The role of mass media in facilitating community education and child abuse prevention strategies
Các tác giả: BERNADETTE J. SAUNDERS và CHRIS GODDARD
Nguồn: NCPC - National Child Protection Council, Tài liệu Số 16 - 16/6/2002
Website aifs.gov.au (AIFS - Australian Institute of Family Studies) - Child Family Community Austtralia (CFCA)
Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Xem lại Phần 1
Phần 2
TẠI SAO CẦN GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG VÀ CÁC CHIẾN DỊCH DỰ PHÒNG?
(WHY COMMUNITY EDUCATION AND PREVENTION CAMPAIGNS)
Trong năm 1990-1991, các báo cáo về xâm hại và bỏ bê trẻ em cho các cơ quan bảo vệ trẻ em của Úc đã đạt con số 49.721. Theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW - Australian Institute of Health and Welfare, 2002), trong hai năm 2000-2001 các báo cáo đã tăng lên 115.471; sau khi điều tra, 27.367 trường hợp đã được xác nhận hoặc chứng minh là liên quan đến xâm hại và/hoặc bỏ bê trẻ em.
Bạo lực thân thể, lạm dụng tình dục, ngược đãi về tình cảm và bỏ bê trẻ em đã có lịch sử lâu đời. Từ giữa cho đến cuối thập niên 1800, Toulmouche, Tardieu, Bernard và Lacassagne đã báo cáo rằng trẻ em thường bị tấn công tình dục (sexually assaulted), rằng trẻ em đã khai báo trung thực về việc mình bị xâm hại và thủ phạm lạm dụng (perpetrators of abuse) thường là cha và anh em trai của trẻ (Olafsen, Corwin và Summit 1993).
Corby (1993) lưu ý rằng "khám phá" của Kempe về Hội chứng Trẻ em bị Đánh đập (battered child syndrome) vào năm 1962, và "khám phá" về xâm hại tình dục trẻ em ở Anh Quốc trong những năm 1980 trên thực tế là những "khám phá lại" (re-discoveries). Theo Corby (1993: 16): “Xâm hại trẻ em không phải là một hiện tượng mới, và công chúng hay nhà nước cũng không hề quan ngại gì về nó. Tuy nhiên, những nỗ lực mới để giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em thường đi kèm với tuyên bố rằng đó là một vấn đề mới và chưa được phát hiện. Tính mới(newness) này được coi là một phần quan trọng của quá trình thiết lập nó như một vấn đề đòi hỏi các nguồn lực để ngăn chận nó”.
Trong lịch sử, trẻ em không được xem trọng về vị thế trong xã hội. Bị tước quyền và bị xem là “tài sản” (property) của cha mẹ hoặc người giám hộ, trẻ em có thể bị đối xử theo bất kỳ cách nào mà “chủ nhân” của trẻ thấy phù hợp (xem Cleverley và Phillips 1987; Archard 1993). Trong bối cảnh đó, cộng đồng sẽ chậm trễ trong việc nhận thức và thừa nhận về thực trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại trẻ em do các thành viên trong gia đình gây ra. “Mối nguy hiểm từ người lạ” (Stranger danger), những niềm tin cho rằng những câu chuyện của trẻ em là không đáng tin cậy và niềm tin rằng cha mẹ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của con cái họ, dường như được cộng đồng chấp nhận dễ dàng hơn.
Những niềm tin như vậy có thể khiến mọi người ngoảnh mặt làm ngơ trước thực tế rằng xâm hại trẻ em thường được thực hiện bởi những người lớn mà trẻ em biết rõ, tại nhà riêng của trẻ em và trong các môi trường đáng tin cậy khác. Ví dụ, liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, Kitzinger và Skidmore (1995: 53) trích lời một người được phỏng vấn từ Kidscape ở Vương quốc Anh: “Mọi người không muốn xem lạm dụng trẻ em là loạn luân. . . đó là một thông điệp mà chúng tôi cố gắng truyền đạt cho báo chí nhưng họ rất cảnh giác. . . sẽ dễ dàng và an toàn hơn nếu chỉ tập trung vào người lạ và kẻ bắt nạt”.
Olafsen, Corwin và Summit (1993) đã lập luận rằng các chu kỳ nhận thức sau đó là sự giấu giếm đã tiêu biểu cho phản ứng của xã hội đối với lạm dụng tình dục trẻ em. Có thể cho rằng, đây là phản ứng của xã hội đối với tất cả các hình thức lạm dụng trẻ em và bỏ mặc trẻ em. Các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên phương tiện truyền thông đại chúng đưa ra một phương tiện để phá vỡ các chu kỳ giấu giếm và phủ nhận. Các phương tiện truyền thông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định kỳ đưa vấn đề lạm dụng trẻ em vào chương trình nghị sự công khai.
KHÁI NIỆM HOÁ VỀ TRẺ EM VÀ VỊ THÀNH NIÊN
(CONCEPTUALISATION OF CHILDHOOD AND ADOLESCENCE)
Phần này thảo luận về: hình ảnh của trẻ em và người trẻ trong xã hội và trên các phương tiện truyền thông; ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với trẻ em và quyền trẻ em; và tác động của các chiến dịch truyền thông đối với nạn nhân của xâm hại trẻ em.
Hình ảnh của trẻ em trong xã hội và các phương tiện truyền thông
Các nhà báo sẵn sàng bênh vực trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với thách thức đối trọng với hình ảnh tiêu cực hoặc “ma quỷ hóa” (demonisation) (Franklin và Horwath 1996) về trẻ em và đặc biệt là thanh thiếu niên, trong báo in, truyền hình và điện ảnh. Trái ngược hoàn toàn với quan điểm từng phổ biến về thời thơ ấu như là một thời kỳ của tuổi ngây thơ, những hình ảnh thiếu tích cực hơn về trẻ em và thanh thiếu niên trên các phương tiện truyền thông có thể đặt ra những trở ngại trên con đường nỗ lực ngăn chặn việc lạm dụng và bỏ rơi chúng.
Đáng chú ý là các chiến dịch truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em hiếm khi tập trung vào việc ngược đãi trẻ vị thành niên (thay vào đó người ta chú ý đến các vấn đề xã hội, có lẽ xuất phát từ việc xâm hại trẻ em, chẳng hạn như sử dụng ma túy, tự sát ở vị thành niên và croming) (xem Goddard và Tucci 2002: 11) [Chú thích: “Croming” là một thuật ngữ được sử dụng tại Úc để chỉ việc lạm dụng các dung môi bay hơi qua đường hít như một cách gây sảng khoái – ND]. Tương tự, theo Mendes (2000: 50), Vinson (1987), Aldridge (1994) và Wilczynski và Sinclair (1999): “Những bất lợi về cấu trúc góp phần vào tệ xâm hại và bỏ bê trẻ em như nghèo đói, thất nghiệp, phân biệt đối xử giới tính hoặc chủng tộc thì lại không được hiển thị rõ [trên các phương tiện truyền thông]”.
So sánh mức độ đưa tin của phương tiện truyền thông về ba vụ giết trẻ em - 2 ở Vương quốc Anh và 1 ở Úc – đã làm nổi bật những hình ảnh khác nhau đáng kể về những đứa trẻ, mà những hình ảnh ấy được tạo ra hoặc được củng cố bằng các bình luận của phương tiện truyền thong (media comments).
Alder và Polk (2001) quan sát ngôn ngữ được sử dụng và thái độ được thể hiện trên các phương tiện truyền thông. Năm 1968, vụ cô bé Mary Bell 11 tuổi đã sát hại hai cậu bé, một 3 tuổi và một 4 tuổi ở Anh. Hai mươi lăm năm sau, năm 1993, hai cậu bé 10 tuổi sát hại Jamie Bulger 2 tuổi ở Anh, và ở Úc vào năm 1998, một cậu bé 10 tuổi bị buộc tội dìm chết một cậu bé 6 tuổi là bạn cùng chơi.
Theo Alder và Polk (2001), trong khi các bài bình luận trên phương tiện truyền thông trong vụ Mary Bell bày tỏ “mối quan tâm đối với kẻ phạm tội”, người được nhiều người coi là “đứa trẻ sống sót sau thảm kịch này”, hai trường hợp sau chủ yếu đưa ra bình luận trên phương tiện truyền thông mô tả tội phạm trẻ em là “xấu xa”, nhẫn tâm và liều lĩnh. Alder và Polk (2001: 134) cho rằng: “Điều có thể đã thay đổi trong những năm tháng kể từ sau vụ án Bell đó là sự phát triển dần dần của một media được quốc tế hóa, có khả năng truyền tải một lượng infotainment (thông tin giải trí) lan ra ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu… những “đầu ra” này đã đáp ứng cho những thị hiếu đặc biệt đối với những điều kỳ lạ và bất thường”.
Franklin và Horwath (1996) quan sát thêm về sự thay đổi liên quan đến nhận thức của xã hội về trẻ em, như Tomison (1997) đã lưu ý, mở rộng đến lứa tuổi vị thành niên. Thường tuổi này ít được xem là “ngây thơ” và “bẩm sinh vốn đã tốt”, và có vẻ như một đứa trẻ hoặc người trẻ ngày nay có thể được miêu tả như một “con người mạnh mẽ, có tính huỷ hoại” (powerful, destructive human being) (Franklin và Horwath 1996: 315).
Những trường hợp được mô tả ở trên là đáng buồn và không phổ biến. Những hình ảnh tiêu cực về trẻ em (có thể xuất phát từ những trường hợp như vậy), và các phương tiện truyền thông đã củng cố cảm giác rằng trẻ em và những người trẻ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, những cách truyền thông ấy không hỗ trợ gì trong việc ngăn chặn tình trạng xâm hại và bỏ bê trẻ em. Khám phá sâu hơn về cuộc sống của những phạm nhân trẻ tuổi (young offenders), trong khi vẫn không làm giảm đi sự kinh hoàng của các sự kiện xảy ra, hầu như luôn cho thấy chính những phạm nhân ấy đã có tình trạng là nạn nhân (victimisation) khi họ còn là trẻ em hoặc là vị thành niên.
Hơn nữa, như Tomison (1997: 22) tuyên bố, việc coi trẻ em là những nhân vật “quyền năng” (powerful) và “xấu xa” (evil) có thể “phi nhân tính hoá” (dehumanise) trẻ em và có thể dùng để biện minh cho việc ngược đãi trẻ em. Ông cũng cho rằng việc miêu tả tiêu cực về trẻ em trên các phương tiện truyền thông có thể khiến các nạn nhân bị xâm hại tự đổ lỗi cho mình khi bị xâm hại. Nạn nhân có thể bị dẫn đến việc tin rằng họ đáng nhận chịu những hành vi gây ra đối với họ, và do đó chấp nhận hành vi bị lạm dụng là việc chính đáng.
Hơn nữa, Tomison (1997) trích dẫn Winn (1993) và Garbarino (1992) để lưu ý rằng những hình ảnh tiêu cực này về trẻ em thực sự có thể được phóng đại khi đứa trẻ bước vào tuổi vị thành niên. Ông cho rằng những định kiến tiêu cực về giới trẻ có thể góp phần vào tỷ lệ bị ngược đãi ở tuổi vị thành niên, làm trầm trọng thêm “các vấn đề những người trẻ rắc rối trong các gia đình rắc rối, cung cấp lý do biện minh cho việc nuôi dạy con thiếu chu đáo và làm tăng xác suất xung đột gia đình nghiêm trọng” (Tomison 1997: 23).
Bằng cách gây áp lực lên các chính phủ trong việc tăng cường hỗ trợ cộng đồng cho trẻ em và gia đình, đồng thời đưa ra những hình ảnh tích cực, đồng cảm về trẻ em và người trẻ, các phương tiện truyền thông có thể có tác động mạnh mẽ trong việc ngăn chặn, thay vì có thể là gián tiếp thúc đẩy hành vi ngược đãi trẻ em. Như Walby (1996: 25) lập luận: “Trẻ em và tuổi thơ cần được đánh giá tốt hơn; gia đình có trẻ em cần một môi trường hỗ trợ nhiều hơn; các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em cần đến sự tranh biện tinh tế hơn; và các dịch vụ dành cho trẻ em và những người làm việc cho trẻ em cần được công chúng hỗ trợ nhiều hơn”.
Phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến trẻ em và quyền trẻ em
Tác động của quảng cáo trên phương tiện truyền thông đối với trẻ em và vị thành niên đã được chứng minh rõ, cũng như mối quan ngại về một số khía cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của phương tiện truyền thông đối với thái độ và hành vi của trẻ em (xem, ví dụ, Macklin và Carlson 1999; Tìm hiểu về ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria 2000). Truyền hình có thể là “một tác nhân xã hội hóa mạnh mẽ hơn so với các bạn đồng trang lứa và các giáo viên” (Hutson, Watkins và Kunkel 1989 trích dẫn trong Walsh, Laczniak và Carlson 1999: 119).
Như đã được thừa nhận trên một tờ báo lớn của New Zealand, điều đáng chú ý là: “Các phương tiện truyền thông quảng bá bạo lực như là cách thức hiệu quả để giải quyết xung đột thông qua truyền hình, phim ảnh, video và trò chơi điện tử tương tác” (The New Zealand Herald, 28/11/01).
Trong bằng chứng đưa ra cho Cuộc điều tra của Chính quyền Bang Victoria về Ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria, Michael Carr-Gregg (2000: 68) tiếp tục tán thành quan điểm này: “Trái ngược với một số tuyên bố, nhiều người trong các cộng đồng y tế, sức khỏe cộng đồng và giới khoa học nhất trí rằng có tồn tại một mối quan hệ giữa bạo lực trên truyền hình với sự hung hăng và bạo lực ở giới trẻ. Việc xem xét đầy đủ các bằng chứng được tích lũy trong 40 năm - và chúng ta đang nói về 3000 nghiên cứu khác nhau - đã khiến các nhà nghiên cứu kết luận rõ ràng rằng phương tiện truyền thông đại chúng góp phần đáng kể vào hành vi và thái độ hung hăng của nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và tất nhiên, cả người lớn”.
Tuy nhiên, sức mạnh của phương tiện truyền thông với những tác động tiêu cực đến thái độ và hành vi của trẻ em lại có thể được sử dụng để tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Điều tra về Ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria (2000: 35): “Bằng chứng định tính cho thấy rằng các chương trình truyền hình chất lượng dành cho trẻ em có thể nâng cao sự phát triển của trẻ bằng cách cung cấp các mô hình tích cực về sự hợp tác và cộng tác như những cách thức hành động có trách nhiệm trên thế giới”.
Thật vậy, việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng một cách xây dựng có thể hỗ trợ dạy trẻ em và người trẻ những cách thức mà xã hội mong muốn để ứng phó với các xung đột, kiến thức về quyền được toàn vẹn và được bảo vệ khỏi bị tổn hại, về những thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, cũng như cách khẳng định bản thân và quyền của trẻ được đối xử một cách tích cực và có thể được chấp nhận.
Như đã đề cập trong Cuộc điều tra về Ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria (2000: 37), những đánh giá về các chương trình truyền hình giáo dục, được thiết kế cho trẻ mẫu giáo hoặc trẻ lớn hơn, đã gợi ý hiệu quả của chúng trong việc “tăng cường cho các hành vi có tính xã hội” (Friedrich và Stein 1973), giảm thiểu “tác động của sự rập khuôn” (Johnston và Ettema 1982), gia tăng việc “chuẩn bị cho tuổi vị thành niên” (Singer & Singer, 1994), và kích thích thảo luận về “giải pháp cho các vấn đề xã hội nói chung” (Johnston, Bauman, Milne, và Urdan 1993). Nghiên cứu cho thấy rằng, ít nhất trong ngắn hạn, việc xem các chương trình truyền hình như vậy có thể nâng cao hiểu biết và những thay đổi tích cực thái độ và hành vi của trẻ em và người trẻ. Rủi thay, những nghiên cứu theo chiều dọc (longitudinal studies) đã cho thấy những tác động liên tục lâu dài thì hiếm thấy và do vậy, đã không có tính thuyết phục.
Cuộc Điều tra về Ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria (2000: 33) lưu ý thêm rằng truyền hình “là một trong những hình thức giải trí và truyền thông đại chúng phổ biến nhất ở Úc [và] chưa được sử dụng nhiều như một phương tiện để giáo dục”, và gợi ý rằng có lẽ với tầm nhìn hạn hẹp đã khiến việc sử dụng đồng thời truyền hình vừa để giải trí vừa cho giáo dục đã không được công nhận đầy đủ. Mặc dù vậy, Postman (1994) đã lập luận rằng truyền hình đang nhanh chóng trở thành một kiểu “chương trình giảng dạy đầu tiên” (the first curriculum), để các cơ sở giáo dục như trường học sẽ nối tiếp theo sau.
Theo Cuộc điều tra về tác động của truyền hình và truyền thông đa phương tiện đối với trẻ em và gia đình ở Bang Victoria (2000: 1): “Một điều mà các nhà phê bình và những người bảo vệ truyền hình đồng ý rằng nó là một phần trung tâm và phổ biến của cuộc sống hiện đại. Trẻ em có thể dành nhiều thời gian xem tivi hơn bất kỳ hoạt động nào khác ngoại trừ giấc ngủ… Đó là một lực chính cho việc xã hội hóa trong cuộc sống của trẻ em”.
Các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên phương tiện truyền thông đại chúng (Mass media education and prevention campaigns) có thể được thiết kế để nhắm đến trẻ em và người trẻ, cung cấp cho họ những thông tin hữu ích và cảnh báo họ về các lộ trình để có thêm thông tin, trợ giúp và hỗ trợ. Các chiến dịch cũng có thể sử dụng các chương trình truyền hình thông thường dành cho trẻ em. Dựa trên nghiên cứu của Baran, Chase và Courtright (1979) và Forge & Phemister (1987), Cuộc điều tra về Ảnh hưởng của Truyền hình và Truyền thông đa phương tiện đối với Trẻ em và Gia đình ở Bang Victoria (2000: 15) cho biết: “Trẻ em. . . đã thể hiện hành vi hợp tác sau một lần quan sát chỉ một tình tiết về hành vi xã hội tích cực trong một bộ phim truyền hình thương mại… và phim hoạt hình với thông điệp xã hội tích cực đã tạo ra những hành vi tích cực ở trẻ mẫu giáo…”
Những người tổ chức chiến dịch có thể tiếp cận các nhà sản xuất chương trình truyền hình dành cho trẻ em nổi tiếng yêu cầu họ kết hợp các thông điệp, chẳng hạn như quyền của trẻ được toàn vẹn về thể chất và được bảo vệ khỏi bị tổn hại, đồng thời mô tả các hành vi bảo vệ mong muốn, chẳng hạn như tìm kiếm sự giúp đỡ nếu trẻ cảm thấy bị đe dọa hoặc không an toàn.
Hơn nữa, các chiến dịch có thể được thiết kế để mang lại cho trẻ em và người trẻ cơ hội bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề ảnh hưởng đến họ, đặc biệt nhắm mục tiêu đến đối tượng người lớn thường bỏ qua quan điểm và trải nghiệm của trẻ em và người trẻ. Ví dụ, nghiên cứu về hình phạt thể chất đối với trẻ em (Saunders, đang được tiến hành) cho thấy rằng người lớn có thể muốn nghe quan điểm của trẻ em về vấn đề kỷ luật thể chất, và những đứa trẻ được phỏng vấn trong nghiên cứu rất muốn người lớn nghe quan điểm của họ. Tuy nhiên, cho đến nay, các phương tiện truyền thông hiếm khi hỏi ý kiến trẻ em và cân nhắc quan điểm của trẻ trước khi đưa tin về hình phạt thân thể đối với trẻ em. Thật vậy, các phương tiện truyền thông thường tầm thường hóa vấn đề trừng phạt thân thể (Saunders và Goddard 1998, 1999 (a) và (b), 2000).
Tomison (1996: 77) đã lưu ý rằng Ủy ban Điều tra về Phòng chống Xâm hại Trẻ em của Vương quốc Anh (The United Kingdom Commission of Inquiry into the Prevention of Child Abuse) đã đưa ra khuyến nghị rằng các phương tiện truyền thông "hãy có cái nhìn cân bằng và thông cảm hơn về trẻ em". Tomison (1997: 25) nhấn mạnh rằng: “Với niềm tin vào tầm quan trọng của việc ‘lắng nghe trẻ em', Ủy ban cho rằng các phương tiện truyền thông nên xem xét quan điểm của trẻ em khi trình bày về một vấn đề mà trẻ em quan tâm. Ủy ban (1996) khuyến nghị rằng các phương tiện truyền thông nên có nghĩa vụ xem xét sự quan tâm tốt nhất của trẻ em đối với những câu chuyện mà trẻ em kể và rằng việc không làm như vậy sẽ trở thành cơ sở để khiếu nại lên cơ quan có liên quan”.
Như đã nêu trong Báo cáo Số 14 trong loạt bài này, “Xâm hại trẻ em và các phương tiện truyền thông” (Goddard và Saunders 2001), trẻ em có thể được khuyến khích bày tỏ quan điểm của mình thông qua các phương tiện truyền thông. UK Children Express, cũng như Youth Forum (Diễn đàn Thanh niên) trên báo Herald Sun của Melbourne là những ví dụ.
Tác động của các chiến dịch truyền thông đối với nạn nhân của lạm dụng trẻ em
Tác động của các chiến dịch truyền thông đối với cuộc sống của các nạn nhân đôi khi được báo cáo trong các câu chuyện trên báo in về họ. Viết về Annie, một nạn nhân bị cha dượng tấn công tình dục, Dixon (1993:1) đã kể lại việc Annie nhớ lại phản ứng của mình khi còn nhỏ đối với một chương trình truyền thông về lạm dụng tình dục: “Người bà của cô thoáng thấy vẻ tuyệt vọng và đau đớn trên khuôn mặt cô. Người bà (mà trước đó đã nghi ngờ chưa xác nhận) đã hỏi lại (Annie) về cha dượng của cô ấy. Annie kể rằng lúc ấy cô đã bật khóc”.
Cùng năm đó, tờ Sydney Morning Herald (1993: 6) đã đăng một đoạn về một nữ nạn nhân khác bị lạm dụng tình dục, bị tấn công bởi người bố dượng. Có thông tin cho rằng ngay trước khi dùng ô tô của mình lái xe cán qua người bố dượng, gây ra những thương tích lâu dài cho ông ấy, thì nạn nhân đã xem qua “một thông báo cộng đồng trên truyền hình về việc hãy đứng lên chống lại tình trạng xâm hại trẻ em”. Như trong nhiều trường hợp loạn luân, cha dượng của nạn nhân đã được ra tù sau khi chấp hành xong bản án mà nạn nhân cho rằng không phù hợp với tội ác mà ông ấy đã gây ra cho cô.
Trong The Age năm 1998, Kissane viết về Cathy Freeman và những người nổi tiếng khác, những người đã tiết lộ việc họ bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Cô ấy cũng báo cáo về kinh nghiệm của Karen Hogan, người đứng đầu Trung tâm Gatehouse của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne dành cho trẻ bị lạm dụng: “Trong tuần đó, có một bé gái nhận ra có điều gì đó đã thay đổi. Mẹ cô ấy gần đây đã gọi điện cho Hogan… để được tư vấn. Gia đình nghi ngờ bé gái bị xâm hại tình dục một thời gian trước nhưng chưa thể xác nhận. Tuần đó, cô bé đã nói với mẹ rằng: Mẹ, mẹ biết chuyện gì đã xảy ra với Cathy Freeman không? Điều đó đã xảy ra với con". (Kissane 1998: 4)
Cathy Freeman, Derryn Hinch, Angry Anderson, Debra Byrne, Oprah Winfrey, Roseanne Barr và Roger Moore là một vài trong số những người nổi tiếng đã công khai trải nghiệm bị xâm hại tình dục của chính họ khi còn nhỏ thông qua các phương tiện truyền thông. Kissane dẫn lời Joe Tucci, Giám đốc điều hành của Úc về Chống xâm hại trẻ em, một cơ quan cung cấp dịch vụ tư vấn cho trẻ em bị lạm dụng, người đã nhận xét về tác động có thể có của việc tiết lộ thông tin về người nổi tiếng thông qua các phương tiện truyền thông: “Kết quả quan trọng nhất của việc một người như Cathy Freeman lên tiếng giúp giảm bớt sự xấu hổ cho những người đến sau cô ấy… Nó kết nối chính xác những gì bọn trẻ đang gặp khó khăn. Họ nói, “Hãy nhìn vào sự can đảm mà họ đã có để bước ra và lên tiếng; Tôi can đảm, tôi đã làm một điều tương tự như Cathy Freeman và Angry Anderson”. Nó mang lại cho họ hy vọng về sự thành công, rằng họ cũng sẽ phục hồi sau khi bị lạm dụng như vậy”. (Tucci, được trích dẫn bởi Kissane 1998: 4)
Tác động của một chiến dịch truyền thông có thể rất ấn tượng và sâu rộng khi nó đang diễn ra, và có lẽ trong một thời gian ngắn sau đó. Tuy nhiên, các chiến dịch thu hút sự chú ý đến lạm dụng trẻ em sẽ hiệu quả hơn nếu chúng được tiếp diễn (Calvert 1992). Các chiến dịch truyền thông đại chúng có khả năng khiến xã hội đối mặt với bản chất khủng khiếp của nhiều vụ xâm hại trẻ em. Các chiến dịch như vậy cũng có thể giáo dục công chúng về nhiều hình thức xâm hại mà trẻ em phải gánh chịu. Họ cũng có thể thu hút sự chú ý đến địa vị của trẻ em trong xã hội, làm nổi bật sự phụ thuộc và tính dễ bị tổn thương của trẻ em khi bị xâm hại và bỏ bê.
Theo Hall và Stannard (1997: 5): “Các tác động về thể chất và tinh thần của tình trạng xâm hại trẻ em là rất rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng mất khả năng học tập/làm việc trong dài hạn thông qua mức độ đạt thành tích thấp hơn, thất nghiệp và chuyện dời đổi gia đình thì ít được thấy rõ hơn. Nghiên cứu cho thấy xâm hại trẻ em cũng có thể dẫn đến hành vi phạm tội ở thanh thiếu niên. Các chi phí trong nhiều năm tới cũng tăng thêm để đáp ứng các yêu cầu [tài chính] ngày càng tăng cho các dịch vụ y tế, tư vấn, phúc lợi, cảnh sát và nhà tù”.
Các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên phương tiện truyền thông đại chúng là một phương tiện khả thi để các chính phủ được xem là đang làm gì đó liên quan đến vấn đề xâm hại và bỏ bê trẻ em. Các chiến dịch có thể hỗ trợ không chỉ trong việc ngăn ngừa những tổn hại tức thời cho trẻ em và vị thành niên, mà còn giúp giảm bớt những hậu quả kinh tế và xã hội lâu dài của tệ ngược đãi trẻ em. Tất nhiên, các chiến dịch phải được tiếp thêm lực bởi các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em, thanh niên và gia đình của họ.
Xem tiếp Phần 3
إرسال تعليق