TRƯỜNG HỢP ĐẦU TIÊN TẠI HOA KỲ GIÚP SOI SÁNG VIỆC NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM

Case Shined First Light on Abuse of Children
Viết bởi: HOWARD MARKEL, M.D.
Nguồn: The New York Times – 14/12/2009

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN - Dịch từ tháng 12/2013


Cô bé Mary Ellen lúc mới được phát hiện bị bạo hành


 “Mẹ có thói quen quất roi và đánh đập cháu gần như mỗi ngày”, đứa bé gái xác nhận “Mẹ đã từng đánh cháu bằng một chiếc roi da”

“Cháu có mấy vết lằn thâm đen trên đầu do bị mẹ quất roi, một vết cắt trên trán bên trái do mẹ đã cầm kéo đánh cháu và cắt da cháu... Cháu chưa bao giờ dám nói với ai, vì nếu cháu nói, cháu lại sẽ bị quất roi”.

Những lời nói kia nghe sao có vẻ quen thuộc một cách buồn bã, bởi vì chúng có thể được đọc từ những trang báo hoặc được nghe từ một chương trình truyền hình, như trong cuốn phim được công chiếu năm 2009, có tựa đề Precious (Con Yêu), mô tả trường hợp một bé gái ở khu Harlem bị xâm hại về tinh thần và về tình dục.

[Chú thích: Precious: Là một bộ phim chính kịch Mỹ năm 2009, do Lee Daniels đạo diễn và đồng sản xuất. Kịch bản được viết bởi Geoffrey S. Fletcher, được chuyển thể từ tiểu thuyết Push của Sapphire năm 1996. Phim có sự tham gia diễn xuất của Gabourey Sidibe, người đóng vai một phụ nữ trẻ đấu tranh chống lại đói nghèo và ngược đãi – ND]

Tuy vậy, sự thật thì đoạn trích dẫn trên được lấy từ trường hợp của Mary Ellen McCormack xảy ra vào năm 1874, sẽ được mô tả dưới đây, một bé gái 10 tuổi sống tại Phố Tây 41, khu vực Hell’s Kitchen của Manhattan. Chính trường hợp Mary Ellen sau cùng đã giúp mọi người động tâm hơn về tình trạng xâm hại trẻ em và từ đó thúc đẩy một chiến dịch của những người cải cách nhằm hướng đến việc phòng ngừa tình trạng này và bảo vệ những nạn nhân của nó, một nỗ lực vẫn còn tiếp tục mãi đến hôm nay.

Điều đáng chú ý là trường hợp này ban đầu được nêu ra bởi một tổ chức có tên là “Hiệp hội Phòng tránh Hành hạ Động vật Hoa Kỳ” (ASPCA: American Society for the Prevention of Cruelty to Animals). Vào năm 1874, tại Hoa Kỳ chưa có luật bảo vệ trẻ em đối với hành vi xâm hại thân thể bởi cha mẹ của trẻ. Đây là thời kỳ của “sự thừa thãi roi vọt và làm tổn hại trẻ em” và cha mẹ lúc đó có thể trừng phạt và gây tổn thương cho con cái mà không bị phê phán hoặc xử lý gì cả.

Mary Ellen bị mồ côi từ thuở bé. Cha cô bé, Thomas Wilson, là một người lính Liên bang bị thiệt mạng trong trận đánh lần thứ hai tại Cold Harbor, bang Virginia [Thời kỳ Nội chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ - ND]. Mẹ cô, Frances, gửi cô bé đến ở với một phụ nữ sống tại Mulberry Bend, trên bờ Đông của hạ lưu sông, trong lúc bà đi làm thợ giặt suốt hai ca tại khách sạn St. Nicholas.

Việc gửi con tiêu tốn đến 2$ mỗi tuần, gần hết số tiền trợ cấp quá phụ của bà. Do vậy khi bà bị mất việc làm, bà đã không thể gánh nổi việc nuôi dưỡng con gái và buộc phải gửi con đến cơ sở mồ côi thành phố ở Blackwells Island.

Vài năm sau, Mary Ellen được gửi cho một cặp vợ chồng ở Manhattan, Thomas và Mary McCormack. Nhưng Thomas mất sớm sau khi trẻ được nhận nuôi và vợ ông sau đó đã cưới Francis Connolly. Rồi cuộc sống nặng nề và không hạnh phúc đã dẫn đến việc bà mẹ nuôi hành hạ thể xác đối với Mary Ellen.

Có đôi lần vào cuối năm 1873, những người hàng xóm đã để ý đến việc đứa bé bị bỏ bê và đánh đập thậm tệ. Họ đã trình báo với cơ quan cứu tế công cộng. Ngay cả vị điều tra viên kinh nghiệm được phân công phụ trách trường hợp Mary Ellen là Etta Angell Wheeler cũng cảm thấy bị sốc và cũng thấy phải nỗ lực làm một điều gì đó với chuyện này.

[Chú thích: Etta Angell Wheeler là một nhà truyền giáo thuộc Phong trào Giám lý Methodist, được xem là ân nhân của cô bé Mary Ellen và là người về sau đã tích cực vận động cho việc chống lại bạo hành đối với trẻ em – ND]

  
Từ trái sang phải: Etta Angell Wheeler, Henry Bergh và Elbridge Gerry


Thất vọng vì thiếu luật bảo vệ trẻ em, Wheeler đến với ASPCA và việc làm này đúng là một động thái khôn ngoan. Hoàn cảnh của Mary Ellen đã khiến cho vị sáng lập hiệp hội này, Henry Bergh, lập tức hình dung cô bé giống như những con ngựa mà ông vẫn thường cứu vớt khi bị chủ nhân thường xuyên bạo hành, và cô bé cũng giống như một thành viên đang bị tổn thương trong “vương quốc các loài vật” cần được bảo vệ của bang.

Bergh liền mời một luật sư rất ưu tú lúc đó là Elbridge Gerry, và ông này trình báo trường hợp Mary Ellen cho Tòa án tối cao của bang New York. Áp dụng điều luật cưỡng chế, Gerry khẳng định có lý do để tin rằng Mary Ellen sẽ nhận chịu những tổn thương không hồi phục được trừ khi cô bé được đưa ra khỏi nhà của cô.

Thẩm phán Abraham R. Lawrence đã ra lệnh mang đứa trẻ đến phòng xử án. Lời chứng thực đến đau lòng của cô bé sau đó đã được đưa tin nổi bật trên tờ The New York Times ngày hôm sau, 10-4-1874, dưới nhan đề “Sự hành xử vô nhân tính đối với một đứa trẻ lạc loài” (Inhuman Treatment of A Little Waif).


Căn phòng làm nơi ở của Mary Ellen khi cảnh sát phát hiện


 
Mary Ellen lúc vừa được giải thoát


Bài báo có nêu “Đó là một bé gái gương mặt sáng sủa, với nhiều nét cho thấy bé có những khả năng tinh thần phi thường, nhưng đầy vẻ tiều tụy, mệt mỏi và già trước tuổi. Tình trạng sức khỏe cũng như số quần áo hạn hẹp mà cô bé đang có cho thấy rõ rằng sẽ không thể có cách nào để thay đổi tình trạng giám hộ nhằm cải thiện tình hình của bé”.

Bà Connolly bị quy trách nhiệm và buộc phạm các tội hành hạ và đánh đập. Mary Ellen sau đó không bao giờ quay trở lại nhà mẹ nuôi nữa, nhưng ngôi nhà tạm dành cho các trẻ vị thành niên phạm pháp cũng đã chẳng giúp cô bé cải thiện gì nhiều. Với lòng nhân hậu, cô Etta Wheeler cùng mẹ và em gái đã tình nguyện nuôi dưỡng Mary Ellen tại vùng nông thôn North Chilli, ngoại thành Rochester, N.Y.

Ở tuổi 24, Mary Ellen kết hôn với Louis Schutt. Hai người có với nhau hai con, cùng sống chung với ba đứa con riêng của Schutt từ cuộc hôn nhân trước, và Mary Ellen đã vượt lên trên số phận của mình bằng cách nhận nuôi một đứa bé gái mồ côi. Theo những gì người ta được biết, Mary Ellen đã là một người mẹ có tấm lòng cao cả và biết chăm lo con cái. Bà mất vào năm 1956, thọ 92 tuổi.


Mary Ellen vào những năm cuối năm cuối đời


Trường hợp của Mary Ellen đã khiến Bergh, Gerry, cùng với một nhà hảo tâm có tên John D. Wright, sáng lập nên Hiệp hội Phòng chống Bạo hành Trẻ em ở bang New York (New York Society for the Prevention of Cruelty to Children) vào tháng 12-1874. Người ta tin rằng đây chính là cơ quan bảo vệ trẻ em đầu tiên trên thế giới.

Trong những năm tháng kể từ ấy, hiệp hội đã cứu giúp hàng ngàn đứa trẻ bị đánh đập, thiết lập những nhà lưu trú để chăm sóc chúng, cùng làm việc với các cơ quan và các nhóm có nhiệm vụ tương tự ở các thành phố trên toàn Hoa Kỳ, để xây dựng các luật xử phạt những phụ huynh ngược đãi con cái.

Đã qua rồi cái thời mà những con ngựa thồ được pháp luật bảo vệ nhiều hơn cả trẻ con. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện hàng loạt các chương trình đa dạng, nhiều công cụ, phương thức chẩn đoán và báo cáo, những ngôi nhà an toàn, cùng nhiều cách thức bảo vệ bởi luật pháp, nhằm bảo vệ trẻ con thoát khỏi sự bạo hành về thân thể và tình dục.

Thế nhưng mỗi ngày, tại Hoa Kỳ, vẫn có khoảng 3 đứa trẻ bị chết do bị cha mẹ ngược đãi. Nhiều trường hợp vẫn không được phát hiện và bị ngược đãi theo những cách thức rất nguy hại. Câu chuyện của Mary Ellen nhắc nhở chúng ta một phương trình đơn giản: Mức độ một xã hội quý trọng trẻ con của mình như thế nào có thể được đo lường bởi mức độ chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong xã hội ấy.


Post a Comment

To be published, comments must be reviewed by the administrator *

أحدث أقدم
Post ADS 1
Post ADS 1