Struggling With Mortality
Tác giả: MICHAEL SCHREINER
Nguồn: Evolution Counseling – 11/12/2018
Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu
Tất cả chúng ta đều đang phải đấu tranh với cái chết dưới nhiều vỏ bọc khác nhau của nó nhưng hầu hết chúng ta lại không nhận thức được đầy đủ về những tổn hại mà cuộc đấu tranh này gây ra cho chúng ta, hay thậm chí là chúng ta còn không nhận ra được là mình đang phải đấu tranh. Vì sao lại như vậy? Bởi nỗi lo âu hiện sinh (existential anxiety) khiến bạn yếu mềm, đau lòng và quy phục, được khơi lên bởi viễn cảnh về cái chết xuất hiện đột ngột trong ý thức, nên chúng ta buộc phải né tránh toàn bộ “gói hàng” này (the whole package) dù chưa bao giờ ta mở nó ra, hoặc thậm chí là không nhìn vào nó.
Chúng ta không phân định được đâu là cái chết đang ngầm ẩn và đâu là cảm giác lo âu đầy đau đớn mà nó gây ra. Thay vào đó, những gì chúng ta cảm nhận được lại là một con quái vật hiểm độc, không mặt mũi và rất đáng sợ. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta bỏ chạy và tìm kiếm chỗ dựa tâm linh. Chúng ta quay trở lại với những hành vi đã từng hiệu quả để tìm thấy chút nhẹ nhõm. Chúng ta chè chén quá nhiều, làm việc quá nhiều, dùng thuốc quá nhiều, ăn quá nhiều, xem truyền hình quá nhiều, hoặc xung đột quá nhiều, quan hệ tình dục vô nghĩa quá nhiều, hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào khác quá nhiều mà không giúp chúng ta phát triển, không hoàn thiện chúng ta, không tạo điều kiện để chúng ta sống cuộc sống tốt nhất của mình, không khiến chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, nhưng hành vi đó lại phục vụ chức năng đáng khao khát là giảm bớt cảm giác đau đớn từ nỗi lo âu hiện sinh.
Có lẽ lý do lớn nhất khiến chúng ta tái diễn tất cả những hành vi quá mức đó thay vì thành thật nhìn vào nguồn gốc của sự lo âu hiện sinh, đó là: chúng ta biết rằng ở một mức độ nào đó, nếu chúng ta thành thật đối diện, thì cái chết vẫn là một vấn đề không có giải pháp rõ ràng (mortality is a problem without a clear solution). Mặc dù hầu hết chúng ta đều muốn được sống, muốn được sống mãi mãi, cái chết vẫn là định mệnh của chúng ta(death is our destiny). Chúng ta vẫn có thể chống lại sự thật không thể thay đổi đó bằng bất kỳ cách nào chúng ta muốn nhưng dòng chảy của thời gian vẫn cứ trôi đi như vậy trong nhịp điệu ổn định của nó.
Có một số những biển báo (signposts) dọc theo đường đời của chúng ta, nhắc nhở chúng ta về sự thật này, đưa viễn cảnh của cái chết một cách tinh tế hoặc mạnh mẽ vào sự nhận biết có ý thức của chúng ta. Sinh nhật, cái chết của những người thân yêu, chia tay, thay đổi nghề nghiệp, chuyển chỗ ở, những thay đổi trong cơ thể, và vô số những diễn biến khác được coi là những “sự kiện tử vong” (mortality events) khiến chúng ta ngập trong lo âu. Trong trạng thái lo âu này và tầm nhìn phiến diện đầy tuyệt vọng mà sự lo âu kéo theo, chúng ta rất khó tìm ra ranh giới rõ ràng, hiển nhiên, trực tiếp giữa nỗi lo âu đau đớn của chúng ta và “sự kiện tử vong” đã gây ra nó ngay từ lúc đầu. Tất cả chúng ta đều đang phải đấu tranh với cái chết, chỉ là không phải tất cả chúng ta đều biết điều đó.
Điều chúng ta cần phải làm nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống trọn vẹn, nếu chúng ta muốn “trở thành như cách chúng ta nên trở thành”, chính là dựa vào nỗi lo âu hiện sinh được gợi ý bởi viễn cảnh về cái chết, thực sự hoặc mang tính tượng trưng, thay vì tiếp tục chạy trốn khỏi nó thông qua những hành vi quá mức hay những cơ chế phòng vệ khác. Chúng ta phải lấy hết can đảm lặn xuống biển sâu bên dưới bề mặt tâm trí để có thể thấy rõ hơn có bao nhiêu hành vi phá hoại của chúng ta, trong khi được hợp lý hóa bằng một số lý do chính đáng, trên thực tế là biểu hiện của một nỗ lực tuyệt vọng để giữ viễn cảnh về cái chết trong tình trạng vô thức và để giữ cho sự lo âu bắt nguồn từ viễn cảnh này ở một khoảng cách an toàn.
Lo âu hiện sinh không phải là kẻ thù, mà là bạn của chúng ta. Đó là một chiếc đồng hồ báo thức. Báo thức có thể gây khó chịu nhưng chúng tồn tại để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có một cuộc hẹn mà chúng ta cần phải giữ. Lo âu hiện sinh là chiếc đồng hồ báo thức nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có một cuộc hẹn với cuộc đời, cuộc đời của chúng ta. Đó là chiếc đồng hồ báo thức nhắc nhở chúng ta rằng có một điều gì đó đe dọa đã xảy ra với chúng ta hoặc có thể sắp xảy ra với chúng ta và điều này đòi hỏi tất cả sự chú ý đầy quan tâm, trắc ẩn của chúng ta ngay bây giờ. Nó đòi hỏi chúng ta hoặc là có một số thay đổi hữu ích nhất định trong hành vi của mình, hoặc là đau buồn về những gì chúng ta đã mất để tiếp tục với những gì chúng ta hiện có. Cho đến khi nào chúng ta còn tái diễn các cơ chế phòng vệ ưa thích khác nhau và các hành vi quá mức của mình thay vì thẳng thắn đối mặt và nhìn nhận cái chết vốn là căn nguyên thực sự của nỗi lo âu hiện sinh mà chúng ta vẫn giữ nguyên, thì chúng ta vẫn ở trong trạng thái trì trệ (stagnation), chúng ta vẫn ở trong cùng một lối mòn mà chúng ta đã tự khắc phục trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ không phát triển và chắc chắn chúng ta sẽ không học được bất cứ điều gì có thể áp dụng cho cuộc sống của mình trong tương lai. Chúng ta phớt lờ, kìm nén, phóng chiếu, đổ lỗi, gây chiến, bám dính, truy tìm, căm ghét và tuyệt vọng. Nhưng chúng ta sẽ không phát triển.
Chúng ta có lẽ không thể thay đổi điều không thể thay đổi, chúng ta có lẽ không thể thay đổi số phận của chúng ta về cái chết, nhưng chúng ta có quyền tự do để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình bây giờ khi chúng ta còn có cơ hội. Chính bằng cách thành thật đối mặt với cái chết của mình, chúng ta có được động lực để quyết định sống cuộc đời tốt nhất của mình ngay bây giờ thay vì là sau này.
إرسال تعليق