chỉ ra rằng số lượng các gia đình phụ mẫu đơn thân đã tăng gấp đôi trong vòng hai thập kỷ qua ở Hoa Kỳ và khoảng 59% người dân đang sống trong một gia đình như thế. Theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, số lượng các bà mẹ đơn thân tăng từ năm 1970 đến năm 2000, từ 3 triệu lên 10 triệu; trong cùng khoảng thời gian ấy, số lượng ông bố đơn thân cũng tăng lên, từ 393.000 người lên 2 triệu người.

Tại Vương quốc Anh, lần đầu tiên tỷ lệ các gia đình phụ mẫu đơn thân lần đầu tiên đã đạt đỉnh 25%, phản ánh sự gia tăng đáng kể về số lượng các bà mẹ không kết hôn và tỷ lệ ly hôn gia tăng đáng kể trong 30 năm qua (Theo Trang web Jehovah`s witnesses Official, 2009)

Ở Úc, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ sống chỉ với một người - bố hoặc mẹ đẻ của mình. Đây thường là kết quả của sự đổ vỡ trong hôn nhân hoặc trong mối quan hệ của cha mẹ. Người ta dự đoán rằng các gia đình phụ mẫu đơn thân sẽ tăng từ 30% đến 66% trong thời gian 25 năm tới (Cùng nguồn dẫn).

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

Ý nghĩa của sự gia tăng của các gia đình phụ mẫu đơn thân là gì?

Các gia đình đơn thân phải gánh chịu nhiều vấn đề bao gồm giảm thu nhập và trình độ học vấn, do đó dẫn đến những hệ luỵ về kinh tế, xã hội và tâm lý (Essa, 1995). Theo Al-Zufairi (2000), trẻ em của các gia đình phụ mẫu đơn thân bị sa sút về thành tích học tập với tỷ lệ 44% trong tổng số 180 trường hợp của mẫu nghiên cứu. Nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra rằng trẻ em sống trong một gia đình nguyên vẹn ít có khả năng bỏ học ở cấp trung học hơn so với trẻ em sống trong gia đình phụ mẫu đơn thân. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng trẻ em của các gia đình phụ mẫu đơn thân có khả năng bỏ học ở một mức độ cao gấp đôi so với những trẻ em khác (Waite, 1995).

Trẻ em từ các gia đình phụ mẫu đơn thân nhiều khả năng sau này sẽ nhận việc làm ở cấp độ nghề nghiệp thấp nhất (take jobs at the bottom of the occupational grade) với thu nhập thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em lớn lên trong các gia đình đơn thân nhiều khả năng sẽ sống và phát triển trong điều kiện kinh tế túng thiếu. Ngoài ra, những trẻ này không chỉ bị thiếu thốn về mặt kinh tế mà còn thiếu sự chăm sóc của cha mẹ và có tỷ lệ cao trong việc dời đổi chỗ ở, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ (Smock và cs., 1999). Khoa học xã hội chỉ ra rằng nguyên nhân chính của nghèo đói và cách biệt về thu nhập có liên quan đến tình trạng hôn nhân. Các gia đình tan vỡ thường có thu nhập kém hơn và trình độ học vấn thấp hơn. Tình hình lại tồi tệ hơn, khi những gia đình ấy “chuyển giao” những tình trạng này cho con cái của họ, cứ thế làm trầm trọng thêm những tác động xuyên qua các thế hệ (Fagan, 1999).

Năm 1981, một nghiên cứu của Clay về các gia đình phụ mẫu đơn thân, diễn ra ở 47 bang ở Hoa Kỳ và bao gồm một cỡ mẫu 1.200 trường hợp, đã chỉ ra rằng 62% cha mẹ tin rằng con cái của họ không được xem là bình thường bởi các giáo viên ở trường. Hơn nữa, hầu hết các gia đình phụ mẫu đơn thân đều gặp khó khăn trong việc cung cấp những hướng dẫn đúng đắn cho con cái của họ để đối mặt và giải quyết các khó khăn phức tạp về mặt xã hội hoặc tâm lý (Al-Zufairi, 2000). Ngoài ra, các gia đình phụ mẫu đơn thân có thể đối mặt với một số vấn đề trong việc nuôi dạy trẻ em trai, đặc biệt là khi một số yếu tố phụ góp phần làm giảm khả năng thành công trong việc học của con cái chẳng hạn như sự phát sinh các căng thẳng và xung đột trong gia đình, và sự bất lực của người mẹ trong việc quản lý gia đình. Những khó khăn như thế lại càng nhân thêm do những yếu tố bên trong và bên ngoài ví dụ như có con nhỏ, không có thu nhập tốt và những thái độ tiêu cực của cộng đồng đối với gia đình đó (Anthony, 1987).

Một người chăm sóc duy nhất thường sẽ phát triển cảm giác cô đơn và căng thẳng, đặc biệt là khi họ cần đưa ra những quyết định quan trọng và mang tính quyết định đối với gia đình hoặc đối với một trong những thành viên của họ. Một số điều kiện có thể làm tăng nỗi lo về việc nuôi dạy con cái và cảm giác tội lỗi do không thể đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình. Ví dụ khi có sự hiện diện của một đứa con có nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như bị thiểu năng, rối loạn tâm thần, những khó khăn thường xuyên về thể lý hoặc đứa con đang trong giai đoạn quan trọng của tuổi vị thành niên hoặc đến tuổi kết hôn, hoặc ngày càng có thêm nhiều con trong gia đình (Al-Rashidi, 1994). Anthony (1987) đã xác nhận sự thật như vậy trong nghiên cứu của mình về sự căng thẳng và lo âu trên 147 trẻ em, đã ước tính sự tồn tại của sự căng thẳng và lo âu này là khoảng 65,5% so với những đứa trẻ bình thường.

Lý thuyết hệ thống chung dựa trên cơ sở rằng các bộ phận của hệ thống có liên quan hữu cơ với nhau theo nghĩa là nếu sự thay đổi được xem xét trong một bộ phận của hệ thống thì sự thay đổi này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sự tương tác giữa tất cả các bộ phận khác. Giả định này có thể được áp dụng cho hệ thống gia đình hay toàn thể cộng đồng. Đối với gia đình như một hệ thống xã hội, điều này có nghĩa là tính dễ bị tổn thương (vulnerability) của bậc phụ mẫu trước bất kỳ sự kiện nào cũng đều sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến các thành viên còn lại, vì các thành viên trong gia đình đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hệ quả là các vấn đề mà gia đình phải đối mặt cũng được phản ánh ra ngoài xã hội, và với sự gia tăng số lượng các gia đình phụ mẫu đơn thân, chúng ta có thể dự báo rằng số lượng những vấn đề này trong cộng đồng sẽ ngày càng gia tăng (Olson và DeFrain 2000).

Do những thực tế này, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Vì gia đình là một phần của cộng đồng, nên những vấn đề mà các gia đình phụ mẫu đơn thân phải trải qua liệu sẽ có ý nghĩa gì đối với xã hội?

Do những vấn đề này mà phát sinh ra tội phạm (crime), nhưng tội phạm là gì? Vấn đề xác định thế nào là tội phạm đã được các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực quan tâm, đặc biệt là xã hội học tội phạm và tội phạm học (criminal sociology and criminology), từ đó dẫn đến có nhiều hơn một định nghĩa. Các định nghĩa này có thể khác nhau về hình thức, nhưng không khác nhau ý tưởng cốt lõi của chúng. Sự khác biệt về lợi ích và cách tiếp cận của các nhà khoa học trong định nghĩa và giải thích tội phạm có thể liên quan đến một số yếu tố, quan trọng nhất là tính đa chiều của hiện tượng tội phạm (multiple dimensions of phenomenon of a crime). Tội phạm được hợp thành từ nhiều yếu tố, những yếu tố này lại có thể gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi các khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp khác nhau (Salem, 1991).

Những nhà nghiên cứu và những nhà khoa học khác nhau giải quyết các mối quan tâm khác nhau liên quan đến tội phạm. Một số quan tâm đến các hệ thống và thể chế chống tội phạm, trong khi những người khác quan tâm đến các mô hình cá nhân của tội phạm và người phạm tội. Các nhóm nghiên cứu khác nhau tập trung vào một số hành vi nhất định như nghiện ma túy, tự tử hoặc hối lộ. Một số chỉ nhìn vào các cá nhân bị buộc tội, trong khi những người khác kết hợp bị can (the accused) và người bị kết án (the convicted) cùng với nhau. Gần đây, một số nhà nghiên cứu đã có định hướng vào việc hiểu và giải thích về các tội phạm. Một số chỉ nhìn vào tội phạm của nam giới, những người khác nhìn vào nữ giới, và một số kết hợp cả hai.

Sự khác biệt về mối quan tâm như thế đã dẫn đến sự khác biệt của kết quả, sự khác biệt về cách giải thích cũng như về quan điểm, và sự phân nhánh của chủ đề. Bài viết này sẽ đề cập đến hai loại định nghĩa cho tội phạm: định nghĩa về pháp lý và định nghĩa về xã hội.

Định nghĩa về pháp lý (Legal definition)

Hầu hết tất cả các cơ quan luật pháp đều có chung một cơ sở trong việc định nghĩa tội phạm (crime) là “bất kỳ hành động hoặc sự bỏ sót nào của hành vi mà bị cơ quan lập pháp xxem là phạm tội và bị luật pháp chung xử phạt như những người ngoài vòng pháp luật” (any act or omission of the behavior that is criminalized by the legislator, and is stated as a public law that penalize the outlaws”) (Faraj, 1993, tr.48).

Định nghĩa về xã hội (Social definition)

Những người theo chủ nghĩa xã hội (socialists) có xu hướng chỉ trích định nghĩa pháp lý về tội phạm. Sự chỉ trích này được nhấn mạnh bởi việc định nghĩa pháp lý đã bỏ qua chiều kích xã hội của hiện tượng tội phạm, vì họ xem tội phạm như một hiện tượng xã hội và tội phạm không chỉ giới hạn ở các nhà lập pháp, mà còn xuất phát từ thực tế xã hội với những gì nó bao gồm trong các giá trị và các tiêu chuẩn (Jafar, 1993). Và trên cơ sở này, các trường phái xã hội học cũng như các học giả đã có những khác biệt trong định nghĩa về tội phạm. Những khác biệt này đã dẫn đến sự ra đời của một số định nghĩa về tội phạm theo xu hường xã hội (definitions of crime with social trend). Được biết nhiều nhất trong số này là định nghĩa của Sallin, khi ông nói: Tội phạm là sự vi phạm các chuẩn mực xã hội. Sự nổi tiếng của định nghĩa này đến từ việc nó là tập hợp của nhiều yếu tố cân nhắc về mặt xã hội bởi vì thói quen, truyền thống, phong tục và luật pháp đều là những chuẩn mực xã hội (Mizwah, 2000)

MỐI QUAN HỆ GIỮA NGHÈO VÀ TỘI PHẠM

Một trong những hiện tượng xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế thấp kém mà từ đó có vai trò chính thúc đẩy cá nhân sa vào tội phạm đó là hiện tượng đói nghèo. Các nhà kinh tế học thường phân loại nghèo khó như một “ngõ vào cơ bản có tính kinh tế” (fundamental economic entry) để lý giải hiện tượng tội phạm. Mối liên hệ giữa nghèo khó với tội phạm không phải là một khái niệm chỉ có trong thời hiện đại. Từ nhiều thế kỷ trước, các triết gia và những nhà cải cách xã hội đã nhấn mạnh rằng nghèo khó đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy các cá nhân đi đến hành vi phạm tội. Trong quá khứ, Socrates đã nói rằng "Nghèo khó là cha đẻ của cách mạng và tội ác" (Poverty is the father of the revolution and crime). Gần đây, Clark tuyên bố rằng tội ác của những người nghèo khổ và thiếu thốn thường gây ra bởi sự phẫn uất và căm thù đối với người giàu và những người nghèo có thể phạm tội để trở nên giàu có và đạt được của cải. Điều này có nghĩa là tình trạng phi nhân của sự nghèo đói, như Clark nói, là điều thúc đẩy người nghèo thực hiện hành vi tội phạm (Mizwah, 2000).

Nhiều nghiên cứu gần đây cố gắng chỉ ra rằng nghèo khó là nguyên nhân cơ bản của tội phạm. Trong số những nghiên cứu gần đây nhất và được công nhận cao là nghiên cứu của William Bonger. Nó đã thông qua và cố gắng ủng hộ ý tưởng, thông qua nghiên cứu và học tập khoa học, rằng trạng thái tinh thần của người phạm tội một mặt có thể liên quan đến sự suy giảm kinh tế (economic decline), và mặt khác là sự giải thể của tầng lớp xã hội (disintegration of class) (Hasan, 1997).

Ray Jeffery cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố kinh tế trong động cơ phạm tội bằng cách nêu rõ “cách tiếp cận chính để kiểm soát và ngăn chặn tội phạm có mối liên hệ chặt chẽ với những gì ngày nay được gọi là phân tích kinh tế về tội phạm (economic analysis of crime). Cũng có niềm tin cho rằng trẻ em của các gia đình nghèo phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến tình trạng sức khỏe, trốn học, khả năng lạm dụng ma túy, trộm cắp và nhiều vấn đề khác (Hasan, 1981).

Tại Hoa Kỳ, 50% trẻ em được nuôi bởi một bà mẹ đơn thân sống dưới mức nghèo khổ, so với chỉ 1% trẻ em sống trong một gia đình nguyên vẹn có điều kiện sống tương tự (Craig, 1999). Những gia đình phụ mẫu đơn thân này, do mức thu nhập bị giảm sút, buộc phải sống ở những khu vực nghèo khó, và đó là những khu vực tập trung nhiều tội phạm. Lý thuyết về “sự pha trộn khác biệt” (theory of differential mixing) của Edwin Sutherland thấy rằng: Các cá nhân trở thành tội phạm thông qua việc trộn lẫn với các thành viên khác mang theo những giá trị tội phạm (values of crime). Trong các khu vực của các nền văn hóa phụ (areas of sub-cultures), một số môi trường có tính khuyến khích những hành vi phi pháp, trong khi những hành vi ấy không được khuyến khích ở các môi trường khác (Almeharib, 2009).

Theo Ackerman (1994), gia đình và sự dưỡng dục có vai trò định hướng trẻ em hướng tới một tương lai thành công và hiệu quả, hoặc là một tương lai mơ hồ và thất bại. Khi gia đình không nuôi dạy con cái đúng cách, thì tương lai của trẻ sẽ bị đánh dấu bằng những con số đặc trưng liên quan đến tội phạm, phạm pháp, thiếu giá trị và “bị tước đoạt” về mặt tâm lý và tình cảm.

Thornberry (1987) đã đưa ra lý thuyết tương tác về hành vi phạm pháp (interactive theory of delinquency). Trong lý thuyết của mình, ông đã cố gắng kết hợp nhiều lý thuyết khác để đưa ra lời giải thích toàn diện về hành vi phạm pháp (delinquency). Ông đã thiết kế một sơ đồ động (dynamic scheme) đối với hành vi phạm pháp, trong đó có xem xét một số yếu tố có những tác động khác nhau đến hành vi của người vị thành niên trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Thornberry đề xuất ba kiểu phạm pháp: một kiểu dành cho đầu tuổi vị thành niên, kiểu thứ hai dành cho giai đoạn giữa tuổi vị thành niên và kiểu thứ ba dành cho cuối tuổi vị thành niên.

Trong hình thức đầu tiên của Thornberry, mô hình nêu bật ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi của vị thành niên trong giai đoạn này của cuộc đời (11-13 tuổi):

Đầu tiên là ảnh hưởng của cha mẹ. Cha mẹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến con cái của họ, có mối quan hệ thường xuyên với chúng và đang thực hiện các kỹ năng làm cha mẹ phù hợp với chúng, có nhiều khả năng hướng con cái của họ áp dụng các giá trị tốt đẹp, niềm tin, sự tin tưởng và thực hành các hành vi được xã hội chấp nhận, vì những đứa trẻ được tránh xa sẽ hình thành nên những người bạn và hành vi du côn. Trong trường hợp các gia đình đơn thân và không có cha hoặc mẹ, sự mất cân bằng của gia đình rất dễ xảy ra, do đó có thể làm giảm tác động tích cực đến trẻ em.

Thứ hai là niềm tin vào các giá trị và truyền thống, có tác động đến hành vi, và tác động này thể hiện rõ ràng hơn trong trường học thông qua sự sáng tạo. Yếu tố này ảnh hưởng đến việc thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với các nhóm người phạm tội hoặc tội phạm khác. Việc không gắn bó với trường học không trực tiếp dẫn đến việc hình thành các giá trị xấu của hành vi phạm pháp, nhưng điều này sẽ gián tiếp xảy ra, vì việc không đến trường sẽ đưa cá nhân tiếp xúc trực tiếp và liên kết với môi trường và hành vi phạm pháp. Vì vậy, những trẻ vị thành niên gắn bó với cha mẹ, đi học đều và tin vào các giá trị và chuẩn mực xã hội ít có nguy cơ phạm pháp hơn những trẻ không có quan hệ với cha mẹ, không tiếp tục đi đến trường học, và không có niềm tin vào những nguyên tắc này. Theo Thornberry, sự gắn bó với cha mẹ, với việc đến trường và có những niềm tin và giá trị nhất định không phải là điều vĩnh viễn và cố định mãi mãi. Các khía cạnh này có thể liên tục tương tác với nhau, và do đó có thể trở nên yếu hơn hoặc mạnh hơn trong quá trình phát triển của cá nhân. Thornberry cũng phát hiện ra rằng các ràng buộc khác nhau có thể là nguyên nhân, khi tương tác và kết hợp với các nguyên nhân khác, dẫn đến các hành vi phạm pháp.

Trong giai đoạn giữa tuổi vị thành niên, hình thức phạm pháp thứ hai của Thornberry tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ, điều này có thể tang cao về cường độ. Vào thời điểm này của chu kỳ đời sống, giai đoạn giữa của tuổi vị thành niên, một người có thể có những hành vi mang chút tính chất phạm pháp với mục đích bành trướng ra ngoài gia đình. Điều này thường thấy thông qua việc tham gia vào một số hoạt động nhất định của vị thành niên ở trường hoặc ở xung quanh với các bạn cùng trang lứa. Ở giai đoạn này, mối quan hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ, vốn đã từng bền chặt, bắt đầu yếu đi khi đứa trẻ bắt đầu khám phá ra những ranh giới mới và những điểm hấp dẫn khác.

Theo Thornberry, một thay đổi cơ bản khác là mức độ ngày càng nghiêm trọng của các giá trị vi phạm và khi mức độ vi phạm lên đến đỉnh điểm, các giá trị đó trở nên rõ rệt hơn và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bất kỳ biến số nào khác. Các giá trị như vậy thúc đẩy các hành vi phạm pháp bổ sung. Hơn nữa, có một số chỉ số cho thấy rằng những người trẻ tuổi, những người nắm giữ những giá trị đó, ít có khả năng kết nối hoặc gắn bó với cha mẹ hơn, và ít có khả năng quan tâm đến việc học ở trường.

Trong giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, Thornberry chỉ ra những biến số mới bắt đầu đi vào mô hình của ông. Quan trọng nhất của những biến số này là: tham gia vào các hoạt động bình thường bao gồm đi làm việc, học đại học hoặc nghĩa vụ quân sự. Song song với sự chuyển đổi sang một trong những môi trường mới này, cũng có một sự chuyển dịch tương tự từ cuộc sống trong gia đình gốc sang một gia đình mới mà một người bắt đầu thiết lập cho riêng mình. Thornberry nói rằng trong giai đoạn này, hoàn cảnh của cuộc đời một người thường sẽ thay đổi, và người đó sẽ gặp phải một số sự kiện quan trọng. Cũng có khả năng người đó sẽ đảm nhận các vai trò xã hội mới, và sẽ bắt đầu thiết lập các mối quan tâm mới và mạng lưới giao tiếp mới.

Cuối cùng, Thornberry lưu ý đến vai trò quan trọng của các tầng lớp xã hội, vì ông tin rằng trẻ em xuất thân từ tầng lớp thấp hơn thường ít gắn bó với cộng đồng lành mạnh, tiếp xúc nhiều hơn với các giá trị của bạn bè không tốt và dễ có hành vi phạm pháp hơn. Điều này lại liên quan đến thực tế là trẻ em có nền tảng xã hội yếu (như trường hợp của các gia đình đơn thân) dễ có gia đình tan vỡ hơn. Họ không học tốt ở trường và môi trường nơi họ xuất thân sẽ ảnh hưởng đến niềm tin truyền thống của họ, dẫn đến tỷ lệ tội phạm phổ biến trong nhóm này.

KẾT LUẬN

Như đã trình bày, thế giới đang chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng các gia đình phụ mẫu đơn thân, và có những sự phức tạp mà những gia đình này phải trải qua. Những phức tạp này là một phần của các vấn đề khác có tác động lớn đến xã hội, mà từ đó lại dẫn đến sự mất cân bằng về cấu trúc và chức năng của gia đình. Điều cũng được chứng minh rằng tội phạm là một trong những kết quả cuối cùng mà chúng ta có thể trông chờ như là hệ quả của sự hình thành các gia đình đơn thân này. Với tỷ lệ ngày càng tăng của các gia đình này, cũng có thể dự đoán được tỷ lệ tội phạm trong xã hội sẽ ngày càng tăng, trừ khi có các nỗ lực được thực hiện để điều chỉnh những hành vi này và giảm tỷ lệ hình thành các gia đình đơn thân, đặc biệt là thông qua việc hạn chế tỷ lệ ly hôn.

Kết quả của các nghiên cứu dọc về các gia đình tan vỡ do ly hôn, ruồng bỏ, không thừa nhận hoặc ly thân vì bất cứ lý do gì đều cho thấy những gia đình như thế có khả năng sinh ra tội phạm nhiều hơn so với những gia đình đơn thân do cái chết xảy ra ở một trong hai người cha hoặc mẹ. Wadsworth cho rằng những tác động tiêu cực này lên đến đỉnh điểm khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên, có vẻ cũng không thích đáng khi chỉ xét độ tuổi của trẻ vào thời điểm gia đình bị tan vỡ, vì hậu quả của việc ly hôn có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các hành vi phạm pháp và tội phạm.

Một nghiên cứu của Eisenstadt và cộng sự (1989) cho kết quả hoàn toàn ngược lại; khi có sự thiếu thốn tình thương của mẹ, mái ấm gia đình và môi trường xã hội xung quanh đôi khi có thể chuyển thành những hoài bão lớn lao hơn ở một số cá nhân, khiến họ trở nên khác biệt hơn so với những người bạn đồng trang lứa vốn được đặc ân sống trong một gia đình bình thường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số lượng đáng kể các nhà khoa học tiên phong, kỹ sư, nhà văn và chính trị gia nổi tiếng, những người có tác động đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt nhân loại và lịch sử quan hệ giữa các nền văn hóa, có thể nằm trong số những người phải chịu đựng các vấn đề gia đình, chủ yếu tập trung vào sự mất mát của một hoặc cả hai cha mẹ. Thực tế này không ủng hộ cho việc xem sự tan rã gia đình như một động cơ để đạt được thành tích,

Năm 1981, Atlas đã xem xét kết quả nghiên cứu của ông trên 768 bậc cha mẹ và 483 trẻ em làm cha mẹ đơn thân, và ông báo cáo rằng 75% những gia đình này đã vượt qua được khó khăn nhờ nỗ lực ứng phó với hoàn cảnh sống của họ.

Bất chấp những bàn luận trước đó, rõ ràng là cấu trúc của một gia đình bình thường còn nguyên vẹn có tác động tích cực đến tất cả các thành phần phúc lợi của trẻ, có nghĩa là cơ hội giáo dục lớn hơn, sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn.

Nói tóm lại, như McLanahan & Sandefur (1994, tr.190) đã phát biểu: “Tính trung bình những đứa trẻ sống với cả cha và mẹ sẽ tốt hơn những đứa trẻ chỉ sống với một cha hoặc mẹ”.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1